Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lạm bàn về chữ Tín

Trần Huy Thuận
Thứ hai ngày 11 tháng 3 năm 2013 10:24 PM

Niềm tin là chất kết dính của xã hội,
nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ cảm thấy
vô cùng bất an bởi trạng thái cô đơn trong cuộc sống.
 NGUYỄN TRẦN BẠT

Vừa qua xuất hiện tình trạng nhiều người đứng đầu
do bản lĩnh kém và không gương mẫu, lại lạm dụng quyền lực và thủ đoạn để làm giàu.
Người dân suy giảm lòng tin với Đảng…

TRUNG TƯỚNG , PGS TS NGUYỄN ĐỨC BÌNH1

Vâng, kẻ ít học này hôm nay xin lạm bàn về đúng một chữ. Chữ đó là chữ “tin”.
Từ khi còn là một đứa bé, tôi đã được dạy rằng: “Một sự bất tín vạn sự bất tin”. Đảng nói, Cụ Hồ nói hay ai đó nói thì thú thật tôi không nhớ nữa. Nhưng câu này của Hồ Chí Minh thì tôi nhớ: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được tin cậy và mến phục không” (Sửa đổi lề lối làm việc-Hồ Chí Minh toàn tập). Một bài hát rất phổ biến một thời, cũng có câu “Được Dân mến, được Dân tin muôn phần…”. Như thế rõ ràng có thể khẳng định, từ rất lâu, chúng ta đã hiểu được điều cốt yếu này: Phải sống, làm việc thế nào để được Dân mến, Dân tin. Mến và Tin thực ra chỉ là một. Không thể mến một người mà ta không tin cũng như không thể tin một người mà ta không mến!
Tin là một hành vi của loài người nói riêng và động  vật nói chung. Nó xuất phát từ tự nhiên (bắt nguồn cho cuộc sống cộng đồng, bầy đàn); nó xuất phát từ trí tuệ (giúp xác lập sự tin, tìm ra lý lẽ của sự tin, đồng thời sự tin đến lượt nó, lại giúp mở mang trí tuệ). Và hơn thế nữa, nó còn xuất phát từ tình cảm, từ trái tim (Chính trái tim đã mách bảo cho trí tuệ xác lập nên sự tin).

Sự “tin” bắt đầu từ “niềm tin”, rồi phát triểm thành “lòng tin” và cao hơn nữa là “đức tin” – Một loại sản phẩm tinh thần quý giá nhất của con người. Một chính khách nổi tiếng – ngài tổng thống Hoa Kỳ E.Roosevelt đã nói: “Mất lòng tin là mất tất cả”.

Ngược với lòng tin là sự nghi hoặc. Nghi hoặc cũng cần thiết chẳng kém gì lòng tin. Trước khi đặt lòng tin vào một việc, một người, một tập hợp người, chúng ta cần đặt dấu hỏi xem việc ấy, người ấy có bằng chứng gì  đáng tin? Nhưng nghi hoặc lung tung, dẫn đến đa nghi như Tào Tháo, thì dễ hỏng việc lắm!
Tin trước hết cần tự tin. Khi bản thân mình đã không tin mình, thì công việc hỏng ngay từ khi bắt đầu; nhưng quá tự tin lại dẫn đến chủ quan khinh địch, cũng dễ thất bại. Tin phải đi đôi với cảnh giác, mới không bị lợi dụng; nhưng quá cảnh giác, cảnh giác cả với ân nhân, cảnh giác cả với người đã đem của cải, tính mạng ra để phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng… thì đấy lại là sự mất cảnh giác nguy hại nhất; là vô tình mắc mưu kẻ thù, bởi kẻ thù rất muốn dùng chiêu bài đó để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân!  
Tin nói ra lời chưa hẳn tin, chưa thể tin hoàn toàn. Muốn biết người khác có tin, còn tin mình hay không, phải kiểm nghiệm bằng hành động thực tế. Phải từ quan sát việc làm,  chứ tuyệt không căn cứ lời nói. Điều này cũng là chân lý. Không thể có sự chứng minh ngược lại. Tin là sự tự giác, tự nguyện. Không thể cưỡng chế, không thể dùng cường quyền. Tin đương nhiên sẽ theo – Nghe theo và làm theo. Cho nên chỉ cần quan sát xem người ta có tự giác nghe theo, làm theo không là đủ biết họ có tin hay không tin; còn tin hay không còn tin.
Tin phải xuất phát từ ý chí, bằng khối óc và con tim. Phải tin từ trong máu, Trong lòng, tận đáy lòng. Tin như thế mới thành sức mạnh, sức mạnh như thế mới có thể vô địch. “Nửa tin nửa ngờ” cũng coi như đã mất lòng tin. Nói cách khác, tin là tự giác, tự nguyện, không thể cưỡng bức, không thể dùng cường quyền.
Tin phải từ hai phía, luôn luôn từ hai phía. Khi phía này thiếu hoặc mất tin ở phía kia, thì sự tin không tồn tại. Muốn Dân tin, trước hết phải tin Dân.
Tin luôn hai mặt: Tin là điều kiện tiên quyết để hành động thành công. Nhưng “cả tin”, tin mù quáng… lại là nguyên nhân dẫn đến thất bại (Tin vào lời hứa của kẻ thù thì mất nước; tin vào sự tự giác cải tạo của giặc tham nhũng thì không thể ngăn chặn được quốc nạn này – tin như thế dễ làm cho bọn tham nhũng cười vào mũi chúng ta!).
Tin luôn là quan hệ hai chiều. Không thể có chuyện «tôi tin anh» còn anh «luôn nghi ngờ tôi». Quan hệ gần gũi nhất là vợ - chồng cũng không thể tồn tại mâu thuẫn ấy. Đó là thứ quan hệ «một mất một còn». Suy rộng ra, mối quan hệ nào cũng vậy, quan hệ càng rộng, sự tin cậy lẫn nhau càng phải thắt chặt. Đã có sự nghi ngờ, dù  ở phía nào, dù  ở cấp nào, thì sớm muộn niềm tin ấy cũng đổ vỡ!

Tin luôn gắn với bình đẳng và lòng tự trọng. Thiếu bình đẳng hoặc không có lòng tự trọng thì cái sự tin ấy chỉ là trò giả tạo. Không tin được.

Lòng tin là cái gốc của mọi thành công. Không có sự thành công nào của con người lại không xuất phát từ lòng tin vào chính công việc đã đem lại sự thành công đó. Hay nói ngược lại, làm một công việc mà luôn luôn thiếu niềm tin vào kết quả của công việc đó, thì nhất định công việc đó sẽ không bao giờ thành công.

Lòng tin là cái gốc của nghệ thuật trị nước của người phương Đông ta. Sách xưa dạy phải luôn luôn coi trọng ba điều: “Túc thực – dân no đủ, Túc binh – quân mạnh, Dân tín – Dân tin”. Nếu trong trường hợp khẩn cấp không thể thực hiện đầy đủ cả ba điều trên, buộc phải bỏ bớt, thì bỏ hai điều đầu tiên (Túc thực, Túc binh), chứ tuyệt đối không được để Dân mất lòng tin (Dân tín).

Nhưng lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Không thể “gửi trứng cho ác”. Nhà Phật dạy: “Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và trải nghiệm. Chỉ khi nào quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng… lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo” (Trích ‘Kinh Tụng Hàng Ngày’ Thích Nhật Từ biên soạn).

Cách mạng tháng Tám thành công là thành quả của lòng tin, là điển hình hùng hồn về đức tin của cả Dân tộc Việt Nam ta thời điểm đó – Cách mạng tin Dân và Dân tin Cách mạng. Cách mạng tin Dân, coi Dân là lực lượng của mình nên mới đủ quyết tâm phát động khởi nghĩa; Dân tin Cách mạng, tin vào khả năng lãnh đạo của cách mạnh, nên biết là gian truân, vẫn theo. Gái cũng như trai, thanh thiếu niên cũng như các cụ bô lão, công nông binh cũng như trí thức… đều chung một niềm tin nơi Cách mạng. Niềm tin đó đã biến thành sức mạnh vô địch làm tan rã hoàn toàn và nhanh chóng chế độ xã hội cũ.
 
Khi Cách mạng thành công, nước nhà giành được độc lập. Nhưng khó khăn vẫn còn chất chồng. Riêng về vấn đề kinh tế, nạn đói làm chết hơn hai triệu đồng bào chưa qua lâu, ngân quỹ Quốc gia thì cạn kiệt, chính phủ lâm thời gần như chỉ có hai bàn tay trắng… Vậy mà trên đường phố không mảy may còn bóng dáng những người hành khất (Những người ăn mày đâu đã được no?). Nạn trộm cắp ngừng hẳn, ban đêm ở nông thôn các gia đình tuyệt không phải đóng cửa khi ngủ (Lực lượng cảnh sát Cách mạng mới đang hình thành, những kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp cũng đâu đã được tập trung cải huấn?). Quốc khố - kho bạc Nhà nước lúc ấy chỉ có một triệu hai trăm ngàn đồng. Ngày 4/9/1945 Bác Hồ phát động “Tuần lễ vàng” kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia, đã nhận được sự hưởng ứng vô bờ bến của mọi tầng lớp, đặc biệt là giới công thương, đã quyên góp được hai mươi triệu đồng và ba trăm bẩy mươi ki lô gam vàng (Những nhà có của đâu có không còn biết dùng tiền, vàng vào việc gì cho bản thân, gia đình cũng như họ tộc họ?). Rồi khi Pháp gây hấn, nhà cửa các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… đều được đục tường thông nhà nọ sang nhà kia. Để tạo điều kiện cho các Chiến sĩ đánh nhau với giặc có thể ẩn nấp an toàn. Nhân dân tự bảo nhau đục tường, không có bất cứ một mệnh lệnh nào hay một sự ép buộc nào. Cái gì đã làm nên những câu chuyện như trong Cổ tích vậy?

Chính là từ lòng tin, đức tin của mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam ta thời ấy.

Lòng tin quyết định tất cả. Người chiến sĩ xả thân nơi chiến trận, người công nhân lao động quên mình trên công xưởng, người nông dân nô nức trong phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”… tất cả đều xuất phát từ lòng tin vào mục đích cao cả của Cách mạng: Tổ quốc Độc lập, Nhân dân được Tự do, được làm Chủ chính quê hương làng xóm mình, được mưu cầu Hạnh phúc, được cơm ăn áo mặc, được Học hành, được làm việc theo năng lực, được cống hiến theo sở trường, được đi lại tự do trên khắp mọi miền Đất nước, được giao tiếp, hội họp, vui chơi…

Vâng! Lòng tin chứ không phải cái gì khác! Không có bất cứ một thứ gì khác có thể làm được những điều kỳ diệu như lòng tin đã làm. Mệnh lệnh có thể khiến, buộc con người phải làm một số điều, nhưng không thể tạo nên cả một phong trào tự nguyện đầy nhiệt huyết trong tâm của mọi tầng lớp Nhân dân, như thời Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Xác định được lòng tin với người khác rồi, chưa đủ. Phải giữ vững được lòng tin đó bằng hành động thiết thực, đồng thời phải chăm lo củng cố lòng tin  đó một cách thường xuyên. Chớm thấy  có biểu hiện bị «thiếu », bị «mất» niềm tin nơi người khác, phải xử lý ngay – bằng việc làm chứ không phải bằng lời hứa xuông. Càng không thể dây dưa năm này qua tháng khác. Làm như thế sẽ chỉ càng làm gia tăng sự mất lòng tin, dẫn đến kết cục là không thể cứu vãn nổi!

