Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chẫu chàng ngày mưa

Ngọc Quế
Thứ bẩy ngày 18 tháng 5 năm 2013 10:38 PM

 

Truyện cổ tân trang

Vương quốc nọ xưa nay chính sự vốn không mấy yên hàn. Đám quan lại đồng triều lập bè, kéo cánh, hình thành các "nhóm lợi ích" cát cứ nhiều vùng, nhiều ngành làm giang sơn gấm vóc lâm vào cảnh "dân nghèo, nước nhược".
Thấy nguy cơ đổ vỡ chế độ hiển hiện trước mặt, có người quyền cao chức trọng "nghĩ" ra một kế. Kế đó cũng giống như kẻ hiếu sự tải một ít lừa về đất Kiềm (Trung Quốc) nuôi.
Lừa đưa về đất Kiềm nuôi, thả dưới chân núi, gặm cỏ non, uống nước suối, đi đi lại lại diễu võ dương oai để răn đe những thú hoang dã mon men về phá nương phá rẫy của dân bản. Hổ báo hươu nai thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh thì cũng đã e ngại lắm. Và đặc biệt hơn, lại thấy lừa kêu rất to nên hổ báo hươu nai sợ quá, cong đuôi chạy.
Còn việc, vị quyền cao chức trọng vương quốc nọ cũng học theo kẻ hiếu sự đất Kiềm xuống địa phương chọn "hạ thần" có máu mặt, có uy tín lãnh đạo (ít nhiều) đưa lên "kinh đô" cho đảm nhiệm chức vụ to trong "ban bệ quan trọng" để "răn đe" đám quan tham ô lại. Giống con lừa đất Kiềm kêu to, ông "ban trưởng" vừa cầm cờ lên tay phất luôn, to tiếng tuyên bố "hốt liền".
Lại nói chuyện lừa nuôi ở đất Kiềm. Lúc đầu hổ báo hươu nai thấy lừa kêu to thì kinh, dần dần về sau nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ bàn với hươu nai (đây là một chuyện lạ, xưa nay hiếm đó nha. Hổ báo là khắc tinh của hươu nai mà giờ vì sự tồn vong của mình phải ngồi lại với nhau), hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy, mừng, bảo với lũ hươu nai: "Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi!" Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa.
Chuyện vua quan vương quốc nọ xoay chuyển tình thế ra sao, kẻ tiểu nhân này không dám luận bàn.
Nhác trông ngỡ tượng tô vàng
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa...
Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, còn hy vọng... Đến khi biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa.
Ô hô! Ai tai....

 

       NGỌC QUẾ