Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bài thơ dâng Bác của Nguyễn Hưng Hải tràn ngập cảm xúc và...

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Anh Tuấn
Thứ ba ngày 12 tháng 3 năm 2013 4:33 PM


TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ vừa xuất bản tập thơ "Bài thơ dâng Bác" của Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Đây là tập thơ hay viết về Bác Hồ kính yêu, tràn ngập cảm xúc và ý nghĩa thức tỉnh. Là một nhà - văn - học - sử nên Nguyễn Hưng Hải có cái nhìn sâu sắc, biện chứng, lý giải và cắt nghĩa thấu đáo vì sao Bác Hồ của chúng ta trở nên vĩ đại, vì sao chúng ta phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Tập thơ không chỉ là tấm lòng, mà là cả hơn nửa cuộc đời đi theo Đảng, đầy dấn thân nhập cuộc vào thời thế và nhân thế với một ý thức công dân đầy trách nhiệm của Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải dâng lên Đảng, Bác Hồ kính yêu. Tiếng lòng Nguyễn Hưng Hải trong "Bài thơ dâng Bác" khiến chúng ta rưng rưng xúc động, giúp chúng ta nhận thức, cho chúng ta ánh sáng, sự giác ngộ, tự nhìn nhận lại mình, gắng gỏi vươn lên để xứng với niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Với một tấm lòng tôn kính vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ngay từ bài thơ mở đầu tập "Bài thơ dâng Bác", Nguyễn Hưng Hải đã cho chúng ta một thức ngộ, ngỡ như ai cũng biết mà dễ gì đã nhận ra: "Quê Bác ở làng Sen như mọi làng quê Việt/ dẫn lối vào nhà Bác có hương thơm/ ta lặng đứng trong vườn/ nghe gió chuyển những màu hoa tỉnh thức/ những bông hoa quay hướng vào trong ngực/ ta hướng về thơm ngát một làng Sen". Hướng về quê Bác là hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người đã hi sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước, vì mọi làng quê của đất Việt mà có lúc phải dằn lòng trong nỗi nhớ khôn nguôi về một vùng quê sinh thành, vùng quê ấy là làng Sen, để muôn làng cùng được ấm no, tự do, hạnh phúc. Những bông sen của làng Sen quê Bác trong thơ Nguyễn Hưng Hải không chỉ là biểu tượng của cái đẹp, được nở tự bùn đen, toả hương vào trời đất mà còn là gửi gắm như một thông điệp về sự trường tồn, về ý thức vươn lên, về sự tự thanh lọc để hoàn thiện mình: "Những mùa sen biết làm đẹp quê hương/ biết làm sống những ao bùn đã chết/những ao bùn từng tanh hôi vạn kiếp/nhắc ta về mùa sen/nhắc ta không được quên/ nhắc ta phải biết…". Những bông sen cũng như người làng Sen, người dân đất Việt vậy, cứ âm thầm mà toả hương. Nhưng có lẽ chỉ từ khi có Bác, tất cả mới ý thức rõ ràng hơn, rằng phải "toả hương từ thanh lọc từng bông". Nguyễn Hưng Hải đã xâu chuỗi những ý tưởng thành tư tưởng, đưa đến một khẳng định như chân lý, để có được những mùa hoa vĩnh cửu, những bông hoa toả hương vào trời đất, Bác đã phải mất bao công sức ươm trồng. Hình tượng bông sen trở nên sống động, như một ẩn dụ, cho chúng ta liên tưởng đến những con người được Bác giác ngộ, đào tạo và chọn lựa để có những đóng góp cho cách mạng Việt Nam.
