Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XIN THƯA LẠI VỚI ANH TRẦN MẠNH HẢO

Phạm Quang Trung
Thứ tư ngày 23 tháng 2 năm 2011 8:39 AM
Phạm Quang Trung
Trên trang mạng mà tôi vốn rất ưa thích và thường xuyên cộng tác là trannhuong.com, vào chiều ngày 11/02/2011, đã công bố bài của Trần Mạnh Hảo có tên Lời thưa với Phó giáo sư - Tiến sỹ Phạm Quang Trung. Đây là một bài viết ngắn, trao đổi lại với nội dung bài viết của tôi cũng công bố cùng ngày trên trannhuong.com nhưng vào buổi sớm với tựa đề Góp chuyện đầu Xuân. Tôi hiện giảng dạy ở Trường Đại học Đà Lạt. Nghề dạy học gần 40 năm trời rèn nên cho tôi thói quen cẩn thận và đức tính trọng sự thật. Để giải đáp hay trả lời bất cứ điều gì với ai, nhất là với đồng nghiệp, liên quan tới thư tịch sách vở là tôi đều muốn đưa ra những chứng cứ cụ thể đi cùng xuất xứ rõ ràng. Thật tiếc vì hôm 11/02, khi được đọc bài của anh Hảo lại vào cuối buổi chiều ngày thứ sáu, Thư viện Trường tôi không còn làm việc nữa. Đành đợi tới đầu giờ sáng thứ hai - 14/02, tôi chủ động sắp xếp mọi công việc chuyên môn hàng tuần, đến thư viện từ rất sớm, lùng sục tư liệu, tra cứu kỹ càng. Và ngay trong ngày hôm ấy đã hoàn thành bài phúc đáp Trần Mạnh Hảo như toàn bộ văn bản sẽ công bố dưới đây.
Tuy nhiên, viết xong rồi, không như mọi lần, tôi cứ thấy áy náy, ngại ngần thế nào ấy. Chúng tôi là bạn của nhau, và chắc không có lý do gì thật khác thường để chúng tôi không còn là bạn của nhau nữa. Chuyện nào ra chuyện nấy chứ! Ý kiến khác nhau trước một vấn đề nhất định của văn chương - học thuật là lẽ thường. Ở đấy, nếu một ai trong hai chúng tôi lên tiếng thì chỉ là với tư cách của một nhà văn, một nhà trí thức thôi mà. Nghĩa là, trên diễn đàn, người ta không thể ứng xử với nhau ngoài chức phận công dân, chức phận nghề nghiệp được. Không hoàn toàn giống với quan hệ đời thường. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng là con người thì đâu có thể phân tách rạch ròi cho nổi. Vậy nên, viết xong bài trả lời rồi, làm xong cái việc cần làm rồi, mà tôi vẫn cứ thấy băn khoăn: Liệu như thế có thẳng thừng, có sát ván với nhau không nhỉ? Cha tôi thường dạy các con, trong tranh luận, chớ nên đẩy đối phương vào đường cùng, dễ mua thù chuốc oán lắm đấy. Mẹ tôi thì bảo: “Thương người nhiều bao nhiêu cũng lá ít, ghét người ít bao nhiêu cũng là nhiều, mong con hãy nhớ lấy!” Muốn nhấn mạnh ý sau, bà liền đưa ra một so sánh khá xác đáng: “Như cái kim trên da thịt con, nhỏ bé lắm chứ, phải không, mà đau đớn biết nhường nào!”. Tôi không phải là cục đá vô tri vô giác, nên quyết định tạm gác bài trả lời đã viết xong lại, coi như một dữ liệu dành để lưu trữ.
Thế nhưng, nhiều ngày sau đó, tôi liên tiếp nhận được sự thúc giục của bạn hữu từ nhiều nơi, toàn những lời trách cứ nặng nề, yêu cầu phải trả lời công khai, thẳng thắn, và không được chậm trễ. Kể ra, họ cũng có lý của họ. Nhất là khi tôi biết rõ họ đều xuất phát từ sự yêu thương, quý trọng tôi mà đề nghị. Lý lẽ của họ tập trung ở chỗ: đây không còn là chuyện quan hệ cá nhân mà là vấn đề thuộc công luận xã hội. Không có quyền im lặng! Vả lại, biết đâu, qua lời nói lại của tôi, bạn đọc không chừng có thêm tư liệu cần thiết để cùng suy gẫm về bao chuyện đời, chuyện nghề giàu nghĩa lý khác. Xem ra, tự trong thâm tâm, tôi có chiều nghiêng ngả. Nhưng cái kết cục thì vẫn chưa tới. Đúng khi quay trở lại đọc bài viết của Trần Mạnh Hảo thì con số người truy cập bên cạnh là  2173 đã khiến tôi giật thót mình. Không hiểu sao từ lúc đó tôi cứ như thấy chừng ấy đôi mắt cùng hướng về phía mình. Có cái nhìn bao dung. Lại có cái nhìn trách cứ. Nhiều hơn cả là những cái nhìn chờ đợi, giục giã… Thế là cái việc cần đến đã phải đến: tôi nhấn chuột ngay cho ông chủ - nhà văn đáng kính Trần Nhương. Chỉ trong tích tắc, vùng trời thoáng rộng của blogger từng tuyên bố một câu xanh rờn “không lề trái lề phải gì hết, đường ta, ta cứ đi!” đã hiển hiện thêm bài viết mới của tôi. Mọi chuyện thế là đã được định đoạt trong chốc lát. Giờ thì có muốn nghĩ lại cũng botay.com rồi. Ôi! Cái thời internet, sao thuận tiện thế! Mà cũng oái oăm đến thế! Vâng, sau đây là sự đáp lời của tôi. Rất mong anh Hảo và bạn đọc thông cảm với việc trả lời có phần trễ tràng này.
