Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

George Orwell - nhà văn phản không tưởng chống cực quyền

Đoàn Tử Huyến
Thứ năm ngày 14 tháng 3 năm 2013 4:28 AM

George Orwell (25/6/1903 – 21/01/1950) là một trong những nhà văn tiếng Anh được hâm mộ nhất, nhà viết truyện chính trị vĩ đại nhất của thế kỉ XX; ông được coi là lương tâm của một thế hệ, biểu tượng của sự độc lập của người trí thức không bị tác động bởi quyền lực và chính trị; các tác phẩm của ông cảnh báo chống chủ nghĩa cực quyền và sự kiểm soát cá nhân từ phía các nhà nước hiện đại.
  
George Orwell, tên khai sinh là Eric Arthur Blair, sinh tại thành phố Motihari thuộc bang Bihar (Bengali, Ấn Độ) trong một gia đình thực dân Anh trung lưu. Lên năm tuổi, ông được gửi đến học tại trường học trong tu viện Henley-on-Thames (hạt Oxfordshire, Anh quốc), sau đó là trường tư thục Eastbourn (đến năm 1916), rồi chuyển sang trường Cao đẳng Eton danh tiếng (tốt nghiệp năm 1921). Những phiếu đánh giá việc học tập của ông tại Eton rất khác nhau, số này ghi ông là một học sinh kém, số khác thì phê hoàn toàn ngược lại: rõ ràng ông không được một số thầy giáo vừa ý. Khi trở lại Bengali, ông là sĩ quan biên chế Cảnh sát Hoàng gia Ấn Độ tại Mandalay(1) đến năm 1927. Do ngày càng bất mãn với sự thống trị của người da trắng ở thuộc địa, năm 1927 ông trở về Anh, lang thang không mục đích khắp nơi, sống vất vưởng bằng đủ thứ nghề.
 
Năm 1937: Con đường đến Wigan Pier
Những kinh nghiệm tích lũy qua các chuyến đi (ông thường xuyên đến Paris) được thể hiện trong cuốn sách phê phán xã hội Thất cơ lỡ vận ở Paris và London (Down and Out in Paris and London, 1933) kí bút danh George Orwell. Một năm sau, ông hoàn thành tiểu thuyết Những ngày Miến Điện (Burmese Days) kể về thời kì phục vụ trong Cảnh sát Hoàng gia tại Mandalay. Tiếp đó là các tác phẩm Con gái ông mục sư (A Clergyman's Daughter, 1935) và Cứ để Aspidistra bay (Keep the Aspidistra Flying, 1936). Cuốn sách nổi tiếng của ông vào cuối thập kỉ 1930 Con đường đến Wigan Pier (The Road to Wigan Pier, 1937) gồm hai phần; phần một là những điều tra xã hội học của nhà văn về điều kiện sống ảm đạm của giai cấp công nhân ở Lancashire và Yorkshire miền Bắc nước Anh trước Thế chiến II; phần hai là những luận điểm về quá trình giáo dục, sự phát triển trong ý thức chính trị của nhà văn và câu hỏi về chủ nghĩa Xã hội ở nước Anh. Trong văn xuôi thời kì này, George Orwel muốn thực hiện dự định nảy sinh đã lâu là kết hợp miêu tả thực tế và hiện thực tỉnh táo với những yếu tố hư cấu, mang lại cho người Anh trung lưu những hiểu biết về các vấn đề của những tầng lớp dưới.
 
Từ 1937 - 1939: Hoạt động chính trị và các tác phẩm
Năm 1936, một thời gian ngắn sau khi kết hôn với cô Eireen Eileen O’Shounessy (1905 - 1945; bà qua đời trong một cuộc phẫu thuật thông thường; họ có một con trai nuôi), George Orwel quyết định đến Tây Ban Nha để chiến đấu cho nền Cộng hòa chống lại cuộc nổi loạn của lực lượng Phát xít do tướng Francisco Franco(2) cầm đầu. Ông trở thành đảng viên Đảng Công nhân Độc lập và chiến đấu ngoài mặt trận cùng quân đoàn chiến sĩ Anh tình nguyện; bị thương nặng, ông cùng vợ sang Pháp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính thời gian ông sống ở Tây Ban Nha và châu Âu đã tạo dựng nên George Orwell với tư cách một nhà văn. Bước đầu, ông đã phản ánh những điều chứng kiến trong Tưởng niệm Catalonia (Homage to Catalonia, 1938), một cuốn tiểu thuyết theo khuynh hướng chống nền văn minh Phương Tây cũng như đường lối độc tài và các cuộc tranh đấu phe phái tả - hữu. Một năm sau, ông hoàn thành tiểu thuyết Vươn lên để thở (Coming up for Air), cuốn sách như một lời cảnh báo về nguy cơ giết chết nông thôn nước Anh do sự phát triển của chủ nghĩa Tư bản và thương mại. Tiếp đó là tập tiểu luận Trong bụng cá voi và những câu chuyện khác (Inside the Whale and Other Essays, 1939).
 
Năm 1945: Trại súc vật  
 
  Thế chiến II vừa bùng nổ, George Orwel tình nguyện ra trận, nhưng vì bệnh lao ông không thể gia nhập các đơn vị chiến đấu. Trước năm 1943, ông cộng tác với tạp chí công luận xã hội Diễn đàn (Tribune), là người chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình văn hóa, sau đó giữ mục phê bình văn chương cho tạp chí; từ năm 1945 ông là phóng viên đặc phái báo tại Pháp và Đức. Cùng năm đó, tiểu thuyết phản không tưởng Trại súc vật (Animal Farm) được xuất bản. Cốt truyện: Tại một trại chăn nuôi, lũ gia súc nổi dậy làm cách mạng tự giải phóng khỏi ách kìm kẹp của con người. Cách mạng thàng công, nhưng sự bình đẳng mới thiết lập chẳng mấy lúc đã biến mất, vì “Mọi thú vật đều bình đẳng, nhưng một số thú vật thì bình đẳng hơn các loài khác”, và thay vì bị ông chủ người cai quản, bây giờ quyền lực trong trại bị những con lợn nắm giữ và chúng củng cố chính quyền bằng các biện pháp khủng bố. lừa bịp. Vừa mới ra đời, tác phẩm đã thu nhận được thành công vang dội, ngay khi George Orwell còn sống đã được dịch ra tất cả các ngôn ngữ chính của châu Âu và các thứ tiếng Telugu (Bắc Ấn Độ), Ba Tư, Ísland và Ukraina... Đến nay, tác phẩm đã có mặt bằng 70 thứ tiếng và thuờng xuyên được tái bản. Trong lần bình chọn 100 tác phẩm hay nhất trong thế kỉ XX do nhà sách Random House tiến hành, Trại súc vật đứng thứ 31.
 
Năm 1949: 1984 
 
 
Mặc dù bệnh lao ngày càng nặng và phải điều dưỡng dài ngày, George Orwel vẫn miệt mài viết. Năm 1946, ông cho ra đời tác phẩm Những tiểu luận phê bình (Critical Essays), trong đó, cũng như trong cuốn Người Anh (The English People) in sau đó một năm, nhà văn cảnh báo hậu quả do sự phát triển lệch lạc của nền văn minh hiện đại đem lại. Tuy nhiên, các tác phẩm này không thu được thành công lớn như Trại súc vật. Năm 1949, mặc dù đang ốm thập tử nhất sinh, George Orwel vẫn hoàn thành tiểu thuyết phản không tưởng 1984 (84 là ngược số của 48, năm nhà văn bắt đầu viết truyện này) - như một sự tiếp nối Trại súc vật, mô tả một quốc gia giả tưởng vào năm 1984. Nhân vật chính Wilston Smith, nhân viên Bộ Sự thật của Quốc gia Toàn Thế Giới Okeania, chuyên làm công việc bóp méo lịch sử theo chỉ thị của Đảng, đã cùng với người yêu của mình là Julia chống lại sự dối trá có tổ chức và sự kiểm soát thường xuyên tư tưởng đồng bào mình. Sau khi bị bắt và tra tấn, Wilston Smith đã phản bội người yêu và biến ước mơ tự do cá nhân thành tình yêu với Người Anh Cả vĩ đại. George Orwel cảnh báo nguy cơ của một xã hội cực quyền hiện đại, nơi con người không thể có tự do vì nhà nước kiểm soát cả hiện tại, quá khứ và tương lai, thậm chí cả tình yêu, tình dục; nơi quyền lực của giới thượng lưu được áp đặt nặng nề đối với tư tưởng và cuộc sống của đại chúng; nơi thông tin ngày càng trở thành một sức mạnh thống trị. Tiểu thuyết 1984 nằm ở vị trí 13 trong số 100 tác phẩm hay nhất thế kỉ XX do nhà sách Random House bình chọn.
Vài tháng sau khi tiểu thuyết 1984 được xuất bản, George Orwel mất tại London ở tuổi 46 vì bệnh lao. Tập sách tự thuật Niềm vui là thế đó (Such, such were the Joys) được in sau khi nhà văn đã qua đời.

Đoàn Tử Huyến

 
P/s: Tác phẩm của George Orwel rất nhiều năm trước đây không được chính thức xuất bản ở Việt Nam, mà chỉ có bản dịch 1984 của Đặng Phương Nghi lưu hành trên mạng internet, Trại súc vật của Phạm Minh Ngọc vừa đăng trên internet vừa được Nhà xuất bản Giấy Vụn (không có giấy phép hoạt động của nhà nước) in vào quý II năm 2010. Đầu năm 2013, tác phẩm này đã được Công ti Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành nhưng với tên là Chuyện ở nông trại (bản dịch của An Lí) gây ra những dư luận trái chiều, thậm chí có ý kiến đòi phải thu hồi.
 
 
 
Chú thích:
(1) Mandalay: Vùng hành chính, nằm ở giữa đất nước Myanma, với Mandalay, thành phố lớn thứ hai và là thủ phủ của nước này. Myanma còn có các tên gọi (cũ) là Miến Điện hay Diến Điện; người Anh gọi là Burma (trước 1989), Myanmar.
(2) Francisco Franco (1892 - 1975): Nhà hoạt động chính trị, quân sự, năm 1936 làm đảo chính lật đổ những người Cộng  hòa, từ  năm 1939 trở thành Quốc trưởng cai trị đất nước bằng độc tài. Chế độ Phát xít của Franco là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại.