TNc: Cha ông ta đã làm nên lịch sử hào hùng và để lại bao bài học đáng giá. Hậu thế nếu ngạo mạn coi thường những bài học của cha ông thì chắc chắn chuốc lấy thất bại. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài trả lời Tạp chí Văn hóa Nghệ An của nhà văn Hoàng Quốc Hải về vấn đề này....
Nhà Văn Hoàng Quốc Hải [áo trằng, bên phải] đang trao đổi với Pv VHNA >>>
Trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải
LTS: Lịch sử sẽ được hậu thế nhìn nhận như thế nào? Câu hỏi đó luôn tồn tại trong đời sống xã hội vì lịch sử là điểm bắt đầu của hiện tại và tương lai. Một hiện tượng, sự kiện, nhân vật…trong lịch sử sẽ có những những nhận diện và nhận định khác nhau tùy vào cách tiếp cận, cách nhìn khác nhau. Sử học, là đương nhiên, nhưng văn học cũng có thể lấy lịch sử làm đối tượng nghiên cứu, phản ánh...Lịch sử có thể là cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Hai phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, sáng tác khác nhau nhưng sử học và văn học luôn có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng/và luôn có các sản phẩm khác nhau. Tiểu thuyết lịch sử là một điểm gặp thú vị nhất giữa sử học và văn học. Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam thời gian gần đây đang nổi lên bởi các tác phẩm khá bề thế và đi theo đó đang có những đánh giá, bình luận khác về phương pháp sáng tác, về sự thật/chân dung lịch sử trong các tác phẩm. Để tiếp cận vấn đề này, VHNA đã có cuộc trao đổi với nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của hai bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần và Tám đời vua Lý đang được dư luận quan tâm. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa nhà văn, chúng tôi được biết ông vào nghề văn từ lâu, thế nhưng tai sao đến cách đây 20 năm ông mới chọn lịch sử làm đề tài sáng tác của mình?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (NV. HQH): Có nhẽ tôi chớm nhận ra xã hội có khuynh hướng lãng quên quá khứ. Bởi chương trình giảng dạy cũng như thi cử trong hệ thống giáo dục của nước ta từ trước thập niên 60 của thế kỷ 20, thường chỉ chú trọng đến giai đoạn lịch sử cận đại, lịch sử cách mạng. Quan sát hệ thống các nhà bảo tàng cũng đủ rõ.
Bảo tàng lịch sử thì quy mô nhỏ, hoạt động rời rạc như bị chìm khuất, còn bảo tàng cách mạng từ Trung ương xuống các tỉnh ngày một phình to và cứ xem cách họ trưng bày hiện vật, cách hướng dẫn khách tham quan, khiến ta có cảm giác lịch sử dân tộc đã được đồng hóa với lịch sử cách mạng. Mặc dù lịch sử cách mạng cũng chiếm phần quan trọng trong lịch sử dân tộc, song nó chỉ là một phân kỳ ngắn ngủi so với tiến trình lịch sử. Việc làm đó không chỉ là việc làm phản khoa học lịch sử, mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái về mặt đạo lý, chắc sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài.
Giật mình hơn nữa, khi thấy nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tiên lượng và cảnh báo từ thập niên 40 của thế kỷ 20 rằng: “Người không biết lịch sử nước mình tựa như một con trâu đi cày ruộng, nó cày bất cứ thửa ruộng nào cũng được, và cày với người chủ nào cũng được”.
Vì những lý do trên mà tôi tìm về lịch sử, và lấy đề tài sáng tác từ trong lịch sử của dân tộc.
PV: Và tại sao ông lại chọn thời đại Lý – Trần làm bối cảnh lịch sử cho các sáng tạo văn học của mình? Phải chăng ở thời đại đó sự nghiệt ngã của lịch sử đã tạo nên trí tuệ, văn hóa và bản lĩnh Việt mà các thời kì lịch sử trước đó chưa làm nên?
NV. HQH: Sở dĩ tôi chọn hai thời đại Lý - Trần, là bởi hai thời đại đó để lại cho hậu thế nhiều bài học mang tính kinh điển trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Và chính trong câu hỏi của ông cũng đã có hàm ý trả lời. Rõ ràng là trong khoảng đầu thế kỷ 11 và nửa cuối thế kỷ 13, lịch sử đặt dân tộc ta đứng trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại.
Nhà Lý tiếp thu một gia tài xộc xệch và nghèo xác cả từ văn hóa đến vật chất, do bạo chúa Lê Long Đĩnh để lại. Nếu tầm nhìn hạn hẹp và tư kỷ, Lý Công Uẩn bước tiếp vết chân của Lê Long Đĩnh, chắc chắn cả dân tộc đã bị bức tử, cả quốc gia đã bị hủy hoại.
May thay, vương triều nhà Lý được tạo dựng bởi trí tuệ của giới đại trí thức Phật giáo. Không những họ ý thức mà còn tỉnh thức trước nguy cơ sụp đổ, nếu không chịu lột xác, tức là không triệt để cách tân nền chính trị đã bị tha hóa dưới triều Lê Long Đĩnh. Vì vậy họ bắt tay ngay vào công cuộc cải cách đất nước một cách hết sức có trí tuệ, có bài bản; lấy bình đẳng, từ bi, bác ái làm động lực xây dựng xã hội, trên cơ sở “Tam giáo đồng nguyên” được triển khai bởi cương lĩnh: xã hội Nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo.
Từ đó nhà Lý đưa nước ta trở thành một nước cường thịnh trong khu vực, đặt dấu ấn vững vàng cho nền văn hiến Đại Việt, mở đầu cho một giai đoạn phát triển rực rỡ khá dài. Nhà Trần khi được nước, không những họ không phủ định những thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhà Lý mà còn tiếp nhận và phát triển lên mức cao hơn.
Ví dụ về tôn giáo, vẫn lấy đạo Phật làm quốc đạo. Về giáo dục, hệ thống trường học được mở mang nhiều hơn. Các khoa thi tiến sĩ để chọn người có học thức, người tài giỏi bổ dụng cho bộ máy cai trị ngày một nhiều thêm. Về quân sự, vẫn dùng chế độ “Ngụ binh ư nông” của nhà Lý, đồng thời khuyến khích các vương, hầu có điền trang, thái ấp lập ra các đội dân binh và tinh binh. Khi thường, họ vẫn ở nơi hương ấp làm ruộng, tham gia việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, khi nước có giặc, các đội dân binh này là nguồn bổ sung phong phú cho quân thường trực của triều đình.
Sau cuộc xâm lăng mở đầu của Hốt - Tất - Liệt mang tính thăm dò Đại Việt vào cuối năm Đinh Tỵ (1257), nhà Trần dự liệu đất nước ta đã nằm trong tầm ngắm của người Mông Cổ.
Nhà Trần ý thức được sức mạnh của đế quốc Mông Cổ, nên sớm có chủ trương củng cố đất nước để tạo sức mạnh kháng giặc từ trong lòng dân. Nhà nước chăm lo đời sống cụ thể cho mỗi phận người.
Về nông nghiệp, nếu như trước đây nhà Lý chỉ đắp đê quai vụ (đỉnh nhĩ) để bảo vệ kinh thành và một số vùng phụ cận Thăng Long, thì nhà Trần lo đắp ngăn lũ từ nguồn tới biển, lại đặt chức Hà đê chánh phó sứ để giám sát đê điều. Tiếp đó là chia thêm ruộng quốc điền cho dân, giải phóng bớt nông nô, biến họ từ người nô lệ thành người tự do, người có sản nghiệp bằng cách bán ruộng công điền cho họ, cứ mỗi diện (mẫu) là 5 quan, ai thiếu tiền cho mua chịu. Cuộc cải cách này là bước quan trọng để cố kết lòng dân.
Khi thấy nhà Tống có nguy cơ bị quân Mông Cổ tiêu diệt hoàn toàn, nhà Trần ráo riết chuẩn bị lực lượng giữ nước bằng cách huy động triệt để sức mạnh vật chất và trí tuệ của toàn dân tộc. Dùng người tài không phân biệt nguồn gốc xuất thân. Đặc biệt, triều đình đặt niềm tin vào lực lượng trẻ. Mở đầu là việc Hoàng thái tử Trần Khẩm mới 20 tuổi được vua cha (Trần Thánh Tông) trao truyền ngôi báu. Hàng loạt các tướng trẻ xuất hiện. Phạm Ngũ Lão chàng trai nông dân mới 18 tuổi được Trần Hưng Đạo dùng làm tướng. Yết Kiêu, Dã Tượng chỉ là gia nô cũng trở thành tướng giỏi…
Thật vậy, chỉ bảy năm sau khi lên ngôi, Trần Nhân Tông đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân làm hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên vào lúc mà mệnh nước có thể ví như vật nặng ngàn cân treo trên đầu một sợi tóc.
Ấy vậy mà vị vua trẻ mới 27 tuổi ấy, cùng với các tướng trẻ hợp sức với cả dân tộc, muôn người như một đã đánh bại hai lần liên tiếp đội quân khổng lồ đông tới 50 vạn tên phải thất bại nhục nhã. Và đích thân Nguyên Thánh tổ phải cử sứ sang Đại Việt tuyên cáo bãi binh, cũng có nghĩa là giặc phải công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Quả thật là hai thời đại Lý - Trần, triều đình đã triệt để đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Họ đặt trọn vẹn niềm tin vào dân. Hơn nữa họ còn giáo dục cho công dân của mình biết liêm sỉ, biết tự trọng, có như vậy mới giữ được quốc sỉ. Thử tưởng tượng, một quốc gia để mất quốc sỉ thì còn gì để nói nữa. Hơn hết, những người lãnh đạo đất nước vừa sáng suốt, vừa độ lượng, khoan dung. Ví như việc tầy trời là một số quan lại trong ngoài triều, khi đất nước lâm nguy, đã hèn nhát có thư xin hàng hoặc ước hàng với giặc. Thoát - hoan lưu giữ đầy một tráp, khi tháo chạy khỏi Thăng Long, y không kịp mang theo.
Dọn dẹp cung điện, một viên quan nội hầu phát hiện ra, đem dâng vua xem, để trị tội những kẻ bất trung. Nhà vua không những không xem mà còn nói để kẻ có tội yên lòng: “Trong lúc thế giặc đang cường, đến ta còn nao núng, nói chi kẻ khác”. Rồi ông sai đốt đi.
Một thời đại như thế với những vị vua anh minh đức độ như thế, quả thật là sự hấp dẫn vô cùng cho sức sáng tạo văn chương. Vì thế mà tôi đã để hết tâm trí và sức lực làm nên hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”.
PV: Văn hóa Lý – Trần là một thời đại phát triển rực rỡ của văn hóa Việt/Đại Việt. Điều đó xưa nay đã có nhiều người khẳng định. Vậy theo ông, với cảm nhận của một nhà văn, cái tinh quý và độc đáo nhất của văn hóa Lý – Trần là gì?
NV. HQH: Theo tôi, cái độc đáo nhất, tinh túy nhất của văn hóa Lý - Trần là một nền văn hóa nhân bản, hướng thượng. Và mục tiêu cao cả nhất của nền văn hóa ấy đều xuất phát từ con người và vì con người.
PV:Tất nhiên là trong lịch sử sẽ có sự bồi đắp hoặc loại bỏ những tính cách, thậm chí là những yếu tố có tính chất như là phẩm chất của một cộng đồng nhằm hoàn thiện và thích ứng với các điều kiện chính trị - xã hội – kinh tế mới của thời đại, nhưng những cái gì thuộc về giá trị, phẩm chất căn cốt thì không thể thay chuyển được. Cộng đồng người Việt của chúng ta đã có quá trình hình thành từ hàng ngàn, hàng vạn năm trước, nhưng chúng tôi có cảm giác là các phẩm chất Việt tiêu biểu nhất đã được hoàn thiện trong thời đại Lý - Trần. Ông nghĩ sao về điều này? Và ông có thể giúp bổ sung cho chúng tôi các hiểu biết mới về vấn đề này?
NV. HQH: Tôi đồng ý với ông, các phẩm chất tiêu biểu của công dân Đại Việt hầu như đã được hoàn thiện trong các thời đại Lý - Trần. Và dường như đã có sự hao mòn về phẩm chất Việt từ các thời đại tiếp nối. Bởi lẽ giai cấp thống trị các thời đại sau đó khá sa sút về phẩm chất văn hóa, nên họ không đủ nội lực để hoàn thiện phẩm chất chính trị, dẫn đến rối nát trong nội bộ và gây ra sự trì bế trong xã hội, thậm chí có thời đại gây bi thảm cho đất nước bằng cuộc nội chiến, đất nước bị chia cắt tới mấy trăm năm, khiến cả dân tộc phải gánh chịu hết bao đau thương và kéo lùi bước tiến tới cả trăm năm so với các dân tộc khác trong khu vực. Tội ác đó lịch sử không thể tha thứ. Tôi nhớ vào khoảng năm 1950, hồi ấy tôi còn nhỏ lắm, khi đọc trên tờ “Thời Mới” in ở Hà Nội, có bài thơ, chỉ đọc một lần đã gây trong tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi đọc đi đọc lại vài ba lần, nay vẫn còn thuộc nhưng tên tác giả thì không nhớ. Đó là bài Hận Sông Gianh. Tôi xin đọc để chúng ta nghe lại:
Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ
Đây sa trường đây nấm mộ trời nam
Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang
Đây cổ đô(1) xương tàn xưa chất đống
Sông còn đây hận phân ly nòi giống
Máu còn đây cơn uất hận tương tàn
Và còn đây hồn dân Việt thác oan
Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận
Ôi Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn
Muôn đời sau để hận cho dòng sông
Mộng bá vương Trịnh - Nguyễn có còn không
Nhục nội chiến non sông còn in vết
Đây sông Gianh nơi nồi da xáo thịt
Nơi dân Hồng tàn sát giống Lạc Hồng
Nơi máu đào nhuộm đỏ sóng dòng sông
Máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch
PV: Đó là một dòng sông thơ đã được viết bằng máu của dân tộc Việt Nam, là thành quách thơ được dựng bằng xương cốt của dân tộc Việt Nam, là nỗ đau sâu thẳm của những người Việt Nam còn tâm hồn Việt, tính cách Việt, nhân phẩm Việt... Nếu tôi nhớ không nhầm thì tác giả của bài thơ là Đằng Phương, tức giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
Thưa nhà văn, lịch sử là đối tượng nghiên cứu của sử học đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu, phản ánh của văn học. Theo ông thì cái khác nhau cơ bản về cách tiếp cận lịch sử, như là một đối tượng nghiên cứu, của sử học và văn học là gì?
NV. HQH: Thưa ông, sử học và văn chương là hai lĩnh vực chuyên biệt, sử học nghiên cứu lịch sử theo tư duy lô - gích (logique). Văn chương nghiên cứu lịch sử nhằm giải mã nó bằng tư duy hình tượng.
Đối tượng của sử học là nghiên cứu về các sự kiện. Đối tượng của văn học là nghiên cứu về con người trong tổng hòa xã hội.
PV: Ông quan niệm về tiểu thuyết lịch sử như thế nào? Tư liệu và thông tin lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử có độ tin cậy như thế nào? Tôi nghĩ, trong tiểu thuyết lịch sử vẫn phải có hư cấu, nhưng hư cấu như thế nào để không làm méo mó chân dung lịch lịch sử, sự thật lịch sử, ông có thể trao đổi một vài kinh nghiệm?
NV. HQH: Mọi loại hình của tiểu thuyết đều hình thành trên cái nền của hư cấu, tiểu thuyết lịch sử không hề có ngoại lệ.
