Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Dặm đường nước Mỹ (2)

Huỳnh Văn Úc
Thứ tư ngày 22 tháng 5 năm 2013 7:46 PM
Bà Cô

Vợ tôi gọi bà Nhi là cô ruột. Năm nay bà đã 86 tuổi mụ. Năm 1954 cả gia đình bà theo dòng người di tản vào nam, sinh sống ở Sài Gòn, phố Tôn Đản, Quận 4. Cả gia đình gồm ông và 9 người con trông vào một gánh bún riêu cua trĩu nặng trên vai bà rong ruổi trên những con phố để sinh sống. Bà cười: “ Nói với người ta là riêu cua nhưng đất Sài Gòn làm gì có cua. Tôi giã tôm khô ra lọc lấy nước rồi đánh với trứng, vậy mà gạch nổi lên trông chẳng khác mấy với gạch cua”. Anh trai bà là công chức chế độ cũ, những ngày cuối tháng 4/1975 đã đưa cả gia đình gồm vợ và năm người con di tản sang Mỹ. Trong Bên Thắng Cuộc Huy Đức viết rằng vào giữa những năm 80 thế kỷ trước người ta vượt biên bán chính thức bằng những cây vàng nộp cho nhà chức trách. Bốn người con trai của bà - người lớn nhất khi đó 17 tuổi, là đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đang học phổ thông trung học-vượt biên trong hoàn cảnh đó. Lúc những người con vượt biên ông mất vì bạo bệnh. Sang đến Mỹ, nhờ sự bao bọc của gia đình ông bác ruột cả bốn người đều ăn học thành tài và cái quan trọng hơn là có job (việc làm). Có job là có tất cả, từ nhà cửa, xe cộ rồi đến gia đình, vợ con. Đầu những năm 90 các con bão lãnh cho bà và những anh em còn lại ở thành phố Hồ Chí Minh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Vậy là cả đại gia đình của bà đều sinh sống ở Mỹ. Nhà của các con và dâu rể tọa lạc trên các phố Royal Hill Drive, Sugar Land và những con phố lân cận của thành phố Houston, nhà nọ cách nhà kia khoảng dăm mười phút lái xe. Bà ở với người con trai là kỹ sư điện toán từng làm việc cho NASA nay đã về hưu non trong ngôi nhà một tầng tọa lạc trên diện tích khoảng 400 mét vuông. Phía trước có sân đỗ ô tô, cột chơi bóng rỗ và sân cỏ. Phía sau có vườn rộng để bà ra đó trồng và chăm rau xà lách, diếp cá, rau mùi và một cây bưỡi ngọt. Xã hội Mỹ rất coi trọng người già. Mỗi tháng bà được trợ cấp $500, định kỳ hàng tháng được đi bác sĩ kiểm tra sức khỏe miễn phí. Vì tuổi đã cao nên City (Hội đồng thành phố) thuê cho bà một người giúp việc, lương tháng $800 nhà nước trả. Một người con gái của bà vì không biết tiếng Anh, không có job nên đảm nhận vai trò đó. City cũng không có ý kiến gì vì bà họ Hoàng, con gái họ Ngô. Người ta ở tận trên thành phố, khác họ coi như người dưng. Định kỳ 6 tháng một lần City cử người đến nhà bà (dĩ nhiên là một người nói tiếng Việt) để kiểm tra điều kiện ăn ở của bà và tiếp nhận những lời than phiền nếu có. Các con muốn tổ chức lễ thượng thọ cho bà nhưng bà từ chối. Để làm vui lòng bà lúc tuổi xế chiều họ tạo điều kiện mời em gái bà năm nay 84 tuổi mụ và vợ chồng tôi sang Mỹ thăm gia đình.

Muội Muội
Muội Muội là con gái út của cô Thi. Tên Mỹ của Muội Muội là Asly. Cô Thi là con gái út của bà Nhi. Muội Muội gọi bà Nhi là bà ngoại. Muội Muội có hai anh trai, một anh học lớp một, một anh học lớp ba. Năm nay Muội Muội gần năm tuổi, chưa đi học, kể cả đi học mẫu giáo. Bố của Muội Muội người gốc Hoa tên là Sinh. Điều làm tôi ngạc nhiên là Muội Muội chỉ biết nói tiếng Anh, giao tiếp với mọi người bằng tiếng Anh. Những câu tiếng Việt ít ỏi mà Muội Muội biết là gọi mẹ bằng Má Mì, gọi bà Nhi bằng bà ngoại. Chưa đến năm tuổi, chưa đến trường vậy ai dạy nó mà nó biết nói tiếng Anh trong giao tiếp? Cái lẽ tự nhiên nó như vậy, vì tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, trong gia đình bố mẹ nói với hai anh trai bằng tiếng Anh, bố của Muội Muội cũng không biết tiếng Việt. Má Mì của Muội Muội đi làm ba ngày cuối tuần vì vậy từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều ba ngày đầu tuần Má Mì đem Muội Muội gửi bà ngoại. Vì vậy mà tôi có dịp chơi đùa với Muội Muội. Trình độ tiếng Anh của tôi nếu thi lấy bằng A thì may ra đạt chứng chỉ, hơn nữa sự phát âm và ngữ điệu (intonation) của tôi thì Tây nó nghe cũng phải chào thua. Vậy mà tôi cũng bạo gan hỏi Muội Muội: “ Are you my friend?”. Nó trả lời ngay: “No! My friends are my boys” (Có phải là bạn của tôi? Không! Bạn của tôi là các anh trai). Rồi sau đó tuôn ra một tràng tôi không hiều là nó giải thích những gì về cái chủ đề bạn bè. Vào những chiều thứ bảy hay chủ nhật đám cháu nội ngoại của bà Nhi ngót hai chục đứa, đứa lớn cỡ mười bảy, mười tám, đứa nhỏ cỡ tuổi Muội Muội hoặc nhỉnh hơn một tí tập trung về chơi ờ nhà bà. Không đứa nào nói tiếng Việt mặc dù mỗi tuần bố mẹ chúng có gửi con đến lớp dạy tiếng Việt hai giờ. Chữ thầy trả thầy, câu duy nhất mà đứa nào cũng nói được là : “Con không nói tiếng Việt”. Đứng giữa đám con cháu bà Nhi ồn ào chuyện vãn và tranh cãi với nhau bằng tiếng Anh tôi chợt nghĩ: “Người Mỹ thế mà khôn! Cái đám con cháu ồn ào này rồi sẽ trở thành những công dân Mỹ thực thụ”.