Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Lệ Chi viên", đôi điều suy nghẫm

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ ba ngày 21 tháng 5 năm 2013 6:37 PM
 
Mùa lễ hội đầu xuân Quý Tỵ này, gia đình tôi đi Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trước đây hơn 30 năm tôi đã đến thăm hai di tích lịch sử nổi tiếng này, và bây giờ mới có dịp quay lại. Đền Kiếp Bạc vẫn như ngày xưa, chỉ khác ở trước cổng bây giờ có bãi đỗ xe rất rộng và nhiều hàng quán dịch vụ, từ hàng gốm sứ, đến củ khoai, củ tỏi, tấm bánh đa…Đài hoá vàng vẫn ở giữa sân, khói bay nghi ngút. Trong đền người chật như nêm, kẻ bê lễ vào, người bê lễ ra. Ánh sáng lờ mờ. Người đứng sau vái vào lưng người đứng trứơc, miệng lầm rầm lời cầu xin. Một bên giải vũ có đám ngồi đông, khăn xanh áo đỏ, vòng trong vòng ngoài. Tiếng đàn, lời hát chầu văn lẫn vào tiếng cười, tiếng nói lao xao ồn ã. Rất nhiều thầy nho bán chữ viết sớ thuê, và cả thầy bói, xem vân tay, đoán số mệnh, 10 nghìn đồng một quẻ. Chẳng biết có thầy pháp nào, đem vàng hương đến đây “thỉnh đức Thánh Trần” về bắt ma trừ tà cho tín chủ của mình không?... Đến Côn Sơn, chúng tôi vào lễ Phật trứơc. Ô kìa! Quang cảnh bây giờ đã hoàn toàn khác trước. Chùa được trùng tu, tôn tạo to đẹp hơn trứơc rất nhiều. Sân, vườn, đường đi lối lại và bãi đỗ xe rộng mênh mông. Hàng quán san sát hai bên lối đi, thứ gì cũng có. Lần trước tôi đến đây, thời gian ấy phong trào lễ hội chưa phát triển như bây giờ. Chùa dột, có bức tượng đắp bằng đất, troc sơn, ngấm nước, vỡ lở trông thật tội nghiệp. Các vị tượng bây giờ, chẳng biết được chế tác bằng vật liệu gì ? Nhưng vị nào cũng to và đẹp, vàng son rực rỡ. Đi quanh một vòng, bỏ vào hòm công đức mấy đồng, rồi chúng tôi sang đền Nguyễn Trãi. Đền ở sườn đồi, trèo nhiều bậc đá xanh mới lên đến sân, và phải qua mấy lớp sân rồi mới đến đền. Đây là một công trình kiến trúc hoàn toàn mới, rất đẹp, xây theo kiểu cổ, chứ không phải là trùng tu. Ở giữa bái đường đặt tượng Nguyễn Trãi khá lớn, cao to hơn người thật. Chỉ tiếc trong đền không đủ ánh sáng, nên không nhìn rõ được mặt tượng. Chẳng biết có giống những bưc chân dung Nguyễn Trãi đã nhiều lần in trên các báo chí không ? Lui về phía sau bàn thờ chính một chút, hai bên có hai bàn thờ nhỏ. Trên khám có đặt bài vị. Nhưng không biết chữ nho, tôi đoán đó là bàn thờ các bà vợ Nguyễn Trãi. Nhưng ông có ba bà, sao lại chỉ thờ hai? Hay người thứ ba là bà Phạm Thị Mẫn, khi xẩy ra vụ án, đã nhanh chân trốn thoát, cho nên không được thờ? Khi ra về, đi qua sân, thấy quầy bán sách, tôi ghé vào và nhìn thấy cái tiêu đề:” LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ - VỚI THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN”. À thì ra tiếng kêu oan hơn 500 năm trước vẫn còn đây. Đọc hết tập sách, chúng tôi thấy vụ án oan ấy vẫn còn một số điều tồn tại như sau: 1)- Ai giết vua Lê Thái Tông? 2)- Bà Nguyễn Thị Anh có hoang thai không? 3)- Quan hệ giữa Thái Tông và bà Nguyễn Thị Lộ? 4)- Vì sao biết bà Nguyễn Thị Lộ không đầu độc vua, mà triều đình nhà Lê vẫn tru di gia tộc Nguyễn Trãi? 5)- Có phải triêù Lê minh oan nửa vời không? 6)- Sử quan Ngô Sỹ Liên có bẻ cong ngòi bút không? Trước khi đi vào nội dung bài viết, để tiện nắm bắt các sự kiện lịch sử, xin bạn đọc vui lòng đọc lại những dòng sử quan Ngô Sỹ Liên đã viết về vụ án này, trong bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ: “ Tháng 8, ngày 4, vua đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng ác bệnh rồi băng. Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mống 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua” Dưới đó vài dòng sử quan viết tiếp: “Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời. Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết, cho nên Trãi bị tội lây. Lời bàn rằng: Nữ sắc làm hại người quá lắm thay, Thị Lộ là một người đàn bà mà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trái lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lấm ư?”. Theo bài “MỘT NỮ SĨ TÀI HOA, MỘT NỖI OAN BI THẢM”, của GS Phan Huy Lê, in trong tập sách cho biết: Vua Thái Tông lên ngôi năm 11 tuổi, năm mất ở Vườn Vải mới có 20 tuổi. Vua có các bà phi và các hoàng tử sau đây: 1)- Thần phi Dương Thị Bí, sinh ra Nghi Dân, 2)- Bùi Thị Nhạn, sinh ra Khắc Xương. Bà này các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra gần đây,. 3)- Nguyên phi Lê Thị Ngọc Dao, con Lê Sát, 4)- Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, năm 1437 phong làm Huệ phi, con Lê Ngân, 5)- Thần phi Nguyễn Thị Anh, sinh ra Bang Cơ (tức Lê Nhân Tông), 6)- Tiệp dư Ngô Thị Bình (cũng tên là Ngọc Dao), sinh ra Tư Thành (tức Lê Thánh Tông). Vua Lê Thái Tông có bồn hoàng tử: 1)- Nghi Dân, sinh tháng 1- 1440, được lập làm Hoàng thái tử, năm 1441 bị bãi bỏ, 2)- Khắc Xương, 3)- Bang Cơ, sinh tháng 9- 1441, tháng 11 cùng năm được phong Hoàng thái tử, 4)- Tư Thành, sinh tháng 7- 1442  .Trong bài: “XÉ BỨC MÀN DỐI TRÁ TRONG VỤ THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN”, in trong tập sách, TS Đinh Công Vĩ viết: “… Theo tư liệu ngọc phả họ Đinh ở làng Đông Cao huyện Nông Cống (Thanh Hoá) có ghi lại bút ký Hồng Mai của Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt, bản dịch của Đinh Quốc Bảo… Theo tài liệu ngọc phả đó, thì Bang Cơ (vua Nhân Tông) do Nguyễn Thị Anh có thai sẵn từ ngoài khôn khéo đưa vào cung đình mà Thái Tông vẫn tưởng là con mình, yêu quý hơn vàng hơn ngọc. Sự kiện này ăn khớp một cách lạ lùng với bài “Đại xá thiên hạ” sau khi lật đổ mẹ con Nguyễn Thị Anh của Nghi Dân vào năm Diên Ninh thứ 6 (1459) ghi rõ là: “Diên Ninh (tức Lê Nhân Tông) tự biết mình không phải là con của tiên đế (Lê Thái Tông)”. Ở bút ký Hồng Mai trong ngọc phả, Đinh Liệt viết về vua Nhân Tông (đọc lái là Nhung Tân):
“Nhung Tân hà hữu Tông Thai tính
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký
 Hoang bào ô nhiễm vạn niên thanh”
Dịch:
(Nhân Tông đâu phải máu con rồng
Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng
Năm tháng ngày giờ Đinh Thắng chép
Hoàng bào để vết tiếng ngàn năm).
Tức là từ khi bà Anh nằm với vua tới khi đẻ Bang Cơ chỉ có 6 tháng…”.
Rồi trong bài: “NỖI OAN NGHẼN TẮC GẦN 600 TRĂM NĂM”, cũng in trong tập sách này, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã căn cứ vào các tư liệu trên của TS Đinh Công Vĩ, ông viết: “… Từ rất lâu, lần tìm lịch sử tới đoạn này, tôi thường bị nghẽn lối, vì không đủ tư liệu đi tiếp. Tôi chỉ phỏng đoán, cái chết của hai viên quan hoạn này, nàm trong đường dây phá án, Nhưng đành bó tay. May thay, gần đây có đọc bài viết của TS Đinh Công Vĩ, nhân ngày mất của Nguyễn Trãi, ông sử dụng một chi tiết trong ngọc phả họ Đinh, phần “Bút ký Hồng Mai”, Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt có làm bài thơ như sau:
“Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chủng bảo đa?
Chủ khảo Tống Thai vi linh dược
Cựu bình tân tửu thịnh y khoa”
“Nhung tân” đọc lái là Nhân Tông  (tức Bang Cơ, con của Nguyễn Thị Anh).
Tạm dịch:
“Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha”
(Hai tác giả của hai bài viết trên, cùng chép một bài thơ và cùng in vào một tập sách, nhưng đã khác nhau nhiều chữ, thậm chí nhiều câu, làm cho người đọc chẳng biết bài nào là nguyên tác? Thật đúng là tam sao thất bản)! Căn cứ vào bài thơ đó, TS Đinh Công Vĩ và nhà văn Hoàng Quốc Hải, cùng một số tác giả khác có bài in trong tập sách đã khẳng định rằng: Từ khi Thái Tông nhập phòng với Thị Anh, đến ngày sinh Bang Cơ chỉ có sáu tháng. Như vậy là Thị Anh đã hoang thai. Tôi không dám tin. Vì trên đời này làm gì có người con gái nào, đã có chửa ba tháng rồi, mà lại dám đem thân đi lấy vua, chẳng lẽ cô ta không hiểu nói dối vua là tội sẽ mất đầu ư? Theo chúng tôi nghĩ: Chính lời buộc tội quá vô lý của một số tác giả trong tập sách, đồng thời đã là lời minh oan cho bà Nguyễn Thị Anh, rằng bà ta không hoang thai. Vì ngày bà ta được rước vào cung vua để trở thành hoàng phi, không phải chỉ là ngày “đại hỉ” của hoàng gia và bá quan văn võ của triều đình nhà Lê, mà còn là ngày “đại hỉ” của cả nước. Chắc chắn hôm ấy cả kinh thành Thăng Long, nhà nào cũng tưng bừng treo đẻn, kết hoa và đốt pháo ăn mừng đại hỉ. Vậy mà chỉ có sáu tháng sau, bậc mẫu nghi thiên hạ ấy đã mãn nguyệt khai hoa, hạ sinh cho hòang gia và đất nước một vị hoàng tử khoẻ mạnh, khác hẳn với sự sinh nở của tất cả chị em phụ nữ bình dân, phải đủ chín tháng mười ngày. Thế thì chính cái ngày hoàng tử ra đời ấy đã tự xé toang tấm màn bí mật. Và cả kinh thành Thăng Long ai ai cũng biết bà Nguyễn Thị Anh hoang thai. Thế mà cả triều đình nhà Lê, nơi tập trung những bộ óc mẫn tiệp của cả nước, thì chẳng có ai hay biết gì. Ngoại trừ hai viên quan hoạn, giữ sổ ghi ngày vua nhập phòng các phi tần. Rồi mới đây nhờ TS Đinh Công Vĩ, nên mọi người mới được biết: Còn thêm cả Lân quốc công Đinh Liệt cũng biết chuyện bà Nguyễn Thị Anh hoang thai, do hai viên hoạn quan Đinh Phúc và Đinh Thắng “đã mật báo” với ông. Nếu đúng như vậy, Lân quốc công vừa là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, vừa là công thần của nhà Lê, đã cùng Lê Lợi đánh Đông dẹp Bắc nhiều năm mới giành được chiếc ngai vàng cho nhà Lê, mà bỗng dưng lại có một kẻ ngoại tộc chiếm mất. Vậy sao Lân quốc công không vì cái nghĩa trung quân, ái quốc mà tố cáo kẻ thoán nghịch, lấy lại ngai vàng cho nhà Lê? Nếu bảo Thái Tông đang yêu bà Nguyênx Thị Anh, tố cáo có thể nguy hiểm. Thế sao Lân quốc công không tố cáo với Hoàng thái hậu, người sinh ra Thái Tông? Mà lại im lặng rồi đem cái chuyện hoang thai đó viết thành thơ, để con cháu ghi vào ngọc phả? Và cũng chính bài thơ nói lái của Đinh quốc công, mà hai bản chép của TS Đinh Công Vĩ, và nhà văn Hoàng Quốc Hải, hai người đang sống cùng thời ở Hà Nội, đã khác nhau nhiều chữ nhiều câu. Vậy một bài thơ được coi là đã viết gần 600 năm trước, liệu có tin được là của Quốc công Đinh Liệt không? Và có phải bài thơ ấy viết về chuyện bà Nguyễn Thị Anh hoang thái không?... Một người con gái đi lấy chồng, chỉ có sáu tháng sau đã sinh con. Rồi nhờ vào “y khoa”, vào “linh dược”, mà lấp liếm, che đậy được cả thời gian ba tháng 10 ngày thiếu hụt của thai nhi, khiến gia đình nhà chồng không ai biết là mình chửa hoang, thì quả là một chuyện hoang đường chưa từng thấy bao giờ. Nhất là cái món “linh dược” kỳ bí ấy lại che mắt được một ông vua, tuy còn rất trẻ, nhưng đã rất am tường chuyện buồng the chăn gối như Thái Tông, và cho đến lúc chết (hai năm sau) vẫn chẳng biết gì, vẫn yêu vợ và “quý con như vàng như ngọc”. Nên chỉ vài tháng sau khi sinh đã được phong làm Hoàng thái tử. Chuyện lạ lùng như vậy, liệu có tin được không, thưa bạn đọc? Cùng với bài thơ nói lái, nhà văn Hoàng Quốc Hải và TS Đinh Công Vĩ còn căn cứ vào mấy chữ: “…Diên Ninh (Tức Nhân Tông) tự biết mình không phải là con của tiên đế”, ghi trong bài “Đại xá” của Nghi Dân, sau khi Y đã giết em mình để cướp ngôi vua. Chúng ta đã biết Nghi Dân sinh tháng một năm 1440, Bang Cơ sinh tháng chín năm 1441. Nghi Dân chỉ hơn Bang Cơ có một tuổi. Đứa trẻ mới có hai tuổi, thì làm sao đã biết em nó là đứa con hoang thai? Mấy chữ đó chỉ là lời tự bào chữa, nhằm biến tội thành công, của kẻ thoán nghịch, không thể tin được. Nếu Nghi Dân biết bà Nguyễn Thị Anh hoang thai, vậy còn năm bà phi kia, năm kẻ tình địch, năm con sư tử hà đông, lúc nào cũng nhăm nhăm chỉ rinh, chờ cơ hội để bới xấu nhau sao lại chẳng biết chuyện gì?... Câu chuyện đến chỗ này, chúng ta đã có thể khẳng định được rằng: Bà Nguyễn Thị Anh không hoang thai, và do vậy mà cả sự nghi ngờ, cho rằng bà Anh đã sai người đầu độc vua Thái Tông ở Vườn Vải, để giữ ngôi vị cho con, cũng là điều không có thật. Vậy kẻ nào là thủ phạm giết vua? Câu hỏi ấy vẫn chưa có lời giải đáp. Trong bài: “THỬ XÉT LẠI VỤ ÁN NGUYỄN TRÃI”, hai ông Lê Thước và Trương Chính, có đoạn viết về Lê Thái Tông như sau: “…Thái Tông lúc còn nhỏ dại, tính nghịch ngỗ, ham chơi, thường đánh bạn với một tên bé là Nguyễn Cung, từ chối không chịu cho nho thần vào cung dậy dỗ, nhiều khi hắt hủi, chửi mắng bà mẫu sư tiên đế đưa vào cung để khuyên dạy, có khi lại đóng cửa không cho hai bà Thần phi và Huệ phi (vợ Lê Thai Tổ), khi hai bà đến răn bảo. Các quan quản lĩnh theo hầu thấy nhà vua không đọc sách, chỉ cầm cung đi bắn chim, họ khuyên can, nhà vua đã không nghe, lại lấy cung bắn vào họ…Qua tuổi 17, Thái Tông thân chinh (nắm quyền bính). lại có sự xáo trộn nữa. Y cách chức Lê Sát, giết Hạ Đăng Sắc, giáng Lê Văn Linh, Lê Hy là những người có liên hệ với Lê Sát, cuối cùng giết Lê Sát, giết Lê Ngân (hai ông bố vợ), tất cả những việc ấy đều xẩy ra trong một năm (1439)”. Cũng về chủ đề này, trong bài: “XÉ BỨC MÀN DỐI TRÁ TRONG VỤ THẢM SÁT LỆ CHI VIÊN”, TS Đinh Cong Vĩ viết: “…Thời Lê Thái Tông, bà Phạm Huệ phi, vợ Lê Lợi “oàn vọng” mà phải chết (theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn). Vua Thái Tông không những giết một bà phi bằng hàng mẹ mình, mà còn nghi kỵ, ruồng đuổi anh ruột là Lê Tư Tề (con trưởng Lê Lợi), giết hai ông bố vợ là các đại công thần Lê Sát và Lê Ngân. Bà Ngô Thị Ngọc Dao, có chị gái là Xuân vào hầu vua Thái Tông ở hậu cung nên theo chị vào, vua trông thấy thích thì cho làm phi. Chỉ nghe thấy chuyện bà Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân dựng bàn thờ Phật ở nhà, mời thầy cúng về cầu cho mình được vua yêu mà cũng giáng Huệ phi xuống hàng tư dung và bắt bố vợ phải tự tử!...”. Xin bạn đọc trở lại bài viết của hai ông Lê Thước và Trương Chính: “…Thái Tông tuy còn ít tuổi, nhưng Y là một người háo sắc, có đễn sáu bà vợ chính thức, bậc phi, và thường còn tuyển lựa vào cung không biết bao nhiêu là gái đẹp…”“Sông bao nhiêu nước cho vừa.Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng”Xem ra ông vua này cũng có “cái máu” của Lê Ngoạ Triều ngày trước: hoang dâm vô độ! “Nữ thập tam, nam thập lục”. Nam giới 16 tuổi mới dậy thì, phát dục. Tính từ tuổi 16 đến ngày mất, tuổi 20, nhà vua chỉ có bốn năm sống ở tuổi thanh niên. Thế mà ngài đã có đến sáu bà phi, lại còn tuyển hàng trăm người đẹp vào cung, chứng tỏ lòng tham và khả năng sinh hoạt tình dục của ngài là rất phi thường, và cũng rất chi là hoang dã!... Một người háo sắc, đa tình và tham lam như vậy, liệu vua có yêu bà Nguyễn Thị Lộ không? “Gái tham tài, giai tham sắc”. Sắc đẹp của người đàn bà cuốn hút người đàn ông, làm cho người đàn ông mê đắm, chứ không phải là tuổi của người đàn bà ấy trẻ hay già. Tất nhiên sắc đẹp thường chỉ ở với người ta khi còn trẻ, nhưng trường hợp già mà vẫn còn đẹp thì lại khác. Khi bà Nguyễn Thị Lộ xuất hiện trước nhà vua, tuy đã đứng tuổi, nhưng chắc chắn nhan sắc của bà còn rất lộng lẫy, cho nên vua mới “thích”, mới “yêu”, như sử thần Ngô Sĩ Liên đã ghi vào lịch sử. Vua thích, vua yêu, chứ vua có lấy đâu mà so đo tuổi tác. Căn cứ vào tính háo sắc của Thái Tông, và lòng dục không cùng của con người, và bằng vào hai chữ “thích” và “yêu” của sử quan Ngô Sỹ Liên, chúng ta cũng có thể khẳng định được rằng, vua Lê Thái Tông có yêu bà Nguyễn Thị Lộ. Nhưng nhà văn Hoàng Quốc Hải và một số vị khác đã chứng minh ngược lại. Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết: “…Không một kẻ hiếu sắc trai trẻ nào lại si mê một bà già bằng tuổi mẹ mình. Do đó không thể có chuyện tình ái giữa Thái Tông và bà Lộ…”. Tuy khẳng định dứt khoát như vậy, nhưng rồi nhà văn lại mở ngoặc: (Tất nhiên trong đời chuyện gì cũng có thể xẩy ra). Và TS Mai Hồng cũng viết: “…Vua Thái Tông đã coi bà Lộ là người thầy khả kính của mình rồi thì làm sao có chuyện sàm sỡ được…”.TS Mai Hồng khẳng định như vậy là không thực tế. Một ông vua khi còn nhỏ đã chửi mắng nhũ mẫu, đuổi thầy nho vào cung dậy học, đóng cửa không cho các bà phi vào hàng mẹ mình đến khuyên bảo. Khi cầm quyền đã giết bà Pham Huệ phi, vợ của cha mình, giết cả hai ông bố vợ vô tội. Những hành động bạo ngược đó, đã chứng tổ ông vua này chẳng coi lễ nghĩa là gì. Vậy thì làm gì có chuyện vua Lê Thái Tông đã “bái” bà Lộ là người thầy khả kính của mình như Hán Cao tổ bái Hàn Tín, cho nên không thể sàm sỡ được. Hai chữ “cợt nhả” (cũng là sừam sỡ) là của Ngô Sĩ Liên đã ghi vào lịch sử. Nếu đó không phải là sự thật không thể chối cãi được, thì không đời nào Lê Thánh Tông, một ông vua được coi là “minh quân” của triều Lê lại chịu để cho sử quan ghi như vậy. Để chứng minh rằng, trong tình yêu thì tuổi tác và địa vị không bao giờ là trở ngại, mà người đang yêu không thể vượt qua. Chúng tôi xin dẫn ra đây một vài trường hợp: Rất tiếc rằng tôi không nhớ ở số báo nào, nhưng nhớ chắc chắn là trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Vào khoảng cuối năm 2011, hay đầu năm 2012 gì đó, có đăng bài viết (tôi không nhớ tên tác giả) và cả ảnh của một bà nhà văn người Pháp rất đẹp, vừa qua đời. Ngoài viêc liệt kê số đầu sách của bà ta đã xuất bản, tác giả bài báo còn cho biết: Váo năm 60 tuổi, bà đã lấy người chồng cuối cùng, là một thanh niên 30 tuổi. “Chàng” theo đuổi “nàng” vừa đúng năm năm mới “xô đổ” được! Trường hợp thú hai: Thời chống Pháp. Trường trung học đầu tiên của chiến khu Việt Bắc, là trường Lương Ngọc Quyến ở Thái Nguyên. Các thầy cô đều là các giáo viên được đào tạo từ thời  Pháp thuộc, trước Cách mạng tháng tám. Vị nào cũng chững chạc, đứng tuổi, chứ không trẻ như giáo viên thời bình sau này, thầy chỉ hơn trò vài tuổi. Có một cậu học sinh lớp chín (chương trình giáo dục phổ thông ngày ấy chỉ có chin năm), chẳng biết vì sao lại đem lòng si mê cô giáo chủ nhiệm lớp mình. Có lẽ cô giáo goá chồng, hay vì hoàn cảnh nào đó mà tuổi xuân qua đi, cô trở thành người đàn bà: “Trẻ đã qua, già vừa tới”, mà chưa có chồng. Cho nên cô vội vã chớp lấy thời cơ, yêu đáp lại “tình quân”! Mẹ cậu học sinh khuyên can con mãi chẳng được, bà bèn đến trường chắp tay lậy van cô giáo: “Tôi lậy bà, bà tha cho cháu!”. Thế rồi từ đấy lời van xin đó đã trở thành tiêu đề cho một giai thoại, kể về tình yêu của lứa tuổi học trò: “Tôi lậy bà, bà tha cho cháu!”. Văn hào Goorki bảo: tròng tình yêu bao giờ cũng mang yếu tố mê tín. Quả là chí lí. Và trong tập tiểu thuyết “VẠN XUÂN”, nữ nhà văn Pháp, bà Yveline Fẻray cũng viết, khi vua Thái Tông đến tuổi trưởng thành, chính bà Nguyễn Thị Lộ đã hướng dẫn cho vua biết cách làm tình. Tất nhiên tiểu thuyết là truyện bịa, nhưng tất cả những gì tác giả đã bịa ra, đều là chuyện có thể xẩy ra, Hoặc đẫ xẩy ra, đang xẩy ra và sẽ xẩy ra. Như vậy là câu hỏi: Vua Thái Tông có yêu bà Nguyễn Thị Lộ không, đã được giải đáp. Nhưng lại sinh ra một câu hỏi khác, là bà Nguyễn Thị Lộ có yêu vua Thái Tông không? Để tìm lời giải đáp, xin quý bạn đọc vui lòng đọc lại bài thơ “Tiết phụ ngâm”, của Trương Tịch, nhà Đường, Trung Quốc:
“ Chàng hay em có chồng rồi
Yêu em, chàng tặng một đôi ngọc lành
Vấn vương những cảm mối tình
Em đeo trong áo lót mình mầu sen
Nhà em vườn ngự kề bên
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang
Như gương vâng biết lòng chàng
Thờ chồng quyết chẳng phũ phàng thè xưa
Trả ngọc chàng, lê như mưa
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
                                                   (Ngô Tất Tố dịch)
Như vậy là nàng Tiết phụ cũng yêu anh chàng tặng ngọc, cho nên trả ngọc chàng lệ như mưa. Con người chứ có phải là gỗ đá đâu. Nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ chắc chắn cũng có trái tim đa cảm như bao nghệ sĩ khác. Vậy thì bà cũng yêu Lê Thái Tông mới đúng, chứ sao lại không? Già và xấu như mẹ Cám, mà cũng đi thử hài Hoàng tử cơ mà! Và về mối quan hệ tay ba đó Nguyễn Trãi có biết không? Với khả năng hiểu biết uyên bác như ông, thì chẳng cần phải nghe thấy, nhìn thấy ông cũng biết cái chuyện tất yếu ấy rồi sẽ đến. Theo tác giả Minh Quân, thì Nguyễn Trãi đắn đo mãi, rồi ông đã viết thư cho vợ:
              …Tình đời lắt léo
Lòng gái không thường
Có kẻ say cảnh quên chồng, nào quản trời xanh lồng lộng
Có người mê tình bỏ nghĩa, chẳng hay vầng nhật nguyệt sáng choang…”.
It lâu sau ông nhận được thư bà trả lời:
“…Lầu như gương chẳng vết nhơ
Im lìm như nước không gợn sóng
Như vậy chàng rằng chàng không chí khác
Nhưng kìa, thiếp bảo thiếp chẳng lòng nào…”.
(Theo gia phả họ Nguyễn Như, Thanh Hoá, bản dịch của Văn Chinh, sách Văn chương Nguyễn Trãi, NXB Đại học và THCN, 4 – 1984) Như vậy là chúng ta đã có bằng chứng để khẳng định rằng, quan hệ giữa bà Lộ và vua Lê Thái Tông, không đơn giản chỉ là thần dân phải “tuân chỉ” đức vua, mà bà Nguyễn Thị Lộ cũng yêu vua Lê Thái Tông. “Tôi trung không thờ hai chúa, tiết phụ không lấy hai chồng”. Đó là khuôn vàng thước ngọc về đạo đức của thời đại bà Lộ đang sống. Tất nhiên bà quá hiểu điều đó. Nhưng bà đã gặp một đối tượng, mà bất cứ người đàn bà tiết hạnh nào, cũng mất hết khả năng đề kháng. Cho nên bà không dám “trả chàng xuyến ngọc”. Nhận, nhưng bà hoàn toàn không có lỗi. Lỗi là ở phía người tặng ngọc. Vậy cái đêm ở Vườn Vải, vua thức suốt đêm với người yêu, vì sao vua lại chết?... Về cái chết mờ ám của vua Lê Thái Tông, xưa nay các nhà nghiên cứu đã tốn nhiều giấy mực, và bây giờ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Như trong bài: “NỖI OAN CHUA ĐƯỢC RỬA CỦA LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ Lộ”,PGS Nguyễn Huy Phúc viết “…Rất may là sau này, các sử quan triều Nguyễn đã viết lại đoạn chép về vụ án Lệ Chi viên với những  bổ sung chi tiết rất có giá trị để tìm tòi sự thật như sau (người viết bài này xin trích mấy dòng cuối): “… Đến đây đi tuần phía Đông, xa giá quay về đến Trại Vải làng Đại Lại, huyện Gia Định thì mắc chứng sốt rét, Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất…”.Sự việc xẩy ra mấy trăm năm trước, mấy trăm năm sau, các sử quan triều Nguyễn căn cứ vào đâu mà biết vua Thaí Tông “mắc chứng sốt rét”? Chắc các vị ấy cho mấy chữ “…bỗng ác bệnh, rồi băng”, của sử quan Ngô Sĩ Liên viết trong ĐVSKTT là không cụ thể, “bệnh ác” không thấy có tên trong y học. Cho nên các vị ấy đã tự ý đổi hai chữ “ác bệnh” thành ra “chứng sốt rét”. một thứ bệnh do vi trùng sốt rét gây ra, rồi viết vào “Việt sử Thông giám cương mục”, làm cho biết bao thế hệ học sinh học quyển lịch sử này, đã phải tin một điều bịa đặt hết sức vô lý, là vua Thái Tông chỉ sốt rét có mỗi một cơn mà chết! Rồi chắc la nhận ra điều vô lý đó của các sử quan triều Nguyễn, cho nên PGS Vũ Huy Phúc bèn tự tiện viết thêm hai chữ “cấp tính” vào. Thế là cái chết mờ ám gần 600 năm của vua Thái Tông, bỗng trở nên sáng tỏ Còn quan điểm thứ hai, do tin rằng bà Nguyễn Thị Anh hoang thai, sinh Báng Cơ (tức Nhân Tông) chỉ có sáu tháng, cho nên trong bài: “XÉ BỨC MÀN DỐI TRA…”, TS Đinh Công Vĩ viết  “…dưới ánh sáng của phương pháp khoa học (trước tiên là ở chuyên ngành sử học) mới tìm ra và phân tích những nguyên nhân sâu xa của thảm án Lệ Chi viên là ở mưu đồ nham hiểm của cái bậc gọi là “mẫu nghi thiên hạ” đã dựng nên vụ án để giành ngai vàng cho con mình…”.
