Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhân đọc "Chuyến công tác" của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao

Lê Lanh
Thứ sáu ngày 31 tháng 5 năm 2013 5:36 AM


NHÂN ĐỌC: “ CHUYẾN CÔNG TÁC CUỐI CÙNG CỦA NHÀ VĂN LIỆT SỸ NAM CAO” ( TRẦN THỊ HỒNG, V.N số 30. 2007)

Tôi ở làng Thượng Hòa,cách làng Mưỡu Giáp một cánh đồng. Trước cải cách ruộng đất nông dân hai làng cùng cấy cầy trên những thửa ruộng liền bờ. Là người địa phương nên tôi hiểu rất rõ địa hình nơi Nam Cao hy sinh. Vì hiểu chính xác vị trí dòng sông, bến đò, con đường, cánh đồng,dãy núi...chúng ta có thể nhận ra lời kể nào trong bài viết của tác giả Trần Thị Hồng  là chưa chuẩn xác.
 Trước cải cách ruộng đất(CCRĐ), xã Gia Trấn gồm mười một thôn : Mưỡu Giáp, Vũ Đại, Cung Quế, Gián Khẩu, Thượng Hòa....Sau CCRĐ, Xã Gia Trấn được chia thành ba xã: Gia Xuân, Gia Trấn, Gia Thanh. Nam Cao hy sinh trước CCRĐ.
Quốc lộ 1A  từ phía Hà Nội chạy qua xã Gia Trấn theo hướng Bắc Nam. Phía Tây con đường này là thôn Mưỡu Giáp, cánh đồng, núi, quốc lộ12, thôn Thượng Hòa...  Phía Đông là thôn Vũ Đại, thôn Cung Quế, thôn Gíán Khẩu...Sông Đáy bao lấy xã và là danh giới giữa Ninh Bình, Nam Định, là phòng tuyến của giặc Pháp. Quốc lộ 12(cũng ở phía Tây), theo hướng Tây- Đông,  từ phía huyện Nho Quan chạy qua thị trấn Me rồi cắt quốc lộ1A tại ngã ba Gián Khẩu, ngăn cách xã Gia Tân với cánh đồng Mưỡu Giáp  . Sông Hoàng Long chạy song song theo quốc lộ12, cũng từ phía Nho Quan - Me về gặp sông Đáy ở Gíán Khẩu, là danh giới giữa huyện Gia Viễn và huyện Gia Khánh. Tất nhiên đường và sông còn cách xa nhau bởi những làng, xã, ruộng đồng thuộc địa phận Gia Viễn                                                         
Thôn Mưỡu Giáp cách qốc lộ1A vài trăm mét,phía Tây là núi Mưỡu,có thập ác lớn dựng ở trên đỉnh. Dưới chân núi là nghĩa địa, cách thôn khoảng từ 300m. Cả thôn và núi nhìn về phía đông nam đều cách ngã ba Gián Khẩu và quốc12 liền kề một cánh đồng.
 Xin phép được hỏi ông Phan Văn Phán: Thời ấy, ông là bí thư huyện ủy huyện Yên Mô, Ninh Bình, được trưng tập đi phục vụ chiến dịch. Không hiểu sao ông lại sát nhập vào đoàn cán bộ thuế nông nghiệp của Trung ương, xuất phát từ Việt Bắc? Tất nhiên ông không thể là một cán bộ giao liên? Ông nói: “…qua bến đò sông Đáy…” cụ thể ở địa phương nào?Bến đò Cung Quế cũng là bến đò sông Đáy!  Nếu đoàn cán bộ từ chùa Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, Gia Khánh tới triền núi Mưỡu thì phải qua một miền đất thuộc địa phận Gia Khánh. Cũng chẳng rõ đồng cạn hay đồng sâu?Rồi đoàn phải qua đò ngang sông Hoàng Long chứ sao lại đi đò dọc?Và từ đó qua xã Gia Tân, huyện Gia Viễn. Rồi vượt quốc lộ12,sang cánh cánh đồng Mưỡu mới tới triền núi?  Ông Phán kể: “...đoàn công tác sắp cập bến,bất ngờ, trong rặng tre nhô ra hàng loạt họng súng...”. Bến đây là bến nào? Phải là bến đò Cung Quế mới là cái đích của đoàn.Nếu mới ở đầu núi nhô ra thì phải là cánh đồng theo hướng đông nam, qua ngã ba Gián Khẩu,vượt quốc lộ1A, tiếp tục  qua cánh đồng mới tới được đích. Nếu đoàn từ triền núi đi ra thì tức là đi ngược chiều với nơi xuất phát( chùa Áng Ngũ, xã Ninh Hòa)…( xem sơ đồ)
