Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôi cũng "Giật mình"

Nguyễn Giang
Thứ tư ngày 27 tháng 2 năm 2013 9:12 PM

Đọc bài “Giật mình” của tác giả Tạ Hữu Đỉnh trên trannhuong.com, tôi cũng... “Giật mình”!.
Tác giả viết về vấn đề nhạy cảm đang ngày càng “nóng” lên. Đó là việc ở ta nhiều công trình xin được “công nhận”, “xếp hạng” là di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, vật thể, phi vật thể thế giới.
Tác giả liệt kê ra một số lượng tương đối được công nhận, rồi còn rất nhiều công trình đang chờ xem xét, đang làm tiếp thủ tục “xin” và dự kiến “xin”...
Cứ đà này, chắc chắn cái gì cũng sẽ được “duyệt” và nước ta sẽ đứng đầu thế giới về nước có nhiều “Di sản thế giới”.
Việc được công nhận không dễ, nhưng cũng chẳng khó, chủ yếu là phải có tiền.
Nghe nói mỗi “Kỳ quan” chi phí khá tốn kém, Đô la phải tính hàng mấy chục triệu. Di sản ít tiền hơn nên xin được nhiều. Chẳng hiểu có đúng hay không vì vấn đề kinh phí không được công bố công khai.
Có người bảo, nếu theo cách tự đề nghị, làm thủ tục trình lên, rồi tổ chức vận động tuyên truyền thật rầm rộ, dốc công sức tiền bạc ra, bỏ phiếu thật nhiều thì ở ta phải có hàng chục “Kỳ quan” chứ không ít.
Nước ta vốn trọng cái tiếng, cái hình thức, cái danh hiệu, nhãn mác... Bây giờ nói đến cái gì cũng phải gắn thêm từ “Di sản thế giới”, nghe nó khác, có vẻ Sang, sỹ diện được nâng cao hơn. Chả thế mà năm nào cũng rất đông người tới Đền Trần để xin “Ấn tín”. Không rõ tác dụng của ấn tín như thế nào, mà tranh nhau, dẫm đạp lên nhau xin cho bằng được.
Có “Ấn tín” sẽ thực sự đắc tài đắc lộc thì chẳng bao giờ người ta đem ban phát với giá rẻ và dễ dàng rộng rãi như thế! Hơn nữa, , nếu dùng “Ấn tín” để mưu cầu danh lợi thì sẽ không còn “linh” nữa.
Nói về giải thưởng mới khủng khiếp. Dưới mọi hình thức, giải thưởng được trao “mệt không nghỉ”. Một dạo, nhiều cá nhân, đơn vị được tặng thưởng huân chương quá, có đồng chí lãnh đạo nhà nước phải thốt lên, cần xem lại chứ không thể tặng thưởng huân chương tràn lan như thế.
Chẳng có huân chương thì có giải thưởng. Mọi ngành, mọi nghề, mọi đơn vị đều có “giải” để “thưởng”.
Nhất là kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sáng láng, nhiều doanh nhân đoạt giải Sao vàng đất Việt, nhiều gương mặt điển hình, tiên tiến, nhiều tài năng xuất chúng...
Những buổi lễ trao giải được tổ chức rất “Hoành tá tràng”. Thường xuyên hàng năm. Người nhận giải đông tới mức đứng chật sân khấu lớn, phải chia làm nhiều đợt. Truyền hình trực tiếp mất đến ba, bốn tiếng đồng hồ mới trao hết giải.
Người giỏi lên nhận giải nhiều thế, nhưng kinh doanh toàn thấy thua lỗ, nợ nần chồng chất. Doanh nghiệp thì giải thể, doanh nhân thì “Bỏ của chạy lấy người”.
Giá cả tăng, hàng giả, hàng nhái đầy rẫy. Rượu pha chế bằng cồn. Thực phẩm nhập toàn thịt ôi, lòng thối của nước ngoài. Thức ăn toàn tẩm ướp phụ gia, hóa chất. Tương ớt, sa tế toàn ròi. Nuôi cua thì đến bệnh viện lấy băng gạc đầy máu mủ cho ăn rất mau lớn. Bò ăn rác bẩn con nào cũng béo mượt...
Về văn hóa nghệ thuật thì lại càng rầm rộ. Toàn đi tìm thần tượng, giọng hát hay, giọng ca vàng, múa giỏi...
Người không có tài, không phải thần tượng lại đi tìm tài năng thần tượng cho đất nước. Điều đáng nói là họ tìm ra rất nhiều.
Khi ngồi làm giám khảo, họ nói cười hồn nhiên, vô tư, phơi phới. Thành phần ban giám khảo thường có cả “chân dài” và “danh hài”. Người không biết hát cho điểm hát. Người không biết múa, chọn ra những cặp đôi  “hoàn hảo”.
Nhận xét đánh giá thí sinh không liên quan gì đến chuyên môn cả, chỉ bằng mấy câu: “Tôi thích em”, tôi mê cái “bo đì” của anh, “Trang phục của em hôm nay bắt mắt lắm”, “Váy em mặc có gam màu khá hợp”...
Đặc biệt là dùng tiếng Tây, theo kiểu tiếng bồi: “Tôi ét em”, “So-ri em”, “Xanh kiu” “bái bai”... “Có vị cười ngặt nghẽo, có vị cười hô hố, có vị nhảy cẫng lên theo thí sinh...
Thực tế bây giờ cho thấy, giải thưởng nhiều, danh hiệu ưu tú, nhân dân lắm nhưng không có tác giả nào, nghệ sỹ nào để nhớ. Không có tác phẩm nào để thuộc.
Về học hàm, học vị thì khỏi nói. Có rất nhiều loại bằng, bằng chính quy, bằng chuyên tu, tại chức, bằng tự học, học từ xa... bằng giả và mua bằng. Có lẽ vì thế mà Giáo sư tiến sỹ ở ta nhiều hơn Nhật Bản và Thái Lan. Có điều thua họ về công trình nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế. Nền kinh tế sa sút, khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại thấp kém, chậm phát triển.
Đầu tư vào cái gì cũng không hiệu quả. Công trình nào cũng bê bối. Phần nhiều là thất thoát, tham ô, lãng phí hàng nghìn nghìn tỷ đồng, triệu triệu Đô la.
Dẫn đến đưa vào sử dụng là hư hỏng, nứt vỡ, thậm chí còn có nguy cơ sập đổ do chất lượng không đảm bảo, sai thiết kế, bớt nguyên vật liệu...
Làm được con đường, dựng nhiều trạm thu phí, sau đó bán cho tư nhân tự tung, tự tác tăng giá.
Vừa rồi, một số nơi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ bị đình chỉ.
Trong khi đó cái gì cũng là “Kỳ quan” “Di sản” thế giới. Chẳng hiểu một quốc gia có nhiều “Kỳ quan”, “Di sản” thế giới có phải là quốc gia hùng mạnh, giàu có nhất quả đất hay không?.
Thôi, nghe mãi những vấn đề ấy mệt lắm. Xin dẫn một bài vè “trong dân gian cho vui!
Có một nước nhỏ lại có một Thủ đô rất to
Có một Thủ đô rất to lại có những con đường rất nhỏ
Có những con đường rất nhỏ lại có những ngôi nhà rất to
Có những ngôi nhà rất  to lại có cô gái rất nhỏ
Có cô gái rất  nhỏ lại là bồ của một ông rất to.
Có ông rất to lại cắp cái cặp rất nhỏ
Có cái cặp rất nhỏ lại có một dự án rất to
Có dự án rất to, tính khả thi lại rất nhỏ
Tính khả thi rất nhỏ, thất thoát lại rất to
Thất thoát rất to, xử lý lại rất nhỏ.