Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà Trèm

Đường Văn
Thứ hai ngày 20 tháng 5 năm 2013 6:35 PM

(Tản văn)

(Trích thư từ với bạn xa; tiếp theo)

Kraxnođa, ngày  5 – 5 – 2013
Anh Đường Văn xa nhớ!

    … Rất cảm ơn những câu chuyện và cảm xúc của anh viết về BỂ TRÈM. Cô Rita của tôi cứ vừa đọc vừa ồ à, ra thế, là thế!… một cách rất háo hức, hứng thú. Còn con cháu Lan - Masa thì cứ đọc 1 câu lại hỏi thêm 1 câu. Trả lời nó, phát mệt!  Nhưng tôi cứ muốn cháu hỏi hoài! Thư tới, nhờ anh chụp mấy cái ảnh bể Trèm gửi qua mail để chúng mục sở thị nhé!
    Thư này, tôi lại phiền quấy anh vài câu hỏi mới, xoay quanh chuyện ngôi nhà của làng Trèm ta. Thằng con trai tôi, có lần hỏi mẹ nó: - Mẹ thấy ngôi nhà gỗ truyền thống (izba) của nước Nga ta giống và khác gì với ngôi nhà ngói cổ của nước Việt mình không? Mẹ nó cười xòa, quay sang tôi, ý muốn dưa câu trả lời cho ông chồng 100% Việt. Tôi chưa vội trả lời ngay vì còn muốn tham khảo thêm ý kiến của anh nên lại viết tiếp những dòng này. Mong anh thỏa mãn sự tò mò chính đáng của cháu…

        Trèm, Từ Liêm, Hà Nội, ngày  18 – 5 – 2013
        Anh – chị  Hoan và các cháu thân nhớ!

    … Mấy ngày vừa qua, Hà Nội mình vừa trải qua một trận nắng nóng rực người. Nhiệt độ ngoài đường buổi trưa nhiều nơi lên tới 40 độ C. Trong nhà, quạt máy các kiểu quay hết số, điều hòa chạy ro ro suốt ngày đêm. Tốn điện phải biết! Nhưng cũng đành nghiến răng; nhất là những nhà có trẻ con và các ông bà già. May chiều tối qua trời hào phóng ban cho 1 trận mưa rào đột ngột làm dịu hẳn bầu không khí oi nồng, ngột ngạt. Vì thế, tôi dậy hơi muộn. Mở máy thì gặp thư chú với đề nghị kể về NHÀ TRÈM. Lại có ý so sánh giữa nhà cổ Nga và nhà cổ Việt nữa. Vui! Sẽ trả lời  chú cô và các cháu ngay dưới đây…

    Muốn tìm những đặc điểm thật đặc sắc, độc đáo của những ngôi nhà ở làng Trèm xưa nay, thật khó! Vì về cơ bản, chúng cũng nằm trong những đặc điểm chung của những ngôi nhà nông dân Việt Nam ở đồng bằng Bắc bộ trải hàng nghìn năm lịch sử, ổn định, thay đổi, biến thiên theo dòng thời gian tới hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình kể – tả và cảm nhận, tôi sẽ cố phát hiện một vài nét riêng của nhà Trèm ta, ngõ hầu giúp cô chú, các cháu hình dung và tự hào.
    Nếu nói nhà cổ nhất ở làng Trèm, thì theo tôi, có lẽ phải nói tới đình (đền) Trèm và chùa Trèm.* Nhưng trong thư này, để tách bạch cho gọn, rõ, tôi tự giới hạn tản mạn về những ngôi nhà Trèm chỉ để ở. Trong khuôn khổ một bức thư gửi qua đường bưu điện ra nước ngoài, tôi cũng đành phải dành việc kể – tả nhà thờ họ, nhà thờ Thiên chúa giáo, nhà táng, cùng là nhà bếp xưa,  công trình phụ nay… vào những thư sau.
