Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thơ Ep tu sen ko

Ep tu sen ko
Chủ nhật ngày 30 tháng 9 năm 2012 7:27 AM


Tưởng nhớ Esenin
 
Những nhà thơ Nga –
chúng ta chửi bới nhau
Nhóm “Parnasse” Nga vẫn thường cãi cọ
Nhưng tất cả gắn bó bởi một điều
Là một chút Esenin thì ai cũng có.
 
Và tôi là Esenin
nhưng hoàn toàn khác.
Con ngựa hồng của tôi đã có tự lúc sinh.
Tôi, cũng như nước Nga, khắc nghiệt nhiều hơn
Và, cũng như nước Nga, bạch dương tôi có ít.
 
Esenin ơi,
nước Nga đã đổi thay!
Nhưng than phiền, theo tôi, là uổng phí
Và nói rằng thay đổi tốt lên –
tôi sợ
Còn nói rằng thay đổi xấu đi –
cũng thật hiểm nguy…
 
Những công trường dựng xây
những vệ tinh khắp đất nước!
Nhưng chúng ta mất mát
trên con đường chênh vênh
Mất hai mươi triệu người trong chiến tranh với giặc
Và hàng triệu người –
trong cuộc chiến với nhân dân.
 
Lãng quên điều này
thì ký ức chặt đi chăng?
Nhưng biết lấy ở đâu ra búa rìu để chặt?
Không có ai, như người Nga,
đã cứu bao dân tộc khác
Và chẳng có ai, như người Nga,
vẫn hủy diệt chính mình.
 
Nhưng con tàu của ta vẫn bơi.
Khi dòng nước lăn tăn.
Chúng ta vẫn kéo nước Nga đi về phía trước.
Rằng lũ vô lại có thừa,
không phải điều tai ác
Không có thiên tài –
mới là thật nguy nan.
 
Và thật tiếc một điều rằng đã chẳng còn anh
Và đối thủ của anh – kẻ ưa gào thét lớn
Tôi, tất nhiên, không phải quan tòa với các anh
Những dù sao các anh đã ra đi quá sớm.
 
Khi người lãnh tụ của đoàn thanh niên cộng sản
Giơ nắm đấm
đập bàn
dọa các nhà thơ
Muốn đem tâm hồn của chúng tôi ra để giày vò
Rồi nặn như sáp, ra cái giống mình, theo ý muốn.
 
Lời người ấy, Esenin à, chúng tôi đâu có ngán
Nhưng vì điều này mà chẳng có được hân hoan
Và tôi không muốn
anh hãy tin
là phải xách quần[1].
Để chạy theo người đoàn viên thanh niên cộng sản.
 
Những điều này làm tôi đắng cay và đau đớn
Không còn sức để mà chống lại chuyện tầm phào
Và ở dưới bánh xe cái chết đang kéo vào
Như chiếc khăn kéo Isadora ngày xa vắng.
 
Nhưng – cần phải sống.
Không rượu Vodka
không dây thòng lọng
Không phụ nữ –
những thứ này có là cứu rỗi đâu anh
Sự cứu rỗi
là đất đai Nga của mình
Sự chân thành của anh, Esenin,
mới là điều cứu vãn.
 
Và thơ ca Nga vẫn băng băng tiến
Về phía trước, xuyên qua mọi đả kích, nghi ngờ
Bằng cái ôm choàng của Esenin
nhấc bổng cả châu Âu
Như đô vật Poddubny[2].
bắt chạm vai lên thảm.
 
Sự mất mát
 
Nước Nga
đã đánh mất nước Nga
ở nước Nga.
Nước Nga đi tìm mình
như mò kim rốn bể
Như bà già mù
giang đôi bàn tay vô nghĩa
Đi tìm con bò trên đồng cỏ
với những khúc ai ca.
 
Chúng ta đốt tượng thánh của mình.
Ta không tin sách của mình.
Ta chỉ biết đánh nhau với tai ương từ phía khác.
Chẳng lẽ ta đã không sống qua
chỉ do chính mình áp bức
Ta tự đối với mình
còn tệ hơn cả lũ ngoại bang.
 
Chẳng lẽ ta chỉ sống được
như con mọt vải ở trong áo rách
Hay trong áo lông thỏ rách tả tơi
từ trên vai của Pugachev?
Chẳng lẽ lên cơn –
đó là tính cách của ta
Khi thì cơn kiêu căng
khi lại tự ty
và tất cả đều là bồng bột?
 
Cuộc nổi loạn vì đồng, muối và khoai tây[3].
đấy là như giấc ngủ đã an bài.
Còn nổi loạn không ngừng –
Điện Kremly hôm nay rung lên
tựa hồ như ngọn sóng.
Chẳng lẽ đấy là bầu cử
của ta đầy bất hạnh
Hay đấy là Oprichnina[4].
hay ăn cướp thế này?
 
Sự mạo nhận hoàn toàn.
Khắp nơi đều là thủ lĩnh
Ta nhầm lẫn
tên và cờ của ai ta mang
Sương mù trong những đầu óc ở Nga
và sương giăng
Tất cả có lỗi trong mọi điều
và tất cả đều không đúng.
 
Ta ở trong sương mù
quì gối trong máu và thơ thẩn.
Đủ rồi, Đức Chúa Trời, trừng phạt chúng con.
Tốt hơn hết là Ngài
hãy tỏ lòng thương.
Chẳng lẽ chúng ta đã lụi tàn?
Hay là vẫn còn chưa sinh?
Ta lần nữa lại sinh ra
mà lần nữa sinh ra – vô cùng đau đớn.
 
Đừng kiêu ngạo
 
Nén kiêu căng – nghĩa là biết tự hào.
Cờ nghi thức – trong bao không hề bạc.
Người đời không hiểu anh – xin đừng khóc
Sẽ có ai sẽ hiểu một khi nào.
 
Đừng quá tin mình. Kẻo rơi xuống vực
Thiên tài hao mòn vì thói hư danh
Khao khát của tự nhận thức nhỏ nhặt
Chỉ đưa anh đến tự hủy hoại mình.
 
Cả thất sủng lẫn vinh quang đều có
Sự hiểm nguy – chúng thọc léc hiếu danh.
Anh không coi huân chương là danh dự
Thì đừng coi nước bọt giống huân chương.
 
Đừng mong gì ở những chú những anh
Xua lòng tham như thứ truyền bệnh tật.
Ai muốn tất cả và ngay lập tức
Sẽ nghèo hơn kẻ biết đợi chờ trông.
 
Dù ngay tấc đất cắm dùi cũng không
Đừng nâng lên cái điều anh đã hạ.
Tựa như ăn mày khi anh giàu có
Lúc khó khăn chớ như kẻ bần cùng.
 
Ghen tỵ ư? Còn gì đê tiện hơn!
Chớ bực mình vì thành tích người khác.
Trí tuệ người ta – đừng ghen bí mật
Điều xuẩn ngốc người khác – hãy thương thầm.
 
Ý kiến người ta cũng chớ phật lòng
Bên bàn nhậu, trong phiên tòa nghiệt ngã.
Hạnh phúc được yêu cũng đừng cố giành
Hãy biết yêu khi không ai yêu cả.
 
Đừng biến tài năng thành con át chủ.
Không át cơ – chẳng trung thực, can trường.
Giả hào phóng – kẻ rán sành ra mỡ
Làm bộ can trường – chính kẻ nhát gan.
 
Đừng kiêu ngạo rằng anh người dũng cảm
Rằng đấu tranh – anh luôn đứng giữa hàng
Và ngay cả đã nén lòng kiêu hãnh
Chớ kiêu căng – kẻo khi đấy cuối cùng.
 
Sự dịu dàng
 
Có lẽ nào
để cho kéo dài mãi được?
Đấy có vẻ như là một sự bất công…
Khi nào và ở đâu thành mốt đã từng
“Với người sống – hững hờ
sự chú ý – cho người đã chết?”
 
Người ta còng lưng
người ta uống hết
Người ta nối đuôi nhau
lần lượt ra đi
Họ được xướng lên
khi đã đi qua
Lời dịu dàng về họ –
ở trong nhà thiêu xác…
 
Rằng đời của Maiakovsky người ta lấy mất?
Rằng người ta đặt súng lục vào tay?
Giá mà cho anh ấy –
với giọng của anh
với vẻ ngoài –
Khi còn sống
người ta cho vẻ dịu dàng, dù một chút.
 
Những người đang sống –
họ luôn gây khó khăn
Chỉ sau khi chết
được ban sự dịu dàng.
 
Nên hay không nên
 
Nhà văn nào trí tuệ sắc sẳo nhất?
Cả thế gian đang tranh luận điều này.
Tôi hiểu biết, có thể, không đặc biệt
Nhưng theo tôi – đấy là Shakespeare.
 
Tính muôn thuở của đề tài Hamlet
Như sóng vỗ bờ vẫn đập thái dương
Và bây giờ cùng một lúc cuống quít
Những thiên tài và những kẻ ngu đần.
 
Và người ta bẻ ngón tay chầm chậm
Dưới tiếng kêu của những tiếng còi tầm
Vội vàng ra Metro hay tàu điện
Cả đám đông Hamlet chạy lăng xăng.
 
Văn nghệ sĩ đáng thương khi chậm chạp
So giọng trầm của trận đánh, bão giông
Khi cả địa cầu giống như Hamlet
Giải quyết vấn đề: “Nên hay không nên.”[5]