Từ cuối tháng 3/2013 đến giữa tháng 5/2013 theo lời mời của người thân ở thành phố Houston bang Texas tôi và hai người nhà nữa đã có dịp đặt chân lên đất Mỹ. Chuyện Việt kiều về Việt Nam và người Việt sang Mỹ thăm thân nhân bây giờ đã trở thành chuyện thường tình. Để sang Mỹ bạn phải làm bản khai trực tuyến DS-160 trên mạng, thông tin về bạn sẽ được Lãnh sự quán Mỹ cập nhật ngay sau khi bạn gõ xong dòng cuối cùng. Sau đó là hẹn ngày phỏng vấn để lấy visa cũng làm qua mạng và cuộc phỏng vấn tại Lãnh sự quán Mỹ. Người Mỹ không khắt khe lắm trong chuyện cấp visa vì cả ba người chúng tôi đều đã ngoài bảy mươi tuổi.
Để đến được nước Mỹ chúng tôi phải bay chặng Hà Nội-Tokyo (Narita), quá cảnh từ Tokyo đi Dallas (Mỹ) rồi từ Dallas bay đi Houston hạ cánh xuống sân bay quốc tế George Bush (IAH). Cảm giác đầu tiên là quy mô và sự rộng lớn của các sân bay lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Narita là sân bay lớn thứ hai Nhật Bản, lớn thứ ba thế giới về quy mô vận chuyển hàng hóa và hành khách. Narita có hai nhà ga (terminal) và một nhà ga xe điện ngầm. Giữa hai terminal là xe điện ngầm và xe bus, không có lối đi dành cho người đi bộ. Sân bay có hai đường băng cất hạ cánh theo hướng Tây Bắc/Đông Nam dài 4000 m và một đường băng Đông Bắc/Tây Nam dài 3200 m. Để lên được máy bay đi tiếp bạn phải tìm đúng nhà ga (terminal) và cổng lên máy bay (boarding gate), những thông tin này được ghi trên vé hoặc hiển thị trên các màn hình hướng dẫn treo trên tường dọc theo các lối đi. Sân bay Dallas-Forth Worth (DFW) thuộc vùng đô thị Dallas-Forth Worth của bang Texas. Về diện tích đây là sân bay lớn nhất bang Texas, rộng thứ hai Hoa Kỳ và rộng thứ tư thế giới với 59 km2. Rộng mênh mông. DFW có 7 đường cất hạ cánh, có 5 nhà ga (terminal) A,B,C,D,E nối với nhau bằng tuyến xe điện ngầm chạy tự động. Terminal A có 35 cửa (gate); terminal B-31 cửa; terminal C-31 cửa; terminal D-29 cửa; terminal E-36 cửa. Nhiều nhà ga và mỗi nhà ga lại có nhiều cửa nên gây khó khăn cho người lần đầu bỡ ngỡ đến một sân bay lớn. Về đến sân bay Nội Bài, sau khi ra khỏi đường ống dẫn từ máy bay đến sân ga, sãi vài bước chân đã đến ngay băng chuyền nhận hành lý mới cảm thấy hết cái nhỏ bé của sân bay nước mình.
Ra đến băng chuyền nhận hành lý ở sân bay George Bush (IAH) chúng tôi đã được người nhà đón. Nếu không có người đón thì không biết sẽ di chuyển đến nhà người thân ở đường Royal Hill Drive cách sân bay gần 90 km như thế nào vì ở Houston và nói chung ở Mỹ không có taxi đưa đón ở sân bay hoặc chạy lòng vòng ngoài đường phố. Hai giờ chiều, trên đường cao tốc với tốc độ di chuyển hơn 100 km/giờ và đường nội đô chỉ thấy dòng xe ô tô xuôi ngược, không thấy có người di chuyển đi bộ hoặc đi bằng phương tiện khác. Ô tô là phương tiện di chuyển của người dân Mỹ, nhà có hai người đi làm ở hai sở khác nhau thì phải có riêng mỗi người một ô tô. Nếu so với Việt Nam thì giá ô tô ở Mỹ rẻ hơn nhiều, trừ những loại xe siêu sang. Nhà cửa hai bên đường nếu là nhà để ở thì chỉ có một hoặc hai tầng. Thỉnh thoảng xe băng qua một quảng đường hai bên có rừng rậm ở ngay trong thành phố. Chỉ những khu công sở hay văn phòng mới có nhà cao tầng. Người dân không có khái niệm sinh sống trong những ngôi nhà cao tầng. Khác với Việt Nam, nhà để ở của Mỹ chỉ xây một hoặc hai tầng, phía trước có sân cỏ, phía sau có vườn. Nói là xây thì không đúng vì nhà để ở không cấu tạo bằng bê tông cốt sắt mà được đóng toàn bộ bằng gỗ, sau đó mới dán tường trang trí trông như trát bằng vữa. Trên mái gỗ dán giấy lợp giả ngói. Vào bên trong những siêu thị rộng mênh mông với hàng hóa chất đầy tôi chợt nhớ đến câu của Các Mác: “ …Khi sức sản xuất ngày càng tăng và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào-chỉ khi đó người ta mới có thể vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi lên lá cờ của mình làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” tôi cảm thấy nước Mỹ thật gần với chủ nghĩa cộng sản.
Từ Houston chúng tôi bay đi Garden Grove ở California để đi thăm mộ người thân. Trên bản đồ nước Mỹ, Houston ở phía đông, California ở phía tây, cách nhau hơn ba giờ bay, trên đường bay máy bay cắt ngang sa mạc Arizona rộng lớn. Bầu trời ở Garden Grove luôn trong xanh, khí trời mát dịu vì ở gần biển. Cả năm chỉ có năm hoặc sáu lần trời mưa nên cây cối và hoa cây cảnh sống được nhờ hệ thống tưới nước tự động. Nước lấy từ sông Colorado (dài 2330 km) ở cách thành phố vài chục cây số. Khu nhà ở men theo triền đồi bao phủ cây xanh nên chúng tôi có cảm giác mình đang ở Đà Lạt hoặc Sa Pa. Ăn phở Việt ở Little Saigon, vào khu mua sắm Phước Lộc Thọ của người Việt. Nói chung có cảm giác như ở Sài Gòn vì đông người Việt, được nói tiếng Việt, giao dịch bằng tiếng Việt, đến nơi công cộng gặp nhiều người Việt.
Với bài viết này tôi muốn ghi lại một vài cảm nghĩ từ chuyến đi làm kỷ niệm và chia sẻ với bạn đọc-những người quan tâm đến chủ đề này.