Tối ngày 13 tháng Sáu vừa qua Sân khấu Kịch Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh diễn ra mắt công chúng vớ kịch “ LÀM..” Nếu không đọc trước thông tin trên báo viết hoặc ngó mắt vào tấm pano cạnh nơi bán vé, người ta không thể hiểu vớ kịch LÀM CHẤM CHẤM sẽ kể chuyện gì? Hóa ra, đây là một vớ diễn mà kịch tác gia Chu Thơm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “ Làm đĩ” của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, do NSND Hồng Vân làm đạo diễn.
Cách đây chưa lâu, khi cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang “ Xin lỗi, em chỉ là con điếm” của nữ nhà văn Trung quốc Tào Đình, qua bản dịch của nhà văn Trang Hạ được đưa lên sân khấu cũng xẩy ra trường hợp tương tự : chữ “ điếm” bị đục bỏ và vở diễn mang tên “XIN LỖI, EM CHỈ LÀ CHẤM CHẤM…”
Hỏi, ai giơ tay ra quyết định như vậy ?
Câu trả lời: Đó là một nhóm người chuyên đóng mộc OTK cho phép các sản phẩm văn hóa nghệ thuật được “ xuất xưởng”. Nghe nói các vị này là những tên tuổi có chức danh, có học vị học hàm đàng hoàng; vài vị còn là tác giả của những vở kịch, những bộ phim. Tức thị, không nghi ngờ gì,các vị ấy là những người ..có văn hóa.
Nên ngạc nhiên tự hỏi: Ví sao các vị ấy lại sợ chữ “ điếm” đến thế, dù các vị thừa biết trong đời sống hiện nay có đủ các loại “ điếm “ ở mọi đẳng cấp, mọi giai tầng; và nghề diếm thân xác đâu làm băng hoại xã hội mau lẹ, êm ả như các loại điếm ở nhiều lĩnh vực khác?
Rồi vì sao các vị lại xếp chữ “ điếm “ vào bộ chữ “ húy kỵ “?. Chả lẽ xếp ngang hàng với nhiều chữ “húy kỵ” khác sao ?
Cũng tự hỏi, cắt chữ “điếm” trong hai trường hợp trên để thay bằng CHẤM CHẤM, các vị hiểu ra sao về công năng của mấy dấu CHẤM CHẤM . Và các vị dành phần tự do cho người xem định điền vào phía sau mấy CHẤM CHẤM kia chữ gì đây?
Nếu sợ động chạm, nếu muốn canh chừng, muốn lo xa cho sự an toàn, lành mạnh của đời sống văn hóa, sẽ là hợp pháp, hợp lý biết bao khi các vị nghĩ ra một cái tên khác cho vở diễn và phía dưới sẽ cước chú trong ngoặc chuyển thể theo tác phẩm nào, của ông A, bà B nào .. chẳng tốt hơn buông lơ lửng mấy cái CHẤM CHẤM sao ?
Lại được biết thêm, có vài vị trong nhóm người hạ mộc OTK đó cũng là những ai đã nổi cơn thịnh nộ, đã gầm thét lên trước các hiện tượng đạo văn, hát nhép, hát nhái, vận trang phục thiếu vải trên sân khấu và coi đó là những biểu hiện ..thiếu văn hóa.
Liệu các vị có tự hỏi mình, chuyện đổi những cái tên đã gây âm vang trong lòng người đọc, người xem của các nguyên tác thành những cái tên què quặt, lửng lơ, ỡm ờ CHẤM CHẤM như đã xẩy ra với hai vở diễn nêu trên chả lẽ được nhân danh là để bảo vệ văn hóa sao đây?