Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lan man đôi dòng ngày xuân

Mặc Phương Tử
Thứ sáu ngày 8 tháng 3 năm 2013 4:49 PM

 
Lâu lắm, mới có dịp đón giao thừa và 3 ngày Tết cổ truyền, thấy thời gian có trống chút ít, nên cuốc bộ dạo một vòng khu vục trung tâm Saigon (Tp. Hồ Chí Minh), vì mới vừa nghe xem báo đài giới thiệu về việc hoạt động vui chơi đầu năm con rắn (Quí tỵ - 2013). Trong đó, điểm nhấn vẫn là khu giải trí sáng tạo và tái tạo mô hình nghệ thuật nét đẹp và nhiều thơ mộng của quê hương.
 
Thoáng trông rất hấp dẫn cho người dân trong và ngoài Thành phố khi có dịp đến tham quan. Những điểm đến như :Khu du lịch Đầm Sen, Hồ Kỳ Hòa, Công viên Thảo Cầm Viên, Khu Văn Thánh, đường hoa xuân Nguyễn Huệ, Suối Tiên.v.v…Đủ thứ hình thức vui chơi cho mọi giới, đạc biệt là những mô hình nghệ thuật được tái tạo và những hình thức sinh hoạt của con người trong cuộc sống mà lâu nay có nhiều ấn tượng hình ảnh văn hóa, mang đậm tính nghệ thuật truyền thống dân gian và nét đẹp duyên dáng của quê hương.
 
Qua một số hình ảnh ấy, xin được lan man đôi dòng cảm nghĩ của mình, gọi là góp phần nhỏ tư duy vào cuộc sống hôm nay. Tôi thấy những điểm tụ hội vừa kể trên, rất đông bà con từ trong và ngoài thành phố đến vui chơi trong 3 ngày Tết. Bởi vì; suốt một năm trời lo tìm kiếm áo cơm nhọc nhằn, vất vã sau những bước đi về với hai mùa mưa nắng, tất bật với bao nỗi lo toan, nào là đủ thứ, đủ điều để đối mặt với cuộc sống, cũng chỉ vì sự ăn, sự mặc, chổ ở, sự trang trải với đời, việc giải quyết ngày nay, việc toan tính ngày mai, còn thêm cái tìm hiểu kiến thức thời hiện đại để theo kịp đà vận tốc của con người bây giờ khi đã đang ở giai đoạn đi qua thập niên thế kỷ 21 nầy.
 
Về phần giải trí vui chơi, đa số người dân địa phương và các khu vực lân cận, phần nhiều chỉ có dịp 3 ngày Tết nhứt nầy thôi ! Họ cùng với gia đình, bạn bè rủ đến trong những điểm kể trên để giải khuây, thay đổi những cảm giác, tạo thêm cái nhìn mới mẽ trong sáng, sinh động và niềm hạnh phúc sum vầy cho những ngày đầu năm, để rồi tiếp tục lao vào bao công việc của ngày thường, rồi cũng tất bật như bao năm tháng đã đi qua. Điều ấy, làm cho mọi người tăng thêm phần phấn khởi tâm tư trong những ngày thư giản, những ý tưởng, niềm vui tạo thêm nhiều hy vọng cho ngày mai mà hôm nay vẫn là cuộc phấn đấu không ngừng và mãi mãi không ngừng cho cuộc sinh tồn. Tôi nghĩ, đây cũng là điều an ủi khích lệ không nhỏ cho mọi tầng lớp con người và cả kiếp người.
 
Đến phần tái tạo những mô hình nghệ thuật, tôi bước lang thang dọc theo đại lộ Nguyễn Huệ, khu vực trung tâm Saigon (tp. HCM) ngày nay. Ở nơi đây, trông thấy trang trí nhiều sắc màu hoa tươi, cây cảnh từng cụm, từng khoảnh, hình thức đường nét phối trí khác nhau của những mô hình.
 
Điều đặc biệt là những mô hình tái tạo như ; Chiếc xe thổ mộ, xe bò, dòng sông uốn khúc êm đềm với chiếc xuồng câu ba lá, một cù lao với cái vó ven bờ, những chiếc ghe xuống hàng để bán rong vùng sông nước miền quê, con trâu (đất) nằm nghĩ ngơi thoáng trông như đang thong thả miệng nhai cỏ nơi trũng nước bùn bên cạnh có cây rơm chất hình nón, lại có thêm hình ảnh con tàu ra biển đảo xa khơi.v.v…
 
Tất cả những hình ảnh trên, tôi nghĩ; không những mọi người mà cả chính mình cũng có một cảm giác thú vị, thơ mộng hoài cảm sâu xa của một nếp sống quê hương thanh bình từ bao đời, bao thuở và pha lẫn chút gì thời đại. Thế nhưng, một cảm giác mới lại chợt thoáng trong tôi: Nếu bao hình ảnh ấy chỉ được tồn tại trong khoảnh khắc giao động theo tầm nhìn của mọi người sau một tuần, mười ngày hay một tháng gì đó, rồi phải tháo bỏ đi, để trả lại nét thoáng đảng của không gian bình thường như đã bao ngày nơi khu trung tâm thành phố, thì bao nhiêu công sức tư duy phát họa để trình bày ấy, rồi chỉ còn là một thoáng, cảm giác ấy chỉ bật dậy trong tôi rồi vụt mất đi hút theo chiều bụi nắng.
 
Vẫn biết những hình thức nghệ thuật luôn phục vụ cho văn học, văn hóa trong cuộc sống của con người và con người là một nghệ sĩ, nghệ nhân tiếp thọ toàn mãn thẫm mỹ nghệ thuật để không ngừng sáng tạo nghệ thuật của nghệ thuật, nhưng nếu nghệ thuật ở đây được tái tạo nên một mô hình giả tạo nhất thời, thì chính nó cũng không đủ sức làm rung động nguồn tâm cảm thật sự tạo thành cung nhịp hơi thở từ trái tim cuộc sống.
 
Nếu như hình ảnh chiếc xe thổ mộ được trưng bày với vài chậu hoa, nhưng nó lại thiếu vắng đi cái “hồn” của người khách, người đánh xe và cả con ngựa để trở thành sức sống có hòa cảm với con đường đất, với bờ tre, cánh đồng với nắng mưa sớm tối, hay chiếc vó ven sông, chiếc xuồng câu với dòng sông uốn khúc, những chiếc ghe buôn về bến.v.v… Tất cả phải được kết tụ qua một quá trình giao cảm hòa tan vào những tiếng côn trùng rỉ rã đêm đêm, tiếng vỗ vào mạn thuyền của dòng sông, đến những tiếng gió hú ru dài trong đên khuya khoắt, trộn lẫn với bao nỗi vui buồn thăng trầm từ cuộc sống của con người nơi ấy cùng với hơi thở của muôn hoa lá cỏ cây, với đất nước nắng mưa, với tháng năm theo từng mảng không gian, thời gian vô cùng sinh động toát ra giữa đời thường bao ý vị.
 
Đành rằng; những hình thức tái tạo ấy, nó gợi cảm cho chúng ta những khoảnh khắc hoài niệm ước mơ, cái đẹp, cái thân thương của cảnh vật thanh bình sâu lắng và trầm hùng của quê hương, nơi mà chúng ta đã được sinh ra và lớn lên từ hương lúa, hương cau, bờ tre, con sông, con đê, liếp chuối.v.v… Và cũng từ đó, chúng ta lại bôn ba vào cuộc sống và vì cuộc sống cho ngày mai.
 
Vài cảm nghĩ đầu năm, trong lúc tốc độ nhịp sống xã hội con người hôm nay đã tiến xa trên nhiều lãnh vực, trong đó ngành khoa học công nghệ thông tin hiện đại ngay giữa thành phố lớn mang đầy sinh lực, tiêu biểu cho cả nước, với bao sự phấn đấu vươn lên từng bước về phía trước, đó là sự thành tựu ý thức văn hóa, văn minh, sạch đẹp từ phía con người và trên mọi bình diện cũng từ con người, nếu trong mỗi người có biết thảy bỏ những độc tố phi văn hóa, đạo đức, biết tiếp nhận và trưởng dưỡng nhân nghĩa trí tín, thì cao đẹp hơn bao giờ hết.
 
Vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, kết hợp việc tái tạo bao hình ảnh nét đẹp quê hương, cũng làm vơi bớt đi nỗi nhớ nhung da diết đối với những ai xa quê, xa nơi chôn nhao cắt rốn, những hoài cảm ấy vẫn còn màu xanh, là hương vị tâm hồn của đất nước mến yêu, của dân tộc kiên hùng mà ngàn năm không hề thay đổi.
 
Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta thấy rằng; sự tái tạo, sao chép lại mô hình nghệ thuật qua cảm quan kiến trúc của nghệ nhân cho dù đến mức kỷ thuật như thế nào đi nữa, thì cũng không thể chuyên chở hết cái “hồn” cái “thẫm mỹ” sâu lắng, bình dị, chân chất và thanh bình của quê hương, của cuộc sống thực thể trong cộng đồng bằng một cảm thọ sinh động, tươi mát và viên mãn.
 
Và một cảm nghĩ khác cũng cần nói thêm; những cảnh trí, sự vật tái tạo ấy nay đã thật sự có còn chăng ? hay đã bị những ý niệm thiếu chất tôn vinh và bảo vệ, nên bị đẩy lùi vào bóng đêm quá khứ, sự thực cũng không ít phũ phàng do lợi dưỡng phát sinh ! Thiếu tâm hồn tôn vinh và bảo vệ để bao cảnh quan môi trường bị tàn phá đáng thương tiếc cho từng tế bào sống của quê hương.
 
Cảnh quan môi trường là do thiên nhiên sẵn dành ban tặng, cái đẹp, cái thẫm mỹ phải được chiết xuất từ tâm hồn, nếu như đã bị mất đi cả hai, thì sự tái tạo chỉ là hoài niệm những câu chuyện hay mà từ lâu đã đi sâu vào vườn cổ tích xa xôi.
 
 
                                                                              Tp.HCM, Tháng Giêng 2013.
                       
                                                                                   MẶC PHƯƠNG TỬ.