Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hồn Trèm

Đường Văn
Thứ năm ngày 2 tháng 5 năm 2013 2:37 PM

 

Chùm Tản văn,

NHỮNG MẢNH HỒN THỤY PHƯƠNG)

Thụy Phương nay đó,
 Hồn Trèm xưa đâu?!
Thời gian mòn mỏi,
Chỉ hỏi một câu.
Ngẩn ngơ,
trắng nửa mái đầu!

CHÙA TRÈM

 
 Hàm Long Tự là tên chữ của chùa Trèm, một cái tên đẹp trang nghiêm, như tên chữ nhiều chùa khác: Sùng Phúc Tự, Tuệ Phúc tự, Tam Bảo tự, Long Giáng tự, Diên Hựu Tự, Diên Khánh Tự… (Tự nghĩa là chùa, nơi thờ Phật). So với nhiều chùa khác, chùa Trèm làng tôi cũng chỉ vào loại trung bình, cả về quy mô, lịch sử cũng như về vị trí tọa lạc, khả năng thu hút con nhang, Phật tử và khách thập phương thăm viếng. Đọc bản dịch bi ký còn lại trong chùa, nghe các cụ trong làng kể lại, tôi mới biết sơ sơ, lỗ mỗ, rằng chùa Trèm đựơc khởi dựng từ thời hậu Lê, khoảng 500 năm trước. Thoạt kỳ thủy, vốn rất nhỏ hẹp. Về sau được vợ chồng cụ Nguyễn Đình Ban (còn gọi là cụ Sãi) trong làng, phát tâm công đức, mới được mở rộng diện tích, xây dựng thêm khang trang, bề thế, uy nghi gần như ngày nay. Đồ thờ tự trong Chùa Trèm có gì đặc sắc, độc đáo so với các chùa trong vùng? Có lẽ đó là 2 bức tranh lớn vẽ Hộ pháp và bức tượng Phật nằm. Theo tôi được biết, tại hầu hết các ngôi chùa khác trong cả nước ta, 2 vị Hộ pháp (ông Thiện, ông Ác bảo vệ chùa) đều được đúc tượng lớn bằng gỗ hoặc đất sét sơn son thiếp vàng, tư thế ngồi, hai bàn tay đặt trên đầu gối. Riêng ở chùa Trèm, hai vị thần này được vẽ thành 2 bức chân dung màu lớn, với kích thước (~ 1,4 . ~ 2,1m). Nét vẽ bay lượn, mềm mại, uyển chuyển, nhìn qua có vẻ đơn giản, xem kỹ mới thấy ngọn bút họa sỹ dân gian thật tài hoa, tinh xảo, điêu luyện. Tranh tường được đặt trang trọng như bình phong 2 bên tả, hữu tam bảo điện. Không biết tác giả là ai và thời điểm vẽ tranh bao giờ! Chỉ biết: khi tôi còn rất nhỏ, theo bà nội, theo mẹ ra lễ chùa thì đã thấy có ở đó rồi. Về 2 bức hộ pháp vẽ này, trong dân gian vùng Trèm – Vẽ và dọc ven sông Hồng vẫn lưu truyền một giai thoại lý thú. Đó là chuyện về đôi câu đối Nôm mà tương truyền người ra vế 1 là cụ đồ Nguyễn Quốc Trụ, một trong hững bậc đại sư lừng tiếng của làng vào thế kỷ 19, ra cho học trò. Nghe đâu, người đối chỉnh hơn cả, được cụ khen ngợi là 1 học trò người làng Kẻ (Thượng Cát).
 - Vế ra: Chùa Trèm, Hộ pháp Vẽ.
 - Vế đối: Đình Kẻ, lợp ngói Dày.
 Điều thú vị, sâu sắc ở đôi câu đối này là chỗ: không chỉ điểm tên 4 làng nổi tiếng văn hiến, văn vật dọc dải hữu Hồng: Dày (Liên Trung), Kẻ (Thượng Cát), Trèm (Thụy Phương), Vẽ (Đông Ngạc) mà còn có sự chơi chữ thông minh, sự hoán đổi từ loại giữa vẽ: động từ  và vẽ (tên làng) danh từ; dày (/mỏng): tính từ và dày (tên làng): danh từ. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sự hiểu lầm nơi người đọc, được gây nhiễu bởi tài nghệ cuả người ra vế đối. 2 bức hộ pháp vẽ ấy, cứ có dịp mỗi lần vào lễ chùa, tôi lại một lần ngắm nghía kỹ lưỡng từ tổng thể đến từng nét và càng khâm phục tài nghệ của người họa sỹ khuyết danh nào đó trong việc thể hiện hai bức chân dung ông Thiện, ông Ác rất có thần.
 Bức tượng Phật nằm, (độc đáo ở chỗ hầu hết các pho tượng Phật, La Hán đều được tạc ở tư thế ngồi hoặc đứng), tiếc thay từ lâu (không biết chính xác năm nào?!) đã được/bị cán bộ Bảo tàng Lịch sử hay Mỹ thuật gì đó mượn, trưng bày lâu dài để cả nươc chiêm ngưỡng thần vật của làng Trèm! Cho đến nay, không hiểu sao, vẫn chưa đem trả lại chùa?!