Vậy chúng tôi xin phép được hỏi tất cả các bà mẹ và các bà vợ rằng: “Ở đời này liệu có người vợ nào đang được chồng yêu, con mình cũng đang được chồng quý như vàng như ngọc, vừa mới sinh ra, chỉ mấy tháng sau đã được phong làm Hoàng thái tử, mà người vợ ấy lại đầu độc chồng mình chết, để giữ ngai vàng cho con mình không?...Thưa Giáo sư! Dù rất muốn , nhưng tôi cũng không dám tin những chữ đó của ông là sự thật.Từ ngày còn bé tôi đã nghe thấy người lớn kể với nhau, và cả bây giờ cũng vậy, vẫn thấy các bà mẹ truyền ngôn cho con, cho cháu gái của mình biết về một thứ bệnh gọi là “phạm phòng”. Để các cô gái sắp kết hôn biết mà đề phòng, dù rất hiếm khi, nhưng đã có trường hợp xẩy ra tai nạn. Đêm tân hôn, vợ chồng đang giao hợp, vì quá xúc động, người chồng bị đột quỵ, tim ngừng đập, ngất xỉu đi. Lúc đó, người vợ phải hết sức bình tĩnh, giữ nguyên hiện trạng, không được đặt người chồng xuống giường. Rồi lấy cái trâm cài tóc, hoặc cái kim băng, chích vào đầu xương cụt người chồng một cái, làm cho người bị ngất giật mình, do đó tim lại đập trở lại. Nếu không có vật nhọn, thì túm tóc mai (cả hai bên) giật ngược lên cũng được. Tai nạn này thường chỉ xẩy ra với những người có trái tim khộng thật khoẻ mạnh, hoặc trường hợp làm việc quá sức.Qua chuyện truyền ngôn đó, và căn cứ vào tính háo sắc của vị vua trẻ này, cùng những câu: “…vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng” và “Ác bệnh rồi băng” của sử quan Ngô Sĩ Liên, Chúng tôi cho rẳng vua Thái Tông đã bị tai nạn trong sinh hoạt tình dục. Nhưng bà Nguyễn Thị Lộ không biết cách cấp cứu. Hoặc biết, nhưng vì quá hoảng sợ mà quên mất, nên vội vàng vùng dậy và hô hoán lên. Cho nên nhà vua chết.Như vậy là chính vua Thái Tông đã tự giết mình, chứ chẳng phải là bệnh sốt rét ác tính. Và càng không phải là bà Nguyễn Thị Anh sai người đầu độc chồng.Và cái chết bất thình lình đó, cả triều đình nhà Lê đều biết rõ nguyên nhân ngay sau đó. Nhưng tại sao mãi hai ngày sau, đoàn hộ giá mới đưa thi hài vua về đến cung? Có phải từ Vườn Vải về kinh đô, đường quá xa không? Không phải. Hai ngày đó, chính là thời gian để triều đình bàn định và thống nhất ý kiến về cách đối phó, hành xử trước tai biến. Cho nên trong ĐVSKTT, Ngô Sĩ Liên viết: “…Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung rồi mới phat tang. Mọi người đều nói Nguyễn Thị Lộ giết vua”, là hoàn toàn chính xác.Vậy tại sao triều đình nhà Lê đã biết rõ nguyên nhân cái chết của vua Thái Tông rôi, mà họ lại cố ý buộc tội cho bà Nguyễn Thị Lộ giết vua?...Chế độ phong kiến rất coi trọng những quy chuẩn về đạo đức và ngôi thứ của mọi người trong xã hội, như tam cương là: Quân - Thần, Phụ - Tử, Phu – Thê. Ai ai cũng phải giữ gìn, phải ăn ở cho đúng ngôi, đúng bậc. Vua phải ra vua. Tôi phải ra tôi. Cha phải ra cha. Con phải ra con. Chồng phải ra chồng. Vợ phải ra vợ. Ngũ thường là: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí – Tín. Làm  người mà không giữ được năm cái đức thường ấy thì chẳng còn giá trị gì, kể cả bậc vua chúa. Đã đành rằng trong lịch sử chẳng thiếu gì những ông vua chẳng coi luân thường đạo lý là gì, sống trên pháp luật. Nhưng đó là hôn quân, chứ không phải là minh quân.  Con người ở trong xã hội cũng chia ra ba bậc, trên dưới khác nhau như : Quân - Sư - Phụ. Ngôi cao nhất là vua, thứ nhì là thầy, rồi mới đến cha. “Cha sinh không bằng thầy dậy”. Thầy chết, học trò phải để tang, phải mũ gậy, phải theo giỗ tết y như con đẻ.Nguyễn Trãi và Lê Thái Tông vùa là vua tôi, vùa là thầy trò. Đó là về mặt xã hội. Còn về mặt tình cảm gia đình, thì Nguyễn Trãi là bạn chiến đấu của Lê Lợi, cùng năm gai nếm mật, sống chết, thành bại có nhau, coi nhau như thủ túc, như anh em. Cho nên đối với Thái Tông, Nguyễn Trãi đứng vào hàng cha chú.Thế mà vua lại chiếm đoạt vợ của bày tôi, trò lại ăn nằm với vợ thày, cháu lại “hủ hoá” với thím, thì có phải là loạn luân, là vô đạo không? Mà còn đáng xấu hổ hơn nữa là ông vua hoang dâm ấy lại chết tươi, chết bất thình lình ngay trong lúc đang hành lạc, vì sướng quá mà chết! Như vậy, rõ ràng Thái Tông đã trát bùn lên chiếc ngai vàng, mà người cha của ông đã cùng nhân dân cả nước, dầy công đánh Đông dẹp Bắc nhiều năm mới giành được và để lại cho ông.
“Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”. Đó chính là lý do, vì sao triều đình nhà Lê lại vu cho bà Nguyễn Thi Lộ cái tội giết vua. Trong hai ngày họp bàn, trược khi đưa thi hài vua về cung, triều đình nhà Lê, mà người đứng đầu có quyền hành cao nhất lúc đó, tất nhiên phải là mẹ con đương kim Hoàng thái tử, bà Nguyễn Thị Anh. Và bà Anh hay một vị mưu thần nào đó, đã nhanh trí “mượn” ngay cái mẹo cũ của Lê Hoàn.. Ngày xưa Lê Hoàn mượn cái đầu của Đỗ Thích, để che giấu chuyện gian dâm của ông ta với bà Hoàng hậu Dương Thị Vân. Bây giờ bà Nguyễn Thị Anh và triều đình nhà Lê cũng vu cho bà Nguyễn Thị Lộ đầu độc vua, để bưng bít, vùi lấp đi chuyện xâú xa do chính ông vua của bản triều gây ra. Mà muồn giết được bà Lộ, thì không thể không vu cho Nguyễn Trãi là kẻ chủ mưu thoán đoạt. Cho nên hình quan Lê Liệt, trước sau chỉ hỏi can phạm có một câu: “Có phải mày đã tiến độc cho đức Đại hành hoàng đế, và cái mưu thí nghịch ấy là do Nguyễn Trái chủ sự không?”.Lúc đầu bà Lộ còn kêu oan, nhưng sau bị tra tấn đánh đập dã man quá, không chịu đựng được, bắt buộc bà phải nhận cái tội mình không có. Thế là các quan pháp đình có bằng chứng pháp lý. Và chỉ sau 12 ngày vua Thái Tông qua đời, cái hoạ tru di bi thảm của Nguyễn Trãi, một vị đại công thần vào bậc nhất nước đã được thi hành. Trước khi ngửa cổ chịu lưỡi gươm oan nghiệt, tác giả BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO đã nói một câu nổi tiếng: “Ta được cái danh thì hư, nhừng cái tội thì thực”!Về vụ án oan này, có phải triều đình nhà Lê minh oan “nửa vời, chưa thoả đáng, chưa đầy đủ”, và riêng bà Nguyễn Thị Lộ thì “Nôi oan chưa được rửa”, như một số bài viết in trong tập sách đã nêu ra không? Chắc không phải là như vậy.Theo bài: “BUT KÝ NGUYỄN THỊ LỘ” của PGS Trần Bá Chi, thì tháng 7 năm 1464, vua Lê Thánh Tông ban “Chiếu minh oan”. Xin trích mấy dòng:“Tờ chiếu minh oan gồm hai phần. Phần đầu viết lời minh oan cho Nguyễn Trãi, cuối phần đầu có câu kết luận: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”. Phần ghi lời minh oan cho Nguyễn Thị Lộ. Câu kết có tám chữ: “Tiền triều Nữ sĩ bất can thí tội” (Nữ sĩ triều trước {là Nguyễn Thị Lộ} không liên quan gì đến tội {giêt vua}). Đồng thời vua truyền cho bộ Lễ phái  người về Nhị Khê lập đền thờ Tê văn hầu Nguyễn Trãi.Đền thờ riêng bà Nguyễn Thi Lộ ở phe Bốn, thuộc xã Khuyến Lương (xưa thộc hương Cổ Mai, huyện Thanh Đàm, sau đổi là huyện Thanh Trì), nhân dân địa phương thường gọi là “Đền Mẫu”. Tường hậu có vẽ tranh về bà: mắt phượng mày ngài, cổ cao ba ngấn, tay phải cầm bút. Trên tường có nhiều câu đối:
“Sinh thi phú thiên tài bất hủ
Tử dung nhan quốc săc nan truy”
(Sống thơ phú tài trời còn đó
Chết hình hái, sắc nước đi đâu ?)
