Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bỗng dưng muốn làm...nhạc sĩ

Trần Huyền Nhung
Thứ hai ngày 18 tháng 6 năm 2012 11:23 AM
 
 Sao tự nhiên thấy tưng tửng thế không biết! Muốn làm gì không muốn, lại muốn làm ...nhạc sĩ. Dạo này tớ đang sống trong guồng quay tất bật của cuộc sống, làm cái gì cũng chỉ nghĩ đến tiền và tiền mà thôi. Thơ văn, nghệ thuật chỉ là chuyện chơi, ấy thế mà... bỗng dưng lại có người “đặt hàng” với tớ về chuyện viết lời để họ làm nhạc. Nghĩ cũng thấy buồn cười! Cười ra nước mắt... Thương cho nghệ thuật bây giờ quá!
        Bỗng dưng tớ muốn làm ... Nhạc sĩ! Chả là thế này, bây giờ tớ thấy làm nhạc sĩ dễ kiếm tiền quá! Bên công ty truyền thông của tớ có cả mảng tổ chức biễu diễn nghệ thuật và làm phim quảng cáo. Lắm lúc tớ điên cả đầu, nát cả óc về chạy chương trình. Có những khách hàng khó tính, thì nay muốn thế này, mai đổi ý lại muốn thế khác. Có những phim “thị trường” làm ra mục đích cũng chỉ để bán quảng cáo cho các doanh nghiệp. Có những phim quảng cáo thì làm tớ điêu đứng... Và tất nhiên nhạc trong phim thì  rất cần đến sự “hỗ trợ” của nhạc sĩ. Bốc máy điện thoại lên, gọi điện cho một số nhạc sĩ có tên tuổi thì nhận được câu hỏi như : Bộ phim bao nhiêu tập? Mỗi tập bao nhiêu tiền? Ai viết lời? Nếu như chưa có lời thì tính chi phí phải cao hơn.... Còn về phim quảng cáo, nhạc sĩ trả lời thẳng thừng: Thời lượng phát sóng càng ngắn thì giá làm bài nhạc càng cao. Có bài nhạc trong phim, tớ phải trả đến 50 triệu là chuyện thường, thậm chí còn hơn 100 triệu. Thế mà, tớ vẫn nghe 1 số ông nhạc sĩ nói chuyện có vẻ như “tâm huyết” lắm. Làm nhạc phải có cảm hứng, nếu không có hứng cũng đành chịu! Vậy những nhạc phim “thị trường”, phim quảng cáo của bên tớ, chắc cũng là “cảm hứng” sáng tác của họ nhỉ! Ơ hay! Tớ cứ ngồi suy nghĩ mãi... giữa lời nói và thực hành của nhạc sĩ. Sao nó khác nhau quá! Ngồi nhậu, nhạc sĩ còn khoe: Nhạc phim quảng cáo của bên Hoàng Nhung Media đưa, chỉ trong 1 vài giờ cảm hứng là xong! Chả biết có phải từ men rượu, bia vào không, mà tớ hăng máu muốn làm ... nhạc sĩ quá! Trong vài giờ, họ kiếm được từ vài chục triệu trở lên là chuyện nhỏ. Còn tớ, thì lo nghĩ đủ chuyện cho công việc, bỏ vốn đầu tư, nhân lực....mà cả tháng không kiếm được nhiều tiền bằng một số ông nhạc sĩ ngồi gảy đàn vài giờ.
       Bỗng dưng tớ muốn làm ...Nhạc sĩ! Có ai giúp tớ được không? Tớ sẽ từ bỏ nghề kinh doanh mảng truyền thông để làm nhạc sĩ ngay tức khắc. Có một số nhạc sĩ, tớ mời sáng tác nhạc phim quảng cáo, nhưng lại không viết được phần lời, vì không thể hiểu được nội dung của chương trình. Họ lại đi “đặt hàng” người viết lời, thỏa thuận tiền bạc bao nhiêu ngay tức thì. Coi như họ mua đứt lời luôn. Người viết lời cũng ngã giá luôn “Sau này bài nhạc phim nổi tiếng cũng không có quyền nhận mình viết lời”. Thỏa thuận, mua đứt, bán đứt luôn! Thế là nhạc và lời của nhạc sĩ. Một số nhạc sĩ, tên tuổi nổi lên cũng nhờ nhạc phim rất nhiều ( Ở đây tớ không nói những nhạc phim mà đạo diễn lấy từ những bài nhạc là cảm hứng đích thực của nhạc sĩ, như bài “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài trong phim “Người Hà Nội”. Như vậy, làm nhạc sĩ, vừa được khoản tiền lớn từ nhà sản xuất Phim, vừa được tiền nhuận bút của nhà nước, lại vừa được tiếng tăm. Không sướng hơn sao!
   Bỗng dưng tớ muốn làm ... Nhạc sĩ! Bởi thực tế giờ, tớ quen biết rất nhiều các ông, các bà doanh nghiệp, khi công thành danh toại rồi, họ tập tẹ làm thơ và cũng muốn chơi thơ – nhạc để thỏa chí tang bồng. Các ông, các bà gửi tặng tớ thơ rất nhiều và có nhã ý muốn tớ thuê nhạc sĩ để phổ nhạc từ thơ họ. Khi tớ nói đến chuyện các doanh nhân làm thơ và muốn phổ nhạc, một số ông nhạc sĩ mừng lắm. Ngay tức thì...một thời gian ngắn phổ được 15 bài thơ từ tập thơ của  Doanh nhân nọ. Phổ xong nói chuyện “thều thào” là cảm hứng đến bất chợt. Và khi phổ xong thì làm ngay DVD quay video theo yêu cầu của nhà thơ với mức giá hơn 200 triệu. Sự sung sướng của các ông , bà doanh nhân là bỏ một đống tiền ra để ngồi rung đùi xem video những bài nhạc phổ từ thơ mình. Trên tinh thần tự nguyện và cả hai cùng hợp tác “làm ăn”, chứ có ai ép buộc đâu. Nhưng tớ nhận ra được, nghề nhạc sĩ kiếm tiền dễ ợt! Nhạc sĩ còn bảo, “em cứ giới thiệu thơ của các doanh nghiệp đi, thơ em, anh phổ miễn phí”. Tớ lại nghĩ, cái gì cũng có giá của nó cả, chẳng ai “cho không” ai bao giờ (trừ tình cảm chân thành với nhau). Nghệ thuật giờ bị “thương mại hóa” quá! Tớ ngồi nghĩ mà tặc lưỡi.... cám cảnh!
  Bỗng dưng tớ...muốn khóc! Tên tuổi các nhạc sĩ bây giờ còn đâu? Có chăng chỉ còn “ vang bóng một thời”. Tớ cảm phục lắm những tâm hồn nghệ sĩ đích thực, chân chính! Cứ bảo làm sao âm nhạc của Phú Quang độc đáo. Bởi vì Phú Quang biết lựa chọn những bài thơ hay của các nhà thơ để phổ. Tớ gặp nhà thơ Phan Vũ- tác giả của “Em ơi, Hà Nội Phố”, gặp nhà thơ Hồng Thanh Quang – tác giả của “Khúc mùa thu” mà Phú Quang phổ....khi tiếp xúc, tớ càng cảm nhận được sự đồng điệu tâm hồn giữa nhạc sĩ và nhà thơ. Cứ bảo làm sao “khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo dư âm vang vọng mọi tâm hồn đến thế! Là vì nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận thấy con sông nơi sinh ra nhà thơ Lê Huy Mậu, giống con sông của nhạc sĩ quá! Trong cảm hứng trào dâng, Nguyễn Trọng Tạo phổ ngay bài thơ “Khúc hát sông quê” tại Vũng Tàu. Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền là người hát bài “khúc hát sông quê” đầu tiên. Còn rất nhiều những ví dụ về người nghệ sĩ chân chính mà tớ khâm phục cả tài hoa lẫn tài năng của họ. Cảm hứng tuôn trào trong sự quay quắt, đói khổ của người nghệ sĩ, đó mới là đích thực và đạt tới đỉnh điểm của “nghệ thuật vị nhân sinh”. Thực tế chứng minh, chưa có một người nghệ sĩ nào viết trong sự sung sướng về vật chất mà có được những tác phẩm thành công vang dội cả. Chưa có một nhạc sĩ nào viết theo “đơn đặt hàng”, hoặc giả vì mục đích thấp hèn này khác, mà có được một nhạc phẩm để lại trong lòng công chúng cả. Đành rằng, bây giờ chiến dịch PR, quảng cáo rất thuận lợi, chỉ cần có tiền là “ì xèo” ầm ĩ cả lên. Nhưng ở đời, đều có quy luật “đào thải”. Người nghệ sĩ làm vì nghệ thuật chân chính, bao giờ tên tuổi của họ cũng trụ lại mãi với thời gian!
     Bỗng dưng tớ muốn...muốn tất cả, nhưng sao mà khó quá! Có lẽ tớ phải học cách thản nhiên với cuộc đời. Bởi cuộc sống ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cái gì cũng “hóa”cả. Đôi khi con người còn bị “lưu manh hóa” nữa là...nên nghệ thuật bị “thương mại hóa” là lẽ đương nhiên!

Paris, 4 sáng ngày 15/6/2012
Trần Huyền Nhung