 Kiến trúc chùa Trèm dựa sát chân đê hữu Hồng, quay mặt hướng tây nam, phía tây thôn Đại Đồng. Hướng rất phù hợp với chùa chiền (vì Phật Tổ ở Tây Trúc, Ấn Độ). Đầu những năm 60 thế kỷ 20, xung quanh, và cả trong khuôn viên chùa, cây cối um tùm cổ thụ: Những lũy tre xanh từ chân đê vượt lên mặt đê xào xạc gió, dãy nhãn, vải, sấu, bạch ngọc lan, khế ngọt, khế chua sù sì nâu mốc, tán xanh xòe rộng không chỉ làm tăng cảnh mát mẻ, u tịch cho không gian Phật giáo mà còn đặc biệt hấp dẫn, cuốn hút lũ trẻ con nghịch ngợm chúng tôi. Không nhớ hết bao nhiêu buổi trưa nắng gắt, buổi tối trăng suông mùa hè nóng nực hoặc mùa thu hây hẩy hanh heo, tôi và Nhu, Bài, Phu… mấy đứa bạn thân cùng xóm, quần cộc cháo lòng, áo may ô ba lỗ, lợi dụng lúc sư thầy trụ trì đang ngủ trưa hay mải tụng kinh, niệm Phật trên tam bảo, hè nhau bí mật trèo tường, đột nhập, tót lên cây, trộm quả. Tranh thủ thời gian, vặt đại, nhét đầy bụng quả chín, quả ương, cả quả xanh. Nào nhãn, nào vải, nào khế,… Rồi tụt vội xuống, vọt qua tường, dông thẳng lên dốc đê bờ sông, cùng nhau hể hả giải quyết chiến lợi phẩm trong niềm sung sướng, hãnh diện rất trẻ con. Tất nhiên, trong đầu óc lũ nhóc tì khi ấy, cũng thoáng qua sự sợ hãi vì bất kính, có thể sẽ bị thần Phật giáng tội. Nhưng vì đói khát, thèm thuồng, mùi vị thơm ngon của quả chín cây chùa đã quá mê hoặc, dẫn dụ, khiến chúng tôi quên hết mọi sự hiểm nguy, tai vạ. Có lần, làm tiểu đạo trích như thế, tôi đã suýt bị bắt. Ấy là vào 1 đêm trăng sáng mùa hè. Nhìn trước nhìn sau, đường chùa vắng ngơ vắng ngắt, tôi trèo tót lên cây nhãn sau cổng chùa, vặt quả rào rào. Đang hăng hái vin cành, bẻ trái thì bỗng có tiếng kêu lớn ngay dưới gốc: - Ai? Ai trẩy nhãn trên đó? – Thôi bỏ mẹ! Tiếng sư thầy! Không kịp nghĩ ngợi lôi thôi, chẳng biết ở dưới có gì  nữa, tôi lập tức buông tay, nhún chân, nhảy ào xuống ao chùa đang gần cạn nước, bì bõm lội thục mạng, một mạch độ hơn 3 m, hốt hoảng vọt lên bờ, phóng thẳng 1 mạch vào xóm, chạy tọt vô nhà, đóng kín cổng lại, run lập cập vì sợ và mừng thoát nạn. Thế mà chỉ tuần sau, vụ trộm mít mới lại được tổ chức vào 10h tối thứ bày. Và chúng tôi lần này đã thành tựu lớn: vác được quả mít mật to ra chôn giấu tận ngoài bờ mương, gần Văn chỉ để thưởng thức dần. Ấy, tuổi thơ của chúng tôi ngỗ nghịch, khó chịu, hư đốn như vậy đấy! Nhưng ngạc nhiên là, đến tuổi 15, 16 thì dù không đứa nào bảo đứa nào, đều tự chấm dứt những trò mèo dại dột đó. Nhưng chùa Trèm thâm u, tĩnh lặng vẫn là một trong những thiền môn ắp đầy kỷ niệm hoa niên của lũ choai choai xóm Đông Chi, Đông Trù, Đông Quan, Ngõ Đồng…
 Khi ấy (đầu những năm 60 thế kỷ 20), chùa trở thành xưởng dệt. Hai dãy nhà giải vũ, nhà hậu thờ hai cụ Sãi xây chùa, biến thành nơi đặt hàng loạt khung máy dệt cửi, dệt vải. Gốc khế cổ thụ sau chùa thành nơi ngâm sợi, quay sợi… Chính vị sư thầy Đàm Hà nổi tiếng xinh đẹp, đáo để, da dẻ trắng nuột, răng hạt na đen nhưng nhức, tiếng trong, vang như chuông, giờ cũng thành một nữ xã viên Hợp tác xã Dệt Thụy Phương. Từng có đoạn thơ tả lại sự biến đổi công nghiệp hóa len chân vào chốn Phật đường như sau:
Chùa Hàm Long rầm khua tiếng mõ
Giọng ni cô nho nhỏ tụng kinh
Sống cuộc đời khổ ải tu hành,
Ngày lao động với ngành dệt cửi.
                                                                                   (Khuyết danh)
 
 Tối tối, tiếng tụng kinh nho nhỏ của sư thầy trên tam bảo điện bị át đi bởi tiếng thoi reo lách cách, tiêng trò chuyện râm ran của vài chục nữ xã viên đang làm ca 2.
 Căn nhà lá ba gian mới được dựng vội dành cho gia đình ông chủ nhiệm HTX cận thị, gù lưng ngoài 50 hom hem nhưng lại có cô con gái rượu đang tuổi chanh cốm, mặt trái xoan, nói năng điệu đà, khiến Phu, bạn tôi chết mê chết mệt. Không nhớ đã bao lần hắn lượn lờ quanh cửa sổ nhà nàng, tìm mọi cách gọi mời người yêu trong mộng ra cổng chùa, quán cụ Vụng tâm tình, mà 10 lần may mới được một. Và rồi cuối  cùng, chuyện tình mê mẩn đơn phương, đơn điệu, trẻ ranh ấy cũng chẳng đâu vào đâu! Quýt, một thằng bạn khác của tôi và tôi lại cùng ngưỡng tưởng một em xã viên trẻ khác, béo tròn, trắng hồng, mắt sắc lẻm, nói năng ỏn ẻn. Chúng tôi đã cùng vài lần trèo trộm hái từng vốc hoa bạch ngọc lan trong sân chùa để gửi tặng nàng. Nàng cứ nhận hoa một cách vui vẻ, rất tự nhiên, he hé nụ cười hết sức quyến rũ nhưng chẳng hứa hẹn điều gì?! Cả tôi lẫn Quýt, khi ấy, hàm cũng tự nhiên cứng lại, chẳng biết nói câu gì, hẹn hò điều gì! Ngố, lố hết chỗ nói!
 Cổng chùa hồi ấy đá có quán nước cụ Chiệc, rồi cụ Vụng. Quán lợp tranh, tuềnh toàng chống đỡ bởi mấy khung cột tre nhỏ. Nền đất nện. Trên chiếc chõng tre lên nước bóng như sừng bày lểnh khểnh vài lọ thủy tinh: kẹo lạc, kẹo dồi, lạc rang.  Treo lửng lơ toòng teeng nải chuối tiêu lốm đốm trứng cuốc, chuối tây chín vàng thơm. Hộp kính đựng vài bao thuốc lá Trường Sơn, Bông lúa, Tam Đảo, Điện Biên và cả thuốc lá cuốn vàng suộm. Một chiếc điếu cày dài thườn thượt dựng cạnh thành chõng. Bó đóm cật tre mỏng tang cụ ông chẻ giúp cụ bà. Giỏ nước chè tươi, giỏ nước vối đậm sánh, nóng rẫy, nghi ngút tỏa hơi. Tôi đã từng nhiều lần mải mê ngắm mấy ông chú, bà bác làm đồng về, tạt qua, vào quán nghỉ tạm, uống ừng ực cả bát đàn nước vối chát thơm, nóng hổi, rít điếu thuốc lào đến tụt nõ, phả khói trắng nhạt tuôn từ hai lỗ mũi như hai cái vòi voi. Các vị lão nông tri điền làng Thụy bàn tán chuyện làng, chuyện xóm ồn ào. Tay quạt nan, quạt nón phành phạch, cố xua cái nắng chảng trưa hè vẫn hầm hập khô rang, mặc dù trước mặt, bên cạnh là ao Đấu, ao Chùa nước xanh im phăng phắc cũng chỉ phả hơi mát phần nào. Con bò, con trâu buộc hờ bên gốc gạo cỗi bờ ao, cọ lưng vào thân cây, gãi sồn sột, chốc chốc lại ò lên 1 tiếng như muồn trút bớt cái nóng oi khó hiểu ra khỏi tấm thân trâu bò cục mịch!
 Cái quán quê đầu làng, bên cổng chùa Trèm thân thương ấy, không hiểu sao mỗi năm qua, lại cứ vắng khách dần? Rồi khi cả hai cụ chủ quán, hiền từ như những cụ bà trong cổ tích, lần lượt héo sữa thì quán nước cũng bị giỡ đi, để trơ nền đất trống cũng đã hơn 40 năm. Khoảng mấy năm sau, khu đất ấy, xây dựng cây tháp, bên dưới đặt cốt sư thầy Đàm - vị ni cô đã suốt đời tu hành, gắn bó với chùa Trèm, làng Trèm.
 Ao Chùa, ao Đấu, ao Cụ Bi, ba cái ao vừa sâu vừa rộng liền kề nhau là bộ ba bể bơi làng của lũ trẻ chúng tôi. Từ trên bờ ao lát gạch lục, gạch bát tràng, phiến đá xanh, anh Dâu cởi trần trùng trục, khoe bộ ngực nở vồng, tấm lưng cánh phản và cặp đùi ếch rắn căng, nhảy ào xuống ao mát rượi, trong xanh, bơi ào ào ra giữa, miệng phun nước phì phì như cá voi. Chúng tôi nhìn theo thích thú và cũng ào ào, nhô nhốp nhảy theo như đàn ếch em nhảy theo ếch anh hai, anh cả. Một cuộc tắm, lội, lặn thoải mái thông trưa. Hết từ ao Chùa, bơi sang ao Đấu, thi lặn lâu, lặn sâu ở ao cụ Bi… Chưa chán, lại rồng rồng kéo nhau ra mương, nhảy cầu bê tông, vầy nước trận nữa. Một lũ lớn bé, nối đuôi nhau vừa chạy huỳnh huỵch vừa hò reo, náo động cả xóm, thích thú vô cùng. Ao Đấu, ao cụ Bi, từ lâu, đã bị lấp bằng. Từ đó, mọc lên những tòa biệt thự tân kỳ 2, 3 tầng. May, chỉ còn ao Chùa tù đọng, nước vẩn xanh ngầu (1 trong 3 cái ao còn lại của làng hiện nay). Không chỉ mấy gia đình quanh ao như nhà ông Gia, ông Bá, ông trưởng thôn Vương mà hết thảy dân làng Trèm đều tha thiết mong mỏi công trình kè bờ ao Chùa, xây tường bao quanh, được sớm sớm thi công.
 Chùa Trèm, từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, trải hơn 1 thập kỷ, dưới sự trụ trì của sư thầy Thích Đàm Minh, một vị nicô nóng tính, nhưng năng nổ, nói năng chẳng mấy dịu dàng nhưng khéo biết cách tận dụng, khuếch trương hằng tâm, hằng sản của Phật tử làng Trèm, con nhang, đệ tử và khách du thập phương, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã, đã làm được nhiều việc thiện, hữu ích thực hiện lộ trình trùng tu, tôn tạo lần lượt các hạng mục của Hàm Long Tự, mà tiêu biểu nhất, gần đây nhất được thành tựu trong lễ khánh thành Dự án Trùng tu – tôn tạo tam quan, nhà giải vũ, bảo tháp, sân chùa, được tổ chức trọng thể, trang nghiêm vào một buổi sáng mùa xuân tháng 2 năm Quý Tỵ (2013).
 Chùa Trèm hiện nay, cũng như đền công chuá Triệu Trường (?) trên Hoàng Liên (Liên Mạc), chùa Vẽ (Diên Khánh Tự, Đông Ngạc) không chỉ là những ngôi chùa làng thờ Phật tôn nghiêm, thỏa mãn niềm tin tôn giáo, xem ra ngày càng sùng tín, của nhân dân ba làng mà còn thu hút Phật tử và khách du quanh vùng, rộng ra nhiều nơi trong nước, kể cả nước ngoài đổ về chiêm bái. Riêng quần thể Hàm Long Tự, cùng với Đình Trèm, đến Thiện (thôn Đình), nhà thờ Thiên Chúa giáo họ thánh Phêrô (thôn Hồng Ngự) trận địa tên lửa Cầu Gạo, đài tưởng niệm liệt sỹ xã Thụy Phương (Đồng Sau)… đã trở thành khu di tích văn hóa truyền thống – cách mạng, niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo, hào hùng, đẹp đẽ của nhân dân làng Trèm – xã Thụy Phương xưa và nay. Chỉ mong sao chùa Trèm – Hàm Long Tự giữ vững và phát huy được truyền thống văn hóa tâm linh thanh sạch của nhân dân làng Trèm, giảm thiểu và không bị xu hướng thương mại hóa, quan phương hóa (đang phát triển khá phức tạp ở nhiều đình chùa, di tích, danh lam thắng cảnh khác trên cả nước ta) làm cho biến dạng, tầm thường, mai một./.
Hạ tuần tháng 4 Quý Tỵ. ĐV
DỐC TRÈM

 Làng Trèm tôi có không ít con dốc nổi tiếng một vùng: Dốc ÔTô, dốc cầu Binh, dốc Đá, dốc Chợ Ngoài, dốc Ngõ Đồng, dốc Cầu Sông, dốc Bà Bảy Đương, dốc Đồng Vườn… Trước kia là dốc đường đá răm, dốc đường nhựa, dốc đường gạch, dốc đường đất… có dốc thoai thoải, có dốc khá cao, nhưng không dốc nào nghiêng tới 45 độ. Ấy thế mà chỉ vì một sự bất cẩn, vô ý của mình và bạn đồng hành mà một tai nạn không may thảm khốc đã xảy ra, tại dốc bên kia Cầu Sông, đã dẫn tới tai nạn chết người thương tâm với bà cả Ngọng, xóm Tắt vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi bà cầm càng lao dốc xe bò chở gỗ quá tải.
 Làng tôi nằm ở ven đê sông Hồng nên cứ cách một đoạn ngắn, từ mặt đường đê vào xóm, phải tự hình thành một cái dốc. Dốc xưa nhỏ hẹp, chủ yếu dành cho người đi bộ. Ô tô không thể qua vì vướng cổng ngõ có mái thấp, cánh cổng hẹp. Xe đạp cũng phải dắt chứ đừng nói đến mô tô, xe máy, vì dốc được đánh thành từng bậc, lát gạch. Chỉ có dốc ÔTô thông xuống làng Đông Ngạc phía dưới, dốc ngã tư thôn Hồng Ngự một chiều thông xuống đường 69 (Cái Dinh) vào Cổ Nhuế, đầu kia chạy ra bờ sông Hồng, rẽ phải sang bãi Cát sỏi; nửa bên kia ra bờ sông là đất và đá răm, nửa bên này trải nhựa và lát bê tông. Cho đện nay, dốc ra sông do xe chở nặng chạy quá tải, qua lại nhiều nên vẫn ổ gà, ổ voi, khấp kha khấp khểnh. Mỗi lần có việc ra quán ông Lê, vào gặp ông Binh bàn việc họ, buộc phải chạy xe máy qua, tôi đều rất hãi.
