Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngọt ngào rượu Tr Din

Nguyễn Lan Anh
Thứ hai ngày 11 tháng 3 năm 2013 4:33 PM


            Mùa xuân lên Tây Giang uống rượu tr’đin với đồng bào dân tộc C’tu.
Tây Giang là một thị trấn đẹp nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng chừng trên trăm cây số và giáp với biên giới Việt - Lào. Tôi may mắn được đến Tây Giang theo những yêu cầu công việc khác nhau. Khi biết tôi sắp lên Tây Giang công tác, anh bạn người Đà Nẵng của tôi tủm tỉm cười: Cẩn thận không lại không thấy về Đà Nẵng nữa nghe! Và để chứng minh cho lời nói của mình là đúng, anh lại nói với tôi: Để mình đưa Lan Anh đi! Nghĩ nhanh, đây là cơ hội đi du lịch Trường Sơn nên tôi gạ gẫm đi bằng xe máy từ Nam Giang, sang Đông Giang rồi mới tới Tây Giang. Đề nghị của tôi được chấp thuận ngay, bởi anh cũng là dân “phượt”. Chúng tôi chuẩn bị một cái xe tốt tốt một chút bởi hai lí do: tôi nặng và đường rừng khó đi. Sau khi ấm bụng với món bún chả cá, chúng tôi khởi hành lúc 9 giờ sáng. Qua địa phận thành phố chừng 30 kilomet, tôi như bị hút hồn bởi vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ, huyền bí, hấp dẫn đến lạ kỳ của dãy Trường Sơn huyền thoại. Tôi nhớ ngay đến Phạm Tiến Duật và bài thơ của ông. Đúng là “Nước khe cạn, bướm bay lèn đá”. Và thế là vừa đi, vừa ngắm cảnh, vừa hát. Tôi mặc kệ sự vất vả của anh bạn tôi. Đường lên Tây Giang vòng vèo, quanh co xuyên giữa bạt ngàn rừng thẳm. Chốc chốc lại bắt gặp những bản làng Cơ-tu nằm chênh vênh triền núi hay lọt thỏm giữa thung lũng xanh, cái màu xanh ước vọng của những đồng ruộng bậc thang đã xong mùa gieo cấy. Khí hậu nơi đây mát mẻ, trong lành, núi rừng còn mang nét hoang sơ, thuần túy. Tiếng gió hú lùa khe núi, tiếng suối róc rách, tiếng chim kêu, vượn hót cùng với hương thơm ngào ngạt của hoa rừng khiến lòng người xao động. May mà anh bạn tôi lúc nào cũng coi tôi là “thằng bạn” nên không hiểu được những gì đang diễn ra trong tâm hồn tôi – tôi nghĩ thế. Và cuối cùng, chúng tôi cũng đã đi đến các địa danh A chin, Tà Vàng và nơi tôi đến là A Grồng của xã A Tiêng cũng là lúc trời đã về chiều. Đón tôi là bí thư Huyện ủy Bh’riu Liếc và các ban bệ (trưởng nọ, phó kia) tôi không nhớ hết. Nâng ly rượu tr’đin – lạ, ngọt ngào, nồng nàn, ấm áp,….những cảm nhận khó tả thật!
           Nhân đây cũng xin giới thiệu một chút về loại rượu này. Tr’đin được gọi là “Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn”. Rượu được khai thác từ cây tr’đin, đây là loại cây tự tiết rượu vàng theo cách nói của người C’tu. Trung bình, mỗi cây tr’đin chảy ra khoảng 10 – 15 lít nước/ngày đêm. Người ta thả vào thứ nước này một loại vỏ cây có tên là cây chuồn đã phơi khô. Dung dịch hỗn hợp này tự lên men tạo nên một thứ nước đăng đắng – chát – thơm ngọt – có ga, rất dễ chịu. Đàn ông C’tu uống thứ nước này thì mạnh như hổ và nhanh như sóc, đàn bà thì da mịn màng, tươi sáng, đôi má ửng hồng. Thứ đặc sản của núi rừng Trường Sơn đấy! Thiên nhiên ưu đãi người C’tu đấy!
          Sau bữa nhậu đó chúng tôi đi rừng (tôi giống đàn ông nhỉ?). Vừa đi anh vừa trao đổi công việc. Tôi thích cách làm việc này, không bị gò vào khuôn phép, dễ chia sẻ và thống nhất. Mở máy tính ngồi ngay trên đỉnh giáp ranh giữa A San và Lăng. Từ đây có thể nhìn thấy mênh mông Trường Sơn và có thể ghi lại những điều anh nói. Tôi có cảm nhận anh không phải là một ông tri huyện xôi thịt, anh luôn lo lắng cho cái nghèo ở cái nơi có lẽ là nghèo nhất đất nước này.
          Chuyện ngủ ở đây cũng buồn cười đến chảy nước mắt. Cả thị trấn có một nhà nghỉ của anh Zdâm tê – trưởng công an huyện, thì lại có một hội thảo của y tế họ đăng cai rồi. Tôi được sắp xếp nghỉ ở nhà khách huyện ủy. Nhưng chỉ nghĩ đến những hình thù trong nhà gươl và nhà mồ, tóc gáy tôi đã dựng hết lên rồi. Tôi xách va-li vào phòng anh Huỳnh kim Tín – Trưởng phòng giáo dục, đề nghị: “Tối nay anh cho em ngủ đây!” Khiến anh tròn mắt ngạc nhiên. Chắc có lẽ chẳng ai nói với anh như tôi.
          Chuyện ăn cũng đặc biệt. Sau 5 giờ chiều là chẳng còn gì ăn. Mọi thứ đắt như đi nhà hàng ở Hà Nội.
         Thêm một chuyện vui vui nữa, đó là tên gọi. Tên của anh chủ tịch xã ATiêng là Bloong Abú nhé, còn phó chủ tịch văn xã là Blúc Ấm Lòng. Thực ra tên khai sinh của cậu Phó chủ tịch phụ trách văn xã  này là Bluc Âm Loong nhưng khi đi học cô giáo lớp một đổi thành Bluc Ấm Lòng cho tiện (cô giáo lớp 1 quyền to nhỉ!). Còn học sinh tiểu học ở đây có những cái tên rất Hàn Quốc: San U, San Hiếp,… Hay thật!
         Thị trấn Tây Giang đẹp! Quy hoạch ngăn nắp, đường rộng, có khu vui chơi giải trí, phong cảnh đẹp! Điều đó cho thấy cái tầm và cái tâm của lãnh đạo nơi đây. Đó là cảm nhận của riêng tôi.
         Tôi còn nợ nơi đây một lời hứa!
                                                            Viết ngày 03 tết  năm Quý Tị (2013)
        Với cảm xúc đó, ngày đêm hôm ấy, tôi đã viết mấy dòng tặng a Liếc và anh rất thích: