Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Nước mắt" - một tiểu thuyết cảm động về chiến tranh

Phạm Hồ Thu
Thứ hai ngày 18 tháng 6 năm 2012 5:19 AM

ĐỌC SÁCH

(Tiểu thuyết của Đào Thắng - NXB Thanh Niên 2005)
Nhà  văn Đào Thắng trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, ông là một sĩ quan quân đội mang hàm đại tá, trưởng thành từ một lính chiến thật sự. Ông đã cho xuất bản 9 tập văn xuôi, trong đó có 7 cuốn tiểu thuyết. Với 7 cuốn tiểu thuyết ấy, ông đã hai lần giành giải thưởng của Hội Nhà văn và hai lần giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng dành cho tác phẩm viết về lực lượng vũ trang; đó là tiểu thuyết Nước mắt và tiểu thuyết Dòng sông mía, những cuốn sách và giải thưởng đã đưa ông vào danh sách những nhà tiểu thuyết đáng chú ý của văn học đương đại.
Lần tái bản này, cuốn tiểu thuyết Nước mắt in chung với tiểu thuyết Dòng sông mía. Được biết, Nước mắt ra mắt lần này là lần tái bản thứ năm kể từ khi nó xuất hiện lần đầu vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, với không ít ý kiến đánh giá khi nó giành giải thưởng.
Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm kể từ ngày 30 - 4 - 1975, đất nước liền một giải, nhưng chúng ta gần như chưa nguôi quên (hoặc không bao giờ nguôi quên) về cuộc chiến đấu oanh liệt và đặc biệt là những mất mát đau thương mà cuộc chiến tranh để lại. Tiểu thuyết Nước mắt  đáp ứng tình cảm này, và có thể nói rằng khi đọc Nước mắt, chúng ta sẽ không thôi cảm động về một chặng đường đất nước đi qua.
Chúng ta đã đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh như Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Nắng đồng bằng (Chu Lai),  Chim én bay (Nguyễn Tri Huân), Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thuỵ), Thượng Đức (Nguyễn Bảo) v.v… mỗi tác phẩm một vẻ đẹp, một cuộc chiến đấu, ở những vùng đất khác nhau, nhưng chủ yếu đó là những cuộc chiến đấu trên giải Trường Sơn hoặc các vùng đất phía Nam - nơi mà quân và dân ta chiến đấu trực tiếp với Mỹ - ngụy. Riêng tiểu thuyết Nước mắt của Đào Thắng nói về cuộc chiến đấu với Mỹ ngay trên mảnh đất miền Bắc XHCN - cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên dải đất khu Bốn - nơi cửa ngõ tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Cuốn sách đã cho ta thấy: cuộc chiến đấu với máy bay, bom đạn và pháo hạm của Mỹ khốc liệt, ghê gớm với bao mất mát, hy sinh đến không tưởng tượng nổi. Đây là một thực tế của cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ không phải ai ai cũng biết.
Nhà văn Đào Thắng tâm sự rằng: Quyển sách này tôi viết về chính đại đội của tôi, đại đội 8, xê tám. Trong những năm Mỹ ném bom mang tính hủy diệt toàn bộ sự sống, đại đội tôi chốt tại đầu bắc phà Bến Thuỷ (Vinh, Nghệ An). Các nhân vật trong sách đều mang hình bóng của những con người có thật. Tôi đã lấy tên các liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh ác liệt nhất đặt tên cho một số nhân vật trong tiểu thuyết nước mắt …
Và đúng là như vậy - các nhân vật của Nước mắt chủ yếu là các chiến sĩ của đơn vị pháo binh xê tám của Đoàn pháo binh Sông Châu sống trong một không khí chiến trường đặt biệt: cuộc chiến tranh huỷ diệt quyết đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ và những con người bé nhỏ mà gang thép, quyết đối đầu với thế lực huỷ diệt ấy, bảo vệ con đường tiếp viện cho mặt trận. Bên cạnh những người lính pháo binh là những cô gái thanh niên xung phong, là những người dân khu Bốn kiên cường và đặc biệt là những người phụ nữ và nhân vật mà Đào Thắng chú ý miêu tả chính là những người phụ nữ và thân phận tình yêu - một sức mạnh mỏng manh  nhưngbất tử luôn là đối kháng của chiến tranh, sự huỷ diệt và cái chết.
Cách đây đã hai mươi năm. Chuyện xảy ra như đã cũ lắm rồi. Tôi đi tìm cái cũ để rao bán cho con người ư? Hay chỉ ghi lại cái gì tinh chất được sàng lọc qua thời gian và trong trí nhớ, để độc giả cùng sống lại một thời chiến tranh chúng tôi phải chịu đựng, thời chiến tranh mà ngoại bang muốn đưa dân tộc chúng ta trở về thời kỳ đồ đá … - nhà văn Đào Thắng đã bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình với một lời tự sự như thế. Và ta hiểu rằng chúng ta sẽ gặp một tự sự buồn …
Câu chuyện mà Đào Thắng kể có thể nói rằng không có chuyện. Nó bắt đầu bằng hình ảnh của một đoàn xe kéo pháo nối nhau hành quân giữa một vùng đất chết - một vùng đất khu  Bốn bị bom đạn Mỹ huỷ diệt, nơi mà con chim cũng đang thỉu đi vì nắng nóng ghê gớm. Đó là cuộc hành quân của đơn vị pháo cao xạ của Thái - nhân vật chính. Đơn vị anh phải hành quân gấp thực hiện kế hoạch trấn giữ một trọng điểm giao thông trên con đường ra mặt trận - nơi mà bọn giặc Mỹ quyết thực hiện ý định biến tất cả trở về thời kỳ đồ đá, một ngã ba thị trấn không sinh vật nào sống nổi trên mặt đất, - “nơi có những bà mẹ vuốt mắt người chết đến thuần thục”. Trên mảnh đất hoang lạnh ấy, các chiến sĩ pháo binh hàng ngày phải đối mặt với hàng chục lần máy bay Mỹ đến ném bom, bắn phá, rải xuống hàng trăm loại vũ khí giết người, từ bom napan đến bom tấn, bom bi, bom từ trường, bom khoan … những người lính không chỉ phải sống, tồn tại, mà còn phải luôn ngẩng cao đầu để trinh sát bầu trời, ngồi trên mâm pháo đánh trả máy bay địch trong những cơn đói ngủ, thiếu thốn mọi bề. Ngòi bút của Đào Thắng không ngại ngùng miêu tả cái sự thật trần trụi, gớm ghiếc mà chiến tranh dội lên đầu những người lính pháo. Và nhiều người trong số họ đã hy sinh, hy sinh hết lớp này đến lớp khác; có cả những tiểu đoàn, trung đoàn pháo bị xoá sổ. Ở xê tám của Thái, những Xương đại đội phó; những Viên pháo thủ rồi Đăng - chiến sĩ đo xạ kiêm pháo thủ tính tình dễ thương lần lượt hy sinh. Rồi cuối cùng là Thái, nhân vật chính, quê Hải Phòng cũng đến ngày nằm xuống. Những người lính không phải chỉ chịu đựng gian khổ, hi sinh mà họ còn phải chứng kiến cả cái đê hèn của con người như hiện tượng đảo ngũ, hiện tượng cán bộ (tham mưu trưởng Đoàn Cung) coi thường sinh mạng người lính lấy cái chết của người khác làm vinh quang cho mình… tất cả tạo nên sự dữ dội của cuộc chiến.
Cảm xúc bi thương là cảm xúc chủ đạo của cuốn tiểu thuyết viết theo một lối cổ điển - tiểu thuyết luận đề. Không còn cảm giác về cũ hay mới, bạn đọc bị cuốn đi trong cảm xúc bi thương kia, đặc biệt là thân phận tình yêu của hai nhân vật Thái và Lam Hồng. Thái - một pháo thủ và một trinh sát giỏi. Như nhiều thanh niên thời bấy giờ rời ghế nhà trường là ra mặt trận, Thái đã tham gia nhiều trận đánh máy bay Mỹ. Thái có người vợ vừa cưới vội là Hà và cô đã có thai. Người vợ tên Hà ấy xuất hiện trong cảnh tan hoang của chiến tranh: cô đạp xe hàng trăm cây số từ hậu phương vào khu Bốn thăm chồng, chỉ để được anh âu yếm và báo với anh rằng chị đã có con. Nhưng người đàn bà yêu chồng ấy đã bị máy bay Mỹ giết hại cùng với đứa con trong bụng ngay sau khi rời vòng tay cuống quýt của chồng. Nén đau thương, Thái tiếp tục chiến đấu. Còn Lam Hồng - cô nữ sinh thành phố Vinh có nhà ở gần nơi Thái đóng quân là một cô gái có giọng Vinh nằng nặng, ấm xiết vào lòng. Cái tiếng ấy đã cất lên vào một đêm như đêm nay cần nghe tiếng con người…”. Trước hy sinh, mất mát của những người lính, cô gái bỗng thấy từ trong trái tim mình trào lên một tình cảm lạ lùng. Tình cảm ấy không hẳn là tình yêu, nó bồng bột dâng trào và cô gái bỗng thấy mình lớn hẳn lên, lớn hơn anh rất nhiều. Anh cần được chở che, cần được nghe một lời nói dịu ngọt, cần được vỗ về, ôm ấp như trẻ thơ. Cô gái ấy đã bỏ học, bỏ nơi sơ tán quay về nơi bom rơi, đạn nổ, ra trận địa pháo, san sẻ với Thái và những người lính. Và đặc biệt, như ánh sáng mong manh nhất của sự sống chống lại cái chết, tình yêu và lòng thương của cô giúp các chiến sĩ vững long trên mâm pháo, giúp Thái chữa con bệnh tâm thần hoảng loạn, lấy lại sức sống, niềm tin để tiếp tục chiến đấu…. Nhưng chiến tranh huỷ diệt đã huỷ diệt cả tình yêu cuối cùng. Một trận bom tàn khốc đã giết cả Thái và Lam Hồng, trong một căn hầm bỏng cháy bom napan, với lời kêu cứu cuối cùng của người con gái: Tôi muốn đạp tung căn hầm này, đạp tung cả trái đất này! Trả người yêu cho tôi. Họ ôm lấy nhau trong giấy phút cuối của kiếp người…
Kết thúc của cuốn tiểu thuyết dừng lại ở hình tượng bi thương này, với một lời kêu gọi: Chúng tôi sẽ chết, sẽ bị đốt cháy thành than. Các thiên tài của chúng ta hãy biết cách chấm dứt cuộc chiến tranh này … Dân tộc chúng tôi cần những thiên tài đưa đất nước thoát ra khỏi cả ngàn cuộc chiến tranh, chấm dứt toàn bộ những cuộc chiến tranh. Dân tộc chúng tôi xứng đáng hưởng cái quyền tối thượng: Được sống trong hòa bình”. Đó là lời trăng trối cuối cùng của tôi và người yêu của tôi trước loài người.
Gấp cuốn sách lại, âm hưởng ấy vang lên. 
 
Tháng 5 năm 2012

P.H.T