Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghĩ về ngày thơ Việt Nam ở Huế

Mai Văn Hoan
Thứ tư ngày 27 tháng 2 năm 2013 8:52 PM

 

          Đêm nay: 16 tháng giêng năm Quý Tỵ, tôi vừa dự đêm thơ ở Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) về, trằn trọc khống sao ngủ được. Mặc dầu 6 giờ sáng mai tôi lên tàu vào Sài Gòn nhưng cố thức viết một đôi dòng suy ngẫm về Ngày thơ Việt Nam ở Huế.
         Tôi từng dự nhiều buổi sinh hoạt thơ nhân Ngày thơ Việt Nam ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa bao giờ xúc động như đêm nay. Mặc ai “nói ngả nói nghiêng” nhưng tôi vẫn tin niềm yêu thơ của người Việt Nam ta không bao giờ vơi cạn. Đúng như nhà thơ Tố Hữu nói: đất nước này là đất nước của thi ca nhạc họa.
         Mỗi người Việt Nam tự lựa chọn cho mình mỗi kiểu thơ thích hợp. Ca dao có câu: “Trẻ vui bạn trẻ già choang bạn già”. Nhà thơ Xuân Diệu cũng từng nói: “Hãy dể cho trẻ con nói cái ngon của kẹo”. Ở Huể, trong Ngày thơ năm nay đã thực sự mở ra một cái nhìn hết sức thoáng đãng, mới mẻ cho thi ca. Thơ phải mở rộng biên độ như thế. Thời gian sẽ là người gạn lọc hết sức công bằng. Cái gì hay sẽ được thời gian lưu giữ. Cái gì dở sẽ bị thời gian đào thải, song niềm say mê thi ca thì phải được ghi nhận.
        Tôi là Thường trực Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Chủ tịch nhưng vì lý do sức khỏe nên anh ủy quyền cho tôi tham dự tất cả các cuộc tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại tỉnh nhà và tôi đã “chạy xô” để gần như không vắng mặt buổi nào. Tôi nghiệm ra: rằng thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam.
        Ở tỉnh Thừa Thiên Huế Ngày thơ Việt Nam kéo dài từ  12 đến ngày 16 (âm lịch). Mở đầu là đêm thơ của câu lạc bộ Sông Bồ (huyện Hương Trà) và kết thúc là đêm thơ ở thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy. Mỗi nơi  có một phong vị riêng. Đêm thơ chính được tổ chức ở Trung tâm trải nghiệm Huế xưa và nay với một không gian hết sức hữu tình bên dòng sông Hương thơ mộng. Những người trình diễn thơ hôm ấy chủ yếu là các nhà thơ thuộc Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế như: Hồng Nhu, Ngô Minh, Phạm Nguyên Tường, Ngàn Thương,  Lê Ngã Lễ, Đồng Hà, Lưu Ly, Đỗ Văn Khoái, Lê Tân Quỳnh… Trước đó, đêm 13 là đêm thơ trẻ của học sinh, sinh viên và cuộc giao lưu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đêm 14, mặc dù trời mưa, nhưng người yêu thơ vẫn lặn lội lên Thiền viện Hương Vân, cách thành phố Huế gần 7 km để nghe diễn giả nói về những bài thơ viết về Huyền Trân công chúa. Câu lạc bộ thơ Hương Giang và Câu lạc bộ thơ Đường phối hợp tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Tịnh Tâm Kim Cổ do vợ chồng nhà doanh nghiệp hiệu vàng Duy Mông – Xuân Thảo tại trợ kinh phí. Trường Quốc Học và phường Thuận Lộc cũng tự mình tổ chức đêm thơ khá ấn tượng.

         Tôi chỉ mong rằng: Năm sau, ban tổ chức các buổi sinh hoạt thơ sắp xếp chương trình sao cho hợp lý hơn, thơ trình diễn chọn lọc hơn, hình thức sinh hoạt đa dạng hơn… Nếu khắc phục được những hạn chế ấy, chắc chắn sẽ thu hút lượng người tham gia ngày càng đông đảo. Tôi tin rằng Ngày Thơ Việt Nam năm sau ở Thừa Thiên Huế hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người tham gia hơn.

  Mai Văn Hoan