Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Giêng Hai ta ngược xứ Đoài thả thơ

Đỗ Ngọc Yên
Chủ nhật ngày 10 tháng 3 năm 2013 5:10 AM

 
Giêng Hai, khi tiết trời đã vào độ Xuân chín, xua đi cái lạnh đến ghê người của mùa đông, thay vào đó là những cơn mưa phùn lất phất bay, trời dần ấm lên, còn gì thú bằng ta rủ nhau ngược lên xứ Đoài. Nơi ấy có non Tản, đỉnh Ba Vì cao ngất, tha hồ cho những ai có thú tiêu dao thả thơ lên với trời mây non nước.
 
I. Về tập “Xứ Đoài Thơ” (1)
Giữa những ngày đầu Xuân năm con Rắn này, tôi được tặng cuốn “Xứ Đoài thơ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2012 với sự chủ trì tuyển chọn, biên soạn và tài trợ của Quỹ Hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống. Cầm trong tay cuốn sách mà lòng tôi thấy bồi hồi và thầm nghĩ: Chà, xứ Đoài ghê gớm thật! Từ cổ chí kim thời nào cũng có những hiền tài văn chương thơ phú.
Cuốn sách khá dày, gần 650 trang, bìa cứng, ấn loát trang trọng, tranh ảnh đẹp. Ngoài lời dẫn của Ban tuyển chọn, sách được chia làm hai phần: 1/ Thơ cổ điển và 2/ Thơ đương đại. Phần Thơ cổ gồm 40 tác giả, khởi đầu là nhà thơ Đàm Khí (Ngộ Ấn), kết thúc là nhà thơ Tản Đà. Người ít nhất có một bài, người nhiều nhất là Nguyễn Trãi có tới 9 bài được tuyển chọn. Đứng sau là hai cụ Nguyễn Văn Siêu và Tản Đà, mỗi người có 7 bài. Tống số của phần này là 114 bài thơ.
Mở đầu cho phần Thơ đương đại là nhà thơ Phi Tuyết Ba và kết thúc là Hàm Yên. Ở phần nay, người được tuyển chọn nhiều nhất là các nhà thơ Bằng Việt, Trần Lê Văn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Bành Thanh Bần,... nhưng mỗi người cũng chỉ có 5 bài, những người còn lại từ 2- 4 bài. Về đội ngũ, ở phần này đông hơn gấp đôi phần trước, 96 tác giả với 274 bài thơ được tuyển chọn.
Điều đáng nói là nhiều nhà thơ cổ nổi tiếng của Việt Nam đã có mặt trong tập này như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bá Lân, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà,...
Đối với các nhà thơ đương đại có Huy Cận, Quang Dũng, Tô Hà, Vân Long, Trần Lê Văn, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Bùi Minh Quốc, Xuân Quỳnh, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Đặng Huy Giang, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trần Hòa Bình, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Trung Lai, Phạm Khải,...
Một tập sách gồm những gương mặt thơ như vậy, chưa vội bàn đến nội dung chất lượng thơ, cũng đủ thấy mảnh đất xứ Đoài chính là cái nôi phát tích của thơ ca, không chỉ của một thời, mà là của muôn thưở
 
II. Một vài nhà thơ tiêu biểu
* Nhà văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (1380- 1442) người xã Ngọc Ôi (Nhị Khê), Thường Tín, Hà Nội. Cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái, con gái Tể tướng Trần Nguyên Đán. Năm 1400, khi Hồ Quý Ly lên ngôi, Nguyễn Trài tiên sinh mới 20 tuổi, nhưng đã thi đỗ Tiến sĩ và làm quan cho nhà Hồ, giữ chức Ngự sử Đài chánh chưởng. Năm 1916 ông gia nhập nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Thời Lê Thái Tổ, ông được ban chức Quan phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Thượng thư Bộ Lại quản công việc ở Khu mật viện. Dưới triều Lê Thái Tông ông giữ chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm kiêm Quốc Tử Giám, chủ khảo khoa thi Tiến sĩ ở Kinh đô Thăng Long.
Ông có những tác phẩm chính: “Ức Trai thi tập”, “Quốc Âm thi tập”, “Quân Trung từ mệnh tập”,...
Nguyễn Trãi được mệnh danh là người “chép thơ, thảo hịch nổi tiếng một thời”, nên có số bài thơ được đưa vào tập sách này nhiều nhất cũng là điều không lấy gì làm khó hiểu, trong đó có những bài thơ nổi tiếng sống mãi với thời gian như: “Cửa biển Thần Phù”, “Bài ca Côn Sơn”,... biểu hiện cốt cách của một ông quan thanh liêm vào hàng bậc nhất các quan lại lúc bấy giờ. Đây là hai bài thơ đã được nhiều người biết đến và cả hai bài đều viết sau khi ông trở lại quê nhà vui thú điền viên, bởi án Lệ Chi viên trớ trêu và oan nghiệt đang treo lơ lửng trên đầu, chực giáng xuống dòng tộc ông. Dù sau này có bị kết án chu di tam tộc, nhưng một người đã thấu hiểu tường tận lẽ đời, lòng người như Nguyễn Trãi thì ở đâu, làm gì cũng vậy thôi, mặc cho đôi lúc cũng cảm thấy nhớ “cửa Khổng, sân Trình” một thời:
Trời đất có tình phô vụng lớn,
Công danh gặp hội nhớ năm nào
(Cửa biển Thần Phù)
Man mác buồn nhớ chốn quan trường thưở nào, nhưng không hề thấy Nguyễn Trãi tiên sinh buồn chán hay lo sợ về những điều sắp xảy ra mà ông đã biết trước. Quả là người có chí khí như Nguyễn Trãi khó bị lay chuyển khi gặp phải gió to, sóng cả. Bởi lẽ Cửa biển Thần Phù được mệnh danh là nơi nổi tiếng có nhiều sóng to, gió lớn, đến mức dân gian còn truyền tụng nhau câu ca dao: Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. Bài thơ này viết trong tâm trạng cuộc đời ông cũng đang là một cửa “Thần Phù” giữa dòng đời đổi trắng thay đen.
Còn ở “Bài ca Côn Sơn”, ta thấy Nguyễn Trãi tiên sinh ở trong một tâm thế hoàn toàn khác. Người không những không lo sóng to, gió lớn từ sự trớ trêu của cuộc đời đang bủa vây tam tộc nhà mình, ngược lại ông khá tự tại, vui thú điền viên chốn quê nhà:
Núi Côn Sơn suối trong nước chảy
Ta nghe như đàn gảy bên tai
Đá Côn Sơn mưa sạch trần ai
Ta sẵn có chiếu ngồi vui thú  
Trong muôn trượng dãy tùng reo múa
Ta thường thường thức ngủ nằm khênh
Ngoài nhìn mẫu trúc xanh man mác
Ta thường thường ngâm hát gần kề...
...Hỏi ai sao chẳng đi về
Nửa đời danh lợi mệt mê trong vòng
Lọ là cửu đỉnh vạn chùng
Cơm rau nước lã cũng xong tháng ngày...
Ở vào hoàn cảnh của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ, tìm cho được chữ “nhàn” ở chốn quê mùa không hề đơn giản chút nào. Chỉ có những người đạt đến độ “siêu phàm”, chẳng hề bận tâm đến sống, chết, nhục, vinh, coi nó là lẽ thường ở đời, ai và lúc nào gặp thì biết lúc ấy, mới mong có được cái tâm “vô vi” đến như ông. Cuộc đời làm quan đã cho ông đầy rẫy những nếm trải, dù có lúc đã được “cửu đỉnh vạn chùng”, tức là bỗng lộc, mưa móc vua ban đạt đến ngưỡng nhất nhì trong thiên hạ, còn giờ đây “Cơm rau nước lã cũng xong tháng ngày”, có sao đâu.
 
* Nhà thơ Bằng Việt, sinh năm Tân Tỵ (1941), quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Kiev (Liên Xô)) vào năm 1965, Bằng Việt về Việt Nam, công tác tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Đến năm 1969, ông chuyển sang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1970, ông vào chiến trường Bình Trị Thiên, với tư cách là một phóng viên chiến trường và làm tại Bảo tàng truyền thống của Đoàn Trường Sơn. Năm 1975, ông về công tác tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hội Nhà văn VN.
Sau khi về Hội Văn học- Nghệ thuật Hà Nội, năm 1983, ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn học- Nghệ thuật Hà Nội (1983-1989) và là một trong những người sáng lập tờ báo Người Hà Nội (xuất bản từ 1985).
Sau đó ông được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam, làm tổng biên tập tờ tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ” Việt Nam (1989-1991).
Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Hà Nội và được bầu lại làm Chủ tịch Hội các nhiệm kỳ tiếp theo 2006- 2010; 2010- 2015.
Tác phẩm chính của Bằng Việt gồm có: “Hương cây- Bếp lửa” (in chung với Lưu Quang Vũ), “Những gương mặt- Những khoảng trời”, “Đất sau mưa”, “Khoảng cách giữa lời”, “Cát sáng”, “Bếp lửa- Khoảng trời”, “Phía nửa mặt trăng chìm”, “Ném câu thơ vào gió”, “Thơ trữ tình”, “Nheo mắt nhìn thế giới”, “Tuyển thơ Bằng Việt”.
Nhà thơ Bằng Việt đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như:        
- Giải nhất về thơ của Hội Văn học- Nghệ thuật Hà Nội (1968)
- Giải thưởng dịch thuật văn học quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình Liên Xô trao tặng năm 1982
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, năm 2001)
- Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (2002)
- Giải thưởng văn học ASEAN 2003 cho tập thơ “Ném câu thơ vào gió”
- Giải “Thành tựu trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội (2005) cho tập “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX.
Nói đến nhà thơ Bằng Việt là nhiều người nghĩ ngay rằng đấy là một hồn thơ tài hoa, tinh tế và đôn hậu theo cách của riêng ông. Nhiều bài thơ của ông đã đi vào lòng công chúng từ giữa cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đặc biệt là những bài trong tập thơ đầu tay in chung với Lưu Quang Vũ, tập “Hương cây- Bếp lửa”. Là người đã từng Tây học, nhưng từ lời nói, cách ứng xử, đến thơ ca đều rất hồn hậu, gần gũi với người Việt Nam, không Tây tí nào. Giữ được như vậy không hề dễ với nhiều người.
Trong “Xứ Đoài thơ” ông chọn in 5 bài với các chủ đề và các thời kỳ khác nhau. Có lẽ với dụng ý để bạn đọc nhìn thơ ông một cách đa diện và đa sắc màu hơn chăng? Tuy nhiên, tôi vẫn thích bài “Cuối năm” của nhà thơ Bằng Việt trong tập này. Bài thơ được viết trong những năm tháng cả dân tộc đang gồng mình lên chống lại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh điểm là Chiến dịch Điện Biên phủ trên không ở Hà Nội, cũng như chống lại giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước Ngụy quyền Sài gòn ở khắp các chiến trường Đông Dương, trong đó có miền Nam, Việt Nam.
Cách đây đã 40 năm có lẻ, trong đoàn quân đánh Mỹ ấy có chàng trai trẻ Bằng Việt. Xa quê đi đánh giặc, khoảnh khắc làm những người lính trẻ nhớ nhà nhất chính là dịp Tết đến, nhà nhà gói bánh chưng:
Cuối đông, lá rực rừng già
Trời như một thoáng nhớ nhà, thẳm xanh...
...
Quê nhà gói bánh khi nao,
Rừng dong lá mới xanh vào tận đây?
Trong thời khắc ấy, ngay giữa ngút ngàn Trường Sơn hết bom rơi, đạn nổ đến muỗi vắt, sốt rừng hành hạ người lính, vậy mà chàng lính trẻ Bằng Việt nhìn rừng lá dong vẫn một niềm đau đáu nhớ quê nhà:
Bỗng trong bóng nắng im lìm
Lá dong mát dậy suốt triền non cao...
...
Ngẩn ngơ giữa cảnh rừng dày,
Ngỡ dang tay đã ôm đầy quê hương!
Có lẽ chỉ có những người lính trẻ ở vào thời khắc ấy mới có thể cảm nhận được điều đó, để đến hôm nay, khi đất nước có hòa bình gần 40 năm, khiến không ít người trong chúng ta còn phải ngỡ ngàng. Sự hồn nhiên, trong sáng của tâm hồn những người lính trẻ khi ấy đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
 
III. Đôi điều cảm nhận về “Xứ Đoài Thơ”
 Đây là tập sách quý, tập hợp được hầu hết các nhà thơ xứ Đoài và tác phẩm của họ. Làm được điều đó, trước hết cần ghi nhận sự cố gắng nỗ lực cả về vật lực và tài lực của Quỹ hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống cũng như sự dày công của những thành viên trong Ban tuyển chọn. Trong thời buổi thị trường sách nói chung và thơ nói riêng được in ra như nấm sau mưa, có được một tập “tuyển” các bài thơ của hàng trăm tác giả từ cổ chí kim như thế này là rất quý. Nó giúp cho những ai yêu mảnh đất xứ Đoài và thơ ca về mảnh đất này, có trong tay một tập hợp tương đối đầy đủ các gương mặt thơ của một vùng đất tạm gọi là “sân sau” của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thật đáng quý lắm ru!
Được biết, Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống đang chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc “Xứ Đoài Văn”, những mong sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện hơn về văn chương xứ Đoài.
..........................
 
 
(1) Xứ Đoài Thơ. Nxb Hội Nhà văn - 2012; do Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ xuất bản.