                                                     *   
 
Anh Trần Mạnh Hảo thân mến!
 Tôi đã nhận được lời phúc đáp của anh về bài Góp chuyện đầu Xuân. Nhanh chóng đến không ngờ. Sáng: phát, và chiều: nhận. Có lẽ anh cũng từng rơi vào tâm trạng của người mong chờ câu trả lời như tôi nên anh mới đáp lời nhanh đến thế. Chính tôi cũng không thể ngờ nổi. Chẳng là, tôi nóng lòng muốn biết ý kiến phản bác mình ra sao để bản thân có điều kiện học hỏi, rút kinh nghiệm thêm, từ đó sẽ khôn lớn, trưởng thành hơn từng ngày. Vậy nên, quả tôi có hơi sốt ruột trông chờ… Tuy nhiên, khi đọc xong bài viết của anh, thú thật, tôi đã hoàn toàn thất vọng. Vì sao vậy?
Trước nhất, tôi không hề thích cái việc anh chủ tâm lồng cả học vị và chức danh khoa học của tôi vào cái tiêu đề bài viết vốn bao giờ cũng đòi hỏi hết sức nghiêm nhặt về sự súc tích, ngắn gọn. Nhằm mục đích gì vậy anh? Không lấy gì khó hiểu đâu. Chỉ cần một trí lự bình bình thôi, anh ạ, cũng đủ sáng tỏ hết! Thái độ ấy, theo tôi, là không thật đứng đắn. Cố nhiên, trong sinh hoạt trí thức, khi cần, người ta cũng có thể “xưng danh” hoặc “xướng danh” này nọ. Đó là khi cần xác định thật rõ trách nhiệm nghề nghiệp, chuyên môn trước công việc cá nhân phải đảm trách. Như việc nhận xét luận văn thạc sỹ hay luận án tiến sỹ chẳng hạn. Còn trong trường hợp này liệu có cần thiết không anh nhỉ? Riêng tôi thì cho là không cần. Còn nếu anh cứ bảo là cần thì chắc chỉ cần để anh bộc lộ sự chế nhạo, cợt diễu của mình đối với tôi mà thôi. Tôi không cảm nhận sai đâu. Điều này trở nên rõ ràng hơn ở đoạn sau khi anh nhắc tới giáo sư Ngô Bảo Châu mà không quên đóng mở ngoặc kép từ “thứ thiệt” liền ngay sau đó. Không nên thế, anh Hảo ạ! Tôi biết rõ, có nhiều danh hiệu, chức danh không hoặc thiếu thực chất, thậm chí giả mạo, đã và đang lan tràn trong xã hội chúng ta đến mức khó lòng kiểm soát nổi. Biết được điều đó mà phải bó tay đứng nhìn, cùng là nhà văn, cả anh và tôi đều hết sức đau lòng. Nhưng tuyệt nhiên không vì thế mà cho phép mình luôn hoài nghi tất cả. Điều đó, tôi cho là không chính đính, thậm chí không được phép. Nhất là ở đây và giữa lúc này. Anh biết rõ tôi là đồng nghiệp của anh, đang cùng đối thoại với anh, về những vấn đề nghiêm túc và ý nghĩa mà chúng ta cùng quan tâm nhưng lại vô cùng phức tạp nên chưa thể, thậm chí không thể, có kết luận cuối cùng. Tranh luận là tất yếu và cần thiết. Thái độ đúng mực hơn cả, theo tôi, là hãy bình tâm trình bày những ý kiến có lý có tình của mình, đồng thời biết lắng nghe ý kiến có tình có lý của đối phương. Mà điểm tựa chính phải là lý lẽ. Hết sức tránh xem thường, hạ thấp nhau, dành ưu thắng về mình theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Xin được lưu ý cùng anh: phần đông bạn đọc luôn tinh tường và tỉnh táo lắm, không thể cứ to mồm, lớn tiếng mà được đâu!