 Cũng xin được nghĩ lại “ lời kể của đồng bào”: Thời kháng chiến,tôi thường sang thôn Mưỡu học chữ nên đường ngang, ngõ tắt, tôi thuộc như lòng bàn tay. Từ quốc lộ1A vào thôn, men theo lũy tre phía bắc chỉ có một con đường sỏi. Xung quanh thôn là những lũy tre bao bọc, bên trong có nhiều ao và sâu. Nhà thờ ở giữa thôn rất đồ sộ, có sân nhìn ra cánh đồng phía nam, không có ao. Nếu “đồng bào…ra sức cầm  nón…hất miệng nón, nhằm báo cho cán bộ là đang có địch…” thì chỉ có một cách là trèo lên ngọn tre để “hất..” Chốn nhà thờ tôn nghiêm cũng chẳng ai cho các bà, các chị, chân lấm tay bùn vào sân mà làm cái việc vệ sinh hình thể. Chính tôi, ngày ấy,  theo bạn ném con chim sẻ đậu trên tháp nhà thờ đã bị thày giáo đuổi học một tuần lễ. Chưa kể đến chuyện thôn Mưỡu, nhân dân theo đạo giáo toàn tòng, thời đó rất nhiều thanh niên đi lính bảo hoàng.( Cả thôn chỉ có hai gia đình đi theo cách mạng). Chúng ta thừa hiểu quan hệ giữa Pháp và những người đi đạo giáo ở thời kỳ đó là như thế nào. Hơn nữa, trước khi qua địa phương nào, đoàn công tác phải nắm được tình hình chính trị ở đó. Đoàn công tác đi về hướng bến đò Cung Quế để sang đất Nam Định… thì “ tiến vào..” thôn Mưỡu để thăm hỏi ai trong hoàn cảnh nước lửa ấy?
Xin cung cấp thêm cho bạn đọc một câu chuyện do ông Văn Quân, nguyên là giảng viên trường đại học nông nghiệp 1( ông là con một cố  lão thành cách mạng, nguyên trưởng ty bưu điện thành phố Hà Nội, người thôn Mưỡu) kể: “ .Buổi chiều hôm ấy,từ sân nhà thờ nhìn ra cánh đồng thì thấy một chiếc thuyền trên có bốn người đi từ phía Me - Nho Quan ( Nho Quan tiếp giáp với Hòa Bình về phía Tây…), men theo quốc12, tiến về phía ngã ba Gián Khẩu. Bọn giặc đang đứng gác ở sân, ra sức gọi nhưng thuyền không vào.( Xin chú thích về tình hình hoạt động của giặc ở vùng này: Chúng đóng chốt ở bốt Hoàng Đan, trên đất Nam Định,làm nhiệm vụ phong tỏa ngã ba đường và ngã ba sông. Ban ngày, thỉnh thoảng   đi càn ở các vùng lân cận, đến tối lại rút về.Nhưng lần này, có quân tăng cường,  tấn công sang thôn Mưỡu và chốt lại qua đêm.Có thể chúng  “ đánh hơi”thấy đoàn công tác của ta từ Việt Bắc về  nên đã cho quân, phong tỏa khu vực cánh đồng mà con thuyền có thể đi qua  ).  Giặc cho một chiếc thuyền đuổi theo, trên thuyền chỉ có một thằng Tây . Tất nhiên là có vũ khí.Thế mà tên giặc đã  bắt  được cả bốn người.Chúng  giam các ông  tại nhà bà Ba Thiềm, cách tường bao nhà thờ một cái ao bèo.Mọi người đứng ở ngoài đường vẫn nghe rõ tiếng đấm đá, tra khảo của bọn ác ôn. Không khai thác được gì,chúng cho loan báo  giáo dân, đúng 12 giờ đêm hôm ấy(30.11.1951) tập trung tại sân nhà thờ xem xử bắn bọn cộng sản. Trước khi bắn, chúng lấy khăn bịt mắt, nhưng các ông nói : “không cần”rồi dật khăn ra. Bắn xong, chúng quăng xác  xuống ao ,.Mình còn nhớ như in chân môt ông trong đó còn dãy dãy.Bọn sát nhân dọa: “ đứa nào vớt, cho chôn luôn thể”.  Sớm hôm sau, giặc rút , một  ngôi mộ lớn hiện lên bên đường 1A, ở đoạn đầu làng Vũ Đại”( tên làng trùng với tên làng Vũ Đại trong tác phẩm “Chí phèo”của Nam Cao).Khi cải táng mới chuyển về nghĩa trang thôn Vũ Đại. Đến năm cải cách ruộng đất thì được quy tập lên nghĩa trang huyện Gia Viễn…
Ông Văn Quân kể chuyện trên trong một cuộc họp mặt bạn đồng hương. Nghe chuyện xong, tôi hỏi:
-Hồi đó,anh bao nhiêu tuổi? anh nói, chúng bắt được bốn ông, tại sao khi cải táng chỉ nghe nói có ba bộ hài cốt?
-Năm đó mình 15 tuổi, được chứng kiến toàn bộ sự việc. Vì còn ở tuổi ngoài vòng pháp luật nên được tự do đi lại, xông xáo, dòm ngó… Tuy nhiên sau này còn được nghe người nhà và nhiều người có mặt trong đêm xử bắn,  kể đi kể lại  nữa. Còn bốn ông mà chỉ có ba bộ hài cốt thì mình chịu, không hiểu nổi. Có thể, một người chèo đò là dân địa phương, được cha cố xin cho. Chi tiết này là nghe đồn đại, chứ chưa chính xác.
          L. L 

GHI CHÚ : XEM SƠ ĐỒ KHU VỰC NHÀ VĂN N AM CAO HI SINH

 Địa chỉ: Lê Văn Lanh_7/92 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội ĐTNR: 8589870