 Dốc bà Bảy Đương, 2 dốc Cầu Sông và dốc Đồng Vườn là những cái dốc hết sức thân thương từ thưở thiếu thời cho đến tận ngày nay, với riêng tôi và với khoảng già nửa cư dân làng Trèm làm nông. Đó là những cái dốc chủ yếu phục vụ cho việc đồng áng: xuống đồng cày bừa, nhổ mạ, cấy, gặt, gánh lúa về, chăn thả trâu bò, trồng ngô, giỡ khoai, vun lạc, xáo đậu…Những cái dốc làm ăn hai sương một nắng của nông dân làng Trèm bao đời nay cần cù, chăm chỉ, đổ mồ hôi lấy hạt thóc, hạt vàng, bắp ngô, củ khoai - hạt ngọc.
 Đó cũng là những cái dốc phục vụ cho chiến đấu và nghiên cứu khoa học. Những chuyến đại xa dài ngoẵng chở tên lửa, pháo, đạn nặng nề đã rầm rì lăn bánh qua đây trong đêm, bí mật dàn trận đón đợi và tiêu diệt kẻ thù ngay khi chúng mới bén mảng tới bầu trời Thủ đô Hà Nội trong những năm chống Mỹ gian lao. Những chuyến xe đặc biệt chở đà điểu, cá sấu, lạc đà, dê, ngựa, vịt và những con giống động vật quý hiếm từ khắp nơi, từ nước ngoài đã tới viện Chăn nuôi Thụy Phương lớn nhất nước này để tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng ra khăp 3 miền, góp phần trả lời câu hỏi khoa học: nuôi con gì? góp phần làm giàu cho đất nước.
 Dốc Chùa nhỏ hẹp, khúc khuỷu, một thời dài có vẻ hoang vu, bởi không được sửa sang chăm sóc. Dốc dọa trẻ con trong đêm tối nhưng lại kích thích chúng mỗi trận mưa rào, theo dòng nước đục ngầu ào ào chảy từ mặt đê, sườn đê xuống chân dốc, phóng thẳng ra ao Chùa, cổng Chùa, nếu chịu khó theo dõi và nhanh tay có thể bắt được những chú rô ron, rô náng quẩng mỡ thích theo mưa rào đi chơi xa.
 Dốc Tắt Sen xưa, quanh năm cớm bóng tre hun hút khiến chúng tôi mỗi lần qua như được chui sâu vào một hang động xanh, mát lịm giữa trưa hè, khi vừa ngược từ dốc ÔTô lên. Hơi mát càng phả, tỏa lan, rồi một vùng rộng thoáng lóng lánh, lăn tăn bỗng mở òa trước mắt. Thì ra đã hết dốc, đến ao Sen rồi. Cuốc một thôi đường gạch nữa là về đến nhà thôi. Rảo lên chúng mày!
 Dốc Đá, dốc Chợ Ngoài bề thế với hai cổng làng với những đôi câu đối Hán, Nôm ý nghĩa sâu xa.* Bao giờ nơi đây mới phục dựng lại được cổng làng như những ngày xưa yêu dấu? Câu hỏi buông vào thời tương lai vẫn chưa có câu trả lời chính danh! Chiếc khung cổng sắt sơn xanh đã đổi màu rỉ xám, già nua, lòng khòng, cũ  kĩ và trơ trẽn, vô duyên, dù mới dựng chưa được chục năm, vẫn cứ thách thức, trêu gan mọi người qua lại, xuống lên chưa biết chán!
 Những con dốc Trèm, dốc làng quê tôi, qua bao thăng trầm lịch sử, gắn bó gừng cay muối mặn với văn hóa làng Trèm, chẳng lẽ mãi mãi chỉ là những con dốc vô hồn, vô danh?!
 Ngày ngày, chúng ta vẫn thường lên xuống, lại qua những con dốc thân thương chí cốt ấy, hỏi có ai thấy nhói, gợn trong tâm khảm nỗi ai hoài, buồn tiếc, xót thương, mong mỏi và hi vọng về quê hương đổi mới với những con dốc Trèm hữu quan?!

 * Đọc cụ thể hơn trong baì: Hỡi ơi! Cổng làng Trèm! (ĐV)

ĐỒNG TRÈM
                                                                                                
 Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có những thành phố nằm giữa đôi bờ một dòng sông diễm lệ. Như sông Xen với Pa ri (Pháp), sông Mátxcơva với thur đô Matxcơ va (Nga) hùng vĩ như Đnhiep với Kiep (Ucraina), Hồng Hà với Hà Nội. Dọc bờ hữu Hồng bên này là các huyện, quận: Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà, Hoàng Mai, Thanh Trì, bờ tả Hồng bên kia là Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Văn Giang…Sông Nhuệ – sông Đào không chỉ chia huyện Từ Liêm thành hai cụm xã đông và tây mà ở đầu nguồn của nó, chỗ ngã ba thiêng nối với dòng sông Mẹ, lại khiến cho làng Trèm – xã Thụy Phương có 1 vị trí địa lý tự nhiên độc nhất vô nhị so với các làng trong huyện Từ: Bờ bên này là Đông Trèm đối với bờ bên kia: Tây Trèm.
 Và chính vì thế mà đồng làng Trèm tôi xưa nay, cũng một cách tự nhiên, được phân làm 2 khu chính, lấy sông Nhuệ làm ranh giới. Cánh đồng phía đông trên làng và cánh đồng phía tây, dưới làng (đồng). Cánh đồng phía đông, cách đây hơn nửa thế kỷ, tuy không mênh mông bằng đồng phiá tây nhưng cũng gọi là bát ngát, nối liền với đồng Vẽ (Đông Ngạc), đồng Giàn (Xuân Đỉnh), đồng Noi (Cổ Nhuế), thành liên cánh đồng cho cò bay gần mỏi cánh mới tới chân trời mỗi buổi chiều buông. Đất đồng làng Trèm, đa số thuộc loại thượng đẳng điền, đất thịt, bờ xôi ruộng mật, cấy lúa hai vụ mùa - chiêm, trồng màu 1 vụ đông - xuân xen canh. Khi ấy chưa có Nhà máy Bê tông Trèm choán cả các xứ đồng Cầu Mới, Ba Đừng, Đỗi… Chiều chiều nắng lụi, đứng bế em, hóng mát trước cổng chùa Trèm, nhìn qua ao Đấu, về phiá đông, chỉ thấy nghĩa trang đường Cái Dinh thuộc đất Vẽ mờ mờ sương bay. Phía đông Nam, những chân ruộng mới gặt còn trơ gốc rạ, theo dòng mương máng chạy mãi tới tận thôn Viên làng Noi xa hút. Gió đông nam mát rượi, lồng lộng thổi bay những mảng tóc trái đào con trẻ xóm Đông Chi, Đông Trù đang ra sức nghịch, nô, lăn cù quèo trên mặt đường đất mịn phủ đầy rơm, thoảng thơm mùi hoa dứa vừa tách đài trắng nhạt bên rệ đường. Nổi lên xanh âm u giữa đồng là những gò đất cổ không biết mọc lên tự thưở nào: Gò Dẹp, Gò Cao, Gò Bạt (Đông Ngạc), Gò Giàn…cỏ lút um tùm đầy bí mật.
 Những thập kỷ sau đó, theo đà phát triển công nghiêp hóa, đô thị hóa của cả nước và địa phương, cánh đồng Trèm phía đông cứ bị thu hẹp dần, hẹp dần. Đầu tiên là Nhà máy Bê tông đúc sẵn với khu nhà tập thể công nhân 3 – 4 tầng đã hoàn toàn chiếm chỗ, án ngữ phía đông nam, chiếm mất gần nửa cánh đồng. Tiếp sau là trụ sở Ủy ban nhân dân, trường THCS, Tiểu học, gần đây là Trạm xá xã, trường Mầm non, khu dân cư thôn Đông Sen, Hồng Ngự phát triển, đã lấy gần trọn khu đất đồng Phiên Nha, Đồng Sau, lấp đi 2/3 ao Sen, cái ao lớn nhất làng từ thời lập xã. Đài tưởng niệm Liệt sỹ xã xây cạnh Nghĩa trang với Nhà Quản trang chen giữa thôn Cầu Bảy và thôn Đại Đồng. Nghĩa trang chính của làng thật khó quy hoạch cho tử tế bởi sự phát triển tự do, vô tổ chức của nó, cũng đang được sử dụng những lô đất cuối cùng dành cho hung táng, cát táng, đang là một vấn đề xã hội, văn hóa, khoa học, môi trường chưa tìm ra giải pháp tối ưu khi muốn biến thành công viên nghĩa trang xanh sạch, đảm bảo lâu dài không bị ô nhiễm môi trường, trong khi mới đang xây lại cổng chính, cổng phụ và hoàn tất tường bao chung quanh. Chợ Thụy Phương 2 tầng trên nền đất ao Binh, khánh thành đã lâu sao vẫn chưa hút được cả người bán lẫn người mua, mà mới chỉ để cho thuê lèo tèo vài ba đám cưới?! Đến những năm gần đây, khi giải phóng dải đất bờ sông, ngoài đê hữu Hồng, di dời dân thôn Tân Lập sáp nhập với thôn Đại Đồng, xây dựng khu định cư mới ở rẻo đồng trước cổng chùa ra đến sát dọc mương máng thì mấy cái ngõ nhà tôi không còn là rìa làng mà đã thành giữa làng, giữa thôn rồi. Cái tên thôn Đại Đồng (cánh đồng lớn) xưa, nay mất đi ý nghĩa thực tế mà chỉ còn ý nghĩa lịch sử gợi nhắc quá khứ chưa xa! Xóm Cổng (Cổ) Ngỗng, thuộc thôn Đông Sen) trước kia vươn dài ra cánh Đồng Sau như cái cổ con ngỗng đại. Bây giờ nhà cửa mọc lên san sát, một con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu từ ngõ nhà ông Chuyển, ông Dư vươn ra, rẽ trái vào trường tiểu học, rẽ phải sang trạm xá, trường mầm non, đi tiếp, gặp đường 69 ra chợ Vẽ, Ủy ban. Khác trước nhiều, tiện lợi hơn xưa bao nhiêu! Nhưng lòng người già quê Trèm sao cứ thấy mất, hụt hẫng nhớ và tiếc một cái gì không thể nào khôi phục lại!
 Cánh đồng phía tây bên kia sông Nhuệ trong hơn nửa thế kỷ qua cũng thay đổi ghê gớm, triệt để. Trước năm 1915, nó vốn là cánh đồng màu mỡ, đất thịt. Phía kia chạy từ Hoàng, Mạc giáp đến làng Kẻ - Thượng Cát – Đông Ba, Đăm – Tây Tựu, Diễn -  Minh Khai. Phía này chạy theo bờ tây nam sông Nhuệ, giáp đồng Vẽ, Cầu Noi. Lơ thơ, xa xa là ấp trại của mấy gia đình nông dân khá giả trên làng, xuống đồng mở mang từ lâu: ấp ông Trò, gần đồng Tranh, Cầu Gạo; ấp ông Tiệm mãi tận cửa Trẹm tận cùng phái tây của đồng đất Trèm… Trơ vơ cây gạo Cầu Đồ.  Mái Cầu Gạo lợp ngói Hưng Ký bên cạnh giếng đồng không bó gạch và cây gạo hoa rừng rực như ngàn bó đuốc thắp giữa đồng trống trải.
 Sau trận vỡ đê Liên Mạc khủng khiếp năm 1915, hàn khẩu được đê rồi nhưng phía trong đê xoáy thành cái vực Mạc dài cả cây số, sâu hoắm, quanh năm ăm ắp nước. Toàn bộ cánh đồng các xã trong đê biến thành đồng cát. Phù sa châu thổ bị nước cuốn, đuổi trôi mãi tận đâu đâu! Phiá đầu sông: đồng toàn cát. Nông dân nhìn đồng, oán trời, oán người nhưng vì mưu sinh lâu dài lại đành bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cải tạo đất bằng đủ cách. Một mùa, một vụ, một năm, vài năm, hàng chục năm, vài chục năm. …tỉ lệ đất, mùn, màu tăng dần, tỉ lệ cát giảm dần… Đến thời niên thiếu chúng tôi thì thành cánh đồng cát pha ấy cấy lúa năng suất vẫn thấp, chỉ thích hợp với trồng hoa màu: ngô, khoai, vừng, đậu, lạc... Được cái đất mềm, xốp, dễ cày, cuốc.mất ít công bừa, đập. Nhiều vụ, tôi theo bố giỡ khoai lang dưới đồng Tranh. Nước xăm xắp. Bố tôi đánh bò, cày sát hai mép luống. Dây củ khoai đỏ sậm, vàng tươi hay trắng nhạt lấp ló giữa những dải đất tơi đang tả ra rào rào. Tôi rảo bước theo, hai tay ra sức nhặt, rứt đứt dây, bỏ vào thúng, rổ. Đầy lại mang lên bờ đổ đống để mẹ tôi gánh dần về. Đa số là những củ khoai béo mẫm, vỏ căng mịn cỡ chuôi liềm, cổ tay. Thi thoảng gặp được củ đại có khi to bằng bát điếu, ấm tích, tôi lại hét vang, khoe bố: - Ruộng mình gặp củ khoai chúa, bố này! Lại nhớ những buổi vun khoai Tây ở ruộng 5%. Mới làm, tưởng nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng cứ vun hết luống này đến luống khác, độ 11 h, đã thấy bụng sôi ùng ục vì đói, khát khô cổ, lưng mỏi nhừ. Hất, kéo từng bướm đất cát sao bây giờ nặng nề, khó nhọc thế!? Nhưng cũng đành nghiến răng vun cho hết luống mới nghỉ giải lao lần cuối. Ngồi xệp nơi đầu bờ cỏ xanh mịn màng, hút điếu thuốc lào, hãm với bát nước vối đặc mẹ pha, ủ từ sớm vẫn nóng rẫy, bóc luôn củ khoai lang luộc chảy mật làm bữa lửng. Khoai ơi, nước ơi, thuốc ơi! sao ngon lạ ngon lùng?! Thấy cái thú nhà nông, làm nông ở làng quê như thế này có lẽ còn thú hơn cảnh đánh vật với chữ nghĩa, sách vở lắm chỉ tổ yếu người!
