Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi lời nói lại với Dân trí điện tử

Trần Mạnh Cường
Thứ bẩy ngày 16 tháng 6 năm 2012 12:24 PM

Cháu chào bác Trần Nhương!
Cháu tên là Trần Mạnh Cường, cháu sinh năm Mậu Thìn (1988) năm nay cháu 25 tuổi, quê tại huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Hiện cháu đang công tác tại Thư viện tỉnh Nghệ An. (Cháu còn có tên khác nữa là Trần Tử Quang (tên này cháu dùng khi đăng báo)
Vừa rồi cháu có đăng bài trên báo Dân trí điện tử. Bài viết này trên báo dân trí có tên là: “Chuyện về tấm văn bia cổ nhất Việt Nam”.
Mấy ngày nay cháu bận tìm tài liệu cho các cán bộ văn hóa để làm hồ sơ phục dựng lại đền thờ Tam Tòa tại Con Cuông nên cháu không lên mạng xem tin tức được. Mãi đến tối nay cháu mới tranh thủ vào xem thì thấy bài cháu đã lên mấy ngày. Vào dân trí, vừa lướt qua cái tít cháu đã hốt hoảng kinh hoàng hoảng loạn, “tóc gáy dựng, da gà nổi”.  Cháu giật mình hoảng sợ vì cái tít này không phải do cháu nghĩ ra, viết ra. Những lần trước cháu gửi bài cho báo, khi bài đăng, đọc bài nào cũng thấy tên bài viết không giống như trong bản thảo cháu gửi. Cháu nghĩ ban biên tập có thể chỉnh sửa lại tên bài cho phù hợp với tính chất báo chí, nhưng lần này thì thực sự ban biên tập báo dân trí đã hại cháu bởi họ đã làm cho độc giả hiểu lầm về cháu. Chính vì vậy mà đã có bài báo phản hồi mang tên “Đâu là tấm bia cổ nhất Việt Nam” của bác Đỗ Quốc Bảo đăng trên trang của bác. Trước hết cháu cảm ơn bác Đỗ Quốc Bảo đã viết bài phản hồi cái sai của bài viết và cảm ơn bác Trần Nhương vì đã đăng những trao đổi đó. Nhưng cháu thấy cháu đã bị hiểu lầm nên cháu viết thư này cho bác. Mong bác bớt chút thời gian quý báu xem và hiểu cho cháu.
Bài này của cháu thực ra chỉ là bài rút gọn đăng lại trên báo để chuẩn bị cho việc đón bằng công nhận bia “Ma nhai kỷ công bia văn” là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 6 sắp tới. Hai năm trước cháu có viết về bia Ma nhai này đăng trên tạp chí khoa học công nghệ Nghệ An với tên “Ma nhai kỷ công bi văn, bài văn bia duy nhất còn lại của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn” (Tạp chí khoa học công nghệ Nghệ An là đơn vị thuộc sở Khoa học công nghệ Nghệ An. Tạp chí này có một điều rất lạ là tất cả bài viết đăng lên 1 thời gian đều bị gỡ xuống, cho nên bài viết của cháu chỉ còn lại trong các trang khacá người ta lưu lại http://thuvien.mku.edu.vn/xem-tai-lieu/bai-van-bia-duy-nhat-con-lai-cua-hoang-giap.36015.html ) Trong toàn bộ bài viết dài hơi này cháu không hề có một câu nào khẳng định rằng bia Ma nhai là “tấm bia cổ nhất Việt Nam”. Rất may mắn cho cháu là trước khi bài này đăng trên dân trí thì trên báo Nghệ An cuối tuần cũng đã đăng với tên là “Một áng hùng văn trên vách núi” (link này ạ http://baonghean.vn/news_detail.asp?newsid=86230&CatID=77 )
Cả 2 báo kể trên đều đã biên tập lại tên bài viết của cháu bởi tên bài do chính cháu viết là: “MA NHAI KỶ CÔNG BI VĂN” - ÁNG HÙNG VĂN 700 NĂM TRÊN VÁCH NÚI”. (để đảm bảo khách quan trung thực cháu sẽ “chuyển tiếp” file này qua mail cho bác để bác thấy rõ). Báo Nghệ An có biên tập nhưng không làm sai nội dung ý nghĩa còn báo dân trí thì làm sai hết cả, khiến cho cháu bỗng dưng mang trọng tội.
Và 1 điều hiển nhiên, một người học Hán Nôm như cháu, dù có học kém đến mấy đi chăng nữa cũng không thể khẳng định chắc chắn và biến 1 cái bia 677 tuổi thành “Chuyện về tấm văn bia cổ nhất Việt Nam” được. Cháu chưa có điều kiện để đi thăm các văn bia cổ mà bác Đỗ Quốc Bảo đưa ra nhưng hồi tháng 4 năm nay cháu đã lặn lội từ trong xứ Nghệ ra tận chùa Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam để “mục sở thị” tấm văn bia “Sùng Thiện Diên Linh” do Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn ca ngợi vua Lý Nhân Tông. Tấm bia này lập vào năm 1121 tính đến nay cũng đã 891 tuổi. Cháu có bức ảnh chụp cùng văn bia này đăng lên facebook để khoe với mọi người rằng cháu đã được thấy và sờ lên tấm bia gần ngàn tuổi (ở link này ạ)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=346003222124477&set=a.343964845661648.81015.100001444053047&type=3&theater
Như vậy, sao cháu lại có thể khẳng định văn bia Ma nhai kỷ công bi văn là tấm bia cổ nhất Việt Nam được.
Không chỉ tít bị chỉnh mà ngay cả trên mục bài cũng bị chỉnh: Mục 1 trong bản thảo của cháu là “Bia kỉ niệm chiến công của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông” nhưng trên báo dân trí là “tái hiện chiến công”, mục 3 trong bản thảo của cháu là “Những “kỉ lục” của bia Ma nhai kỷ công bia văn” thì trên báo dân trí lại là: “Những kỷ lục của tấm văn bia mài vào vách núi”

Cháu đọc kỹ lại bài đăng trên dân trí thì thấy rằng không chỉ tít bị chỉnh sửa mà ngay ở bản dịch (do chính cháu dịch) cũng bị thiếu mất 2 chữ. Đoạn: “Đời vua thứ sáu triều Trần nước Đại Việt, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết nhận được mệnh trời thương mến, làm chủ hết cả bốn cõi, khắp trong đất ngoài bể không ai không thần phục, thế mà nước Ai Lao nhỏ bé kia còn ngang ngạnh với giáo hóa của triều đình... đoạn này trên dân trí cắt mất 2 chữ “Thương mến” (thành ra cháu dịch thiếu chữ “quyến” trong nguyên văn chữ Hán). Rồi 1 chỗ nữa là dưới bức ảnh chế bản lại nguyên văn bia Ma nhai, báo dân trí chú “Nguyên văn Bia ma nhai kỷ công văn bia” Đúng ra phải viết là “Nguyên văn bia Ma nhai kỷ công bi văn”. Đọc chỗ này cháu rất xấu hổ vì sợ người ta chê cháu dốt. Cháu thật không hiểu sao ban biên tập lại chú thích ngờ nghệch đến như vậy.
Qua đây cháu cũng muốn chia sẻ với bác là cháu học ngành Hán Nôm (khóa 2006 - 2010 tại trường Đại học Khoa học Huế) chứ cháu không học ngành báo chí cũng như chưa hề được đào tạo qua một trường lớp nào về viết báo cả. Những bài cháu viết trên báo là do cháu tự mày mò viết rồi in ra, đem đến tận tòa soạn báo để gửi bài (đối với báo trong tỉnh). Còn báo tw như dân trí thì cháu nghe bạn bè làm báo bảo rằng gửi bài trực tiếp cho tòa soạn thì sẽ không bao giờ được duyệt mà phải gửi qua một người là người của báo rồi người đó sẽ gửi tới tòa soạn thì bài mới được chấp nhận. Cháu may mắn tình cờ quen được một chị nhà báo giỏi của Dân trí tại khu vực Nghệ An, những bài cháu đăng trên dân trí đều nhờ công chị ấy gửi cho cả. Chính vì vậy khi bài cháu đến tòa soạn, họ biên tập hay chỉnh sửa gì đó cháu không hề biết. Nếu lúc đó báo tòa soạn báo Dân trí chỉnh sửa xong mà gửi lại cho cháu xem thì sự việc đâu đến nỗi. Cháu có nguyên tắc khi gửi báo đó là viết xong không bao giờ gửi ngay mà phải giữ bài lại vài ngày để “cày” xem có lỗi gì không để còn sửa chữa. Bởi “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” bài mình đăng lên có rất nhiều người vào xem, nếu đúng thì không sao, còn nếu sai thì cháu đã làm hại nhiều độc giả. 

Và cũng thú thực với bác là khi cháu viết bài này gửi cho Nghệ An cũng như Dân trí cháu đã nghĩ đến việc làm sao cho bài “hot” thêm một chút để “lăng xê” một di sản quý ở quê cháu. Chính vì vậy mà cháu đã nghĩ đến “cái nhất” ở tấm bia này. Nếu là văn bia nói chung thì bia Ma nhai kỷ công bi văn không thể là tấm bia cổ nhất Việt Nam còn nếu đặt nó vào hàng bia “Ma nhai” thì chắc là đúng bởi cháu lên internet “sợt gu gồ” cả ngày với từ khóa “bia ma nhai cổ nhất Việt Nam” thì đều thấy không thấy kết quả cụ thể là tấm bia nào. Ngoài bia Ma nhai kỷ công bi văn của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (bia này không mấy ai biết đến, nên cháu đăng báo mục đích cũng là để giới thiệu) chỉ thấy tấm  bia Ma nhai tại động Kính Chủ của Phạm Sư Mạnh là có niên đại lâu nhất (viết ngày 5 tháng 9, năm thứ 144 triều Trần (1368). Chính vì vậy mà cháu đã mạnh dạn khi viết “Bia Ma nhai kỷ công bi văn” là tấm bia Ma nhai cổ nhất tại Việt Nam. Các văn bia của bác Đỗ Quốc Bảo kể ra đều là những bia có niên đại sớm hơn bia Ma nhai kỷ công bi văn nhưng đó đều là bia chế tác chứ không phải là bia khắc trực tiếp lên trên núi đá.

Qua bài trao đổi này cháu chỉ muốn các bác hiểu rõ về sự việc này thôi chứ cháu không dám có ý gì khác. Mong các bác hiểu cho cháu và đăng lại bài trao đổi để độc giả không hiểu lầm về cháu. Có gì không phải mong các bác tha lỗi cho cháu. Khi nào các bác có thời gian, cháu mời các bác vào quê Nghệ An nhà cháu chơi. Cháu sẽ dẫn các bác lên thăm bia Ma nhai kỷ công bia văn. Hy vọng là sẽ có ngày đó ạ.
Thành vinh, 1h28’ ngày 16/6/2012
Cháu: Trần Mạnh Cường
 

MA NHAI KỶ CÔNG BI VĂN - ÁNG HÙNG VĂN
700 NĂM TRÊN VÁCH NÚI

Ma nhai kỷ công bi văn là tấm bia do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn và khắc lên vách núi Thành Nam kỉ niệm chiến công của Thái thượng hoàng Trần Minh. Đây là một trong những tấm văn bia “độc nhất vô nhị” trên đất nước ta, tốn nhiều “giấy gió mực Tàu” của nhiều sử gia thời phong kiến. Dù đã 7 thế kỉ trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng bài văn khắc trên núi đá năm nào như vẫn còn tươi nét bút.
1. Bia kỉ niệm chiến công của Thái thượng hoàng Chương Nghiêu Văn Triết
Triều đại nhà Trần sau 3 lần đại thắng đế quốc Mông Cổ nhanh chóng bắt tay vào việc phục hồi và phát triển đất nước. Dưới sự trị vì của các vị vua sáng và các tôi hiền tướng giỏi thì uy thế của Đại Việt ngày càng lớn mạnh. Nhưng trong thời gian này các tù trưởng địa phương cũng như các nước láng giềng thường đem quân quấy phá nơi biên viễn. Sau khi đánh dẹp Ngưu Hống ở Đà Giang, lại xảy ra việc chúa Ai Lao là Bổng gây hấn vùng biên phía tây đạo Nghệ An. Năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) đời vua Trần Hiến Tông, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông quyết định thân chinh, “tự làm tướng đích thân chỉ huy quân đội, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội” do đó “Ai Lao nghe tiếng chạy mất hút”. Thượng hoàng liền lệnh Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn văn khắc vào vách núi kỷ niệm chiến thắng. Tấm bia hiện còn tại núi Thành Nam, xã Chi Khê huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Nguyên văn chữ Hán, tạm dịch như sau:
Đời vua thứ sáu triều Trần nước Đại Việt, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết nhận được mệnh trời thương mến, làm chủ hết cả bốn cõi, khắp trong đất ngoài bể không ai không thần phục, thế mà nước Ai Lao nhỏ bé kia còn ngang ngạnh với giáo hóa của triều đình. Cuối thu năm Ất Hợi, nhà vua thống lĩnh sáu quân đi tuần ở cõi Tây. Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Tiêm và tù trưởng đạo thần là Quỳ, Cầm, Xa, Lặc rồi các bộ mán mới phụ thuộc là tù trưởng rợ Bôi Bồn và rợ Thanh Xa đều dâng sản vật của địa phương mình và tranh nhau đón rước. Chỉ một mình tên giặc Bổng cứ giữ thói u mê, sợ tội mà chưa tới chầu ngay. Đến cuối đông, vua đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu rồi lệnh cho các tướng cùng với quân lính mọi rợ vào tận nơi ở của chúng. Tên giặc Bổng nghe uy thế liền trốn chạy, vua bèn xuống chiếu đem quân về. Ngày tháng 12, đông nhuần, năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá.
Toàn bộ văn bia ngắn gọn chỉ 14 dòng với 155 chữ, khắc sâu trên vách núi đá vôi, ngoảnh mặt trông ra sông Lam và đường bộ qua lại như thách thức với thời gian, là minh chứng cho hào khí Đông A cũng như tinh thần bảo vệ bờ cõi của vương triều Trần và nhân dân Đại Việt, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe cho những tù trưởng hay thủ lĩnh có mưu đồ chống phá lại sự ổn định và thống nhất lúc bấy giờ.

2. Bút tích của vị Hoàng giáp nổi tiếng triều Trần
Không giống như các bia đá khác, Bia Ma nhai kỷ công bi văn khắc trực tiếp lên núi đá và không ghi rõ người soạn, người viết chữ, kể cả hoa văn trang trí. Nhưng nó lại được các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến và cho biết tác giả là Nguyễn Trung Ngạn - Hoàng giáp khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời vua Anh Tông triều Trần (1304). Ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Gián quan, Ngự sử đài Thị ngự sử, Nội mật viện phó sứ... Đặc biệt, năm Giáp Dần (1314) ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Đến năm 1341, ông được giao giữ chức Kinh sư đại doãn (tương đương chức Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày nay) và là vị Kinh sư đại doãn nổi tiếng nhất trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội, chính vì vậy mà trên địa bàn Hà Nội hiện nay có đến 7 ngôi đền thờ ông. Ông được Phan Huy Chú đánh giá là một trong mười người phù trợ có công lao thời Trần, ngang hàng với Thượng tướng Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư Mạnh.
Không chỉ là vị quan nổi tiếng về chính sự, ông còn là người Ông còn là một nhà văn, nhà thơ, một soạn giả tài năng. Về luật pháp ông cùng Trương Hán Siêu soạn bộ “Hình thư” và “Hoàng triều đại điển” nhưng nay không còn. Về thơ ông còn để lại trên dưới 84 bài chép rải rác trong các tập thơ của các tác giả đời sau như “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên,  “Nam Ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng, “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích và “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn. Vì có tài văn học, nên những lần Thượng hoàng thân chinh đều cho ông đi theo để biên soạn thực lục. “Ma nhai kỷ công bia văn” là tác phẩm văn học duy nhất còn lại của ông.

3. Đính chính nhầm lẫn trong chính sử
Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn được nhắc đến trong rất nhiều các bộ sử lớn. Tuy nhiên, về mốc thời gian Thái thượng hoàng Trần Minh Tông tiến hành cuộc đánh dẹp Ai Lao trong các bộ sử lại sai khác với thời gian ghi trên văn bia. Trong Đại Việt sử kí toàn thư của sử gia Ngô Sỹ Liên chép sự kiện này xảy ra vào năm Giáp Tuất, tức niên hiệu Khai Hựu thứ 6 (1334). Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi ngày tháng giống như trong Đại Việt sử kí toàn thư nhưng các tác giả lại đưa ra lời cẩn án: “Năm tháng chép ở bài văn này, so với năm chép trong Sử cũ, không phù hợp với nhau nhưng cứ chép để đề phòng khi khảo cứu”. Còn trong Việt Nam sử lược, tác giả Trần Trọng Kim cũng chép sự kiện này xảy ra vào năm Giáp Tuất mà không có chú thích gì thêm. Như vậy, sự kiện này trong sử chép xảy ra vào năm Giáp Tuất, nhưng trên thực tế lại không phải như thế. Dòng chữ cuối cùng ghi trên văn bia là Thời điểm tháng 12 nhuận, năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá”. Thực tế này đã cho biết thời gian xảy ra sự kiện là năm Ất Hợi (1335) chứ không phải năm Giáp Tuất (1334) như Đại Việt sử kí toàn thư và Việt Nam sử lược đã ghi. Như vậy, đã đính chính cho sự nhầm lẫn trong sử sách và cũng chứng minh cho lời cẩn án của các tác giả Khâm định Việt sử thông giám cương mục là hoàn toàn chính xác.
4. Những “kỉ lục” của bia Ma nhai kỷ công bia văn
Bia ma nhai tuy chỉ 155 chữ nhưng lại có diện tích rất lớn (213cm x 155cm). Điều khá thú vị ở tấm bia này đó chính là nét chữ của nó to đạt mức kỉ lục, xứng đáng xếp vào hàng bia có nét chữ lớn nhất Việt Nam. Theo kết quả đo đạc sơ bộ, trung bình mỗi chữ có đường kính khoảng 10,5cm. Sách Đại Nam nhất thống chí chép “…chữ to bằng bàn tay, khắc sâu vào đá hơn 1 tấc, nay hãy còn…”

Theo thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tính đến năm 1945 ở nước ta đã tìm thấy 1.157 văn bia, chủ yếu là các văn bia có từ triều Lê và triều Nguyễn, còn văn bia của các triều đại trước đó rất ít và hầu hết đều tập trung chủ yếu tại địa bàn Đồng bằng sông Hồng. Tuyệt đại bộ phận những văn bia kể trên đều là những văn bia chế tác. Độc đáo hơn cả phải kể đến loại văn bia “Ma nhai” (ma: mài, nhai: vách núi) bởi đây là bia khắc trực tiếp lên núi đá. Những văn bia này thường ghi lại các cuộc hành quân hay tuần du của vua chúa, như bia Ma nhai “Thân chinh Phục Lễ Châu Đèo Cát Hãn” ở Lai Châu và Hòa Bình của vua Lê Thái Tổ, bia Ma nhai “Quế Lâm ngự chế” của vua Lê Thái Tông hay các bài thơ khắc trên vách núi tại động Hồ Công của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm.... Văn bia Ma nhai kỷ công bia văn của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn chính là tấm văn bia Ma nhai cổ nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây là một tư liệu đặc biệt quý hiếm trong công tác nghiên cứu sử học, văn học và là một di tích lịch sử độc đáo bậc nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc. Ngày ... tháng .... năm 2011, Bộ VHTT&DL đã công nhận bia Ma nhai kỷ công bi văn là di tích LSVH cấp Quốc gia. (11 tháng 6 năm 2012 UBND huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành lễ đón nhận bằng DTLSVH bia Ma nhai tại núi Thành Nam)
 
 
Chú thích ảnh:
.1- núi Thành Nam tại xã Chi Khê huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An, nơi có bia Ma nhai của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn.
2- Nội dung bia
3-. Trải qua gần 700 năm với bao biến thiên của thời đại, những dòng chữ trên văn bia vẫn còn rõ nét.