Tôi đọc Lá cờ thêu sáu chữ vàng từ khi học lớp 4 ở quê ngoại, dưói bóng những cây nhãn lồng và trưa hè kẽo kẹt tiếng võng đưa. Hình ảnh Trần Quốc Toản căm hận giặc Nguyên tay bóp nát quả cam lúc nào không biết và lá cờ thêu sáu chữ Phá cường địch báo hoàng ân đã ăn sâu vào tâm trí tôi cũng như thế hệ thiếu niên chống Mỹ - thế hệ những học sinh đội mũ rơm đến lớp, noi gương Trần Quốc Toản anh hùng, quyết lớn thêm chút nữa sẽ xung phong đi đánh giặc Mỹ xâm lược. Nhưng cũng phải đến khi ra trường, những năm 80 của thế kỷ trước, được về làm công tác nghiên cứu Lịch sử Thủ đô chống thực dân Pháp, tôi mới có dịp đọc và biết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, qua hồi ký của một số cán bộ đảng hoạt động bí mật những năm 1941-1945. Và phải hơn 20 năm sau nữa, khi làm tư liệu cho loạt bài ký chân dung các nhà văn trong Văn hoá cứu quốc, tôi mới thực sự tìm hiểu kỹ về thân thế sự nghiệp của nhà văn trong mối liên hệ giữa cá nhân và thời đại, giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và các nhà văn hoá Quản Xuân Nam, Lưu Văn Lợi, các nhà văn Nguyên Hồng, Như Phong, Nguyễn Đình Thi... Và tôi chợt nhận ra một điều thật quí giá, cảm động: Có một mối quan hệ bền chặt, đầy nghĩa tình giữa quá khứ và hiện tại, giữa những kỷ niệm một thời và các trang viết của Ông để lại cho Đời trong mạch sống nhộn nhịp, tất bật của Hà Nội hôm nay. Trong căn nhà giản dị của cố thi sĩ Chính Hữu, vợ ông - bà Xuân Lịch kể lại: “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khi viết Sống mãi với Thủ đô hay đến gặp ông Chính Hữu nhà tôi để lấy tư liệu, vẽ cả sơ đồ Hà Nội 60 ngày khói lửa. Thì ông Chính Hữu ở Trung đoàn Thủ đô ngay từ ngày đầu chiến sự mà”.
Viết về những ngày oanh liệt hào hùng ấy, Văn Cao có Phường Dạ Lạc, Chính Hữu có Lịch sử một trung đoàn, Nguyễn Đình Thi có Người Hà Nội. Nhưng để dựng lên bức tranh hoành tráng về Thủ đô quyết tử, chỉ có một tác phẩm duy nhất của Nguyễn Huy Tưởng mà ngay cả chính ông khi sắp mất vẫn chưa thật hài lòng với bản thảo đã sửa lần thứ hai. Vợ cố GS Hoàng Phương, bà Đinh Ngọc Quý cho tôi xem bức ảnh bà chụp chung với chị em trong đội uý lạo của Trung đoàn thủ đô khi đã rút ra Thượng Hội (Đan Phượng) và chỉ cho tôi người xinh đẹp nhất trong ảnh: “Chị ấy là nguyên mẫu để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết trong Sống mãi với Thủ đô đấy, chị ấy đã mất cách đây ít năm rồi”. Tôi bật lên: “Là ai ạ?” Bà cười ý nhị: “Cháu cứ biết thế đã. Con gái Hà Nội ngày xưa nết na, xinh xắn, đi theo Việt Minh mà không sợ gian khổ, lãng mạn cách mạng lắm. Ông Lê Trung Toản, Chính uỷ Trung đoàn Thủ đô, rồi ông Vũ Lăng, Siêu Hải, Bạch Ngọc Liễn, ông Trịnh Sĩ Bình ở phố Nhà Thờ, em Luỹ liên lạc của tiểu đoàn 103... cũng là nguyên mẫu cả đấy”. Thì ra, khí chất của mỗi ngưòi Hà Nội, mỗi cán bộ Trung đoàn đã ám ảnh nhà văn, đi vào từng trang của tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng. Tôi tự gọi cái nghề lọ mọ đãi cát tìm vàng của mình là sự khổ ải tự nguyện đầy hạnh phúc khi tìm thấy được ánh sáng của sự thật lịch sử hé lộ. Và với tôi, việc tìm hiểu những đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho văn học cách mạng, từ buổi đầu tiên đến với Văn hoá cứu quốc cho tới những năm tháng dấn thân đi theo kháng chiến, lăn lộn trên núi rừng Việt Bắc cùng bộ đội và nhân dân, trở về Thủ đô xây dựng nền văn học Việt Nam sau ngày hoà bình lập lại... trên phương diện ông là một nhân vật của lịch sử - văn hoá Thủ đô đã giúp tôi tìm được chìa khoá để giải mã, vì sao ông sớm bước vào văn học với những tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử từ khi ông còn rất trẻ? Vì sao ông đau đáu với những con người của Thăng Long - Hà Nôi, từ Lý Công Uẩn đến Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, công chúa An Tư...? Cốt lõi của vấn đề, chính là ở quan niệm của ông mà cho đến hôm nay, thế hệ chúng tôi vẫn rất tâm đắc: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”.
Đọc những trang Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, khó ai có thể hình dung hết được ông đã dành biết bao công sức cày đi cày lại tư liệu, gặp gỡ bao nhiêu nhân chứng lịch sử để nghe chuyện và ghi lại trong sổ tay... để rồi viết đi viết lại từng trang bản thảo về những ngày đầy bi tráng hào hùng của lịch sử Thủ đô, diễn ra trên mỗi góc phố, mỗi căn nhà mùa đông năm 1946. Kịch bản Luỹ hoa ra đời chính trong những ngày ông đã lâm trọng bệnh, chúng ta đều đã biết. Nhưng tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu vô bờ của ông dành cho ngưòi Hà Nội, cho thành phố mà ông đã gắn bó máu thịt từ thời trai trẻ, và đã trải qua bao lần sống chết cùng với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trên rừng núi chiến khu, có lẽ, chỉ mình ông biết trong sâu kín tâm hồn, mà con chữ cũng không diễn tả hết được.
Ông là nhà văn của Hà Nội, ông sống mãi với Thủ đô, không phải, không chỉ ở trên tác phẩm, mà trước hết và trên hết, ông thuộc về nhân dân, không xa vời, kiểu cách, đánh bóng mình, đúng như tâm niệm của ông khi cầm bút: “Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật, phải thật với người”.
Bắt đầu là một ý tưởng thôi thúc, rồi tìm hiểu sâu hơn qua các nhân chứng lịch sử của Trung đoàn Thủ đô và kính phục cái Tâm, cái Tài của nhà văn mà viết về ông với tất cả sự trân trọng, biết ơn, tôi đã đến với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, với trang đời trang văn của ông như thế. Và mãi đọng lại trong tâm trí tôi hình ảnh ông trên giường bệnh, nắm chặt tay nhà văn Nguyễn Tuân, lào phào bảo nhỏ “Nhân Dân Thắng”. Là nhà văn, ông giản dị mà cao cả chính là ở điều đó.
Tôi đã dành sự kính phục, trân trọng, tri ân của mình gửi vào bài ký chân dung Nguyễn Huy Tưởng sống mãi với Thủ đô, trong sách Sáng mãi lửa thiêng (NXB Chính trị quốc gia, H.2009), mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng quả thật, bốn năm qua và chắc sẽ còn mãi mãi, ông vẫn ám ảnh tôi, với đôi mày đậm như lưỡi mác nhưng đôi mắt rất hiền từ dưới vành mũ vải mềm. Thuộc và yêu Hà Nội từng góc phố với tất cả tấm lòng đa cảm, thiết tha, ông đã dạy tôi một nhận thức về lịch sử thật giản dị mà biết bao sâu sắc: “Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng”.
Kỷ niệm 70 năm văn hóa cứu quốc (1943-2013)