Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thư gửi Ba nhân ngày 14-3

Đặng Huy Văn
Thứ năm ngày 14 tháng 3 năm 2013 4:30 AM

(Viết tặng Trần Thị Thủy)[1]

 

Trường Sa đảo chìm, đảo nổi
Nhấp nhô biển sóng mê hồn
Gạc Ma là đâu mẹ hỡi?
Mà nghe ba mãi gọi con 

Từ thuở nằm trong bụng mẹ
Khi con chưa biết khóc cười
Đã hay ba không về nữa
Con thương ba lắm, ba ơi!

 Lớn lên con nghe mẹ kể
Ba cầm cờ giữ Gạc Ma
Giặc Tàu nhằm ba xả đạn
Máu loang thắm đỏ Trường Sa

 

Được phong anh hùng ngày đó

Chào đời con chẳng còn ba!

Tim con hoài thương thao thức

Trong niềm đau nhớ xót xa

 

Chín hai “ba về” Quảng Phúc[2]
Lúc con mới bốn tuổi đời

Dắt ra nghĩa trang mẹ chỉ

“Ba Phương nằm đó, con ơi!”

 

Cách nhà chỉ hơn trăm mét

Nên con thường trốn ra đây

Khóc thầm mỗi khi hờn tủi

Đặt hoa trên mộ mỗi ngày

 

Cách đây bốn năm có chuyện

Tấm Bia mất chữ anh hùng

Trên Bia chỉ ghi liệt sĩ

Biết tin ba có buồn không?

 

Dần dà không người lai vãng

Viếng thăm bên mộ của ba

Buồn đau nhiều đêm mẹ khóc

Con thương ôm mẹ xót xa

 

 

Học xong con xin ra đảo

 

Thả hoa quanh biển Gạc Ma

Nhìn lá cờ Tàu vấy máu

Mà thương đồng đội của ba!

 

Con vào Khánh Hòa làm việc

Từ năm hai ngàn lẻ mười

Nơi xưa ba từng thân thiết

Chồng con cũng lính, ba ơi!

 

Ba nay đã thành ông ngoại

Navy con gái chúng con

Đặt tên “Hải Quân” yêu đảo

Để mong trung với nước non

   

Hà Nội 12/3/2013

Ts. Đặng Huy Văn

 

[1]- Trần Thị Thủy là con gái duy nhất của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Khi anh hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 thì vợ anh, chị Mai Thị Hoa mới có thai Thủy được hơn một tháng, nên anh chưa được biết. Nay Thủy đã tốt nghiệp ngành Việt Nam Học tại đại học Quảng Bình, nhưng cô nhất quyết xin vào Khánh Hòa làm việc tại đơn vị cũ của cha mình, Lữ Đoàn 146 Vùng 4 Hải Quân để thường xuyên được ra đảo thăm nơi năm xưa cha cô và 63 đồng đội đã hi sinh trong Hải Chiến Trường Sa tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đảo Gạc Ma đã bị giặc Tàu cưỡng chiếm kể từ ngày 14/3/1988 đó.

 [2]- Sau Hải Chiến Trường Sa 14/3/1988, liệt sĩ Trần Văn Phương và hai đồng đội của anh đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND vào ngày 6/1/1989 có khắc lên bia mộ khi anh nằm ở nghĩa trang Trường Sa. Tháng 5/1992, khi mộ anh được chuyển về nghĩa trang xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình thì trên bia mộ vẫn còn khắc danh hiệu anh hùng. Nhưng đến năm 2009 khi xã Quảng Phúc tôn tạo lại nhĩa trang thì có “lệnh từ trên”, do danh hiệu anh hùng chống Tàu của anh quá nhạy cảm nên đã bị đục bỏ. Đồng đội, bạn bè, bà con, gia đình và nhiều nhà văn nhà báo đã thắc mắc lên các cấp chính quyền thì bị trả lời loanh quanh gần 4 năm trời mà không được giải quyết, thậm chí họ còn “chỉ đạo” ngăn cản không cho bà con địa phương đến dâng hương vào ngày 14/3 hàng năm. Trước sự đấu tranh kiên trì của mọi người, thì năm ngoái vào ngày 19/4/ 2012, bia mộ anh Trần Văn Phương mới được khắc lại dòng chữ “anh hùng LLVTND”.

(TNc cắt một vài khổ thơ của tác giả cho lành, xin được thông cảm)

Toàn cảnh cuộc chiến Gạc Ma

Sáng ngày 14.3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma,  đồng chí Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 - phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi. Phía Trung Quốc cử hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.

6h sáng, hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Do hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam.

Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma.    Nguồn: Lữ đoàn 125

(Đoạn in nghiêng, đậm do TNc cóp từ Laodong online)