    Có thể nói một cách tổng quát: Nhà Trèm trong lịch sử xây dựng, phát triển và bảo vệ ngôi làng ven sông Cái này có những loại chính sau: nhà ngói cổ, nhà ngói tân thời, nhà cấp 4, nhà tranh mái rạ, mái tranh, nhà (lều) bè, nhà thuyền, nhà mái bằng, nhà cao tầng – biệt thự…Trong số đó, có kiểu nhà nào là sở hữu riêng của cư dân làng Trèm ta? Hầu như không! Bởi về đại thể, nhà cửa các làng trên, dưới, chung quanh xã Thụy Phương cũng từa tựa thế thôi. Khác chăng là ở mức độ, số lượng, kiểu dáng và chi tiết cụ thể của từng loại.
    Làng Trèm, cho đến nay, còn lưu giữ, bảo tồn được khoảng trên dưới hai chục ngôi nhà ngói cổ 5 gian, 2 dĩ, với sân gạch, bể nước, vườn trước(sau), rải rác ở các thôn Đại Đồng, Đông Sen, Đình…Nếu so tuổi thọ thì có khi ngang hoặc nhiều hơn nhiều ngôi nhà cổ ở xã trên Liên Mạc và xã dưới Đông Ngạc. Tỉ như ngôi nhà cổ – nhà thờ của gia đình chúng tôi chẳng hạn. Ít nhất cũng đã trên 300 năm tồn tại. Ngôi nhà là nơi chào đời, chứng kiến sự lớn lên, già đi và sang thế giới bên kia của hơn10 đời, tính đến đời cháu nội tôi.Vậy mà cụ già tam bách tuế ấy, về cơ bản, vẫn chắc bền lắm, có thể trơ gan cùng tuế nguyệt ít nhất vài ba trăm năm nữa (tất nhiên, gia đình phải luôn lưu ý định kỳ sửa chữa, trùng tu). Nhìn  5 hàng cột gỗ Đinh nâu nhạt, nứt nẻ, có những chiếc bị mối ăn rỗng ruột, cây thượng lương bị chúng xơi đến chỉ còn mặt gỗ ngoài mỏng dính nhưng vẫn bám chắc vào lớp ngói bò úp nóc, mới khâm phục các cụ nhà ta xưa cẩn thận nghĩ xa, lo xa cho mình và cho con cháu đời sau đến thế nào!
    Hầu hết các nhà ngói cổ trong làng đều quay mặt về hướng tây nam hoặc đông nam. Mát về mùa hè, ấm về mùa đông như câu tục ngữ Việt định hướng: Lấy vợ hiền hòa (đàn bà), làm nhà hướng nam. Những ngôi nhà cổ kính, rêu phong, mái ngói ta lợp rất dày, lô xô, trồi sụt, (nếu lâu năm chưa đảo lại). Đường nóc, nhà thì úp ngói bò, nhà thì xây hàng gạch, trát vôi. Hai đầu là hai bát đấu cân đối, hài hòa như hai chú chim câu đang rỉa lông, gật gù sau khi chén no thóc vàng dưới sân, bay lên đậu ở hai đầu đốc. Hầu hết các nhà đều đầy đủ hệ thống 30 cột (một số nhà trốn cột, bắc quá giang vượt đều là những nhà được dựng khoảng gần 1 thế kỷ nay): 2 hàng cột cái (mỗi hàng 6 chiếc, đường kính chỉ kém cột đình, cột chùa không bao nhiêu!) hai hàng cột quân, 1 hàng cột hiên, đều tăm tắp. Các chân cột đều được sơn đen hoặc hắc ín, kê trên những viên đá tảng già, xanh biếc hình vuông chôn ngang mặt nền. Loại nhà khung cột này vô cùng vững chắc. Các bức tường hồi, hậu đều chỉ có tác dụng che, bao chứ không hề chịu lực. Thế mà tường vẫn được xây hàng đôi bằng gạch tốt nên độ bền vững càng cao. Có điều, nhà hầu như không trổ cửa sổ. Cả dải tường hậu, 2 hồi đều xây kín.Mãi trên gần chóp đỉnh vỉ ruồi mới trổ cửa thông hơi nhỏ. Mùa đông thì rất ấm. Nhưng mùa hè quả là nóng bức, lại thêm nền thấp, tường thấp. Cái nóng hầm hập, bí bức không thoát đi đâu được, ngoài đường qua mặt tiền có hàng dại tre (nứa, che gần khắp). Cửa ra vào phía trước thường là dãy cửa gỗ bức bàn (mỗi gian/4 cánh), có hàng bậu (bậc) cửa chắc chắn, khít rịt, cao gần ngang đầu gối nên ai ra vào vội thường hay bị vấp những cái đau điếng! 2 gian buống để ở hoặc để đồ đạc được ngăn với ba gian nhà ngoài bằng 2 bức thuận gỗ phẳng hay tiện búp măng nhẹ, chắc, trang nhã. Ban thờ thường đặt ở cả 3 gian (gian giữa thờ tổ tiên và họ nội), gian bên trái thờ các bà cô, ông mãnh và họ ngoại, gian bên phải thờ thổ thần bản cảnh. Một số nhà  sau này đã thu lại chỉ còn 1 ban thờ chung tại gian giữa; để 2 gian bên kê giường ngủ hoặc kê bàn ghế tiếp khách.
