Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cần nhận ra căn bệnh trầm kha để sớm chữa.

Minh Dân
Thứ ba ngày 21 tháng 5 năm 2013 5:38 AM


Dư luận đang nóng lên về Đàn Xã tắc và dự án xây cầu vượt ở nút giao thông quanh năm liên khúc tắc và tắc! Làm thế nào để dân đỡ khốn khổ khốn nạn vì căn bệnh trầm kha này, mà vẫn bảo tồn được Đàn Xã Tắc, mới là điều cần bàn cho tỏ, để chúng ta không  xâm phạm vào Luật di sản. Viết đến đây, tôi thấy lạ một điều: ai ai đang sống trên đất Hà Nội, cũng tự hào là sống trên không gian thiêng, mảnh đất rồng thiêng, ngàn năm văn hiến! Vậy mà hết  tháp đôi  Win com nuốt đàn Nam Giao, đường Văn Cao xuyên qua  đường Hoàng Hoa Thám vốn là một đoạn của Hoàng Thành, đến cầu vượt qua Ô chợ dừa sẽ đi qua di tích Đàn Xã tắc, mặc các nhà khảo cổ kêu cứu di tích. Mấy ông giao thông tham mưu cho chính quyền thành phố chỉ nhăm nhăm giải bài toán giao thông đô thị, thấy  giải pháp cầu vượt là tối ưu, mặc mấy ông văn hóa đã công nhận di sản cấp quốc gia. Khi các giáo sư sử học khẩn cấp lên tiếng thì các bên dừng lại, ngồi bàn thảo vẫn chưa ra. Ý trên không hợp lòng dân nên dư luận mới nóng đến thế, đâu phải dân không sáng suốt, nói liều, dốt hơn mấy quan giao thông hay cho công nhân  đào lên quật xuống đường sá, đến nỗi đi trong  nội thành  mà nhiều đoạn đường xóc nẩy đom đóm mắt, bụi đường như sương mờ bốc cao, kéo dài hàng cây số, tức ngực. Căn bệnh thiển cận của các quan giao thông, xem ra còn nặng hơn căn  bệnh ách tắc giao thông, có lẽ vì họ quan niệm ở Hà Nội, cứ đào đâu chẳng ra di tích  thời Lý - Trần- Lê - Nguyễn!
 Còn  tôi cũng như bao người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, thấy xót xa, cám cảnh đô thị hóa cấp tốc và hỗn loạn, không theo quy hoạch chuẩn, đang nuốt  chửng mạch sống tự nhiên của thành phố sông – hồ. Những năm 70-80 của thế kỷ trước, đê La Thành  vẫn còn dấu tích từng đoạn đê đất cao sừng sững trên mặt đường Giảng Võ-Thành công- Ô Chợ dừa - Ô Kim Liên (tức ÔĐồng Lầm)- Ô Cầu dền- Ô Đông Mác. Lũ học trò chúng tôi đi bộ trên mặt con đê là chuyện thường.Và khúc sông Kim Ngưu chảy dưới chân đê Ô chợ dừa ra ô Kim Liên vẫn xanh rờn rau muống bè, người dân Kim Hoa ngồi trên thuyền nan hái rau, í ới gọi nhau, thanh bình vô cùng.
  Nay ô Kim Liên thành hầm đường bộ, đê La Thành và khúc sông Kim Ngưu trở thành con đường đẹp sóng đôi hai làn đường. Ấy là thành tựu của  thời công nghiệp hóa, đời sống đô thị phát triển. Nhưng cũng không thể hiện đại hóa mà bất chấp di sản văn hóa của cha ông để lại ở một di tích mang tầm quốc gia, hết sức nhạy cảm về tâm linh như Đàn Xã tắc. Hội sử học Việt nam, các TS khảo cổ đã vào cuộc tích cực vì trách nhiệm đối với quốc gia. Ý kiến của các nhà khoa học đã có nhiều căn cứ, cơ sở khoa học về giá trị lịch sử- văn hóa và biện pháp bảo vệ di tích  Đàn Xã Tắc đi đôi với cách  khắc phục nạn ách tắc thường xuyên ở nút giao thông  này mà chúng ta đã dọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, rất sáng rõ. Giáo sư Phan Huy Lê, người đã có vai trò quan trọng và kiên quyết bảo vệ di tích Hoàng Thành, nay lại một lần nữa, đem tâm huyết và trí tuệ của một nhà khoa học ra thuyết phục và kiên quyết bảo vệ đàn Xã tắc. Có lẽ nào đến nay, các quan giao thông  khi thảo dự án, dâng kế sách cho quan thành phố, vẫn không nhận ra căn bệnh trầm kha của mình để  sớm chữa?