( Tập thơ của Lương Sơn - NXB Văn học 2012)
Đọc tập thơ VẦNG TRĂNG CUỐI của nhà thơ Lương Sơn tôi trào dâng xúc động. Được biết Lương Sơn đã từng là lính Hải quân, nhập ngũ, tham gia cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ vào miền Bắc những năm 60 của thế kỷ hai mươi. Ông là hội viên của một số tổ chức văn nghệ, có nhiều tập văn thơ in trước đây, đã có một số giải thưởng về văn học. Nghĩa là ông đã có những thành công đáng kể trong lĩnh vực này. Lần này ông ra tập thơ mới. Phải chăng thi hữu của tôi muốn ví tập thơ này của mình như vầng trăng cuối cùng, quầng sáng cuối cùng, nơi hội tụ những tia sáng quý giá nhất mà ông được nhận từ gần trọn cuộc đời rồi đem trao gửi tới bạn bè, tới người đọc? Và nếu quả có thế thì tập thơ thật đáng trân trọng.
Thi trung hữu họa- Đối diện với cảnh sơn thủy hữu tình của non nước Tràng An, với Vịnh Hạ Long, với Hồ Than Thở…Ông có những vần thơ đẹp và gợi. Đọc ông như được thưởng lãm một bức tranh thủy mặc:
Hồ nghiêng lóng lánh sắc thu
Mướt xanh dáng liễu gió đùa lao xao
….
Hạ Long – vào những đêm trăng
Biển xanh như tấm thảm nhung êm đềm
Trăng ru sóng, sóng ru thuyền …
Lương Sơn tiếp cận thi ca với sự đa dạng về thể loại. Nhưng điều mà người đọc chú ý chắc chưa phải là kĩ thuật ngôn từ hay sự chặt chẽ của khuôn luật của mỗi thể loại thơ mà chính là tấm lòng ông với quê hương, đất nước, với con người, đặc biệt là với những đồng đội của ông, những người đã một thời cùng ông sinh tử bên nhau.
Có một chút bâng khuâng xen lẫn hoài cổ khi ông viết về quê, về những đổi thay của quê hương thời đổi mới và đó là những vần thơ “ Thật”, dễ nhận được sự đồng cảm của người đọc:
Chiều nay trở lại thăm quê
Tôi bỗng giật mình… bật khóc
Hương cau bóng tre râm mát
Vẫn đang chờ đón tôi về.
Ông viết thơ, mạnh dạn tiếp cận nhiều vấn đề của cuộc sống bộn bề hôm nay, chìa bàn tay thân ái với nhiều số phận, nhiều gương mặt, mảnh đời khác nhau
Gần gụi dịu ngọt là MẸ
Suốt đời đồng cạn sông sâu
Thân cò mẹ gánh dãi dầu nắng mưa
Rổ cà, mớ tép, bó dưa
Chợ quê nhon nhặt sớm trưa từng đồng
Thân thương là “Em”
Thủy chung
Như cuộc đời bất tuyệt
Như câu thơ không bao giờ chết
Mơ hồ như ảo ảnh là “ người ấy”
Đợi người ở giữa phố đông
Mắt chờ đỏ mắt mà không thấy nàng
và đôi khi nổi và sắc như một lát cắt dưới nắng là người lính già, ông lão “ Xẩm” với cây đàn Ghi ta cũ giữa phố. Nhưng có khi lại chả cần nhiều đến thế, cụ thể đến thế. Tâm thức ông bừng dậy và ông tự độc thoại với chính mình trong một quán cóc nhỏ liêu xiêu ven đường trong một đêm mưa mà “ tự ngộ” về nhân thế, về cõi người. Chính vì thế khi buồn ông viết:
Cạn ly rượu với hoàng hôn
Ta say… rót cả vuông tròn vào thơ- thì cái buồn thi sĩ ấy cũng dễ được chấp nhận.
Lương Sơn đã từng là người lính và chính vì thế, không ngạc nhiên khi trong thơ ông, hình ảnh về những đồng đội đã cùng ông sống trong một thời máu lửa vẫn thường hiển hiện như đang làm một đồng hành. Bắt đầu là với những gian khó nơi biển đảo:
Sau cuộc hải trình
Đoàn thủy thủ trở về
Nước ngọt cạn rồi
Rau xanh cũng hết
Và những hy sinh mất mát:
….Tôi… tìm về một bến sông
Bạn tôi ngã xuống giữa dòng thủy lôi
… Tàu ra khơi. Chiến thắng rồi
Mà sau trận ấy… bạn tôi không về.
Và đến những nẻo đường:
từ dốc núi, vực sâu
Giặc trút đạn bom chất độc
Máu đồng đội tôi loang đỏ mặt đường, đọng trên cán xà beng, xẻng, cuốc
…. Từ dãy Trường Sơn, Xương thịt bạn bè tôi văng trên lá, trên cây, vương vào sương khói
Người còn sống, khâm liệm người đã chết….
Phải là người đã trực tiếp sống và chiến đấu ở mặt trận trong những năm tháng đánh Mỹ mới có thể viết được những điều đó. Người đọc có thể cảm nhận được sức nóng của lửa, sự tàn phá khủng khiếp của đạn bom thù, của những dải khói trắng đục Dioxin chết người từ máy bay Mỹ tràn ra phủ kín cánh rừng trong những dòng thơ trên. Đó là chến tranh, là kỉ niệm chứa chất đầy đau thương, khốc liệt mãi mãi không thể quên trong ông và trong mỗi người lính. Người ta cảm nhận được tấm lòng của ông đối với đồng đội nhất là với những người đã hy sinh. Và ngay cả khi chiến tranh với lửa và đạn đã qua đi thì di chứng của nó vẫn còn đó. Hậu quả của cuộc chiến để lại dấu ấn trên vành khăn tang thiếu phụ, trên nếp nhăn gương mặt mẹ già mất con và trong tiếng cầu kinh như tiếng nấc khôn nguôi của người phụ nữ đã vĩnh viễn mất tuổi xuân, mất người yêu, từ mặt trận trở về và nép thân vào chốn cửa thiền:
Vào chùa. Xuống tóc đi tu
Gieo trong ánh mắt những u uẩn buồn
Lẻ mình những lúc trăng buông
Nỗi đau ly biệt mất - còn chiến tranh.
Lời yêu – hẹn ước không thành
Chị về - nương cõi tâm linh nguyện cầu…
Lương Sơn nhắc lại những ngày hào hùng và đau thương ấy, nhắc đến những mất mát không thể bù đắp ấy để nhủ lòng không quên, để nhắc người ta sống cho có trách nhiệm với cuộc sống hôm nay “ với tâm thế của người lương thiện”. Ông “ tuyên bố “ thế và người đọc tin ông, đồng cảm cùng ông.
Nhưng cũng là may. Dù phải đối diện với nhiều bất trắc của cuộc sống thường nhật thì Lương Sơn vẫn ít buồn, hay đúng hơn, dù là nỗi buồn thi nhân thì thơ ông cũng ít khi ủy mị. Ông dành nhiều trang thơ để viết về những đổi thay của cuộc sống, cất tiếng reo vui trước mỗi biến động tích cực của quê hương đất nước. Đó là tình yêu chung thủy với nơi chôn nhau cắt rốn, với thành phố nơi mình đang sinh sống:
Ôi cái thành phố già nua của bạn và tôi
Đã qua rất nhiều lần tan hoang, đổ nát
Ôi cái làng quê yên bình của bạn và tôi
Đã qua rất nhiều sóng gió
…… Nhưng chúng ta không ai bỏ làng bỏ phố mà đi
Lại có khi không cần chỉ ra cụ thể, đôi khi chỉ là một dáng hoa lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm, Một sắc thu lúc trời chuyển mùa, một run rẩy mơ hồ của gió trong sắc sen muộn cũng đủ để người đọc cảm được từ ông tấm lòng ông đối với đất trời, với cảnh, với người. Không yêu đời, đời không mang lại cho người ta niềm vui thì không ai dễ viết được những câu thơ trong sáng như thế.
Một tập thơ với chỉ gần năm chục bài thì không thể gọi là dày dặn. Nhưng với VẦNG TRĂNG CUỐI, với tấm lòng của người viết, người đọc vẫn nhận ra sức nặng của nó: Đó chính là sức nặng của sự tri âm tri kỉ của người viết muốn gửi vào đời!
Nhất Mai