Vừa qua, Hội đồng lý luận về Văn học - Nghệ thuật Trung ương có cuộc hội thảo bàn về Văn chương và Lịch sử, cũng đề cập đến vấn đề hư cấu, tỷ lệ hư cấu hoặc giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử.
Tôi chắc Hội đồng cũng không thể ra quyết định, ấn định tỉ lệ phần trăm sự thật lịch sử trong tác phẩm văn chương viết về lịch sử, để từ đó lập ra văn bản pháp quy nhằm chế định các tác giả.
Ông hỏi những tư liệu lịch sử và thông tin lịch sử trong tác phẩm văn học viết về lịch sử, có độ tin cậy như thế nào?
Theo tôi, những tư liệu lịch sử và thông tin lịch sử khi còn yên nghỉ trong chính sử, nó thuộc loại nguyên liệu thô. Còn các thông tin trong tác phẩm văn học có độ tin cậy cao hơn, nếu xét trên bình diện tổng thể về quy mô mà nhà văn giải mã lịch sử, chứ không đóng đinh vào các sự kiện chết.
Còn như hư cấu như thế nào, hư cấu tới mức độ nào? Thưa ông, nhà văn phải hư cấu sao cho tác phẩm của mình đạt tới mức chân thực. Vâng, chân thực lịch sử và cả chân thực cuộc sống. Dạ, không ai có thể giới hạn được biên độ hư cấu cũng như khung trời tự do sáng tạo của các nhà văn, trừ khi có ai đó tự nguyện chui đầu vào cái vòng kim cô do giới quyền lực giăng mắc.
Dạ thưa, kinh nghiệm của tôi, nhà văn với thiên chức của nó là tái tạo gương mặt lịch sử, chứ không làm nô lệ cho sự kiện lịch sử.
PV: Ông đã vận dụng phương pháp nghiên cứu sử học như thế nào trong công việc viết tiểu thuyết lịch sử?
NV. HQH:Tôi dùng phương pháp so sánh và loại trừ để tìm ra cái mình cần tìm.
Trong khi tìm hiểu lịch sử, đương nhiên phải dựa vào chính sử. Nhưng tôi không đặt trọn niềm tin vào đó. Bởi bộ sử lớn nhất nước ta là bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” thì trong biểu dâng sách của người chủ biên là nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã nói: “Thần dựa vào hai bộ sử trước (do Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên soạn), lại tham khảo thêm dã sử và chuyện dân gian để bổ sung vào”. Cái lý do phải dựa vào dã sử, Ngô Sỹ Liên trần tình: “giáo mác đầy đường đâu chẳng là giặc Minh tàn bạo, sách vở đều trở thành một đống tro tàn, chữ Hợi chữ Thỉ khó phân biệt” (Tự dạng hai chữ này hao hao giống nhau. Ý nói tư liệu chính xác rất thiếu).
Thủ phạm của sự nghèo nàn tư liệu này là do giặc Minh, mà tên tội phạm chiến tranh số 1 này là Minh Thành Tổ. Phải nói trong lịch sử cổ kim của nhân loại, chưa có kẻ thù nào tàn bạo và quỷ quyệt như giặc Minh. Hàng ngàn năm đô hộ nước ta, nhưng chúng vẫn không đồng hóa được dân tộc ta, là bởi ta vẫn còn gìn giữ được nền văn hóa của riêng mình, trong đó có ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán. Nay chúng ra sức tàn sát văn hóa (tức là tiêu diệt tận gốc cái hồn của một dân tộc) khiến cho cái gốc lịch sử của ta nằm trong sách vở biến thành tro tàn.
Tôi lạ lùng nhận thấy, cho tới tận ngày nay, con cháu của kẻ thù vẫn ngoan cố cho rằng tổ tiên nó đã khai hóa cho dân tộc ta, nó giúp đỡ ta như bè bạn.Càng kinh ngạc hơn, cũng không thiếu những người Việt vong bản, vẫn còn rất mơ hồ với bọn tội phạm văn hóa này. Đúng như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã từng nói, họ như những con trâu, cày ruộng nào cũng được, cày với chủ nào cũng được, chẳng qua họ không hiểu biết về lịch sử của chính dân tộc mình.