  Con mương đồng Vườn lấy nước từ vực Mạc, chảy qua mấy xứ đồng Trèm ngày đêm tuôn nước vào sông Nhuệ cũng là dòng mương lũ trẻ con chúng tôi  hay chặn ngang từng khúc, đắp đập, tát cá, cải thiện bữa ăn ngoài đồng trong những buổi chăn bò thông trưa. Hì hục đắp, tát, vét, bắt được ít con cá, con cua, rắn nước cũng thu!…. Nổi lửa lên, chất rạ lên, cho cá, tôm, cua, ếch… vào nướng. Mùi cá, cua chín thơm lừng, ngầy ngậy. Ấy cũng là lúc đã đói ngấu. Thế là chen nhau thò tay, bới ra, cạo qua than bám, thổi phù phù, chấm với muối ớt, nhắm với khoai nướng. Bùi bùi, ngọt ngọt, beo béo, thơm thơm. Gió đồng hây hẩy. Ngắm nhau nhai, nuốt như rồng leo rồng cuốn. Những khuôn mặt nhọ lem, hớn hở. Chỉ thấy những cặp mắt đen lóng lánh ánh cười. Nắng chiều trong veo. Lúc ấy thật là: ai bảo chăn trâu là khổ! Mục đồng như tiểu thần tiên, cháu cưng của Ngọc Hoàng Thượng đế…Lớn hơn chút, lại nhớ những buổi đi nhổ mạ hay gặt lúa với gia đình. Nhổ mạ không quen, lóng ngóng, chẳng được bao nhiêu mà bùn vấy khắp người, từ chân tới đầu ướt sũng. Lưng đau như giần. Tay xót như bị ghẻ ăn. Đi gặt từ tinh mơ mờ đất. Việc cắt lúa, gánh lúa với tôi, không mấy khó khăn. Gánh lúa nặng 45 – 50 kg, với tôi khi đó cũng chẳng mấy nặng nề, ngược lại, khá êm vai. Chỉ thấy nhọc, khó thở khi phải cố sức vượt dốc ông Bàn. Hai chân nặng trịch, như cố trì níu lại. Thở hồng hộc như bò. Mồ hôi ròng ròng, tứa mứa. Ngứa ngáy toàn thân. Chạy gắng về đến sân nhà, buông gánh đánh huỵch, lăn ra thở, quạt lấy quạt để. Tu ấm nước chè rồi lại quẩy quang, làm chuyến nữa…
 Đồng Trèm phía tây cũng nhanh chóng bị thu hẹp, thay đổi đến chóng mặt. Đầu tiên là làng nhường đất để đặt trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 77 anh hùng. Kế đó, những xứ đồng mênh mông được dành xây dựng khu viện Chăn nuôi quốc gia hiện đại nhất Việt Nam. Cư dân trên làng được chia đất giãn dân, xuống đồng xây nhà, dựng cửa, thành lập thôn mới Tân Phong bên cạnh thôn Tân Nhuệ án ngữ hai bờ sông Nhuệ. Trường mầm non, nhà văn hóa, nghĩa trang cũng được xây dựng theo để phục vụ dân sinh. Dân làm nông càng giảm, không làm hết đất. HTX Hải Phong nhường đất cho HTX bạn trên Thượng Cát những khoảnh đồng lớn. Gần đây, khu công nghiệp Nam Thăng Long mới đã khánh thành và đi vào hoạt động. Những gia đình và tập thể công nhân mới ngụ cư lâu dài trong những căn nhà cho thuê kịp thời xây dựng hàng loạt hay khu tập thể mới quét xong lần vôi cuối. Những con đường nhựa rộng rinh, phẳng lì nối từ dốc cầu sông, đường Hoàng Tăng Bí, cầu – cống Liên Mạc 2 xuống viện Chăn nuôi, vào Tiểu đoàn tên lửa, vào thôn Tân Phong, nối lên tận Liên Mạc, Thượng Cát, Tây Tựu… bây giờ sớm sớm, chiều chiều lại rộn ràng, râm ran những bước chân và tiếng trò chuyện của những cụ ông, cụ bà, những nam thanh nữ tú hăng hái, say sưa đi bộ, tập thể dục.
 Đồng Trèm, cả dưới đồng, cả trên đồng, với những cái tên xứ đồng quen thuộc mà lạ lùng: Cầu Đồ, Cầu Đià, Cầu Gạo, Đồng Gia, Tranh, Lịp, Kiếu, Đống, Cửa Trẹm, Đồng Thúy, Đồng Vườn… rồi ấp 1, 2, 3… dần dần bị lãng quên, chỉ còn trong ký ức thấp thoáng  của lớp người già, bây giờ thành trận địa và doanh trại của tiểu đoàn 77, thôn Tân Phong, viện Chăn nuôi Thụy Phương, thành quán bà Mùi, vườn cây cảnh ông T. Xưởng Mêtan hiện đại năm nào giờ đây cũng thành cửa hàng fôtô cô X, quán đặc sản đà điểu bà Y… Hiệu thuốc ông Tư đón khách ngay ngã tư cầu Liên Mạc mới…
 Đọc qua Dự án, đồ án quy hoạch làng Trèm - xã Thụy Phương phát triển trở thành xã nông thôn văn hóa mới và khu đô thị (phường) hiện đại vào những năm 20, 30 thế kỷ 21 này, tôi vừa ngỡ ngàng vừa mừng vui khôn xiết nhưng cũng lại chợt dâng lên chút buồn tiếc ngậm ngùi, khi thấy trên bản vẽ, tương lai cả khu trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục của xã từ khu đông chuyển hẳn sang khu tây với những trục đường hiện đại, những biệt thự cao tầng, những vườn hoa, thư viện công cộng…
 Chăc chắn rồi sẽ tới một ngày cánh đồng Trèm nình nịch lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, mênh mông gió… hoàn toàn biến mất. Có chăng chỉ còn vài ba dấu vết, dấu ấn nhàn nhạt hay đau đáu trong những bài thơ, tản văn của dăm ba thành viên hâm hấp ở Câu lạc bộ Hương Chèm! 
 Điều ấy nên vui hay nên buồn? nên mừng hay nên tiếc?
 Có lẽ cũng còn bởi tùy người, phải không quý bạn đọc?

Hạ tuần tháng tư,
trong những ngày nghỉ lễ