Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mấy suy nghĩ cùng "Đa cực và điểm đến"

Nguyên An
Thứ ba ngày 5 tháng 3 năm 2013 4:34 PM

Thỉnh thoảng gặp nhau, Văn Chinh không vồ vập với tôi mà nhìn nhiều hơn nói, cũng chả hỏi gì nhiều. Cái bắt tay không giật giật của ông, lại làm tôi chợt nhớ đến một số bạn văn khác, với câu hỏi: Ông đọc tôi rồi chứ? Được không? Viết cho một bài đi.
Tin nhau, nói ra cũng được, không nói cũng có thể hiểu.
Văn Chinh viết khoẻ, có nội lực. Liền trong vài ba năm ra ngay hai tập phê bình văn học là Mùa màng văn học mấy năm qua (Nxb Hội Nhà văn, 2010), và Đa cực và điểm đến (Nxb Hội Nhà Văn 2012). Cuốn trước có 39 bài, cuốn sau gồm 31 bài. Cả hai đều dày dặn. Nhiều bài thẳng tưng mà không xốc nổi, điệu đà làm dáng tí chút mà vẫn tỏ ra muốn rốt ráo đến nơi đến chốn theo cái lí sự dẫn giải của mình. Biết là so sánh thì khập khiễng và dễ gây mất lòng tí chút, tôi vẫn muốn nói: Có phải nhà nghiên cứu văn chương chuyên nghiệp nào (được đào tạo và hưởng lương để làm việc) cũng viết và in đều đều được thế không? Cố nhiên, Văn Chinh có “một thuận lợi” là quảng giao. Hơn cả thuận lợi, là ông cũng hoạt bát trong lao động văn chương và hơi đáo để nữa thì phải. Anh không đăng cho tôi à? Anh đừng thiếu dân chủ nhé! Mà văn đàn cũng cần sôi động một chút, thì đăng thôi. Hầu hết 70 bài trong hai tập sách của Văn Chinh, đều đã in/phát trên bản in của báo chí và trên mạng cả rồi thì phải?
Cặm cụi đọc, đóng cửa viết và sửa ngày lại ngày là một phẩm hạnh, một sự rèn luyện, và tích cực giao tiếp, đối thoại để xem xem điều mình đang nghĩ, chuyện mình viết ra đã được cộng hưởng thế nào... cũng là một phẩm chất của người hoạt động văn chương, nhất là trong thời buổi hôm nay.

Điểm đến của Văn Chinh

Ở Lời cuối sách của cuốn Mùa màng văn học mấy năm qua,  Văn Chinh có ngỏ ý nhiều. Trong bài viết gần 1000 chữ này, ông tự bạch về quá trình tự học, về ý định viết phê bình tiểu luận và các hi vọng đóng góp ..... Các ý ấy là đúng với riêng ông, và với cả nhiều nhà. Thì đấy, chúng ta đều tự học mà nên được chút ít nào đấy thôi ! Cái mà thầy và nhà trường cho ta, rồi sách bảo cho ta, chả ai quên, nhưng trong một đất nước còn thiếu thốn đủ thứ, nhất là thiếu về bối cảnh cho khoa học, cho sáng tạo cá nhân phát triển, thì người làm văn học không tự học, tự trang bị tiếp thì có làm được gì nhiều như ước vọng đâu, kể cả một số người đã có bằng cấp và cương vị cao.
Tuy nhiên cũng có một ý chưa hẳn đúng: Ông bảo là ông viết phê bình, một phần là để khắc phục “Hiện tượng thiếu công bằng xảy ra đôi khi lại chỉ vì đất nước trải ra quá dài, các nhà văn ở xa trung tâm đồng nghĩa với việc xa các nhà phê bình, sách hay của họ đành rơi vào im lặng”. Nhưng trong tập sách này, tôi thấy Văn Chính viết về tác phẩm của hầu như tất cả các nhà văn đang ở trung tâm đấy chứ. Sang đến tập Đa cực và điểm đến  này, thì ông phê bình, khen ngợi và góp ý rồi tranh biện với nhiều người, từ Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh ... đến Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Ngô Ngọc Bội, Khuất Quang Thụy, Mai Văn Phấn, Tuyết Nga, Nguyễn Đăng Mạnh ... họ đều là những người không ở xa trung tâm, họ đang tự phát sáng và cũng được tiếp sóng cả đấy chứ.
Tôi đồ rằng viết về tác phẩm và tác giả “bị khuất lấp” để thực thi công bằng ở Văn Chinh và một số người khác, là ước ao, dễ có cơ trở thành khẩu hiệu chứ chưa trở thành kế hoạch và cảm hứng thực thi thì phải. Đó là thực trạng của điểm đến trong nghị luận văn chương hôm nay. Thực trạng này nếu có lúc do tiêu cực, thì cần được sửa chữa từ nhiều phía. Hiện tượng ở xa, là cây quế cây hoa mà hương thơm sắc thắm của mình ít được biết tới là có thực. Song hô lên như thế dẫu tự nhận mình là muôn một, mà chỉ làm được một phần mấy của một thì có nên chăng? Chẳng khéo mà lại khơi thêm nỗi buồn phiền cho ai đó. Sức hút của những thác phẩm tác giả thời danh vẫn rất mạnh là đương nhiên, đó là điểm đến bình thường mà nếu nhà nghiên cứu phê bình tinh tường, có thể phân tích dẫn giải, qua đó giúp cho nhiều người có thể học hỏi, rút kinh nghiệm. Làm công tác vận động phong trào bằng học thuật như thế thì phải hơn và cũng là rất nên vậy 

Vậy điểm đến của Văn Chính qua tập sách được giải thưởng này là gì?

Sau bài Lời thưa mở đầu, tiếp đến Phê bình tác phẩm và chân dung văn học; Tiểu phẩm; Phê bình văn chương mạng là ba phần làm nên nội dung của tập Đa cực và điểm đến. Cấu trúc sách gọn và rõ ràng báo hiệu hai điều đáng chú ý; 1, Quan niệm của tác giả về khái niệm phê bình văn học trong thời buổi hôm nay; và 2, Sự thực thi quan niệm ấy của ông, là không chỉ phê bình tác phẩm, mà dựng chân dung nhà văn bằng các mẩu chuyện về họ xen vào quá trình phân tích tác phẩm của họ hoặc thông qua trò chuyện, phỏng vấn... cũng là một dạng phê bình văn học; không chỉ lấy tác phẩm và nhà văn có sách ra mắt theo lối truyền thống (bản in, do một nhà xuất bản hay báo chí ấn hành), mà cả “tác phẩm” và ý kiến trao đổi trên mạng. Ở đây, Văn Chinh dùng hẳn cụm từ văn chương mạng. Chúng tôi cho rằng xác định các điểm đến tức là các đối tượng bình luận, trao đổi cụ thể như Văn Chinh là phải, là thích ứng với hiện tình.
Có những điểm đến khái quát và thôi thúc Văn Chinh hơn trong lao động phê bình văn chương của ông, đó là đi tìm những nét riêng trong đời sống, công việc của nhà văn, trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn nhà thơ. Đọc các bài: Thầy Hiến, Nguyễn Khoa Điểm từ trầm hùng đến cõi lặng, Thơ Mai Văn Phấn - cuống nhau và chùm rễ; Tuyết Nga, thơ như một đức hạnh, Trần Huy Quang và đạo của tình yêu ... dễ nhận thấy sự thoải mái và một ít cố gắng của tác giả khi bình tán và đánh giá công phu tìm tòi với một số đặc sắc trong sáng tác của các nhà văn nhà thơ trên. Vốn là người viết truyện thành danh (và hình như có làm thơ?) Văn Chinh quả đã có lợi thế để “đồng sáng tạo”, nên các trang viết bình văn cụ thể này của ông đọc thấy dễ vào, có chỗ đã chỉ ra được vẻ lấp lánh của những áng văn thơ tưởng như ai cũng đã đọc, đã biết mà nay qua Văn Chinh họ được rõ hơn.
Văn Chinh hay nhắc đến tinh thần dân chủ trong văn học. Nó là gì trong trường kỳ sinh tồn và phát triển? Nó là nhân, là quả với hiệu ứng ra sao?... Chúng ta đều biết và sẽ còn biết nữa. Đây cũng là một điểm đến trong tập sách của ông. Nhưng tôi có cảm giác là Văn Chinh hơi có định kiến về cái tinh thần này thì phải? Ông như muốn kêu là người ta đã mất dân chủ với ông và với những người ở xa? Ông nguyện viết phê bình để góp phần tạo ra sự công bằng và dân chủ hơn. Ý định ấy hẳn nhiên là được. Nhưng xin lưu ý: Dân chủ là sản phẩm, là thành tựu của cuộc sống, nó phụ thuộc nhiều vào cái trí, cái chí và bước đi của thời đại. Không đơn giản là cứ đòi thì được.
 
Chuyện đáng nói nhiều hơn là cái đa cực trong sách của Văn Chinh.

Tôi băn khoăn thế này: Đặt tên sách là Đa cực  và điểm đến có phải tác giả đã khéo léo tự nhận mình là một cực?
Nếu thế, thì cũng là sự mạnh dạn đáng quý, nhất là trong tình hình nghị luận văn chương ở ta còn ít chất luận lý văn học - nhân văn học mà thích đi vào giới thuyết, dẫn giải lý thuyết lý luận chung; việc phê bình tác phẩm và tác giả ở ta, do nhiều lý cớ, vẫn ở mức quen thuộc ai thì viết về người ấy, những tưởng là chuyên gia chuyên sâu, nhưng xem ra còn có phần hẹp hòi và có màu sắc "đánh quả”...thì sự mạnh bạo của Văn Chinh là rất đáng ghi nhận.
Cái đa cực, hay “Cực Văn Chinh” - nếu có thể gọi được như thế, đã được biểu hiện thường trực ở nhiều đoạn và trang trong nhiều bài của tập sách. Nói cách khác, là Văn Chinh có giọng điệu và khá nhất quán với giọng điệu của mình. Cái giọng, cái cách này ở ông có ngay ở cách đặt tên bài viết là rất gợi, chẳng hạn:
Trong bài viết không dài lắm, nhưng đã giới thiệu, lược thuật về Hữu Thỉnh, từ quá trình đi vào văn học, trải qua mấy chặng, mấy năm ... đến cá tính, thói quen, cung cách giao tiếp đối xử hàng ngày... rồi phong cách sáng tạo thơ ca... mà Văn Chinh gọi tên bài là : Tôi mới đọc Hữu Thỉnh được đến đấy. Chữ đọc  của ông là rất có nghề, rất có ý tứ. Đã có tới mấy chục bài viết về Hữu Thỉnh với nhiều giọng điệu, với nhiều dung lượng khác nhau, nhưng xem ra bài của Văn Chinh là một trong những bài đáng chú ý. Bàn về một nhà thơ có phong cách, cá tính thì hình như người viết cũng có dịp để trổ ra cái giọng điệu, và cả tiềm năng của mình hơn.
Nếu thử để ý nhiều hơn đến cấu trúc bài viết của Văn Chinh, thiết nghĩ, các bạn muốn bước vào nghề phê bình văn chương chắc sẽ tham khảo học hỏi được ít nhiều. Bẩy mươi bài viết ở cả hai tập của ông đều có thể quy về một số cách cấu trúc khác nhau, song tựu trung vẫn thấy là nhất quán trong một giọng điệu riêng. Văn Chinh có cách mở bài, cách triển khai ý tứ và kết thúc bài cũng rất linh hoạt. Chúng có khả năng gợi mở gây chú ý, rồi dẫn dắt, khuyến dụ người đọc. Với những bài thế này, ông có giọng điệu cực Văn Chinh ở chỗ vừa xác quyết, quả đoán lại cũng không đến nỗi áp đặt. Nếu hiểu dân chủ trong ngôn luận văn chương là như vậy thì Văn Chinh đã làm được một phần nhiều cho chính mình.
Cái dòng ý tưởng, ý nghĩ - dòng viết sôi nổi của Văn Chinh mà được liền mạch là nhờ vào một yếu tố đóng vai trò quan trọng, ấy là vốn kiến thức. Văn Chinh đọc nhiều, đọc muôn nhà cổ kim đông tây. Do vậy cái vốn ấy ở ông đã gợi cho người đọc nghĩ về học lực và bút lực và cả giọng điệu bình luận văn chương của ông nữa.
Giọng văn trong Đa cực và điểm đến  được đổi chuyển ở các các bài bàn về những vấn đề, những câu chuyện, những áng văn khác nhau. Cũng có khi thấy ông cao giọng, cũng có khi thấy ông nhẩn nha đủng đỉnh và cũng có lúc thấy giọng ông như có phần lúng túng và khiên cưỡng. Văn Chinh có khả năng nói thẳng “cho vuông” vắn. Nhưng nhiều lần ở nhiều trang hơn ông lại hay dẫn ý này lời nọ. Dẫn người khác là để làm cú đềpa cho mình, có khi là để lấy người ngụ ta thôi. Biến chuyển ý người khác thành một bộ phận trong ý của mình, cách này nhiều người đã làm. Với Văn Chinh thì ở nhiều trang, nhiều đoạn ông có làm hơi dồn dập và quá nhiều. Đó là do sự đầy tràn của kiến thức nơi ông khiến ngòi bút của ông ra thế? Hay là do ông muốn tỏ cho mọi người biết là ông đọc khắp từ những đẩu những đâu, là ông đã đọc đến cả những bây giở bây giờ, là ông biết nhiều, còn bây giờ, ông dẫn dụ thế, là cách đùa chọc một tí cho vui?
Với các nhà thơ, đau quá, buồn quá thương tiếc bâng khuâng quá .... hoặc sướng lên, sướng quá là đọc là nói là viết. Hồn nhiên là một trong những đặc sắc của thi gia, là một trong những điểm mạnh của họ, và vì thế  họ đã được đồng ý đồng tình, đôi khi cái hồn nhiên của bậc trí lự đã tạo cú xuất thần khiến các vị này còn được tôn vinh. Riêng các nhà phê bình văn chương thì viết cho khoan hòa mà thâm hậu sâu sắc, kiệm lời mà tinh tế bóng bẩy... mới là một vẻ đẹp chăng? Đương nhiên nếu là vẻ đẹp thì có khi là do trời cho, có khi cũng là phải rèn luyện mới có được phần nào. Phê bình văn chương là nghệ thuật, cũng là khoa học về văn chương vậy.
Một trong những nhã thú của người đời là khi đến với thơ văn và tác giả của nó, người ta như được dự một bữa tiệc văn chương. Người bình thơ văn nhiều khi đã đóng vai trò chọn thực phẩm, đưa ra quy trình pha chế, sao tẩm, ướp ủ, rồi nấu nướng và bày bàn, dọn cỗ. Cũng là lao động và vinh hạnh chứ. Đã nhiều lần ta thấy những áng thơ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận , Hàn Mặc Tử, Nguyễn Đình Thi ... cùng là trang văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Kim Lân, Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển ... với cả nết ăn ở, sự xê dịch đi lại, câu chào lời nói của họ đã trở thành món nhắm trên bàn tiệc này. Có bao nhiêu là trìu mến, quý trọng và có cả những tràng cười lý thú. Chẳng rõ Văn Chinh có định dọn cỗ văn chương không, nhưng đọc ông, thấy cũng có những trang ông bàn khá tường tận về chữ nghĩa của các nhà, đã mấy lần ông còn làm cả việc nhắc người ta về một sự sắp xếp vai trò vị thế của họ trên bàn tiệc. Lời của ông về Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Chu, Thi Hoàng, Hoàng Ngọc Hiến ... tuồng như không có gì mới lắm, vậy mà ý định hiệu chỉnh của ông đối với họ rõ là có lý cớ lý sự như buộc người ta phải tin thế đã. Ừ thì Văn Chinh mới đọc các nhà ấy đến thế thôi mà.
Với tập Đa cực và điểm đến, thêm một lần qua Văn Chinh, bạn đọc có thể biết thêm về gương mặt văn chương văn học, nhất là ở những chặng đường mới qua và ở thời đương đại. Gương mặt ấy cố nhiên do ông vẽ ra, có tính chủ quan rất rõ, và cũng có những điểm nhấn riêng với cảm hứng riêng của ông. Bên cạnh thành công này có vẻ như Văn Chinh đã tự chứng tỏ mình là người hăng hái, dám lĩnh trách nhiệm. Giọng văn trong sách của ông đôi khi dễ khiến người ta nghĩ rằng ông là người lắm lời đa sự, đã được nói nhiều in nhiều mà vẫn đòi nữa. Thì ông muốn được trao đổi luận bàn thêm cho rộng đường suy nghĩ (và dân chủ hơn như ông hay nói) cũng là đúng với tính cách của ông thôi. Mà Văn Chinh có thua thiệt gì không nhỉ?
Chúng ta từng biết, làm nên giọng điệu không chỉ là học lực, mà còn do nhiều ngọn nguồn khác. Gọi là do sự tu luyện lâu dài thì cũng được. Quá trình tu luyện ấy có vai trò của hạnh. Ai có chút văn tài, lại thành tâm đi với văn đàn được một đỗi thì có hạnh chứ sao. Hạnh, theo nghĩa hẹp, cụ thể, là thường hiện ra ở cái cách, cái giọng trân trọng mà không sa vào khách khí, thẳng thắn mà không quá vào chỗ quyết liệt chua ngoa, thân tình mà chẳng buông tuồng suồng sã... Ôi chao là Văn Chinh, đọc ông mà ngẫm ngợi lan man, thấy thấp thoáng cả một đàn một lứa trong đó như có mình. Mừng ít, lo nhiều.
Có ý này xin nói thêm: ông bình tán cái hay, cái đẹp trong thơ văn của muôn nhà có chỗ đã tinh tế sâu sắc, xin cứ đào sâu nghiền kỹ theo hướng này cho. Do cái dòng  chảy của ý thức, của tâm tình ở mỗi bài, tự nhiên cũng phải nhắc tới lý thuyết này với chủ nghĩa nọ, gặp chỗ ẫy, ông cũng có ý lướt qua, thế là phải, đừng sa chân rồi chìm vào đấy nhé! Trộm nghĩ Cụ Nguyễn Tiên Điền viết Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều, có lẽ là từ cái Tâm nhiều hơn. Cụ Nguyễn là cao xanh, trên Cụ, lại còn có một Cụ cao xanh tím đỏ hoe vàng nữa, Cụ này sinh ra muôn loài đấng bậc và cũng hay hạn mức người ta lắm. Muốn cải mệnh à? E khó đấy.
Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?