Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lí thuyết tiếp nhận không chỉ là vấn đề học thuật

Pham Quang Trung
Thứ hai ngày 20 tháng 5 năm 2013 7:18 PM

   Mọi người cũng phải được quyền viết và đọc -
           K. Marx (1)

Từ ngày công cuộc Đổi mới mở ra, với tư cách là người làm lý luận, đôi khi đầu óc tôi cứ bồi hồi quanh một câu hỏi: “Tại sao mãi tới giờ ta mới được học tập, nghiên cứu và phổ biến lý thuyết tiếp nhận văn chương nhỉ?”. Ban đầu, quả là tôi chưa thật tỏ tường lắm đâu. Thế rồi càng đi sâu tìm hiểu “một nửa” của lý luận văn chương này, tôi mới dần dần ngộ ra. Và từ đó, không hiểu sao, ý thức chiếm lĩnh khoảng trời mới mẻ mà quan yếu đó càng ngày càng gia tăng trong tôi. Thì ra, cần phải xem những tri thức, tư tưởng liên quan tới tiếp nhận văn chương dù đến từ đâu, dù còn nhiều điều bất cập đòi hỏi bỏ ra không ít công/tâm sức để biện giải cho thật thỏa đáng thì rồi cũng buộc phải thừa nhận đó là một biểu hiện, một thành tựu, đúng hơn là một món quà vô giá của sự nghiệp Đổi mới. Trước tiên là dành cho những người trong giới văn chương, văn học. Khi ấy, một câu hỏi khác lại ập tới: Liệu có quá muộn màng không đấy? Muộn thì rõ rồi, nhưng suy đến cùng thì cũng không thể nào khác được. Mọi chuyện bao giờ cũng cần thời gian. Nóng vội nhiều khi chỉ làm cho chúng càng rối thêm ra! Chỉ băn khoăn một nỗi, các nhà lý luận có sớm nhận ra và cùng nhau bắt tay vào công việc khi chưa đến mức phải rung chuông báo động đỏ?
Càng thấy khâm phục những người mở đường. Chắc họ phải có tầm nhìn xa rộng cùng với lòng quả cảm hơn người. Đơn giản ư, khi nhà phê bình Hoài Thanh ngay trước thời Đổi mới một thập kỷ đã từng yêu cầu: “Cần tôn trọng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người đọc”(2)? Không hề giản đơn! Mà nếu có thông tỏ về mặt nhận thức thì cũng chưa thể thực thi ngay được. Biết bao ngáng trở đến từ nhiều phía. Có khi nằm ngay trong nhận thức giới hạn của các nhà văn học. Đáng ngại nhất ở chỗ này. Mà cần tháo gỡ trước nhất cũng từ đấy. Ngay câu nói giàu tính tiên phong của Hoài Thanh cũng mới khuôn vào “quyền làm chủ” trong việc chọn lựa và đánh giá văn chương của người đọc. Còn bao vấn đề khác, chẳng hạn làm thế nào để gia tăng “năng lực làm chủ” thật sự của người đọc - vấn đề có lẽ quyết định hơn cả “quyền làm chủ”, nào đã được đề cập? Nói vậy bởi nếu không có “năng lực làm chủ” đi liền với hiểu biết đến nơi đến chốn về đặc thù của văn chương thì nhiều khi càng quyết tâm “phát huy” “quyền làm chủ” lại càng bất lợi, thậm chí có hại. Lợi/hại nói đây là trong những đòi hỏi lành mạnh của văn chương đích thức. Do đó rất cần những tiếng nói lý thuyết được xây đắp bởi bề cao triết học và bề sâu nhân văn.
 Nhà lý luận Hoàng Ngọc Hiến kịp thời xuất hiện. Như thường thấy, ông lĩnh vai trò tiên phong trong công cuộc giải phóng tư duy bằng việc sớm đưa ra quan niệm tiếp nhận văn chương một cách đầy lý tính - cái thiếu nhất trong đời sống văn học vào thời kỳ chuyển giao cực kỳ gian khó sau 1975. Vào năm 1979, ông thẳng thắn đặt vấn đề: “Quá trình nghệ thuật vẫn được xem xét như là quá trình phản ánh. Còn có thể xem xét nó như là quá trình thông báo”. Rất uyển chuyển trong cách viết, nhưng cách nhìn thì đã thật sự khác trước: “Quan điểm thông báo bộc lộ một số liên hệ quan trọng của quá trình nghệ thuật mà quan điểm phản ánh giản đơn không thấy hoặc không chú ý đúng mức: Liên hệ giữa tác phẩm (lời thông báo) và công chúng (người nhận thông báo), tồn tại sống của tác phẩm trong cảm thụ của người đọc (xem và nghe), sự chi phối của công chúng đối với tác giả ngay trong quá trình sáng tác, sự đối chiếu ý chí thực tiễn của tác giả (mục đích thông báo) với tác động của tác phẩm tới ý chí thực tiễn của độc giả (hiệu quả thông báo)”. Biện giải như thế có thể coi là đủ, rõ và chặt. Ông phân tích tiếp cho rốt ráo hơn: “Thực ra, phải xuất phát từ chủ thể người phát thông báo (tác giả) và chủ thể người nhận thông báo (công chúng ) thì mới lý giải được đầy đủ bản thân nội dung cũng như bản thân hình thức”. Rất nhất quán. Và rất thuyết phục. Không trực tiếp phủ nhận cái trước thực ra là cái cũ, thậm chí rất cũ. Lại đảm bảo sự hài hòa giữa lý thuyết sáng tạo và lý thuyết tiếp nhận - một đòi hỏi khách quan không chỉ vào lúc đó.
 Rồi Nguyễn Văn Hạnh, một nhà lý luận xông xáo khác luôn biết cách tỏ rõ chủ kiến cũng kịp lên tiếng sau đấy ít năm. Ông chỉ ra một cách đích đáng khiếm khuyết đáng nói nhất của hoạt động phê bình khi đó là: “Do thói quen từ trước, công tác phê bình thường chỉ đóng khung lại trong khâu sáng tác, trong việc phân tích mối quan hệ giữa tác giả và những điều kiện tác động đến quá trình sáng tác, cũng như phân tích tác phẩm trong cơ cấu nội dung và hình thức của nó”. Quả là phiến diện. Rõ như ban ngày. Nhưng đã mấy người nhận ra. Ông đồng thời phân tích thêm: “Với quan điểm toàn diện hơn về hoạt động văn nghệ, về ý nghĩa của nó, gần đây chúng ta đã quan tâm một cách chính đáng đến tác dụng của tác phẩm, đến mối quan hệ giữa tác phẩm và công chúng, tức là khâu thưởng thức”. Tại sao chú tâm tới “tác dụng của tác phẩm”, “khâu thưởng thức” lại cần thiết đến vậy? Ông giải thích: “Rõ ràng vấn đề tác dụng của tác phẩm, vấn đề thưởng thức, tuy có liên quan đến khâu sáng tác, nhưng ở đây có những vấn đề riêng tùy thuộc vào môi trường vận động của tác phẩm, vào quan niệm, trình độ, tâm lý, thị hiếu của người đọc, người nghe, người xem”. Cái nhìn mới mẻ đã bắt đầu phát lộ. “Môi trường vận động” của văn chương đã được quan tâm gắn chặt với “quan niệm, trình độ, tâm lý, thị hiếu của người đọc” - điều chưa được nhà phê bình Hoài Thanh trước đó nhắc tới. Càng ấn tượng nhờ sự khẳng định qua cách viết của tác giả: “Đây là vấn đề hiển nhiên, nhưng là vấn đề mới mẻ trong nghiên cứu lý luận và phê bình văn nghệ mà chúng ta cần quan tâm để hoàn chỉnh hệ thống các khái niệm chức năng, phương pháp nghiên cứu, thói quen làm việc”. Để cuối cùng, vấn đề quan thiết nhất trong nhận thức mới được đề xuất: “Cũng chính do chú ý đến khâu thưởng thức này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng hiện nay và cho học sinh trong nhà trường” (3). Nên lưu ý, để thuyết phục, Nguyễn Văn Hạnh không chỉ bám chắc vào thực tế mà còn tỏ ra không rời xa quan niệm marxism chân chính. Chẳng phải K. Marx đã từng nói rằng “muốn thưởng thức nghệ thuật phải được giáo dục về nghệ thuật” là gì! Theo tôi, ở phương diện này, ông còn đem lại một bài học quý về cách thức triển khai lý thuyết sao cho có được hiệu quả như mong muốn. Thì ra mang khát vọng Đổi mới đã quan trọng, làm thế nào biến khát vọng thành hiện thực cũng quan trọng không kém.
Vì sao vậy?
Bởi, sức mạnh của một hệ thống lý thuyết đâu chỉ ở tính khoa học đúng đắn của nó mà còn phụ thuộc, đôi khi mang tính quyết định, vào tính thực tiễn sâu xa của nó nữa. Mà muốn am hiểu thực tiễn văn chương nghệ thuật ở nước ta thì ít nhất cũng phải bắt đầu từ Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng Cộng sản. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đối với số phận của cả dân tộc và từng người dân Việt khi đó, phương châm “Đại chúng hóa” cùng với các phương châm “Khoa học hóa” và “Dân tộc hóa” trong xây dựng nền văn hóa mới đã tỏ ra hoàn toàn thích hợp. Toàn bộ sự vận động của nền văn chương nghệ thuật nước ta mấy thập kỷ sau đó đều đi theo hướng chung nhất quán này, và đã thật sự truyền sức mạnh vô biên cho sự nghiệp vĩ đại thực hiện thành công những mục tiêu cao cả vì hòa bình, thống nhất và độc lập cho dân tộc và phần nào tự do cho mỗi con người. Giờ đây, khi đã có đủ khoảng cách về thời gian để bình tâm, tỉnh táo nhìn nhận lại mọi chuyện, chúng ta không thể không nhận ra sự bất cập của phương châm “Đại chúng hóa” thuở nào. Biết bao tài năng văn chương trong đó có không ít những tài năng lớn, không thua kém những tên tuổi tầm cỡ của các dân tộc khác, đã chấp nhận hy sinh nghệ thuật cho tuyên truyền, tất thảy là vì lòng mong mỏi tác phẩm của mình trở nên hữu ích cho Đại nghiệp. Đặt “cái có ích” lên trên “cái thẩm mỹ” một cách tự nguyện vì Đại nghĩa là hành vi cao đẹp của đông đảo nhà văn và hầu như của cả một đội ngũ. Cuộc tranh luận Văn nghệ Việt Bắc năm 1949 là một minh chứng hùng hồn. Các nhà văn tạm gác mục tiêu nghệ thuật, toàn tâm toàn ý phục vụ hai cuộc kháng chiến vinh quanh của dân tộc hầu như không mảy may nuối tiếc, ân hận. Nhưng sau Toàn thắng năm 1975, khi dân tộc bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên khác, thì cái nhìn tích cực của ngày hôm qua không còn thích hợp nữa rồi. Văn chương nghệ thuật phải trở về với chính nó. Như vốn  thế! Và, như từng thế! Trong hàng loạt những quan niệm mỹ học lỗi thời cần soát xét đổi thay thì có lẽ tính “đại chúng” phổ thông, phổ cập của văn chương, nghệ thuật là điểm nóng bỏng hơn cả.
Lẽ nào không phải thế!
Thời tôi đi học cách đây trên 40 năm, ở lĩnh vực này, học sinh, sinh viên chỉ được làm quen với những những tài liệu lý thuyết chính thống, trong đó có hai tài liệu quan trọng hàng đầu là Cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nhân sinh  hay Nghệ thuật vị nghệ thuật (1936 - 1939) và các Bộ giáo trình lý luận văn chương dành cho đại học. Chủ tướng phái Nghệ thuật vị nhân sinh Hải Triều, theo Hoàng Tân Dân, chủ trương trên báo Trung kỳ, ra ngày 6/11/1935 là chối bỏ hẳn giá trị vĩnh cửu, trường tồn của nghệ thuật - cái mà Hoài Thanh vẫn bênh vực. Mọi giá trị nghệ thuật trong xã hội với ông chỉ tương đối và hữu hạn thôi. Sau đó, để giải thích, ông Dân trích nguyên văn lời Hải Triều: “Vì tác phẩm đối với giai cấp này, thời đại này, xứ sở này thì cho là có giá trị mà giai cấp khác, thời đại khác, xứ sở khác, thì chả ra gì” (10, tr.137). Hoàn toàn nhất quán với lời của Hải Triều thì nhà tư tưởng có ảnh hưởng xã hội lớn này trực tiếp khẳng định: “Cái giá trị của tác phẩm nghệ thuật không phải tự nó sẵn có mà chính là ở chỗ bình phẩm của xã hội. Mà xã hội phẩm bình một tác phẩm nghệ thuật là căn cứ ở chỗ tác phẩm ấy có diễn tả đúng tình cảm hiện tại giữa xã hội hay không? Vì thế cho nên không thể nói nghệ thuật là vì nghệ thuật được mà chính là vì nhân sinh vì xã hội vậy” (10, tr.160). Từ đó, đi xa hơn, người cộng sản đưa ra tiêu chí xét đoán giá trị văn chương thật đơn giản: “Cái tài đứng sau cái lý tưởng. Xét một áng văn cũng như một công trình nghệ thuật nào trước hết chúng tôi tìm coi cái lý tưởng của công trình ấy lợi hay hại cho giai cấp của mình và cho sự tiến hóa chung của nhân quần? Nếu cái lý tưởng ấy lợi cho sự áp bức và lợi dụng quần chúng thì chúng tôi sẽ đánh đổ, dù nghệ sỹ có tài đến thế nào” (11). Quan niệm nhiều phần cứng nhắc, thế nhưng vào thời ấy chúng tôi lại rất tâm phục khẩu phục.
Không ngạc nhiên nếu quan niệm của phái Nghệ thuật vị nghệ thuật ẩn chứa không ít điểm hợp lý vẫn nằm ngoài “tầm đón nhận” của chúng tôi. Như Bửu Chi khi đó viết rằng: “Cái tuyệt diệu của hồn nghệ thuật nó như siêu phàm thoát tục, nó khi nào cũng có cái hấp lực vô cùng mạnh mẽ, kéo hết những tâm hồn biết cảm nó. Dầu ra đời không gặp thời, bị ruồng rẫy phũ phàng, nó sẽ âm thầm khắc khoải trong một thời gian, nhưng đến một ngày nào đó nó được hiểu, mến yêu, nó vẫn hoàn toàn trở nên con cưng của tâm hồn thơ mộng”. Tuy nhiên, cần thấy phái này không phải không có chỗ thái quá, khiến phái đối lập Nghệ thuật vị nhân sinh tập trung triệt để khai thác để “phản kích”, như nhận định sau: “Thành thử nhà thi sỹ trước khi xuất bản một tác phẩm, đừng nên đoán trước món hàng mình sẽ được đắt khách hay không, cứ điêu luyện nghệ thuật cho tuyệt mỹ, rồi cho ra đời, đừng rụt rè ngại ngùng, miễn sao mình hết sức phục vụ nghệ thuật là được” (10, tr.209). Không khó nhận ra sự thiên lệch của niềm tin thẩm mỹ. Quan niệm của Phan Văn Dật, theo tôi, có lẽ hài hòa hơn: “Tôi lại tin rằng cái ý nghĩa của một tác phẩm không những tác giả đã cho nó mà thôi, mà còn do nơi người đọc. Cùng một quyển sách, người này xem cho là hay, là có ích, mà người kia cho là không hay, là có hại, cái đó là tự mình đọc mà ra… Nói một cách khác là đối với người biết đọc, không có quyển sách nào đến hoàn toàn vô ích” (10, tr.215 & 216). Tôi nghĩ, nhận định này cho tới nay xem ra vẫn còn nguyên giá trị.
Giờ đây, hầu như toàn bộ tài liệu giúp tìm hiểu đời sống văn học thời 1932-1945 đã được công bố rộng rãi. Và, chúng ta có may mắn tiếp cận với nhiều quan niệm khả dĩ khác. Thạch Lam từng in tập tiểu luận phê bình Theo dòng - Nhà xuất bản Đời nay, Hà Nội, 1941 (11). Khi bàn tới sự bền vững của một tác phẩm, nhà văn không thể không lưu tâm tới người đọc, và cho rằng: “Có những tác phẩm được người ta lưu ý mãi, càng về sau càng nổi tiếng… là tác phẩm, ngoài cái phần cấu tạo vì thời thế, còn có những cái gì bất diệt, đời đời” (11, tr.498). Ông cũng lên tiếng phê phán chủ nghĩa ấn tượng chỉ chú trọng tới cảm nhận, thị hiếu và đánh giá riêng tây khá lan tràn trong đời sống văn chương đương thời: “Họ có cần gì đến tác phẩm mà họ phê bình đâu”; Và: “Họ không thể nói tới cái gì khác được cái bản ngã kiêu ngạo của họ” (11, tr.487). Trong cuộc tranh luận giữa hai phái vào thời ấy, ý kiến của nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử cũng rất đáng được lưu tâm: “Thì ra khi quý trọng hay chê dè một quyển truyện nào ta nên đặt lòng tự ái và đảng phái ra ngoài. Ta chỉ nên dò xét đến văn tài của quyển truyện, dầu nó không hợp với thời đại mình đang sống, dầu nó không hợp với ý tưởng mình cũng chả cần. Vì chỉ có văn chương kia mới đáng kể mà thôi” (10, tr.443). Như nghe âm vang đâu đó tiếng nói của chính Chủ tướng Hoài Thanh. Rõ ràng, nhà thơ đã quyết định đứng hẳn về một phía. Tình hình vô cùng sôi động mà phức tạp là bởi thế.
Những Bộ giáo trình lý luận văn chương dành cho đại học thời 1954 - 1975 được biên soạn dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của mỹ học marxism. Lý luận chính thống tập trung vào ý nghĩa, tác dụng của văn chương đối với con người và xã hội. Yêu cầu nâng cao song hành với yêu cầu phổ cập trong đời sống nghệ thuật dĩ nhiên được đặc biệt chú trọng. Chúng tôi được khuyến khích đọc cuốn Về văn học nghệ thuật của Mác, Ăng ghen, Lênin do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành. Những ý kiến mang tính chỉ dẫn của Lenin được thấm nhuần không chỉ trên giảng đường. Lenin có lần phê bình tạp chí Tự do là đã thể hiện một “cái điệu phổ cập rất dở hơi”, và ông đã phân biệt phổ cập hóa với tầm thường hóa. Chúng tôi chú ý là mặc dầu rất coi trọng ý nghĩa thiết thực của văn chương, nghệ thuật cách mạng, ông vẫn không quên phê phán mặt trái của vấn đề sáng tạo. Một lần, ông đã chê thơ của Betnưi - một nhà thơ có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nông dân vào thời kỳ đầu ngay sau Cách mạng tháng Mười thành công, thế này: “Đồng chí ấy có hơi tầm thường. Đồng chí ấy theo đuôi độc giả, trong lúc cần phải đi trước họ một chút” (5, tr.420 & 599). “Đi trước” người đọc cũng có nghĩa là chú trọng tới nâng cao. Ở đây liên quan tới “sự hiểu” trong tiếp nhận văn chương tích cực. Ý kiến của Lenin thường được dẫn kèm theo câu nói của văn hào cách mạng Lỗ Tấn: “Tiêu chuẩn hiểu không thể hạ xuống theo khả năng thấp kém hay hợp với người ngây dại, mà phải nhìn vào đại chúng nói chung” (6, tr.147). Rất cần tới khả năng đoán định “tầm đón nhận” chung của người đọc đối với người cầm bút. Nhưng chỉ cần cho người cầm bút thôi ư! Nếu vậy thì tránh sao khỏi hẹp hòi phiến diện?
    Xét kỹ, quan niệm đó mới dừng ở những chỉ dẫn sáng tác theo yêu cầu chung của cách mạng, chưa phải là yêu cầu riêng của văn chương. Phổ cập muốn tránh xu hướng “dở hơi” phải hướng đến nâng cao. Những sai lầm của không ít nhà trí thức văn nghệ sỹ ở Liên Xô sau Cách mạng tháng Mười được nêu lên. Bởi họ tìm mọi cách để chứng minh rằng, nhân dân Nga không cần biết đến những tác phẩm của những Pushkin, Tolstoi…, và nói chung là các văn hào, thi hào Nga thế kỷ XIX. Như nhà báo M. Leviđov cho rằng, một đất nước 90 % người dân mù chữ “lại cho phép mình sự sang trọng có Tsekhov… hơn nữa Blok” là một điều trái tự nhiên. Ông ta đề nghị phá bỏ thứ văn hóa, văn chương dường như không cần thiết này đi, để “người mugich phải mang từ chợ về không phải Bielinski và Gogol, mà là sách hướng dẫn phổ thông về gieo trồng cỏ”. Lãnh tụ Lenin đã kiên quyết chống lại khuynh hướng lệch lạc này và trước sau yêu cầu một cách sáng suốt: “Có bao nhiêu văn học cách mạng - PQT lưu ý, cổ ở ta và châu Âu, cần phải đưa hết vào quần chúng”. Đúng là không phải ai cũng có được một tầm nhìn xa rộng như vậy trong buổi đầu thắng lợi của cách mạng vô sản. Nhưng dẫu sao, về phương diện mỹ học, đó cũng chỉ mới là một chiều của một bộ phận, không thể giải quyết được tính phức tạp của chất lượng sáng tạo nghệ thuật vốn linh diệu như chính bản thân đời sống cho được.
    Tương tự, ở ta, là quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật. Một mặt, ông xác định: “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo”, nên cần ra sức đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày một cao của công chúng nghệ thuật rộng rãi. Tính nâng cao cần được quan tâm là vì thế. Mặt khác, từ mặt bằng chung, nghệ thuật còn phải chú trọng tới tính phổ cập. Có điều, nâng cao phải bắt đầu từ sự phổ cập. Hồ Chí Minh giải thích với sự chú tâm tới tính phổ cập trong quan hệ với nâng cao: “Đề cao là thế nào? Đề cao là nâng cao lên. Nhưng muốn nâng cao thì phải ở đâu mà nâng lên, nếu ở giữa ‘khoảng không’ mà nâng thì cũng không cao mà cũng không thấp. Thế là nói: trước phải phổ biến, nghĩa là trước hết phải có cái nền, rồi từ cái phổ biến ấy, từ cái nến ấy mà nâng cao lên” (7, tr.85 & 86). Điều này đặc biệt thích hợp với thời đoạn khi công chúng nói chung còn đang thiếu cả “bánh mỳ đen”, vậy thì có nên chỉ sản xuất ra “bánh quy ngọt dịu và ngon lành” như ý của Lenin hay không? Quán triệt tinh thần này, bên cạnh sự “phản đối thái độ khinh rẻ khả năng sáng tạo nghệ thuật của quần chúng”, Tố Hữu cũng từng “phản đối khuynh hướng theo đuôi quần chúng, tôn sùng cả những ảnh hưởng xấu xa… còn sót lại trong nhân dân, ngay cả trong quần chúng công nông binh” (8, tr.98). Tinh thần chung như vậy là hoàn toàn nhất quán theo một hướng nhìn duy nhất.
Đấy là những diễn ngôn lý luận nguyên phát mang tính chi phối. Từ đó, lý luận tiếp nhận văn chương ở nước ta trong những năm 1960-1980 chưa thể theo kịp lý thuyết tiếp nhận hiện đại của thế giới. Điều này được biểu hiện, chẳng hạn, qua tập Văn học - cuộc sống - nhà văn của Viện Văn học ấn hành năm 1978. Trong Phần I, Chương II với tiểu mục Từ hình ảnh chủ quan qua tác phẩm đến người đọc: cải tạo con người và đời sống chỉ đặt vấn đề tiếp nhận trong quan hệ với ý nghĩa của tác phẩm qua việc cải tạo hiện thực: “Nó (văn học) đã cải tạo đời sống trong ý thức của người sáng tác để sáng tạo ra một hiện thực mới trong hình tượng nghệ thuật, và bằng sức mạnh hiện thực mới đó, nó tác động vào người thưởng thức, gây một ấn tượng và sự chấn động nhất định trong ý thức và tâm hồn người đọc… và qua đó góp phần tác động vào đời sống theo hướng tích cực và tiêu cực” (9, tr.60). Như đã thấy, cả ý thức sáng tạo của người viết lẫn người đọc đều được quy chiếu từ điểm nhìn hiện thực. Chưa có vai trò riêng, tương đối độc lập trong quan niệm tiếp nhận. Điều này là nhất quán trong ý thức của các tác giả bộ sách, nên ngay sau đấy là đoạn: “Về mặt thưởng thức, nảy ra tệ đem tác phẩm đối chiếu một cách thô bạo với đời sống, bắt bẻ cái này thừa, cái kia thiếu, hạch sách chỗ này không giống, chỗ kia bịa đặt, muốn hạ thấp hình tượng nghệ thuật xuống ngang hàng với một bức tranh truyền thần” (9, tr.62). Không phải không có cái mới, nhưng chỉ là cái mới trong vòm trời cũ: phản ánh luận. Cũng hoàn toàn thống nhất với Chương III, tập trung bàn về Một chức năng khác của văn học: cải tạo con người, cải tạo xã hội. Cách nhìn vì vậy không thể không bị thu hẹp: “Tác dụng cải tạo cuộc sống là một thuộc tính mang tính quy luật của văn học. Bất cứ sản phẩm nào do một nhà văn tạo ra cũng có thể có tác dụng này hay tác dụng kia đối với người đọc. Có tác dụng tích cực và có tác dụng tiêu cực, có tác dụng có tính chất phổ biến và có tác dụng hạn chế ở một số người nào” (9, tr.185). Vấn đề là quy luật của tiếp nhận văn chương ra sao? thì rất đáng tiếc lại chưa được đặt ra. Nên việc trả lời câu hỏi “tại sao văn chương lại có tác dụng khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, với sự rộng hẹp không giống nhau như vậy?” cũng chưa thể nhận được câu trả lời rốt ráo.
Rải rác trong các Chương I của Phần  IV và Chương II của Phần V, cuốn sách có bàn đến người đọc nhưng như là sự liên tưởng ngẫu nhiên, nhằm nói lên tính hoàn chỉnh của tư duy văn chương, văn học. Chương I, Phần IV mang tiêu đề Tính đảng và tính nhân dân của văn học, tất phải đề cập tới hiệu quả tiếp nhận, muốn thế cần chống lại xu hướng tách rời sáng tác và tiếp nhận: “Trước hết, thiết tưởng cần gạt bỏ cái giả thuyết ngụy biện làm văn ngầm trong óc, ‘một mình mình biết, một mình mình hay’ và ‘sống để bụng, chết mang theo’. Văn chương dầu chỉ là một điều ký thác, một lời tâm sự, cũng đã đòi có người tri kỷ, mong có kẻ đồng tình” (9, tr.311). Rõ ràng, cách đặt vấn đề như vậy chưa thoát ra khỏi giới hạn của di sản tiếp nhận truyền thống, tất nhiên là nhằm dọn đường về mặt lý luận cho vấn đề thiết yếu khác là tính đảng (chủ yếu là tính đảng cộng sản) và sau đó là tính nhân dân. Không thật khó hiểu khi liền sau đó là đoạn văn này: “Văn học chính là máu thịt, ruột gan của con người. Nhưng điều cốt tủy là máu thịt, ruột gan của con người nào - PQT nhấn mạnh” (9, tr.311). Định hướng lý luận lập tức đã thay đổi: hướng về người sáng tác và về tính tư tưởng. Lý luận tiếp nhận đích thực chưa được triển khai rộng rãi là vì thế. Điều này không cho phép các tác giả hiểu hết ý kiến của H. Gatxe, thậm chí đi tới phê phán một chiều ý kiến của tác giả này khi dứt khoát liệt vào xu hướng tuyên truyền cho một thứ “nghệ thuật mới”, phân biệt những người am hiểu và những người không am hiểu nghệ thuật - “tức hạng nghệ sỹ và hạng không phải nghệ sỹ”.  Chẳng lẽ sự phân biệt như thế lại không có cơ sở thực tế? Đến nay lý luận đã có câu trả lời hoàn toàn xác đáng cho vấn đề này.
Trong Chương II của Phần V có tựa đề Tình cảm trong sáng tác văn học, một lần nữa các tác giả trở lại với mối quan hệ giữa văn chương với người đọc: “Tác phẩm văn học là tiếng nói của nhà văn, mà đã nói “tiếng nói” tức là nói đến một đối tượng nhất định (tức người nghe - PQT). Văn học thực chất là một cuộc đối thoại giữa người viết và người đọc. Và tác phẩm là chỗ giao tiếp tình cảm giữa nhà văn và công chúng” (9, tr.477). Những tưởng khi nêu lên từ “đối thoại”, ta sẽ có điều kiện thâm nhập vào quan niệm tiếp nhận hiện đại, hơn thế, sẽ có cơ hội đào sâu vào bản thể luận của tiếp nhận. Nhưng, như đã thấy, các tác giả liền đi theo hướng đã xác định - hoàn toàn nhất quán trước sau: tìm hiểu vai trò của tình cảm văn chương trong sự tiếp nhận của người đọc.  Tác giả Văn học - cuộc sống - nhà văn viết: “Tác phẩm văn học là tiếng nói của nhà văn, mà đã là ‘tiếng nói’ tức là nói đến một đối tượng nhất định. Văn học thực chất là một cuộc đối thoại giữa người viết và người đọc. Và tác phẩm là chỗ giao tiếp tình cảm giữa nhà văn và công chúng” (9, tr.477). Điều này còn được triển khai khá sâu rộng ở đoạn sau: “Thông qua những đặc trưng bản chất, văn học có tác động sâu nhất vào tình cảm của con người và qua đó mà ảnh hưởng mạnh đến lý trí, tư tưởng và hành động của họ” (9, tr.479). Tác giả nâng cao hơn: “Quy luật riêng của tình cảm trong sáng tác văn học còn thể hiện thêm ở chỗ: không có chất kích thích tình cảm mạnh thì không thể động mạnh đến tình cảm của đối tượng nhằm tới” (9, tr.480). Rồi tác giả đi tới biện giải sâu hơn khi bàn về đặc trưng của cảm thụ văn chương, nhưng, như sẽ thấy, chỉ thu hẹp trong cách nhìn nhận được xác lập từ trước: “Cảm thụ cũng đòi hỏi sự chính xác khoa học… nhưng đòi hỏi của nó khác với yêu cầu của lý trí. Nó cũng tìm đến những cái có thể thấy được, hiểu được, nhưng lại phải có tính chất cảm tính trực tiếp. Nghĩa là có thể cảm được, gợi được, kích thích được, tức là những cái có thể tác động cùng một lúc vào cả cảm giác, tri giác, biểu tượng, khái niệm, nói chung lại là vào cả một quá trình tâm lý phức tạp của con người… Ở đây tình cảm là cái nền, là sự dẫn đường của hiểu biết” (9, tr.481). Đoạn văn thật sát hợp và thuyết phục. Chỉ tiếc là do chủ đích, tác giả đã không thể đi vào bầu trời hiện đại của tiếp nhận văn chương mà thiếu nó thì không thể nhìn mọi vấn đề văn chương một cách thấu đáo và toàn diện được. Tất nhiên, đó là giới hạn chung của các diễn ngôn thống trị thời đại, một mình nhà lý luận, cho dầu tỉnh táo và tài năng đến đâu, vẫn khó vượt thoát ra được.
Chúng ta còn phải đợi chờ trong thời gian khá lâu… Cho tới khi tập giáo trình chuyên ngành đầu tiên ở nước ta đưa lý thuyết tiếp nhận vào nội dung cơ bản của chương trình giảng dạy là Tập I, Bộ Lý luận văn học, Đại học Sư phạm, Chủ biên là GS Phương Lựu, được Nxb Giáo dục ấn hành vào năm 1986. Tôi để ý ngay tới Chương X với tựa đề Bạn đọc và tiếp nhận văn học do nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trực tiếp biên soạn. Một chương ít ỏi trong cuốn giáo trình 10 chương! Thế nhưng đã là một bước tiến khá dài. Cho nên hầu hết những người làm nghề khi đó vô cùng hồ hởi. Sự tiếp nhận lý thuyết tiếp nhận chưa khi nào nồng nhiệt và hào hứng đến thế! Lý luận văn chương dân tộc rõ ràng đang gia nhập vào dòng chảy cuồn cuộn chung của tư tưởng hiện đại mà nhân loại đang vươn tới. Để rồi rất nhiều dự tưởng văn học táo bạo theo hướng tiếp nhận văn chương hiện đại được ấp ủ và được thực hiện…

                                                                   Đà Lạt, 4/5/2013
                                                                   PQT.

………………………………………………………………………………………….

                                    TÀI LIỆU CHÚ THÍCH

(1)    C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1993, tr.120.
(2)    Báo Văn nghệ, 6/11/1976.
(3)    Tạp chí Văn học, số 2/1979.
(4)    Báo Văn nghệ, số 48/1982.
(5)    Mác, Ăng ghen, Lênin, Về văn học nghệ thuật, H.,1977.
(6)    Phương Lựu, Lỗ Tấn - Nhà lý luận văn học, Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp, H., 1977.
(7)    Hồ Chí Minh…, Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, H., 1976.
(8)    Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta, Nxb Văn học, H., 1973.
(9)    Viện Văn học, Văn học - cuộc sống - nhà văn, Nxb Khoa học xã hội, H., 1978.
(10) Nguyễn Ngọc Thiện, Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh, Nxb Khoa học Xã hội, H., 2004.
(11) Báo Tiến bộ, 16/2/1936.
(12) Nhiều tác giả, Văn chương Tự Lực văn đoàn, Tập 3, Nxb Giáo dục, H., 1999.