Bài vị thờ bà đề chữ: “Lê triều Lễ nghi học sĩ, Ức Trai tiên sinh chi phu nhân, phục thăng Quốc mẫu, Nguyễn Thị huý Lộ-chi thần vị”.Ngày giỗ của bà là 16 tháng 8 âm lịch, thường có hát nhà trò. Lễ vật thì tuỳ nghi, năm được mùa thì tế xôi lợn và nhiều gà, năm mất mùa cũng có xôi gà. Vì phần ruộng giỗ của bà, Nhà nước cũng cho tương đối”.Nếu những tư liệu trên của PGS Trần Bá Chi đúng là sự thật, thì rõ ràng bà Nguyễn Thị Lộ, chẳng những đã được minh oan chu đáo, mà bà còn được triều đình nhà Lê gia phong làm “Quốc Mẫu”. Nhưng vì sự nghiệp của bà, đứng bên cạnh sự nghiệp đồ sộ của Nguyễn Trãi, cho nên đã bị lu mờ đi. Những chữ: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”, thì cả nước ai cũng biết. Còn những chữ: “Tiền triều Nữ sĩ bất can thí tội”, thì hầu như chẳng mấy ai hay.Tuy nhiên, nỗi oan của gia đình Nguyễn Trãi đã được giải minh, nhưng cái quý nhất của con người là mạng sống và danh dự. Minh oan, triều đình nhà Lê chỉ trả lại được danh dự cho gia đình Nguyễn Trãi, còn mạng sống thì làm sao mà trả được. Cho nên nỗi oan ấy mãi mãi vẫn còn nguyên trong lịch sử nhà hậu Lê!Còn điều tồn tại cuối cùng là: Sử quan Ngô Sĩ Liên có bẻ cong ngòi bút không?...Trong tập sách một số tác giả đã phê bình ông rất nặng lời., Nào là “bất lương”, là “phi lý và vô luân”, “vô cảm” v…v…Nhưng tôi thấy những điều ông viết về vụ án Lệ Chi viên là hoàn toàn đúng sự thật.Trong bài: “THỬ XÉT LẠI VỤ ÁN NGUYỄN TRÃI”, của Lê Thước và Trương Chính, hai ông cho biết:“…Ngô Sĩ Liên là người có tì vết, ông đậu tiễn sĩ năm 1442, cuối đời Thái Tông, làm quan thời Nhân Tông và Thánh Tông. Khi Nghi Dân cướp ngôi, ông và Nhân Thọ vẫn ở lại trong triều, ủng hộ Nghi Dân. Đến lúc (tám tháng sau-THĐ) Thánh Tông được làm vua, một hôm, Thánh Tông nhắc lại: “Khi trẫm mới lên ngôi, gặp tiết đầu xuân, trẫm theo điển lễ cũ của tổ tiên, làm lễ tế Nam giao. Các ngươi bảo làm việc đó là sai. Như thế là các ngươi xem nước ta như một nước phiên thuộc (các nước phiên thuộc không được tế Nam giao). Vả lại khi Lệ Đức (tức Nghi Dân) thoán vị thì Sĩ Liên hết sức ủng hộ, tuyên truyền, còn Nhân Thọ thì bày mưu vẽ kế. Nhờ đó các ngươi được hậu đãi. Ngày nay Lệ Đức mất ngôi, các ngươi không chết theo được. Các ngươi thật là những kẻ gian thần bán nước”. (khâm định Việt sủ, quyển 12, trang 17).Trước những lời quở trách nặng nề như vậy, mà Ngô Si Liên vẫn dám hạ bút viết: “Vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi, là Nguyễn Thi Lộ, đẹp người, văn chương hay, gọi vào cung làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu hạ bên cạnh”.Chúng ta đều biết ban đêm ở hậu cung chỉ có vua, các hoạn quan và các phi tần. Bà Lễ nghi học sĩ, nếu chỉ đơn thuần là một quan chức, thì sao đêm lại được “hầu hạ” ở bên cạnh vua ?...Vậy cái đêm vua thức suốt với bà Ngưyễn Thị Lộ ấy, có phải là để đmà đạo văn chương không? Chắc là không. Vì chúng ta đã biết vua không thích học, không thích đọc sách. Mà chỉ thích sát phạt, và thích tuyển thật nhiều mĩ nữ. Vậy thì cái đêm vua thức suốt với bà Nguyễn Thị Lộ là để làm gì? Chắc ai cũng rõ…Về bà Thái hậu Nguyễn Thị Anh, sử quan Ngô Sĩ Liên đã viết: “Thái hậu Nguyễn Thị Anh như gà mái gáy mai…người giỏi như Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục thì vội giết đi, người tài như Nguyễn Mộng Tuân thì ném vào hoạ hại, oan uổng không kêu đâu được”.Trời sinh ra con gà trống để gáy, và con gà mái để cục tác, chứ gà mái mà gáy là điềm gở, là trái lẽ thường rồi. Cho nên mới sinh ra “hoạ hại”. Một ông quan đã có tì vêt, chức tước chỉ vào hàng Vụ. Viện bây giờ, mà lại dám viết về một ông vua và một “bà vua” của chính triều đình mình đang phụng sự như vậy, thì quả là dũng cảm hơn nhiều nhà viết sử khác, kể cả thời bây giờ. Một người như thế, mà bị hậu thế gán cho cái tội bồi bút, thì thật là oan uổng!
Còn về lời bàn của Ngô Sĩ Liên về vụ án này. Tôi thấy cụm từ: “Thị Lộ chỉ là người đàn bà mà thôi”, là ông đã phản ảnh đúng tư tưởng trọng nam khinh nữ của thời đại ông. Nhưng đó là sản phẩm của lịch sử. Nếu là sai lầm, thí sai lầm đó là của cả xã hội, chứ có phải của riêng ông đâu. Chúng ta ai cũng công nhận tình yêu và cuộc hôn nhân của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là đẹp đẽ, mặc dù bà Lộ chỉ là vợ lẽ. Song “đa thê” cũng chính là sự biểu hiện đầy đủ nhất của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Vậy tại sao ta lại không công nhận cụm từ trên kia của Ngô Sĩ Liên là trung thực?...Tuy nhiên, tròng lời bàn, Ngô Sĩ Liên đã đổ tội cho nữ sắc làm hại người, thì không thể chấp nhận được. Nguyễn Trãi lấy bà Nguyễn Thị Lộ, thì ông có tội lỗi gì đâu? Thái Tông chết, vì buông tuồng, sống theo bản năng, không biết giữ gìn, hoang dâm vô độ, chứ có phải là lỗi lầm của bà Lộ đâu.Ngày xưa người ta quan niệm rằng, nhan sắc làm cho khuynh quốc, khuynh thành., Thật là sai lầm. Mất nước Ngô là tại vua Ngô chểnh mảng việc nước, chứ đâu phải là lỗi lầm của nàng Tây Thi.Trái lại, nhan sắc là báu vật của đời. Cho nên hằng năm cả thế giới đều tổ chưc thi “Hoa hậu”. Là một công dân, tôi xin cầu chúc cho đất nước yêu quý của chúng ta, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ xinh đẹp và tài hoa như Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ./.
THĐ