Lịch sử Nhân loại, lịch sử Dân tộc đều cho thấy: Xây dựng lòng tin khó, nhưng không khó bằng giữ vững lòng tin. Đó là bài học không chỉ đối với một người, mà là đối với mọi người; không phải chỉ đối với một quốc gia mà là đối với cả toàn Cầu!
Mọi thành công của Cách mạng từ trước đến nay đều nhờ biết dựa vào Dân, dựa từ lòng tin đến của cải vật chất; dựa từ tinh thần đến tính mạng con em Dân. Và ngay trong cái việc dựa vào Dân này cũng xuất phát từ lòng tin – Không tin làm sao dám dựa? Không tin làm sao cho dựa?
Tin – Vâng, tất cả đều bắt đầu từ tin! Dân tin Cách mạng, tin Đảng; Đảng và Cách mạng tin Dân.
Một khi Dân chỉ muốn Đảng làm đúng những điều Đảng nói. Một khi Dân chỉ làm đúng những điều Đảng phát động (như chống tham nhũng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc chẳng hạn) thì Đảng phải tin Dân chứ? Cảnh giác là cần thiết, nhưng cảnh giác thế nào để Dân tin Đảng, Đảng tin Dân mới là đúng đường lối chủ trương. Mà điều ấy không khó, hoàn toàn không khó đối với một Nhà nước đã có gần 70 năm xây dựng và trưởng thành. Ấy là chưa kể đến việc chúng ta đã và đang có cả một bộ máy chuyên chính vô sản hùng hậu bậc nhất kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công.
Chúng ta đã nhiều lần xác định: “Tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm”. Thực tế cho thấy: Chống giặc ngoại xâm thắng lợi là do đức Tin được xác lập từ cả hai phía – Dân và Chính quyền cách mạng. Chống giặc nội xâm hay bất cứ giặc nào, giặc dốt hay giặc đói, cũng vậy. Không thể đơn độc một lực lượng nào chống được, mà phải là toàn dân. Toàn dân nhất trí đồng tình, toàn dân tham gia đấu tranh, toàn dân tin tưởng, toàn dân là chỗ dựa vững chắc. Và… toàn dân biết mình được tin tưởng! Nếu không làm được như thế, hậu quả sẽ là kẻ thù, chính kẻ thù sẽ lợi dụng điều đó để tiếp tục chống phá, cả kẻ thù ngoại xâm lẫn kẻ thù nội xâm – bọn tham nhũng.
Hồ Chí Minh nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” (Sửa đổi lề lối làm việc-Hồ Chí Minh toàn tập). Chỉ có tin  Dân lắm, coi trọng Dân lắm, Cụ Hồ mới có câu nói bất hủ như vậy! Giấu giếm chứng tỏ không trong sáng, không đàng hoàng, không mạnh. Giấu giếm chứng tỏ không tin, không tin mới giấu giếm. Đã giấu giếm thì không được ai  tin; không ai tin thì giấu giếm bằng thừa.
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng sau khi nhắc lại những điều Bác Hồ dạy, cũng nói: “Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ” (Tài liệu đã dẫn). Rồi TBT nêu ra các biện pháp khắc phục (tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng). Trong các biện pháp đó, thiết nghĩ biện pháp “tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân” cần được coi là quan trọng hơn hết.
Vâng, “tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân” chính là để “dựa vào Dân” để tiến hành mọi công việc.  Muốn dựa vào Dân phải tin Dân. Đồng thời Dân chỉ thành chỗ dựa khi Dân có niềm tin vào người muôn… dựa vào mình! Muốn “quan hệ mật thiết” với Dân, cũng phải tin Dân và được Dân tin. Không tin thì không thể có quan hệ mật thiết được.
“Mất lòng tin là mất tất cả” – Dù mình mất lòng tin người khác hay người khác mất lòng tin vào mình!
---------------
1. http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/111894/-vi-dan-nen-phai-hien-dinh-dieu-4-.html