Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Vân Long: Từ Ngõ Tràng An, đến…60 năm thơ.

Miên Thảo
Thứ năm ngày 28 tháng 2 năm 2013 8:17 PM


Mưa đầu xuân khiến trời khá lạnh. Nhưng những văn nhân, thi nhân Hà Nội, ngay trước thềm ngày thơ Việt Nam, đã thắp ngọn lửa ấm áp bằng buổi Tọa đàm: Vân Long – 60 năm thơ, từ ngõ Tràng An vào ngày 21/2/2013.

 BCH Hội Nhà văn Hà Nội, chủ trì là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội từng dự kiến có buổi tọa đàm về thơ Vân Long, người đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều biến động của lịch sử mà vẫn bền bỉ gắn bó với sự nghiệp thơ của mình, đóng góp với phong trào thơ Hà Nội từ buổi thiếu thời. Nhân dịp nhà  thơ vừa xuất bản Tuyển tập thơ Vân Long (1954-2013), cần một buổi ra mắt tập thơ, BCH Hội đã nhân đó tổ chức buổi Tọa đàm, lại vừa dịp nhà thơ Vân Long bước vào tuổi 80 của mình.
Kỳ thực, ai cũng hiểu, ai cũng thấy ở đó cả một câu chuyện dài về sự nghiệp thơ “nặng ký”, và về tình bạn nghệ sĩ của nhà thơ Vân Long mà nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng gọi ông là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ” hồi ông còn làm cán bộ biên tập thơ ở NXB Hội Nhà văn. Tình bạn đó hôm nay được bộc lộ qua những bản tham luận, và những lời phát biểu không cần văn bản của các nhà thơ, nhà phê bình như Bằng Việt, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Đức, Đặng Hiển, Nguyễn Hoàng Sơn, Bích Thu, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, Đàm Khánh Phương… với tấm lòng trân trọng và yêu mến.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã mở đầu buổi Tọa đàm bằng nhận định gợi mở: “từ Ngõ Tràng An, Vân Long đã đi và đến với thơ …” Ngõ Tràng An (gần phố Huế, Hà Nội) là nơi nhà thơ từng chập chững những bước đầu tiên trong đời,
đồng thời cũng là tên bài thơ được bạn đọc đánh giá là một trong mấy bài hay nhất của ông (in trong tập “Vào thu” (1983-1990), vẹn nguyên trong ký ức của tuổi thơ chân trần nhọc nhằn cùng câu kết đầy thảng thốt: “Hoa đại đầu thế kỷ/ rụng vào tôi – bây giờ…”  Thật thú vị khi Phạm Xuân Nguyên đã lấy “Ngõ Tràng An” vừa trong thơ vừa từ hiện thực làm hình ảnh “mở lối” cho thi nhân…

1.Từ xứ Đông sang xứ Đoài
Vậy đấy, từ “Ngõ Tràng An” với những áng thơ khi 18 tuổi (1952) còn đậm chất tiểu tư sản, gửi gắm chút sầu muộn về những bất công từ gia đình ra ngoài xã hội trong thành phố bị chiếm đóng, đến những dòng thơ hướng về kháng chiến trước ngày giải phóng thủ đô. Vân Long đã gia nhập hàng ngũ các nhà thơ xuất hiện ở Hà Nội giai đoạn 1954-1965 với những trang thơ về Hà Nội trong xây dựng CNXH, rồi khi miền Bắc bước vào giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ (1965-1972), ông đã “đầu quân” xuống Hải Phòng, hòa cùng đội ngũ thơ trẻ hơn ông đến hàng chục tuổi: Thi Hoàng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh… cùng    chia lửa với cái thành phố bị thử thách gay go nhất: bị thủy lôi phong tỏa, bom B52 và bom nổ chậm trong khu phố đông dân…
Nhẹ nhàng, lịch thiệp, nhà thơ Vân Long nói: “Nếu không vì thơ, vì lòng yêu thích đề tài công nghiệp mà Hải Phòng là một nơi lý tưởng cho đề tài này, hẳn tôi đã không trụ lại lâu như thế!”
Ông vốn là một nghệ sĩ chơi đàn violon trong dàn nhạc giao hưởng của Bộ VHTT. Đúng cái tháng ông tổ chức cưới, một người con gái Hà Nội, thì nhận được quyết định điều động ông cùng một nhóm bạn đồng nghiệp xuống bổ sung cho đoàn nghệ thuật Hải Phòng. Chiến sự nổ ra, những người bạn cùng đi, tìm đủ mọi cách để trở lại nơi “đất thánh” Hà Nội với gia đình, thì ông lại chuyển mọi giấy tờ tùy thân về HP để sống như một công dân chính thức của thành phố này, khi vợ con đều ở lại Hà Nội.    
Ở Hải Phòng, chàng trai này “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” suốt 10 năm, thâm nhập những nhà máy vừa bị bom, ra trận địa pháo, xuống những con tàu rà phá thủy lôi để viết những ký sự của cuộc chiến bằng thơ. “Mười năm thơ đất Cảng, Vân Long đem hồn thơ êm nhẹ, kín đáo, hòa vào cuộc sống lửa thép, bom đạn. Đồng thời, anh kéo sự nóng hổi, cuộn xiết của đời vào thơ…Đó là cuộc đấu tranh tạo một thế hài hòa giữa ảo và thực, của đôi cánh mơ mộng chân trời với bước chân trần trên mặt đất chông gai, khúc khuỷu…  ”- Nhà thơ Phạm Đức đã tham luận như vậy!  
Sau 10 năm gắn bó với xứ Đông để làm một “công dân thi sĩ” thời chiến, đến năm 1975 ông mới về lại Hà Nội, nhưng nơi làm việc lại là …rong ruổi thêm 5 năm ở xứ Đoài (Hà Tây cũ). Nhắc đến thời kỳ này, nhà thơ Đặng Hiển say sưa kể: “Bài thơ đầu tiên anh viết về xứ Đoài là bài Dòng sông - Cuộc đời, anh đã dự báo về tương lai của dòng sông: "Cứ ngỡ như đây đã đáy hồ/ Mình như cá nhỏ ngóng lên bờ/ Ánh trăng là nước mênh mông thế/ Gió động chòm lau tựa sóng xô..."”

2.Thắm tình nghệ sĩ
“Tôi chưa dám đánh giá về sự nghiệp văn chương của Vân Long, nhưng tôi thấy cái tình nghệ sĩ của ông với bạn rộng và sâu lắm – Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét về Vân Long – “Ông luôn chu đáo với mọi thế hệ văn chương. Với những bậc đàn anh như Ngô Quân Miên, Quang Dũng, Trần Lê Văn lúc còn sống thì khỏi nói, khi họ mất, Vân Long đã tự đứng ra sưu tầm các tác phẩm, di bút, hành trạng  của mỗi người để biên soạn thành tập riêng đưa xuất bản, dày 5,6 trăm trang. Còn với thế hệ sau, như Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Sơn, Hòa Vang … Vân Long thân gần như bạn cùng lứa. Ông viết chân dung họ, giới thiệu tác phẩm của họ trên các báo. Khi làm báo, làm tuyển tập, luôn nhớ đến họ, chăm sóc bài vở của bạn như của mình…”
Hoàng Nhuận Cầm bộc bạch: “Việc tập thơ của tôi và tập thơ anh Nguyễn Quang Thiều được giải thưởng Hội Nhà văn năm ấy, không thể không kể đến công của ông khi ông là biên tập viên thơ NXB tác phẩm mới đã công tâm giới thiệu chúng tôi với Hội đồng giải thưởng…”
Nhà thơ Vân Long rưng rưng cảm xúc khi nghe bạn bè nói về mình. Khi giới thiệu các ca sĩ hát 3 bài do các nhạc sĩ Trần Hoàn, Đoàn Chuẩn, Đức Trịnh phổ thơ ông, ông nhớ lại những tháng ngày cùng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn uống café mỗi sáng ở góc phố Lý Thường Kiệt. Một buổi sớm, ngay đầu giai đoạn Đổi Mới, từ chiếc cát xét của quán bỗng vang lên bài “Thu quyến rũ”, Đoàn Chuẩn lặng người rơm rớm nước mắt, trong khi những trong quán đều biết ông, đã tiến đến bắt tay chúc mừng  khi ông lặng lẽ lau nước mắt…đón những đứa con bay xa đã trở về. Rồi ngay sáng hôm sau nhạc sĩ tài danh này tặng cho Vân Long một bản nhạc với tên gọi: “Đường thơm hoa sữa gọi”. Lời bài hát chính là bài thơ Thu cảm Vân Long vừa đưa ông mấy hôm trước sau khi đọc trong một đêm thơ mừng Đổi mới ở Thư viện Hà Nội. 
Hôm nay, ngay tại buổi tọa đàm, giai điệu bài hát “Đường thơm hoa sữa gọi” do nhạc sĩ Trương Quý Hải trình bày: “Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi/Phải bùng ra phố, phải đi thôi/ Hà Nội trời xanh màu cốm mới/ Tôi nhập vào thu với mọi người”. Lòng mỗi người bất chợt thốt lên: Thơ Vân Long dường như không có tuổi!

Box:
Nhà thơ Vân Long sinh ngày 6/3/1934, tại Hà Nội. Sau giai đoạn làm chuyên viên văn hóa các tình Hải Phòng- Hà Tây, ông về làm trưởng phòng biên tập Văn Nghệ báo Độc Lập,rồi chuyên viên biên tập thơ NXB Tác phẩm mới, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã có trên 30  đầu sách và nhiều giải thưởng (Giải Văn học công nhân (1975- 1980),Giải thưởng thơ 5 năm đầu Đổi Mới của Hội LHVHNT Hà Nội (1986-1991) và nhiều giải thưởng khác…)