Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc "Sống nhiều hơn một đời"

Nguyễn Xuân Khánh
Thứ hai ngày 20 tháng 5 năm 2013 5:17 AM
 (Ký- chân dung văn học của Vân Long,
NXB Phụ nữ quý II-2013)
 


    Ít lâu nay, trên văn đàn, thấy có nhiều bài viết, nhiều cuốn sách sử dụng tên thể loại là bút ký chân dung nhân vật, hoặc chỉ gọi là chân dung nhân vật. Bài viết thường ngắn, cô đọng, về một người nổi tiếng, hoặc cũng         
có khi là người bình thường nhưng có những nét nổi bật nào đó.
    Thể loại này chúng ta đã có truyền thống: Thời Lê chúng ta có Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục, Công dư tiệp ký, Lan trì kiến văn lục. Trước nữa thì có Nam ông mộng lục, một số bài trong Lĩnh Nam trích     quái v…v…Những nhà văn trước Cách mạng: Nguyễn Vỹ viết Những thi sĩ tiền chiến, Ngọc Giao thì Đốt lò hương cũ.
    Thời hiện tại, chúng ta có Rừng xưa xanh lá của Bùi Ngọc Tấn, Đằng sau con chữ của Vũ Từ Trang v..v…Riêng nhà thơ Vân Long, ông có    đến 3 tập bút ký chân dung. Đó là Những gương mặt -những trang đời (2001), Những người …”rót biển vào chai”(2010) và Sống nhiều hơn một đời là cuốn sách các bạn đang cầm trên tay.
    Sở dĩ tôi phải vào đề dài đến vậy, đó là để nói rằng thể loại bút ký chân dung nhân vật là thể loại ngày xưa được cha ông chúng ta ưa chuộng, và ngày nay cũng rất được ưa chuộng. Nó tiện cho người đọc. Người đọc chỉ    phải đọc một bài văn vừa phải mà cĩng đầy thi vị, đầy ý nghĩa. Nó cũng tiện cho người viết. Chất liệu là đời sống thực, không phải tốn công cấu trúc, hư cấu. Dung lượng bài viết là ngắn vừa phải, người viết có thể thu xếp thời gian, có thể trên đường đi công tác vừa viết.
    Nói như vậy, tôi không dám có ý xem nhẹ giá trị của thể loại. Bởi chính bản thân tôi khi đọc một số trang trong Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc   Tấn), trong Phía sau con chữ (Vũ Từ Trang), trong Những gương mặt - những trang đời, Những người …”rót biển vào chai” (Vân Long), tôi khâm phục đến sững sờ, và kêu lên trong lòng: Ô hay! Sao cuộc đời còn có những con người đẹp đẽ đến thế! Trong trắng đến thế! Vĩ đại đến thế! “ và    
“Ngòi bút các bạn mình sao mà khéo léo đến thế! Sao đọc mà xúc động đến   thế!”.
    Nói chung, kỹ thuật viết bút ký chân dung cần khá tinh xảo. Có nhiều    kiểu viết. Có người, lúc viết xong xem như một truyện ngắn. Lại có lúc như đọc một tùy bút, một bút ký hay, đọc xong thấy cả không khí một thời đại, một vùng miền. Chính vì vậy, nên nhiều tập chân dung đã được đánh giá cao, được giải thưởng. Tập Những gương mặt - những trang đời của nhà thơ Vân Long là vậy. Tập đó in năm 2001, năm 2002 được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Tập Những người …”rót biển vào chai” in năm 2010, năm 2011 được giải thưởng của Uỷ ban  toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam. Hai tập này nội dung chủ yếu viết về các nhà văn. Chúng ta gặp gỡ ở đây những Tản Đà, Tô Hoài, Huy Cận, Trần Dần, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bùi Vợi…
Nghĩa là, khi gấp cuốn sách lại, ta cảm thấy ngay gần như không khí văn học của miền Bắc trong nhiều năm qua đã tràn ngập trong hai cuốn sách này. Sang đến tập thứ ba: Sống nhiều hơn một đời thì có sự chuyển biến đề tài. Có thể nói nội dung chủ yếu của cuốn này là viết về đời sống các nhà trí thức nói chung, trong đó có một mảng đậm là các nhà khoa học. Đó là ông Hồ Đắc Hoài, Viện trưởng đầu tiên Viện Dầu khí VN, ông xuất thân từ một gia đình quý tộc nổi tiếng, ông cha nhiều đời làm thượng thư, tổng đốc, khiến ông cảm tình đảng đến …28 năm mới được kết nạp, và Viện Dầu khí mới có Viện trưởng. Đó là GS TS Đỗ Tất Lợi nổi tiếng với nhiều công trình khoa học, trong đó đặc biệt là cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (1.200 trang khổ lớn, gồm 750 loài cây thuốc với kết quả nghiên cứu, thực nghiệm khoa học). Sang Nga, chỉ với công trình này, ông là người duy nhất được Viện Hoá Dược học Lêningrad phong tặng học vị Tiến sĩ dược học mà khỏi cần bảo vệ luận án, còn đánh giá ông là một nhà khoa học tầm cỡ thế giới. Đó là ông Nguyễn Như Kim, phó Giám đốc đầu tiên của Đài phát thanh TNVN, được cử mang 18 kilô vàng, hành tiến bằng xe đạp, rồi xe …”căng hải” xuyên Đông Dương, sang Thái Lan bí mật mua những thiết bị cho Đài những ngày đầu kháng chiến chống Pháp…Đó là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám đốc một bệnh viện phong, đã dành cả đời cho việc chữa bệnh cho người hủi. Đó là GS TS Trần Qụy, người anh hùng lao động thời kỳ mới chống bệnh Sars thành công.
    Khi viết về một bút ký nhân vật, điều mà các tác giả mọi thời đại đều    chú ý là phải đi tìm các chi tiết thật độc đáo. Có được các chi tiết hay thì bài viết mới sống động. Xem lại các bài viết về nhân vật trong Công dư tiệp ký, Lan trì kiến văn lục, Vũ trung tùy bút…thì thấy các cụ xưa vì hoàn cảnh   
xã hội, vì trọng thi cử nên chi tiết của các cụ là những câu đối, những bài thơ, những chuyện phong thuỷ, thảng hoặc mới có chuyện tình duyên…Cho   nên, đọc các truyện nhân vật thời ấy, ta thấy chúng gần nhau, ít hấp dẫn.
    Còn thời nay, chân dung nhân vật khác hẳn. Chúng đa dạng như cuộc    đời phức tạp. Chúng sống động như cuộc đời trăm hồng nghìn tía.
    Nhà thơ Vân Long rất có ý thức về vai trò của chi tiết trong bút ký        nhân vật nên ông quan sát sưu tầm chi tiết thật triệt để. Ông lại có duyên may gặp gỡ (hoặc do ông giỏi chọn lựa) những nhân vật rất đặc sắc.
    Thực ra với ông, đó là cuộc chọn lọc tự nhiên trong mối quan hệ xã       hội suốt quá trình sống gần tám thập kỷ của tác giả. Vân Long là nhà thơ, ông nhìn đời qua lăng kính thơ. Ngoài những nét đẹp của con người, núi sông, cây cỏ đã thăng hoa vào thơ ông, còn biết bao nét đẹp, từ phẩm cách những con người kiên cường vượt mọi trở ngại để hoàn thành sự nghiệp của mình diễn ra trước mắt ông, dường như chính cuộc đời đưa họ đến cho ông, ông cùng sống với họ từ bao nhiêu năm…
    Này nhé! từ “người mang vàng xuyên bán đảo” Nguyễn Như Kim nguyên là đoàn trưởng hướng đạo của ông, năm ông mới 11,12 tuổi. “Vị bác sĩ y khoa đầu tiên ngành y nước Việt” Hoàng Thụy Ba là phụ thân nhà thơ Hoàng Hưng, bạn thơ của ông, nhà văn hóa Hữu Ngọc là CTV bền bỉ của chuyên mục Sổ tay văn hoá  báo Sức khoẻ & Đời sống ông phụ trách từ 16 năm nay, nhà thơ  Hoàng Công Khanh ông từng quen biết khi ông còn là     cậu học sinh trung học, hằng đêm đến xem tập vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ của họ Hoàng khi đang dàn dựng... Những nhân vật vừa kể cùng với họa sĩ Phan Kế An, nhà thơ Trinh Đường…thời gian quen biết với những người bạn vong niên ấy đều không dưới nửa thế kỷ.                                   
    Còn nhà bác học trẻ GS Nguyễn Hữu Minh Chí, người Mỹ gốc Việt là cháu ruột, ông từng phải đi đón tro hài cốt của cả hai mẹ con Minh Chí từ Mỹ gửi về, được trối trăng chôn cất tại quê hương Đốc Tín, chùa Hương…
    Do vậy, hầu như ông không cần một cố gắng tiếp cận nhân vật như các phóng viên trẻ đang hành nghề, cũng do vậy mà những chi tiết càng tự nhiên, thân thương, sống động, ông chỉ còn dồn cố gắng vào trang viết…Cho nên ngòi bút của ông thỏa sức tung hoành. Lúc thì ông hướng tầm nhìn của ta vào giữa vòng vây của tầu chiến Pháp ngoài biển Đông với ông Nguyễn Như Kim, buộc phải tự phóng hoả con tầu chở thiết bị Đài phát thanh để khỏi sa vào tay  địch. Khi thì ông dẫn ta vào xứ sở của người hủi. Vừa ghê sợ vừa bi tráng xiết bao khi bác sĩ Trần Hữu Ngoạn tự nguyện tiêm hàng tỷ con vi trùng Hansen vào cơ thể mình để chứng minh bệnh này khó lây nhiễm, đừng quá lo mà ghê sợ, hắt hủi người bệnh!
    Ngoài nội dung và chi tiết nghệ thuật, hình thức bút ký nhân vật của       nhà thơ Vân Long cũng khá đặc sắc. Khi đọc bài về Hồ Đắc Hoài, Viện trưởng Viện Dầu khí, tôi lại chợt nhớ cuốn tiểu thuyết Ngược đường Trường Thi của nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Cuốn tiểu thuyết ấy viết theo thể gia phả ký, tôi cũng nhớ đến cuốn Hoan châu ký, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nước ta. Có thể nói, đó là cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn Cảnh ở châu Hoan ngày xưa. Ngày hôm nay thì nhân vật Hồ Đắc Hoài hai chương đầu tự kể về mình, còn mấy chương sau là sự hồi cố đi tìm lại nguồn gốc dòng họ của mình, một dòng họ có quan hệ mật thiết với vua Duy Tân, vua Khải Định. Ông nội Hoài: thượng thư bộ học Hồ Đắc Trung là thày học vua Duy Tân, là bố vợ vua Khải Định, lại cứu các nhà văn thân lãnh đạo dân miền Trung chống thuế khỏi nhà tù, sau  lại cứu vua Duy Tân khỏi tội chết sau vụ làm binh biến thất bại. Nhiều tình tiết sử liệu còn nằm trong cố đô Huế nên Hoài chưa thể biết hết. May thay…sự thống nhất đất nước đã tạo thuận lợi cho Hoài, nhất là bà cô ruột của ông còn sống ở Huế cùng cuốn hồi ký của bà đã giúp cho ông Hoài nhìn rõ những trang chính sử lại liên quan đến gia tộc của ông…(Đường thiền sen nở, hồi ký của sư bà Diệu Không, Hồ Đắc Hoài và Lê Ngân biên soạn, NXB Lao Động & Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2009). Sư bà Diệu Không là nhân chứng trực tiếp những vụ việc kể trên, đồng thời bản thân cuộc đời hoạt động hăng hái của bà đến quên cả hạnh phúc riêng, bà cũng là một kỳ nữ khoảng đầu thế kỷ 20, có lẽ chỉ đứng sau bà Đạm Phương (họat động vì nữ quyền, tổ chức Hội Phật giáo Huế, lập trường Đại học Vạn Hạnh, vào danh sách tự thiêu sau hoà thượng Thích Quảng Đức để phản đối chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo). Sư bà Diệu Không đã được đặt tên cho một đường phố ở Huế.                                                          
       Lẽ dĩ nhiên, môi trường quen thuộc nhất của nhà thơ Vân Long vẫn là giới văn chương nghệ thuật. Cho nên ta còn thấy trong cuốn này những Văn    Cao (thơ, nhạc), Phạm Tăng, Phan Kế An (họa), Sơn Tùng (nhà văn), Trinh Đường (nhà thơ)…Trong các chân dung này, tác giả vẫn giữ được mạch bút như hai cuốn trước.  
    Về hình thức, Vân Long không câu nệ một vài cách cấu trúc quen thuộc, ông để những chất liệu khi thấy cần và đủ cho chủ đề, sẽ tự gói gọn bài viết lại. Có bài chỉ cần như một tiểu phẩm về luyện khí công: Nhà văn Sơn Tùng nổi tiếng về nghị lực phi thường của ông là kiên trì với phương pháp luyện khí công, tự chữa bệnh cổ truyền, tác giả chỉ cần vài nét về nghị lực ấy và cẩn thận ghi chép từng động tác ông đã luyện khí như thế nào để người sau có thể tham khảo, khỏi cần đi sâu vào chủ đề và phương pháp sáng tác văn học hoặc tác phẩm của ông.
Nhân vật Hồ Đắc Hoài thì lại có cái khó khác: cả một bề dầy lý lịch nặng nề sau lưng ông, cản trở bước đi của ông. Ông chỉ yêu nghề, muốn góp phần tìm ra, đem lại nguồn dầu khí cho đất nước, ông có ham chi chức Viện trưởng! Ông muốn tìm hiểu cái gánh nặng ông đang mang đó liệu có thực sự là một dĩ vãng đáng xoá đi trong trí nhớ ?
Vân Long hoàn toàn cảm thông với người bạn khí khái ấy, và cùng ông này chia sẻ với bạn từng bước tìm lại ngọn nguồn. Vì vậy, cuộc truy tìm ấy phải cần đến hai chương sách. Nội dung ấy đã quyết định hình thức ấy!
    Có lẽ nét đặc sắc của cuốn này, như tôi đã nói ở trên, là thuộc những bài viết về các nhà khoa học. Xem xong, gấp sách lại, tôi vẫn còn đọng trong mình những suy nghĩ về người trí thức dấn thân ở thời đại ta. Con đường họ đi thật gian truân vất vả. Tuy nhiên, những đóng góp cho Tổ quốc của họ thật đáng khâm phục!