Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bình bài thơ “Thư a,v,c” của Phạm Đình Ân

Lê Lanh
Thứ tư ngày 29 tháng 5 năm 2013 8:22 PM

 
Thư a,b,c

Chị hí hoáy viết thư
Nhanh nhảu bé bắt chước
Thư chị dài, dài, dài
Bé làm sao theo được.

Bé chỉ a, b, c
Đầy trang đều thế hết
Cũng phong bì , cũng tem
Chị nom , cười khúc khích

Nghìn thư đến Trường Sa
Riêng thư này lạ nhất
Nhiều anh cười rất tươi
Nhiều chú lau nước mắt.
            Phạm Đình Ân
 

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH: Thoáng đọc ta nghĩ “chị” viết thư cho bố , cho anh , hoặc cho chú ..... Nhưng khi đọc đến đoạn cuối thì mới vỡ lẽ “chị” và “bé” viết thư động viên các anh , các chú bộ đội Trường Sa . Dù chị viết thư cho ai thì bé cũng có thể bắt chước . Cử chỉ bắt chước là một thuộc tính của trẻ nhỏ . Vấn đề là người lớn phải hướng sự bắt chước đó theo chiều có lợi cho tương lai mầm non . Trong thư a,b,c chị chưa phải là người lớn , nhưng đã có phẩm chất của một người chị , biết chiều em , biết hướng em làm những điều có lợi cho cuộc sống : “ Chị hí hoáy viết thư / Nhanh nhảu bé bắt chước”  Thơ vốn kiệm lời , nên không thể  nói hết được những gì mà chị đã tạo điều kiện cho bé làm theo mình . Có thể cho giấy , lấy bút mực , kể cả sắp xếp chỗ ngồi ..... Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống , cũng không thiếu những người chị thấy em bắt chước thì  không những không quan tâm, nâng niu , tạo điều kiện mà còn ngăn chặn , diễu cợt, xúc phạm đến nhân cách của em : “Làm chị khó lắm / Phải đâu chuyện đùa” . Cũng từ đó mà chúng ta thấy được hình ảnh của người chị trong “Thư a,b,c” rất đẹp , rất đáng trân trọng , mến yêu . Mới ở độ tuổi thiếu nhi mà đã có ý thức công dân , khiến người lớn cũng phải nể trọng.Đã thế còn truyền ý thức ấy sang cho bé. Bé tiếp nhận bằng hành động bắt chước . Chị viết thư, tất nhiên phải có trình độ  đọc thông viết thạo nên “Thư chị dài , dài ,dài” . Còn bé trình độ “chỉ a,b,c”. Sự bắt chước thiên về bản năng nên thư bé “ đầy trang đều thế hết”. Nghĩa là nếu thư chị chứa bao tình cảm đối với các chiến sĩ ở ngoài hải đảo thì thư bé “đầy trang” chỉ có ba chữ cái a,b,c . Hết dòng này sang dòng khác “đều thế hết” . Nội dung không nói lên điều gì cụ thể , nhưng lại nói rất nhiều . Đó là sự ngây thơ , ngộ nghĩnh , đáng yêu , đáng quí của bé.
 Lạ thay, thư không nói điều gì mà các anh, các chú lại vô cùng hiểu: “Nhiều anh cười rất tươi” . Vì đã đồng cảm được sự ngây thơ, ngộ nghĩnh ấy . “Nhiều chú lau nước mắt” xúc động  trước cử chỉ bắt chước  đáng yêu kia . Và cũng từ “Thư a,b,c” mà các chú đã nhớ tới những đứa con bé bỏng trên quê hương xa cách mấy ngàn trùng. Tuy nhiên, các chú vẫn nén sự nhớ thương đó để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng , bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Tác giả sử dụng động từ “lau” chứ không dùng động từ “rơi”để diễn tả tinh thần hy sinh tình cảm cá nhân,tình cảm gia đình vì sự nghiệp chung của các chiến sỹ. Hai câu thơ cuối cùng, tạo tình huống bất ngờ, làm tăng giá trị bài thơ .
 Trong“ Thư a,b,c”, trình độ  “ Bé chỉ a,b,c”mà viết được một bức thư đạt yêu cầu động viên các anh, các chú bộ đội Trường Sa hơn mọi bức thư  có trình độ đọc thông viết thạo của các anh chị lớn tuổi hơn.