Cũng như bài thơ mở đầu này, tất cả 21 bài thơ trong "Bài thơ dâng Bác" đều nhất quán một cái nhìn, một tư tưởng "yêu Bác lòng ta trong sáng hơn". Từ những câu nói, việc làm bình dị của Người, Nguyễn Hưng Hải đã khắc hoạ chân dung của Bác thật gần gũi, yêu thương nhưng cũng đầy tôn kính: "Người không đứng trên cao, Người ở chỗ bần cùng/ Người là của số đông, Người lại là số một". Dù vẫn biết ngợi ca Người mọi ngôn từ đều bất lực, nhưng Nguyễn Hưng Hải đã thành công khi anh viết: "Trong mỗi bước ta đi/ trong mỗi việc ta làm/ Người hiện diện là niềm tin chân lý". Càng giản dị bao nhiêu, Bác càng trở nên vĩ đại bấy nhiêu, khi sự giản dị ấy đã là cốt cách, nhân cách, là văn hoá của một dân tộc kết tinh lại trong một con người mà thế giới đã phải thốt nên rằng: "Ước gì dân tộc chúng tôi cũng có được một người/ như Chủ tịch Hồ Chí Minh của dân tộc các ngài…". Viết được những câu thơ như thế về Bác, Nguyễn Hưng Hải đã phải vận dụng biết bao kiến thức lịch sử, đã phải đọc cả ngàn trang sách viết về Người. Viết về Bác Hồ là một thử thách đối với bất cứ tác giả nào. Nhưng khi đọc "Bài thơ dâng Bác", chúng ta như thấy được cả tấm lòng của Nguyễn Hưng Hải với nhiều tìm tòi, sáng tạo để khắc hoạ nên chân dung của Bác thật sống động, đầy thuyết phục. Bài thơ nào của anh cũng có những sự liên tưởng, liên hệ, gắn chặt với thực tế và từ thực tế đúc rút ra thành bài học. Sau mỗi câu thơ, bài thơ dường như còn là một câu hỏi, Nguyễn Hưng Hải khiến chúng ta phải suy ngẫm. Khi Nguyễn Hưng Hải viết: "Ngợi ca Người đừng tin vào câu nói/ ta hãy tự hỏi mình học được Bác bao nhiêu/ có thể là số nhiều/ có thể là số ít/ ít hay nhiều đừng hỏi hãy làm theo", là tác giả đã ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình, cảnh báo và thức tỉnh tất cả chúng ta. Sự liên hệ giữa những câu nói, việc làm ở đâu đó hôm nay đối với tấm gương của Bác được Nguyễn Hưng Hải sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật có chủ đích đã mang lại hiệu ứng tích cực cho thơ, ở ý nghĩa giác ngộ, cảnh tỉnh và thức tỉnh. Bài "Trong phòng họp cơ quan có tấm ảnh Bác Hồ" là một minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này. Bài thơ đạt đến sự toàn bích trong việc soi vào đời Bác để thức tỉnh cả về đạo đức, nhân cách và ý thức trách nhiệm. Xin dẫn  ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm: "Giá như tất cả những ai đã từng ngồi ở đây, dù chỉ một lần/ biết được trong lúc chúng ta ngồi bàn nhau về giảm nghèo, xoá đói/ bàn nhau về cải cách, đổi mới/ bàn nhau về đề bạt người này, luân chuyển người kia/ ngoài cuộc họp có rất nhiều ánh mắt/ nhìn chúng ta và nghĩ đến Bác Hồ/ nghĩ đến những câu nói và việc làm ở đâu đó hôm qua/ có người ngồi họp mà đang ngủ/ không dám nhìn lên Bác của chúng ta/ ai cũng nói Bác của chúng ta, nhưng từ trong phòng họp bước ra/ rất nhiều những ánh mắt nhìn theo, những lắc đầu, im lặng/ con xin được một lần nói thẳng/ trước tấm ảnh Bác Hồ hãy xem lại mình đi?"
Không phải là người trải nghiệm, chịu nhiều va đập không thể viết được những câu thơ sâu lắng, day dứt và trở trăn đến như thế. Cả bài thơ không một dấu vết tu từ nhưng câu nào đọc lên cũng lấp lánh một vẻ đẹp nhân cách, cũng đầy can dự. Trong khi đâu đó hôm nay đang tồn tại rất nhiều vô cảm, vô lương, vô trách nhiệm, đang có rất nhiều suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì những câu thơ như cứa vào gan ruột như thế của Nguyễn Hưng Hải đâu chỉ là phản ánh một hiện trạng đau lòng, mà ở đây phải hiểu, tác giả đã góp thêm một hồi chuông báo động. Không phải đâu đó hôm nay không có những người luôn cao giọng dạy dỗ mọi người về đạo đức, lối sống nhưng trên thực tế thì vợ con họ, thậm chí ngay cả bản thân họ cũng đang phai nhạt dần mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Họ "lấy" Bác ra làm "bình phong" để mà che đậy, lấp liếm cho những hành động vô liêm, vô đạo đức của mình, của vợ con mình. Những kẻ như thế, khi đọc những câu thơ trên của Nguyễn Hưng Hải sẽ nghĩ gì? Đó cũng là câu hỏi mà tác giả của "Bài thơ dâng Bác" đặt ra ở mỗi bài thơ như một nỗi đau đang cần giải phẫu.
Cũng như "Trong phòng họp cơ quan có tấm ảnh Bác Hồ", bài thơ "Chi  bộ xóm tôi" là một bài thơ hay, một đóng góp của Nguyễn Hưng Hải trong việc đấu tranh chống bệnh quan liêu, hình thức, góp phần chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Dù nhắc lại chuyện đã qua nhưng những câu thơ vẫn nguyên tính "thời sự", vẫn nguyên giá trị cảnh báo trước một thực trạng nói không đi đôi với việc làm: "Chi bộ xóm họp trong hơi men rượu/ nói đâu đâu toàn chuyện ở trên giời/ trong mái nhà lợp cọ có cha tôi/ từng chạy chỗ vì mưa rơi ướt mặt/ chân lấm đất mà lơ mơ về đất/ cây con gì ai nói cũng chung chung/ nghị quyết được mùa mà đồng trắng, nước trong/ chi bộ họp để cho xong việc họp". Có cảm giác đau, rất đau nhưng biết đau để mà chữa trị, đó chẳng phải là một giác ngộ, một công việc bắt buộc phải làm sao? Nói ra điều này, chắc Nguyễn Hưng Hải cũng đau lòng lắm, cũng "đắng" lắm, và tôi như cũng "lây" cái cảm giác đau và đắng ấy, để ý thức rõ ràng hơn về sự cần phải kê đơn, bốc thuốc.
Nguyễn Hưng Hải là một nhà thơ xuất sắc của thi đàn vùng Đất Tổ. Ngay từ tập thơ đầu tay, tập "Ban mai chóng mặt" - giải thưởng Hùng Vương của UBND tỉnh Phú Thọ năm 1990, anh đã thể hiện rõ một giọng điệu, một phong cách rất độc đáo, không giống với bất cứ ai, không lặp lại người nào, dù viết về mảng đề tài gì, ở đâu. Nhận định đó của nhiều nhà phê bình văn học, nhiều cây bút tên tuổi của đất nước là hoàn toàn chuẩn xác và một lần nữa được khẳng định qua "Bài thơ dâng Bác". Ở tập thơ này Nguyễn Hưng Hải đã có rất nhiều dụng công trong lập tứ, chọn hình tượng, trong diễn giải, quy nạp để từ "giọt nước" có thể nhìn thấy cả đại dương. Anh đã khắc hoạ thành công hình tượng Bác Hồ qua những câu nói việc làm cụ thể, rất giản dị của Người. Qua đó mà khắc tạc nên chân dung của Bác cao sang mà vẫn gần gũi, vĩ đại mà bình dị. Hình như cứ sau mỗi bài thơ Nguyễn Hưng Hải lại rút ra một bài học, khiến chúng ta phải trăn trở, phải thức tỉnh, thúc giục chúng ta cùng hành động, gắng gỏi vượt lên. Không lớn tiếng, cao giọng nhưng bằng vào tập thơ này Nguyễn Hưng Hải đã đóng góp cho thi đàn Việt Nam một tập thơ có giá trị cao về tư tưởng và có ý nghĩa giáo dục lớn.