    Nhà cổ thường được treo hoành phi trên xà dọc gian giữa, trên 4 hoặc 6 cột gian giữa, treo 2 hoặc 3 đôi câu đối chữ Hán (Nôm) sơn son thiếp vàng (bạc) tự gia chủ viết hay bạn bè, tặng, mừng, học trò dâng, tiến, hoặc nhờ người hay chữ soạn giúp... Hồi CCRĐ và đầu những năm 60, một số gia đình, do ấu trĩ trong suy nghĩ, chạy theo phong trào, ham cái lợi nhỏ trước mắt, đã tháo bỏ hoành phi, câu đối đem đóng cánh cửa sổ, cửa ra vào, thậm chí liều làm những việc uế tạp khác!!! Thật là vô sở bất chí, vô tri vô trách, rất đáng giận, đáng trách! Nhiều năm sau, con cháu cố kiếm tìm, khôi phục lại thì không sao được nữa! Nên mới có tình trạng dở khóc dở cười: câu đối què, hoành phi mất chữ!!! Có nhà, dẹp bỏ cả sập thờ, giường thờ, ngai thờ… thay bằng chiếc xích đông - bàn thờ gọn nhẹ, treo áp vào tường hậu hay tường hồi. Nhà khác đàng hoàng hơn, thay bằng chiếc tủ thờ bề thế, bóng lộn mới sắm. Mặt trên thay ban thờ, dưới vẫn cất chứa đồ đạc, áo quần, sách vở, tiền nong với những ổ khóa tinh vi hóc hiểm!... Hỡi ôi!
    Nền nhà đa phần là đất nện, một số nhà giàu khá giả thì lát gạch vuông Bát Tràng (như nền đình) hoặc gạch lục già. Tuy nhiên nền nhà chỉ cao hơn mặt sân tối đa là 0, 20m (1 bậc); (theo quy định ngặt nghèo của triều đình nhà Lê, nhà Nguyễn?! dù là nhà chức sắc, tư văn đỗ đạt hay quan lại?!). Từ đó, gây ra vấn nạn của tất cả các nhà cổ suốt 20 năm thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khi nền đường cứ ngày càng được tôn cao; hệ thống ao – rãnh tiêu nước trong làng bị lấp dần. Sân, nền nhà tôi, nhà cụ Tu, cụ He, cụ Te cùng xóm đều biến thành ao nước, rốn nước. Lụt cục bộ trong và sau mỗi trận mưa rào thường kéo dài từ 30 phút đến cả buổi cả ngày... Câu thơ Yên Đổ tả cảnh mùa nước lên ở vùng đồng chiêm trũng Hà Nam: Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách, hơn 1 thế kỷ sau, lại hiện hữu ở làng Trèm. Và việc kiệu nhà, nâng nhà trước sau đều đã phải được đặt ra và thực hiện đối với hầu hết những ngôi nhà ngói cổ khung, nền đều thấp le te (lè tè) quê tôi.
    Những ngôi nhà ngói cổ như thế đã và đang được dân Trèm sử dụng với 3 mục đích: để ở, để thờ cúng tổ tiên, để tiếp khách. (3 trong 1, thật tiện dụng!) Không gian khá rộng, thông liền giữa 3 gian để có thể họp chung cả gia đình những vẫn có buồng riêng cho ít nhất là 2 cặp vợ chồng mới cưới hay đã có con mọn.
    Không chịu được sự tàn phá của thời tiết, khí hậu và thời gian khắc nghiệt, một số ngôi nhà ngói cổ ấy đã bị xuống cấp trầm trọng. Có nhà liền thu bớt 1, 2 gian thành nhà 3 gian; có nhà cắt 1 gian buồng xây nhà tầng; Nhà khác mạnh tay hơn, đập bỏ toàn bộ, xây nhà tầng hay biệt thự mới tinh, hiện đại… Nhưng đa số chủ nhân những ngôi nhà cổ làng Trèm, trong đó có gia đình tôi, chọn phương án trùng tu – tôn tạo trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống quý báu của tổ tiên, ông cha để lại. Đó là kiệu, nâng nhà, tôn nền lên cao hàng mét, thậm chí gần 2 mét để chống lụt lâu dài. Để mở rộng không gian trong nhà,: nối cột, hoặc thay mới. Tôn cao nền nhà lên từ 3 – 5 bậc so với mặt sân (cũng đã được nâng cao cả mét). Nhưng cũng có thể vẫn để 1 bậc như xưa, nhưng thực tế cả nền, cả sân đều được nâng nổi gấp 5, 6 lần so với trước. Đảo lại ngói, thay ngói ta mũi hài mới nhưng vẫn giữ nguyên khung mái xưa (chỉ thay những thanh hoành, dui, mè gãy, mọt), ốp ngói bò mới hoặc xây gạch với hàng gạch hoa xen giữa thanh thoáng; phần gỗ, hỏng gì thay nấy… Có những gia đình, xây lại ngôi nhà theo kiểu nhà ngói gỗ xưa nhưng bằng toàn bộ vật liệu mới. Sừng sững cổng gạch, cánh gỗ, khoá đồng. Hai bên cổng, đắp đôi câu đối chữ Hán sơn đen bóng loáng, ngợi ca gia phong thịnh vượng…
    Nhưng có lẽ đau nhất, tang thương nhất, thê thảm nhất là một số ngôi nhà ngói cổ của các gia đình bị quy là địa chủ – cường hào trong CCRĐ. Nhà bị Đội CC tịch thu, đem chia quả thực cho 4, 5 gia đình cố nông, rễ, chuỗi, cốt cán thời ấy. Ngôi nhà cổ kính, bề thế bị chia cắt phũ phàng, không thương tiếc, thô bạo, đầy thực dụng, thành 4, 5 gian, chia cùng với sân, riêng biệt. Từng hộ lại xây tường ngăn kín mít, thành nhà ống hoặc phá bỏ xây nhà mới, hoặc bán đi, ở chỗ khác… Mỗi lần có việc vào thăm những ngăn nhà, ngôi nhà như thế, nhìn ngắm những căn hộ thò ra thụt vào, kiến trúc tùy ý chủ nhân: Cái sân gạch rộng thênh thang bị cắt nát theo chiều ngang rồi lại bổ theo chiều dọc, thấy bí bức, khó chịu! Nhưng có lẽ đây không chỉ là hiện tượng riêng của nhà cổ ở làng Thụy!
    Trước sau, tôi nghĩ rằng nhà gỗ lợp ngói ta được trùng tu, tôn tạo một cách sáng tạo trong sự tính toán cẩn trọng bên cạnh ngôi nhà cao tầng mới xây hiện đại cùng trong 1 khuôn viên vẫn là mẫu hình lý tưởng của nhà Trèm hiện tại và tương lai.
    Cho đến hòa bình lập lại trên miền Bắc, (1954), nhà xây theo kiểu Tây(Pháp) ở làng Trèm hầu như vẫn không có (khác với làng Vẽ (Đông Ngạc), số nhà Tây của những gia đình quan chức, trí thưc Tây học không ít) mà chỉ có một vài ngôi nhà nửa Tây nửa ta. Chẳng hạn ngôi nhà gỗ ngói ta có 1 gian buồng 2 tầng làm gác gỗ của nhà cụ Phó Uyên (xóm Ngõ Đồng), nhà cụ Hộ Ngọ (thôn Đông Sen), nhà cụ Nhiêu Trực (thôn Hồng Ngự). Nhà cụ Phán Vu (Đông Sen ) 3 gian 1 tầng xây kiểu mái ngói, hiên mái bằng (hiên Tây), nhà cụ Lê Bi (Đại Đồng) cũng vậy, nhưng không có gác… Những ngôi nhà như thế được dân làng coi là tân tiến (thời) của những nhà giàu có người đi làm các sở Pháp. Hầu hết những căn gác gỗ lợp ngói ta ấy đều đã cũ nát, phải giỡ bỏ, hạ xuống còn 1 tầng, chỉ khác ngôi nhà gỗ cổ truyền ở cái hiên mái bằng (hiên Tây) với hàng tường hoa ở trên, trốn cột hoặc cột xây vuông, lát trần gỗ hoặc trần phên trát vôi…
    Bây giờ khó mà tìm được những ngôi nhà tranh, từ một đến 3, thậm chí 5 gian tường đất, hoặc tường phên đan nan dừng, trát vách đất (Thành ngữ: Nhà tranh vách đất (nát) gắn liền với sự nghèo đói, khốn khổ. Thành ngữ: Tai vách, mạch dừng bắt nguồn từ kiểu nhà này những lại mang hàm nghĩa khác hẳn, tương tự: Tường có mạch, vách có tai: nghĩa bóng: chuyện rất khó giữ bí mật, dễ bị lộ, cần phải đề phòng, cảnh giác.). Nền nhà: đất nện. Khung tre. Lợp mái: rạ hay tranh… Đó là loại nhà khá phổ biến trong làng trước những năm 60 – 70 thế kỷ trước – nơi ở của những bần – cố nông nghèo túng, quanh năm suốt tháng làm tá điền cho địa chủ hoặc làm thuê đủ mọi việc cho các nhà giàu có trong làng. Sự đơn sơ, chật chội, ẩm thấp, tuềnh toàng của những ngôi nhà (thậm chí là lều) này đã bày ra quanh năm, đặc biệt trong và sau những mưa gió, bão lốc, …. Mái tốc, tranh, rạ bay đầy đường khác gì cảnh thương tâm trong Mao ốc vị thu phong sở cá ca: Bài hát ngôi nhà tranh bị gió thu phá nát. (Đỗ Phủ). Thê thảm hơn, có khi sau trận bão, nhà cửa đổ kềnh, ngổn ngang. Cha mẹ, con cái chỉ còn biết than trời trách đất chẳng thương người nghèo! Và ước mơ dựng được ngôi nhà mới khang trang hơn, nếu được ngôi nhà ngói 3 gian cấp 4 nữa thì… có chết cũng hả!… Với nhiều gia đình, trải mấy đời, đó vẫn chỉ là ước mơ không tưởng!
    Một trong những loại nhà thuộc loại nhà nghèo khác là nhà thuyền – nhà bè.
Đó là của nhiều bà con cư dân xóm Tân Lập (nay đã chuyển hết vào thôn Đại Đồng) làm nghề chở đò ngang, đò dọc sông Hồng và nghề đánh cá. Chiếc thuyền gỗ neo đậu ở đâu cũng là ngôi nhà di động ở đó. Mọi sinh hoạt, làm ăn  của gia đình đều trong và trên 1 chiếc thuyền gỗ có mui che. Đó là ngôi nhà di động trên sông nước đặc biệt của xóm ngư dân này. Lại có kiểu nhà bán di động: nhà bè. Là căn nhà nhỏ xinh bằng tre, luồng, nứa, … tùy loại, một tấm phên dày dặn bằng luồng hoặc bương uốn cong buộc chặt  2 đầu vào cốn bè tre hay nứa, bương, luồng… vừa làm mái vừa làm tường. Chiếc bè  - nền nhà ấy có thể bập bềnh neo trên mặt nước sát bờ sông hoặc kê, đặt vững chắc trên bờ đê. Khi cần thiết, có thể dỡ nhà, chuyển bè khá thuận tiện, dễ dàng. Ngày nay thì bà con xóm Tân Lập hầu hết đã lên bờ, vào trong đất làng, dựng nhà tầng, lên biệt thự 3, 4 tầng dọc ngang, song song vói dải đường chùa Trèm. Những chiếc nhà bè – nhà thuyền đã hầu như vắng bóng.

    Nhà cấp 4  xây bằng gạch ngói tự đóng, tự nung là 1 bước chuyển biến của nhà Trèm, rộ lên vào cuối thập kỷ 70 kéo dài đến hết thập kỷ 80 thế kỷ trước. (Vì nguyên, vật liệu thời bao cấp ấy rất khó khăn). Không biết ai là người đầu tiên ở làng tôi đã nảy sáng kiến tự nung vôi, đóng gạch xây nhà? Nhiều nhà chặt cả vườn xoan, vài bụi tre làm khung, đào gần hết đất vườn, đất sân để tự đóng gạch, đóng ngói, mua đá hộc dưới sàlan, thuyền gỗ ngoài sông Cái, tự đắp lò, nung vôi, nung gạch, ngói ngay tại góc vườn, tự xây nhà mới, bếp mới, chuồng lợn, chuồng bò mới. Nghi ngút khói lò tung tỏa suốt ngày đêm, nhiều tháng ròng làm nứt cả tường hậu nhà thờ, làm chết héo cả vườn hồng, vườn cam láng giềng, ô nhiễm cả 1 vùng trời làng Thụy… Nhưng nhà nhà, người người vẫn thi nhau, đua nhau đào khoét, đóng, đun…mệt mỏi trong phấn chấn, hồ hởi, hi vọng lấp lánh trên những đôi mắt toét nhèm vì khói bụi, vì thức đêm, vì đói ăn, trên khuôn mặt hốc hác, đen sạm, nhễ nhại mồ hôi…sau những buổi làm cố. Và không ít những ngôi nhà cấp 4: tường gạch, khung cột xoan ngâm, ngói Tây hoặc ngói ta hoàn toàn tự làm, tự lực lần lượt theo nhau mọc lên từ xóm Đông đến xóm Đình, qua thôn Tân Nhuệ…
    Từ đầu những năm 90 trở đi đến nay, trong phong trào đổi mới, đô thị hóa nông thôn ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, thì nơi làng ngã ba sông này đã xuất hiện những ngôi nhà cao đẹp 3 – 4 – 5 – 6 tầng được thi công từ những bản thiết kế chuyên môn thuê vẽ hoặc nhái theo khi mượn được, với gạch lỗ, xi măng mác cao, khung cột bê tông cốt thép, móng bè hoặc móng chân vịt, sàn gỗ lim, cầu thang lim, cửa lim, thậm chí có cả thang máy, trang trí phào chỉ, đắp vẽ hoa văn, họa tiết cầu kỳ, mua sắm nội thất ngoại sang trọng chẳng kém gì nhà phố. Đó là nhà của những gia đình có người đi làm ăn, buôn bán trúng quả từ nước ngoài gửi tiền về, nhà của những quan chức, cán bộ, sỹ quan quân đội, công an cao cấp nghỉ hưu, nhà của những đại gia, tiểu gia mới phất,…nhà của tay vừa trúng số độc đắc, lô đề hoặc chứng khoán bạc tỷ. Và không ít ngôi biệt thự sang trọng của những gia đình nông dân suốt đời chân chỉ hạt bột, hiền lành như đất xây được là nhờ bán đất, cắt đất, được tiền nhà nước đền bù ruộng, đất… mà nên… Hơn hai mươi năm trước, người ta còn hết sức dị ứng, khó chịu với nhà mái bằng so với nhà mái chảy ngàn năm của ông cha:
    Mái bằng, mái bằng, lại mái bằng!
Cả làng thành một khối xi măng!
    Thì những năm gần đây, nhà mái bằng 1, 2 tầng đã phổ biến và dần trở nên lạc hậu so với những biệt thự chữ L 3, 4 tầng vừa cao rộng vừa đẹp đẽ, duyên dáng đủ kiểu bên những bể non bộ, vườn sinh thái, ao cảnh cầu kỳ, ở làng Trèm, không phải là của hiếm. Tỷ như hai dải đất bờ sông Nhuệ năm nào còn hoang vu, vắng tẻ biết mấy, với mấy ngôi nhà lá, nhà cấp 4 lèo tèo, trong đó có nhà của mấy anh bạn đồng nghiệp với tôi, thì nay… chắc người xa quê lâu năm không thể tưởng tượng nổi: 4, 5 ngôi biệt thự 3, 4 tầng khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi  toạ lạc bên bờ Nhuệ giang mà chủ nhân của chúng vẫn là mấy ông giáo làng hiền lành, chăm chỉ ấy. Một ông bạn đồng môn vong niên, (thương thay, đã sớm thành người thiên cổ!), ngụ mạn Hoàng Mai, Thanh Trì, có lần lên thăm, đã cảm tác một bài tứ tuyệt đầy cảm phục như vầy:
 Một trời, một nước, một triền đê,
Ngỡ đây: nhà phố, hóa nhà quê!
 Bốn tầng biệt thự xinh như mộng,
       Rượu ngọt, trà ngon, chẳng muốn về!
    Bây giờ, ở làng Trèm không chỉ tuyệt hẳn nhà tranh vách đất mà ngay cả những ngôi nhà ngói cấp 4 cũng trở nên hiếm hoi, lạc lõng, ngượng ngùng giữa những ngôi nhà cổ - tân trang và đặc biệt lọt thỏm giữa những ngôi biệt thự sơn kẻ xanh đỏ tím vàng… rất chi là bắt mắt!    
    Mấy năm gần đây, lại xuất hiện thêm 1 loại nhà dịch vụ nhà nữa: nhà cho thuê: để làm cửa hàng, mở cửa hiệu, văn phòng công ty, hoặc để ở; cũng từ cấp 4 tới cả dãy dài 3 – 4 tầng kiên cố, tiện dụng. Phá vườn, làm nhà dịch vụ; đào sân, xây nhà cho thuê. Cho ta, và cả Tây thuê; doanh thu hàng tháng có chủ thu tới vài chục triệu VNĐ! Thật là hết ý! Nhưng lại cũng có những chủ đất khác: vì ngại, sợ cái sự phiền toái, rắc rối, rầy rà, phức tạp nhiều bề của dịch vụ này, nên thà cứ để vườn, đất trống, chứ không chịu cất nhà cho thuê, dù biết rõ chịu thiệt thòi không phải ít!
    Như thế, đủ thấy làng Trèm chúng ta, trải mấy chục năm qua, đã và đang tưng bừng thay da đổi thịt, khởi sắc, chỉ qua câu chuyện ngôi nhà từ cổ truyền đến hiện đại, cũng đã rõ phần nào. Trước đây vài chục năm, cả nhà: vợ chồng, con cái: 5, 6 người chen chúc trong 1 gian buồng hẹp, chật chội, khó thở đã đành. Nay mỗi người một phòng thênh thang, mát rượi, 1 tivi màn hình tinh thể lỏng sịn, 1 toalet riêng, mà có khi vẫn ngổn ngang, bừa bộn, vẫn chưa lấy làm đủ! Cho hay, tâm lý, dục vọng con người, chẳng biết thế nào cho cùng!...
    Trở lại câu hỏi đầu thư của con trai chú, tôi cho rằng, nếu đem so sánh ngôi nhà gỗ dân tộc (izba) của Nga với ngôi nhà gỗ mái ngói của Việt Nam nói chung, làng Trèm ta nói riêng, tất sẽ vấp phải ít nhiều khập khiễng, khiên cưỡng. Bởi lẽ đơn giản: mỗi kiểu nhà ấy đều gắn với tính cách, thói quen và truyền thống lâu đời của 1 dân tộc, gắn liền với một nền văn hóa riêng biệt ở hai phía chân trời cách xa nhau vời vợi. Mà về bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng người trên trái đất xưa nay thì chỉ nên và có thể tìm thấy sự khác nhau, sự đa dạng; chứ không nên và không thể cố máy móc so đọ, vạch tìm sự hơn kém, thắng thua. Phải không chú Hoan?...

Đêm 19 – 5 – 2013. ĐV