PV:Chúng tôi cảm nhận ở thời đại Lý – Trần có ít nhất hai cặp đôi vấn đề nổi lên. Đó là: i; khát vọng, ý chí giữ nước, dựng nước, và, sự thăng hoa trong sáng tạo văn hóa. ii; Sự phát triển của một thể chế và sự hoàn thiện nhân cách một cộng đồng dân tộc. Các cặp đôi vấn đề này có thể được biểu hiện rõ hơn khi liên hệ với nhà Hồ kế ngay sau đó. Khi tìm hiểu thêm về lý do thành công của sự xử lý các mối quan hệ này, chúng tôi cho rằng đó chính là mối quan hệ hài hòa giữa chính trị và văn hóa, giữa quyền lực và tri thức, giữa quyền lợi dân tộc và lợi ích của các cá nhân và nhóm xã hội. Thưa nhà văn, xin ông ý kiến chỉ giáo về những cảm nhận của chúng tôi.
NV. HQH:Tôi đồng ý cách đặt vấn đề và lý giải vấn đề của ông, rằng hai thời đại đó xã hội phát triển được hài hòa là bởi họ lấy văn hóa làm trọng tâm để giải quyết các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ giữa chính trị và văn hóa, hoàn toàn không có chuyện chính trị hóa văn hóa.
Xin lưu ý, thời nhà Lý, triều đình chưa hình thành lợi ích nhóm, mà chỉ có nhóm lợi ích của các dân tộc thiểu số. Việc giải quyết nhóm lợi ích của nhà Lý trong các đời vua Thái tổ, Thái tông, Thánh tông có thể coi là mẫu mực, bởi không chỉ làm yên lòng các đầu mục dân tộc thiểu số, mà còn cố kết được họ với triều đình, trong khối đoàn kết dân tộc để giữ nước. Tuy nhiên, các sử gia thiển cận đã phê phán chính sách này của nhà Lý không tiếc lời.
Nhà Trần thì phức tạp hơn, ngoài việc đối với các dân tộc thiểu số thì nội bộ giới quý tộc cũng đã hình thành nhóm lợi ích, tiêu biểu là hai nhánh quyền lực Trần Liễu, Trần Cảnh. Sau này là Trần Hưng Đạo với phần còn lại. Tuy nhiên, họ giải quyết khá thỏa đáng, bởi họ lấy Tổ quốc và Nhân dân làm mẫu số chung.
PV: Chúng tôi nghĩ, là người nghiên cứu kĩ về thời đại Lý - Trần nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, chắc hẳn ông có những nhận định của mình về những bài học lịch sử mà thời đại Lý – Trần đã và đang để lại cho chúng ta ngày hôm nay. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc của VHNA?
NV. HQH:Vâng thưa ông, hai thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc, đã để lại cho hậu thế nhiều bài học mang tính kinh điển. Nếu con cháu thông minh và khiêm tốn, thì đây là kho báu gồm kinh nghiệm và trí khôn có thể ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều hình thái đối nội và đối ngoại cực kỳ vi diệu.
Ví như trong lĩnh vực tôn giáo, nhà Lý dựa hẳn vào Phật giáo, dùng lực lượng tu sĩ làm đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa trong hệ thống chùa làng. Ngoài nhiệm vụ chính của một thầy chùa là hoằng pháp, hướng dẫn người dân tu tập để tiến hóa về mặt tâm linh, thì vị sư ấy còn có nhiệm vụ kiêm chức một thầy giáo dạy chữ cho đám trẻ nhỏ trong làng, ông là người vừa khai tâm, khai trí và khai minh cho dân chúng. Vị tăng đó còn kiêm luôn cả chức năng của người thầy thuốc, là chữa trị bệnh tật cho dân chúng trong làng, hướng dẫn người dân biết hái, biết trồng và biết sử dụng cây thuốc để trị các bệnh thông thường.
Do không nắm được đặc trưng xã hội đó, nên các sử gia đời sau cứ phê phán nhà Lý hoài về “mê đắm đạo nhất thừa”.
Thứ nữa là về mặt pháp luật. Họ làm luật là để phục vụ cho lợi ích của người dân. Ví dụ năm Nhâm Ngọ (1042), Lý Thái tông cho san định bộ Hình thư. Luật ban ra, triều đình cử xuất nạp quan về tận nơi thôn cùng xóm vắng, xem xét khi luật ấy thi hành có điều nào tiện hay không tiện cho dân. Không tiện, có nghĩa là luật xa rời thực tế, không hợp lòng dân, xuất nạp quan tâu báo lên, triều đình lập tức tu chính. Truyền thống ấy được phát huy cao hơn ở đời Lý Thánh tông. Lịch sử còn truyền tụng câu chuyện bất hủ khi nhà vua xử kiện, công chúa Động Thiên ngồi bên cạnh, mặc áo lông cừu mà vẫn kêu rét. Nhà vua truyền lệnh phát chăn ấm và cơm cho tù ăn no. Ngài nói với mọi người: “Dân chúng có người vô tình mắc tội, có người không biết luật mà mắc tội, có người bị quan lại chèn ép mà mắc tội… nên nhất loạt khoan giảm một bậc”.
Và mặc dù đã có hệ thống tòa án các cấp, nhưng nhà vua vẫn cho lập “Đô hộ phủ sĩ sư”, tức tòa giám đốc thẩm, để xử lại các án oan, án ngờ. Và để quan lại trong tòa này giữ được liêm chính, nhà vua ban lộc cho mỗi người một năm được hưởng thêm một trăm bó lúa và hai giành cá khô để dưỡng liêm.
Đơn cử hai vấn đề, một là tôn giáo, hai là luật pháp đều nhằm đối tượng nhân dân và vì nhân dân mà hành hóa. Hai vấn đề đều có quan hệ mật thiết đến đời sống tinh thần và an sinh xã hội, nhà Lý giải quyết rất nhẹ nhàng. Ấy là bởi họ vì lợi ích của muôn dân chứ không vì lợi ích hoàng gia, lợi ích nhóm.
Còn với nhà Trần, tôi cũng xin cử hai bài học mà theo tôi nó có quan hệ đến định mệnh quốc gia.
Thứ nhất là mâu thuẫn giữa hai nhánh quyền lực. Tức là hai dòng trưởng và thứ, có lúc đã gay gắt tới mức tưởng như một mất một còn. Tuy nhiên, họ đã dẹp bỏ được mâu thuẫn, vì họ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Bài học thứ hai là khi Hốt-tất-liệt, tên bạo chúa nhà Đại Nguyên, đặt cả dân tộc ta trước nguy cơ bị hủy diệt. Nhà Trần không chỉ đoàn kết trong nội bộ hoàng gia, hoàng tộc mà còn cố kết toàn dân thành một khối. Họ luôn biết lắng nghe kẻ sĩ, lắng nghe dân.
Biểu tượng cao nhất là Hội nghị các bô lão ở điện Diên Hồng, khi quân thù đã sắp kéo 50 vạn hùng binh tràn vào biên ải nước ta. Các vua nhà Trần còn phân vân không biết có chống nổi giặc dữ, và không đo được lòng dân trước thế giặc. Vì thế các vua Thánh tông, Nhân tông liền họp các bô lão tiêu biểu trong cả nước để vấn kế. Và kết quả là đại biểu của toàn dân muôn người như một đòi triều đình: “quyết đánh!”.
Triều đình đã lắng nghe và chấp hành nguyện vọng của toàn dân, nên đã tạo ra được sức mạnh siêu thần nhập hóa, đánh bại đội quân xâm lược khổng lồ mà trước đó nó chưa biết mùi chiến bại. Thậm chí các nước khổng lồ như Nga, Trung Hoa đều đã gục ngã, quy hàng và cam chịu cho người Mông Cổ đặt ánh thống trị.
Vậy là các bài học của hai thời đại Lý - Trần để lại cho hậu thế là chính quyền phải vì dân và biết lắng nghe kẻ sĩ, lắng nghe dân thì muôn việc dù khó khăn, nguy nan đến mấy cũng đều có thể vượt thoát được.
Trái lại nhà Hồ vừa độc tài chuyên chế, vừa khinh dân, khinh nhờn kẻ sĩ, phớt lờ quyền lợi và nguyện vọng của người dân, thì dù có xây thành đá, rốt cuộc cũng không tìm được nơi ẩn nấp. Và chỉ mấy tháng sau khi giặc Minh vào cõi, cả ba cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt làm tù binh.
Nước mất là bởi chính quyền nhà Hồ đã tước đoạt hết quyền làm chủ của người dân, khi ấy nước không còn là của dân nữa, thì dân cũng không chứa cái thứ chính quyền đã phản bội họ. Vì vậy nhà Hồ tựa như cái cây đã bật hết rễ ra khỏi lòng đất. Đất không nuôi dưỡng nữa, nó phải chết.
Vâng thưa ông, trên đây tôi chỉ đưa ra vài ví dụ, thực ra các bài học lịch sử do hai thời đại Lý - Trần để lại cho dân tộc ta nhiều vô kể, và đều thuộc hàng kinh điển cả. Cái kho tàng kinh nghiệm đầy trí tuệ ấy, nếu biết khai thác và khiêm tốn áp dụng một cách minh mẫn, chắc chắn chúng ta sẽ có trí khôn và sức mạnh tăng lên gấp nhiều lần, và không một kẻ thù nào dám coi thường dân tộc ta.
Tiếc thay, như mọi người đều biết rằng bài học lớn nhất của lịch sử, là người ta đã không chịu rút ra từ lịch sử những bài học. Vì vậy, dân tộc ta đã và đang phải trả giá quá đắt về sự ngạo mạn cùng với tội bất kính tổ tông.
PV:Trong những bài học đó, bài học nào là đáng giá nhất và bài học nào là đắt giá nhất?
NV. HQH: Theo tôi, bài học đáng giá nhất là nhà Trần đã thuận theo lòng dân nên giữ được nước, làm cho dân tộc ta ngẩng cao đầu và kiêu hãnh trước kẻ thù hùng mạnh nhất thời đại.
Và bài học đắt giá nhất là nhà Hồ làm trái lòng dân, trái đạo lý, chuyên quyền và tàn bạo nên để mất nước về tay quân thù.
PV:Thưa nhà văn, nghiên cứu thời đại Lý – Trần, chắc là ông đã đọc, nghiên cứu văn học của thời đại này rất nhiều. Những thâu nhận từ nền văn học này đã giúp ông trong quá trình tái tạo chính lịch sử thời đại này bằng văn học như thế nào?
NV. HQH: Thưa ông, văn học thời Lý -Trần có vẻ đẹp mà không thời nào có được. Trước hết là giá trị mỹ học. Tiếp đó là sự hào sảng khoáng đạt, ung dung tự tại, với vẻ thâm trầm uẩn ảo, toát ra từ cốt cách của một nền văn hóa ở tầng cao trí tuệ.
Tiếp thu tinh hoa đó, và tôi đã chuyển tải tinh thần đó vào trong hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”. Tuy nhiên, trình độ có hạn, nên dung lượng được chuyển tải bị hạn chế nhiều.
PV:Câu cuối chúng tôi muốn hỏi nhà văn là trong viết tiểu thuyết lịch sử thì cần nhất điều gì và kiêng kị nhất điều gì?
NV. HQH: Thưa ông, điều cần thiết đối với người viết tiểu thuyết lịch sử là phải giữ được cái tâm trong sáng, phải trung thực và phải biết nâng niu những giá trị do lịch sử để lại. Và điều kiêng kỵ nhất đối với người viết tiểu thuyết lịch sử là không được đem tà tâm gửi vào lịch sử.
PV: Cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng chúng ta sẽ có những trao đổi trong thời gian tới.
Phan Thắng thực hiện