Những suy nghĩ, liên tưởng từ tập thơ, cho tôi một cảm nhận, bằng vào con mắt của một nhà văn - học - sử, Nguyễn Hưng Hải đã chạm tới được những điều rất thiêng liêng, đã vượt qua được những rào cản, cấm kị bấy lâu nay để khắc hoạ chân dung của Bác một cách đầy đủ hơn. Không chỉ tình yêu bao la, tình thương sâu nặng Người dành cho tất cả mọi người mà trong thơ Nguyễn Hưng Hải, Bác hiện lên cả những nỗi niềm khát vọng rất riêng tư. Biết là "Đời riêng Bác chẳng có gì" nhưng chính những khoảnh khắc riêng tư ấy đã được Nguyễn Hưng Hải khắc hoạ rất cụ thể và sinh động: "Bác cũng muốn có gia đình, vợ con ta phải biết/ không vợ, không con không phải là lỗi tại Người?". Đọc những câu thơ như xát lòng này, chúng ta càng thấy thương Bác hơn, hiểu rõ hơn vì sao chúng ta phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Đây là một ví dụ: "21 tuổi Bác xuống tàu tìm đường đi cứu nước/ 21 tuổi chúng ta còn xin mẹ từng đồng/ 21 tuổi Người toả sáng giữa Pari/ 21 tuổi chúng ta còn đợi cho bú mớm". Và đây là một ví dụ khác: "Bác Hồ ôm bó lúa vào lòng/ bó lúa vừa gặt xong còn lấm lem bùn đất/ sợ bùn đất làm lấm lem áo Bác/ cuống quýt cả lên mấy vị đi cùng/ - xin để cháu đỡ cho/ lúc ấy rất nhiều người nông dân đang đứng quanh Bác Hồ/ Bác chỉ vào một người chỉ còn hở mỗi hai con mắt: /-vậy các chú tính thế nào với chiếc áo của chú này đầy bùn đất lấm lem?" Thêm một minh chứng nữa: "Người đã quen cơm nắm muối vừng - những bữa ăn dọc đường/ không muốn làm phiền ai, dù chỉ là chốc lát/ hoa thơm nức hội trường mà không ai biết Bác/ đang nghĩ về những người trồng hoa còn không đủ áo cơm/ Người đã quen đi lên từ phía cuối hội trường/ không thích đứng ở bục cao giữa hội trường diễn thuyết/ đã có lần Người cởi áo cho cụ già đỡ rét/ khi phải vì mình mà có mặt chỗ người đông".
Đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương cho tất cả chúng ta cùng học tập, noi theo. Nhưng có học tập noi theo được hay không, khi  mà đâu đó hôm nay vẫn còn không ít những hiện tượng cán bộ đi cơ sở hay về thăm đâu đó đã "thản nhiên ăn cả phần của những người còn rách áo, đói cơm?".
Có học tập được hay không, khi mà chúng ta "cứ nằm", "cứ đợi gió như cây buồm gãy cánh". Ai cũng nói học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ mà không làm theo là một sự xúc phạm lớn. Chúng ta phải biết tự hỏi mình vì sao không làm được và vì sao Nguyễn Hưng Hải phải thốt lên: "Không xấu hổ chúng ta không lớn được?". Đừng đổ lỗi cho ai cả, mà tự biết phải làm gì, khi đổ lỗi tranh công, trốn tránh trách nhiệm đã và đang có nguy cơ trở thành căn bệnh trầm kha, dễ lây nhiễm và di căn như khối u ác tính. Biện minh cho những lời nói dối, những sai lầm, khuyết điểm có hàng ngàn, hàng vạn lý do, nhưng chung quy lại vẫn là: "Ta hay viện bận trăm công nghìn việc/ đến khi nào dân biết thật vì dân?". Sinh thời Bác đều tuờng tận cả, và Người luôn căn dặn chúng ta phải cần - kiệm - liêm - chính, trí công vô tư. "Bài thơ dâng Bác" của Nguyễn Hưng Hải đã can dự trực tiếp vào điều đó với một thái độ rất rõ ràng mạch lạc: "Sống vì dân không phải để dân ơn/ không chỉ hứa cái dân cần phải biết/ học ở Bác hãy làm nhiều nói ít".
Không chỉ đòi hỏi ở mọi người, trong tự vấn lòng mình Nguyễn Hưng Hải cũng có những câu thơ thật nhiều tâm trạng "Cùng nòi giống tổ tiên, con cháu Hồ Chí Minh/ ai chẳng có một mặt trời lung linh trong ngưỡng vọng/ nghĩ về Người tôi bình thản đi qua nhiều hụt hẫng/ có lúc tưởng như mình sẽ khuỵu xuống vì đau?!
Cái đau của Nguyễn Hưng Hải cũng là cái đau của nhiều người trong chúng ta khi đâu đó vẫn còn những kẻ "thẻ đỏ tim đen", những người "nói một đằng, làm một nẻo", những vụ việc khiến chúng ta phải đau lòng, phải phẫn nộ. Là một người lính, một đảng viên, một nhà thơ chân chính nên Nguyễn Hưng Hải không bưng bít sự thật. Anh nói ra sự thật, nói lên sự thật bằng nỗi đau và bản lĩnh của một người đã qua khói lửa chiến tranh. Chính nỗi đau và bản lĩnh ấy đã góp phần làm nên những cái mới, những nét đặc sắc của tập thơ: "Sợi tóc của tôi giống sợi tóc Bác Hồ/chẳng cần thử ADN cũng biết là giống nòi Lạc Việt/ trong linh cảm nhiều năm không ai biết/ đêm nào tôi cũng mơ Người chải tóc cho mình". Không phải giấc mơ đâu mà với lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, ánh sáng soi đường từ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, những lúc gặp khó khăn, bất trắc, những khi phải dằn lòng trước đau đớn thiệt thòi, trước những kẻ nói và làm không theo lời Bác, Nguyễn Hưng Hải vẫn lạc quan và tràn đầy nghị lực: "Những lúc ấy hình bóng của Người lại vực tôi đứng dậy, thúc giục tôi làm lại từ đầu/ không bi luỵ, yếu hèn, trước muôn trùng va đập/ tôi sẵn sàng với những gì đối mặt/ như sương gió trên đầu sợi tóc chẳng lung lay/ nghĩ về Người tôi không thể xuôi tay/ để sợi tóc mỗi ngày bạc một cách vô ích".
Nhờ thủ pháp chồng mờ của điện ảnh và sử dụng điêu luyện phép bi - a, trong câu ấy có câu khác, ngoài ý này còn ý kia Nguyễn Hưng Hải  đã làm mới lại những câu thơ viết về Bác. Với những câu thơ, bài thơ đầy can sự mang tính cảnh tỉnh và dự báo, thấm đẫm chất nhân văn "Bài thơ dâng Bác" của Nguyễn Hưng Hải đã mang đến cho người đọc những bài học sâu sắc về đạo đức và những giá trị lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định, đây là một tập thơ quý giúp chúng ta nâng cao về nhận thức để có hành động đúng, đúng như Nguyễn Hưng Hải lạc quan, tin tưởng: "Linh cảm rõ ràng đâu phải giấc mơ/ đêm nào Người cũng đến bên tôi, Người rém lại chăn màn, chải cho tôi mái đầu tóc rối/ Người đã rẽ đầu ngôi cho tôi và dặn dò rắn rỏi/ nên lúc nào tôi cũng bước ra đường với gương mặt rạng niềm tin….".


Việt Trì, ngày 05/12/2012
N.A.T
(Hội viên Lý luận phê bình văn học
Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ)