Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vài kỉ niệm với nhà thơ, đại tá Tạ Hữu Yên

Lê Hồng Thiện
Thứ bẩy ngày 1 tháng 6 năm 2013 5:46 AM

Tôi quen biết nhà thơ Tạ Hữu Yên (sinh năm 1927 quê xã An Ninh- Hoa Lư- Ninh Bình) từ năm 1981, ngày ấy ông còn là biên tập thơ của nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Năm 1981, Hội văn nghệ tỉnh Hải Hưng (cũ ) có mời ông đọc bản thảo cho trại sáng tác do Hội văn nghệ Hải Hưng tổ chức. Nhờ vậy mà tôi quen ông rồi trở thành thân thiết. Ông đã từng đạp xe hai lần từ Hà Nội về Hưng yên, rồi từ Hưng Yên về Hà Nội- một lượt là 64km. Năm đó ông đã gần 60 tuổi. Có lần ông về tận Thái Bình thăm một bạn thơ là Phan Đức Chính- xa gấp đôi Hà Nội-  Hưng Yên, ông cũng ghé thăm tôi. Thỉnh thoảng ông in được tập sách mới nào cũng gửi cho tôi qua đường bưu điện. Từ ngày ông về hưu (1989) đến nay thì tôi hầu như không được gặp ông. Bởi một lẽ là trước ông làm việc ở 23 Lý Nam Đế (nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Tôi từ Hưng Yên lên gặp ông rất gần, qua cầu Long Biên đi bộ mấy trăm mét là đến. Còn giờ ông ở khu tập thể Trương Định phải đi vài cây nữa.
    Là nhà thơ có nhiều thơ phổ nhạc, trên 150 bài thơ được phổ nhạc. Trong đó có các bài nổi tiếng như: ‘Đất nước” nhạc Phạm Minh Tuấn, “Đôi dép Bác Hồ” nhạc Văn An, “Nghe giọng Bác Hồ” nhạc Thanh Phúc, “Trên đường hạnh phúc”, “Cảm xúc tháng mười”, “Đôi bàn tay bé”,... Khi đã ở tuổi  85 mà vẫn viết khoẻ, với nhiều bút danh. Có thể nói ông là nhà thơ quân đội ở tuổi cao mà sức viết vẫn sung sức, viết đủ thể loại: tạp văn, trường ca, thơ, truyện danh nhân, truyện ký, thảy ngót 50 đầu sách. Thơ châm của ông cũng rất hóm hỉnh và sâu sắc, hầu như ngày nào bút danh của ông cũng có trên mặt báo, không báo ngày thì báo tuần, tạp chí ở trung ương và địa phương. Ngoài bút danh Lê Hữu, Nam Yên, Đông Xuân... Ông còn có bút danh Cử Tạ, Tạ Yên. Tôi nhớ ngày 13/4/1995 gặp ông tại Hà Nội- trong buổi họp công tác viên báo Người công giáo Việt Nam- ông cho biết, mỗi ngày ông dành 4 tiếng để viết và 4 tiếng để đọc. Để giữ gìn sức khoẻ, ông không bao giờ viết tối, bí quyết giúp ông có sức khoẻ tốt  là từ bỏ thuốc  lá. Trước đó, mỗi ngày ông hút từ 3 đến 5 bao thuốc. Về hưu với lương đại tá- số lương này ông để nguyên không tiêu gì đến. Mỗi tháng nhuận bút ông được khoảng 4-5 triệu đồng, còn nhuận bút báo Tết thì cứ trên dưới 10 triệu. Số tiền đó ngoài dùng để chăm sóc tuổi già, ông còn góp lại để làm việc từ thiện và giúp đỡ người già, thân nhân gặp khó khăn và xây dựng tủ sách, thư viện để phục vụ bà con giáo dân quê ông.
    Hôm ấy, sau cuộc họp ở Báo Người công giáo Việt Nam có tổ chức bữa cơm thân mật. Vì ông là người cao tuổi nhất nên Tổng biên tập mời ông ăn cơm cùng mâm với các đại biểu ở Uỷ ban MTTQ Trung ương, Ban tôn giáo Chính phủ- ông liền từ chối “Thôi để mình ăn cơm với anh em ở cơ sở các tỉnh, còn anh em ở Hà Nội gặp nhau luôn rồi”.
    Khi ngồi ăn cơm với tôi, ông nói: “Mình lâu lắm, hơn chục năm không về nhà Thiện với các cháu... nhớ quá, già yếu không đi xe đạp như trước, Thiện về nói với Tiếp (tức nhà tôi) là mình ăn cơm với Thiện bữa nay là cũng như đã về gia đình thăm Thiện, chị và các cháu rồi nhé”.
    Tôi xúc động trước câu nói mộc mạc chân tình và cũng rất khéo của nhà thơ cao tuổi mà vẫn sung sức viết này... Cũng như ông đã viết trong bài thơ “Tự cảm”.
Bạn hỏi trời ban bao tuổi thọ?
Xin thưa đang độ bẩy nhăm thôi.
Lại hỏi: Hồn còn rung nhịp điệu?
Thơ mình với nhạc vốn song đôi!

“Bạn hỏi trời ban bao tuổi thọ?” Vâng! Ở tuổi 87 hồn của nhà thơ không còn rung nhịp điệu, nhưng những vần thơ của ông vẫn mãi sóng đôi cùng nhạc và với thời gian.
Được tin đại tá nhà thơ Tạ Hưu Yên tạ thế sáng 30/5/2013, không chỉ những người giáo dân quê ông thương tiếc mà những đồng đội, bạn văn của ông không khỏi nghẹn ngào.
Nhắc lại những kỷ niệm với ông như một nén tâm nhang, cầu mong nhà thơ thanh thản cõi vĩnh hằng.

 
     
Lê Hồng Thiện