Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người giữ sổ tiết kiệm của Bác Hồ

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 19 tháng 5 năm 2013 5:54 PM

TNc: Nhà xuất bản Lao Động vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Tiếng tung kinh trong căn nhà vị Tướng” của Dương Đức Quảng. Nhân kỷ niệm lần thứ 123 ngày sinh của Bác, TNc xin giới thiệu bài viết “Người giữ Sổ tiết kiệm của Bác Hồ” in trong tập sách này.

Hỏi ông: “Có thể gọi bác là Thư ký riêng của Bác Hồ?”, ông trả lời ngay: “Không, chỉ có anh Vũ Kỳ là Thư ký riêng của Bác. Còn tôi và một vài anh em khác được trực tiếp phục vụ Bác, tuy nhiều khi làm công việc của một người Thư ký nhưng không phải là Thư ký riêng của Bác”.
Ông là Lê Hữu Lập, mười một năm trực tiếp phục vụ Bác Hồ, trong đó nhiều năm là Trưởng phòng văn thư của Văn phòng Phủ Chủ tịch. Sau khi Bác Hồ mất, cũng chừng ấy năm ông là Thư ký riêng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Nhưng có một điều ít người biết đến, ông là người giữ Sổ tiết kiệm của Bác Hồ, lo nhiều việc chi tiêu của Bác do chính Bác giao.   

Ông tiếp tôi trong căn phòng nhỏ chưa đầy 20 m2 của gia đình, ở sâu trong một ngôi nhà có nhiều hộ trên phố Hàng Chuối, Hà Nội. Căn phòng giản dị, có cả một chiếc gác xép lửng giữa phòng, như thường thấy trong nhiều căn hộ tập thể ở Hà Nội. Bộ sa-lông tiếp khách đã cũ, cùng kiểu dáng, kích cỡ với các bộ sa-lông mà nhiều gia đình ở Hà Nội sử dụng cách đây hơn mười năm.
 Đã ở tuổi gần 90 nhưng sức khoẻ của ông còn tốt, nhất là ông còn rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết trong từng câu chuyện kể với tôi về những năm tháng được phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn. Có nhiều chuyện ông kể tôi đã được đọc đâu đó trong sách báo, nhưng có những chuyện lần đầu tiên tôi được nghe, được biết.  
 
                   Ông Lê Hữu Lập

Hai lần nhận nhiệm vụ đặc biệt

Sau mấy năm học ở trường Thăng Long, Hà Nội, nơi có các thày giáo nổi tiếng Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp…giảng dạy, do gia đình đông anh em, cậu học sinh Lê Hữu Lập đành phải bỏ dở việc học hành, lên Thái Nguyên giúp việc cho một người họ hàng làm ăn, buôn bán. Năm 1941, lấy vợ, lại là con cả, theo lời cha, Lê Hữu Lập trở về quê ở Nam Trực, Nam Định lo việc “thờ cúng tổ tiên”. Cách mạng Tháng 8-1945 bùng nổ, anh tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở quê, được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ Tiểu khu Nam Trực. Giữa năm 1947, anh đưa cả gia đình rời quê đi kháng chiến. Hết làm cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ Thái Nguyên, cán bộ tuyên truyền Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, Hiệu trưởng Trường Đảng Hoàng Văn Thụ ở Việt Bắc, anh lại đi phát động quần chúng đóng thuế nông nghiệp ở tỉnh Hoà Bình rồi được chọn đi học một ngành hoàn toàn mới, trước đây chưa bao giờ nghĩ tới: ngành cơ yếu! Đầu năm 1952, học xong, anh nhận một nhiệm vụ đặc biệt: về làm công tác cơ yếu tại Văn phòng Trung ương Đảng. Anh là Bí thư Chi bộ đầu tiên của đơn vị này kể từ khi thành lập…
Năm 1958, ông Vũ Tuân, khi ấy là Phó Văn phòng Trung ương Đảng gọi anh lên phòng làm việc:
- Bác Hồ cần một cán bộ tin cẩn đã qua công tác cơ yếu để phụ trách Phòng văn thư của Bác. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt. Chúng tôi quyết định cử anh sang bên đó. Anh cố gắng làm tốt nhiệm vụ.
Thế là, kể từ lần đầu tiên được nhìn thấy Bác trong một cuộc mít-tinh ở quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội để giải thích về Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, được nghe những lời tâm huyết của Bác trước đồng bào: “Tôi, Hồ Chí Minh, thề chết chứ không bao giờ bán nước”, 12 năm sau ông Lê Hữu Lập không ngờ mình lại có được vinh dự  trực tiếp phục vụ Bác Hồ.

Cuốn Sổ tiết kiệm và tấm lòng của Bác Hồ
đối với người thân và với người dân bị oan

Tháng 7-1958 ông Lê Hữu Lập chính thức được chuyển sang làm việc tại Văn phòng của Bác Hồ. Thời gian này Bác Hồ mới sang ở nhà sàn, xây dựng xong ngày 19-5-1958. Văn phòng của Bác lúc đó rất ít người, ngoài ông Vũ Kỳ là Thư ký riêng của Bác, đồng thời là Chánh Văn phòng, chỉ có ông Lê Hữu Lập là Trưởng phòng, ông Cù Văn Chước là Phó phòng văn thư, ông Trần Văn Vượng đánh máy và một vài anh em nấu ăn, lái xe, cần vụ…
Công việc chính của ông Lập là tiếp nhận và trình Bác những công văn, thư từ, báo chí gửi Bác; trình ký những Sắc lệnh, Thư uỷ nhiệm ngoại giao, các hồ sơ khen thưởng…Báo chí gửi đến, kể các báo địa phương, Bác thường đọc rất kỹ, đánh dấu hoặc ghi ý kiến vào những bài báo đáng chú ý, gửi tặng Huy hiệu của Bác cho những người làm việc tốt mà báo chi nêu gương. Sau này, khi tuổi Bác ngày một cao, để bảo vệ đôi mắt cho Người, ông Lập được giao cùng ông Chước tổng hợp tin tức, lựa chọn tin, bài trên các báo, mỗi ngày hai lần vào đầu giờ buổi sáng và buổi tối trước khi Bác nghỉ, đọc cho Bác nghe…
Ông là người được Bác giao đứng tên “Lê Hữu Lập” trên cuốn Sổ tiết kiệm của Bác, gửi ở một quầy tiết kiệm trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu, sinh hoạt và là tiền nhuận bút Bác viết bài cho báo Nhân Dân. Dịp Bác đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền, Bác dặn nhập số tiền đó vào quỹ của Đảng, không để vào Sổ tiết kiệm của Người. Bác thường dùng tiền tiết kiệm để mua quà tặng trong những dịp cần thiết. Có lần đi công tác về, thấy bộ đội phòng không trực chiến dưới nắng chói chang của mùa hè, Bác nói ông Lập rút tiền trong Sổ tiết kiệm trao cho Bộ Quốc phòng làm quà, mua nước giải khát cho anh em…
Khi được tin ông Nguyễn Sinh Mợi, người anh em thúc bá bị đau nặng, Bác Hồ tự tay viết thư gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An:
“Thân gửi đồng chí Võ Thúc Đồng
Được tin cụ Mợi đau nặng, tôi không có điều kiện về thăm nom chăm sóc. Tôi nhờ đồng chí giúp đỡ chữa chạy. Tôi cảm ơn. Thân ái”.
Bác giao ông Lập cầm bức thư vào Vinh đưa tận tay đồng chí Võ Thúc Đồng. Khi biết cụ Mợi không qua khỏi, Bác cho gọi anh Nguyễn Sinh Định, con trai cụ Mợi, cán bộ Uỷ ban hành chính Hà Nội, cùng các con vào chỗ Bác. Bác dặn ông Lập rút ở Sổ tiết kiệm của Bác 200 đồng để giúp lo liệu công việc cho cụ Mợi. Lần đầu tiên sau nhiều năm phục vụ Bác, ông Lập được chứng kiến các cháu gọi Bác bằng ông, bằng chú. Nhìn ông cháu âu yếm nhau, ông Lập thật sự xúc động. Ông biết nhiều khi vì công việc chung Bác phải nén tình cảm riêng. Bác muốn họ hàng và cả quê hương tự mình phấn đấu vươn lên, không dựa dẫm, đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi…
Bác lo nhiều công việc lớn, nhưng không bỏ qua những việc nhỏ, nhất là những lời kêu oan của người dân. Đọc thư gửi lên Bác, ông Lập phải đọc thật kỹ, báo cáo với Bác từng trường hợp người dân viết thư gửi Bác để cầu cứu. Có lần nhận được lá thư của ông K., một trí thức giỏi tiếng Pháp, làm ở một nhà xuất bản, kêu cứu Bác vì bị xử tù oan về tội hiếp dâm con gái! Bác giao ông Lập báo cáo ông Vũ Kỳ rồi đi gặp các cơ quan có trách nhiệm yêu cầu xem xét việc này, báo cáo Bác. Có một điều khá lạ, là khi đọc hồ sơ vụ án, ông Lập không hiểu hai chữ “ổi tiết” ghi trong bản án là gì, phải hỏi một vị luật sư danh tiếng lúc đó, mới rõ đó là “có hành động bỉ ổi xâm phạm tiết hạnh con gái”(!). Kết quả sự việc sau khi các cơ quan có trách nhiệm điều tra, xem xét cho thấy ông K, bị xử tù oan vì bị vu khống. Sau 9 tháng bị tù oan, ông K. được trả lại tự do. Ngày ra tù, vợ chồng ông tìm đến nhà ông Lập cảm ơn và chỉ có một lời thỉnh cầu là nhờ ông Lập thưa lại với Bác Hồ lòng biết ơn vô hạn của ông bà trước tấm lòng bao dung của Người!

Một chút băn khoăn

Mười một năm trực tiếp phục vụ Bác Hồ và cũng chừng ấy năm làm Thư ký riêng của Bác Tôn, ông Lê Hữu Lập học tập ở hai vị Chủ tịch nước bao nhiêu đức tính tốt đẹp, thấy cả hai Bác tuy vĩ đại nhưng lại rất giản dị, luôn gần gũi mọi người, mọi việc lớn nhỏ đều vì nước, vì dân. Khi trò chuyện với tôi, ông Lập bộc bạch một chút băn khoăn của mình, vì không phải không có người đã thần thánh hoá Bác Hồ và có người, có lẽ do quá yêu qúy Bác, đã viết chuyện hư cấu một sự việc không có thật mà ông biết.
Ông là người từng được chứng kiến những giây phút Bác trầm ngâm khi nghe ông đọc cuốn truyện Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, thấy Bác vẫn thư thái, ung dung dạo bộ sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” năm 1964 khi sự kiện mới xảy ra, thấy Bác “cười chảy nước mắt” khi nghe ông đọc một mẩu chuyện vui trên báo…nên hiểu rằng, tuy là lãnh tụ, nhưng Bác Hồ cũng là một con người, cũng có những thú vui và thói quen bình thường như những người bình thường khác, chức không phải là một ông thánh!
Biết Bác hút thuốc lá nhiều là hại sức khoẻ, nhưng các bác sĩ ở Hội đồng bảo vệ sức khoẻ không ai nỡ khuyên Bác bỏ thuốc lá vì đó là thú vui riêng từ hàng chục năm nay của Bác, có lẽ là từ hồi Bác còn trẻ. Thấy Bác ho nhiều, các bác sĩ chỉ khuyên Bác nên hút bớt thuốc lá. Nhưng tự Bác đã bỏ thuốc, một việc không dễ, nhất là đối với một người quen hút từ nhiều năm,  lại thường ngồi làm việc một mình. Bác còn có một thói quen là gần cuối giờ làm việc buổi sáng thường uống một tách cà phê nóng.
Một hôm, ông Lập làm việc với Bác, như thường lệ, gần trưa, khi anh em phục vụ đưa cà phê vào, Bác đẩy tách cà phê sang ông Lập và nói:
- Chú uống đi!
Ông Lập không dám, thưa lại với Bác:
- Dạ, để mời Bác.
Bác nhìn ông Lập, hiền từ:
- Uống cà phê Bác lại nhớ thuốc lá. Thôi, chú uống hộ Bác!
Sau mấy chục năm rồi ông Lập vẫn còn nhớ cảm giác của mình lúc đó: uống tách cà phê của Bác mà cảm thấy vị cà phê như đắng hơn!
Mười một năm thường xuyên có mặt trong nhà sàn của Bác, quen thuộc từng đồ vật trong phòng, ông Lập biết nhà sàn của Bác không “lộng gió bốn phương” và chưa bao giờ thấy trong phòng làm việc, phòng khách và cả trong phòng nghỉ của Bác có cắm hoa huệ. Nhà sàn của Bác làm bằng gỗ mỏng, khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Đầu giường Bác có một chiếc quạt lá cọ, không phải để phòng mất điện vì đã có máy nổ dự phòng. Bác không để quạt chạy liên tục. Bác bảo “máy cũng phải nghỉ mới bền lâu”. Còn ông Lập thì nghĩ, Bác dùng quạt lá cọ vì Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân khi đó còn rất khó khăn, thiếu thốn!
Trên bàn làm việc của Bác thường có một chiếc đĩa nhỏ để mấy bông hoa nhài, hoa ngọc lan, không khi nào có hoa huệ. Nhiều lần trước khi bước lên nhà sàn làm việc với Bác, ông Lập thường ngắt một vài nụ nhài sắp nở bỏ vào trong túi áo ngực. Ngồi làm việc với Bác một lúc, người ấm lên, mấy nụ nhài trong túi áo dần nở, mùi thơm ngát, hoà cùng hương nhài trên bàn làm việc của Bác thoang thoảng, dễ chịu vô cùng.
Vì thế, nhà sàn của Bác “lộng gió bốn phương” chỉ có ở trong thơ, và hoa huệ trong phòng làm việc của Bác chỉ có trong truyện hư cấu, không có thật. Nhưng rất tiếc chuyện hoa huệ hư cấu ấy bây giờ lại được gắn với Bác như là một chuyện có thật, đến mức trong một số cuốn sách viết về Bác, kể cả sách tư liệu lịch sử, truyền thống của một số cơ quan, đơn vị khi viết về sự quan tâm của Bác, một số tác giả cũng viết như là chuyện có thật vậy!
Ông Lê Hữu Lập nghỉ hưu đã trên hai mươi năm nay. Niềm vui của ông bây giờ là thấy con cháu trưởng thành, luôn giữ được “nếp nhà” mà ông bà truyền lại. Con trai cả của ông là Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Có người nói ông bị thiệt thòi vì nhiều năm phục vụ hai vị Chủ tịch nước, công lao như thế mà vẫn không có Huân chương Độc lập. Còn ông lại có suy nghĩ khác. Ông nói với tôi, phần thưởng có giá trị nhất đối với ông mà chẳng mấy người có, là tấm Bằng khen số 03, ngày 3-9-1972 của Chủ tịch nước, do Chủ tịch nước ký tặng, vì ông “Đã tận tuỵ hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống”.
   Tháng 4/2008

    

Vĩ thanh
Khi bài viết này tới tay bạn đọc thì ông Lê Hữu Lập không còn nữa. Ông mất       đúng vào 3 tháng 2 năm 2012 - Ngày kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng (3-2-1930– 3-2-2012).  Thật tiếc, ngày ông mất tôi không có mặt ở Hà Nội để được biết và đến thắp nén nhang tiễn biệt ông, một người cán bộ mẫu mực của Đảng, một con người thật đặc biệt, hơn 20 năm được trực tiếp phục vụ và làm Thư ký cho hai vị Chủ tịch nước kính mến là Bác Hồ và Bác Tôn.  Ông lại còn là người được Bác Hồ tin cậy giao giữ Sổ tiết kiệm của Bác như trong bài viết trên đây của tôi.
                                                                               Hà Nội, 10-8-2012