Bây giờ tôi xin đi vào điểm chủ chốt nhất là trao đổi chung quanh hai ý kiến chính mà anh cho là tôi “đã trích dẫn sai” khi viết rằng: “Ông Trung cổ súy cho sự hư cấu (bịa) ra nhân vật lịch sử, bịa ra lịch sử nên ông đã được đà bịa ra (hư cấu) cả sự trích sách của mình - Xin được nhấn mạnh”. Tôi xin phép đi vào từng ý một.
Thứ nhất, theo lời nhận xét của anh: “Ông Trung viết: “Đó phải là sức mạnh ‘chở thuyền và lật thuyền’ (ý của Nguyễn Trãi) của chính nhân dân lao động”. Thưa, có thể do ông đọc sách nhiều quá nên đã lấy râu ông nọ xọ cằm ông kia. Câu: ‘Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân’ là câu nói nổi tiếng của triết gia Tuân Tử (313 TCN - 235 TCN) thời Chiến quốc, không phải của Nguyễn Trãi ạ”. Cảm ơn anh đã thẳng thừng chỉ ra, không hề có ý định úp mở, để tôi có thể kịp bổ sung kiến thức bao giờ cũng thiếu hút của một cá nhân. Bởi, có ai trên đời này biết được tất cả đâu, và, sự lầm lạc cũng khó ai tránh khỏi, phải không anh? Nhưng cho phép tôi xin được hỏi lại: câu nói của Tuân Tử anh rút ra từ đâu nhỉ? Nói phải có sách, mách phải có chứng - người đời từng dạy thế mà! Còn tôi, trong bài viết có tính “tùy bút” của mình (như lời nhận xét khá đúng của anh) để phù hợp với không khí tâm tình ngày Xuân thì không cần phải trích nguyên văn và để trong ngoặc kép làm gì cả. Còn nếu cần bằng cớ? Xin thưa: đây ạ!
Một là: trong bài văn của Nguyễn Trãi tựa đề Tác “Hậu tự huấn”dĩ giới Thái tử chiếu (Chiếu ban “Hậu tử huấn” để răn bảo Thái tử). Nguyên văn bằng chữ Hán như thế này: Thả hoài vu hữu nhân giả, dân dã; tái chu phúc chu giả, diệc dân dã. Có thể dịch nghĩa: “Vả chăng mến người có nhân là dân, mà chở thuyền, lật thuyền - Tôi lưu ý với anh - cũng là dân” [Mời xem trang 183&185 - Nguyễn Trãi Toàn tập tân biên, Tập 2 - Nxb Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - In lần thứ 2 có sửa chữa, 2001].
Hai là: vì tôi dẫn ý nên có thể tham khảo thêm câu thứ 3 trong bài Quan hải rút từ tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập. Nguyên văn chữ Hán như sau: Phúc chu thủy tín dân do thủ. Có thể dịch nghĩa là: “Lật thuyền thấm thía dân như nước” [Trích trang 83&84 - Nguyễn Trãi Toàn tập tân biên, Tập 1 - Nxb Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - In lần thứ 2 có sửa chữa, 2001].
Không biết như thế đã làm hài lòng anh chưa nhỉ? Chỗ khác biệt giữa tôi và anh chỉ là ở điểm xuất phát: tôi bao giờ cũng coi trọng di sản của dân tộc mình, còn anh, ngược lại, nệ hẳn vào sách vở của “người lạ” thuộc “nước lạ”. (Đoạn này tôi mới bổ sung thêm vào văn bản viết ngày 14/02 nhằm học theo tác giả Trần Mạnh Hảo trong bài Nguyễn Quang Thân cho các tướng lĩnh Lam Sơn theo “người lạ” khí sớm - trannhuong.com, ngày 21/02/2011).
Thứ hai, điều này thì dễ phản bác hơn, anh bảo: “Ông Trung viết: “Về động cơ cầm bút, anh Hảo cũng không hề có ý định úp mở - như bản tính thường bộc lộ ở anh, ấy là vì: “Truyện ngắn “Dị hương” (là điểm nhấn quan trọng để cả tập truyện được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam của Sương Nguyệt Minh mà Hội Nhà văn khen đồng thời có nhiều báo lề phải ca tụng lên mây)… - PQT lưu ý. Ở điểm này, tôi - và có lẽ nhiều bạn đọc cũng như tôi - có gợn lên một chút băn khoăn. Liệu có nên phân biệt lề phải với lề trái khi bảy tỏ quan niệm của mình trên công luận không nhỉ? Tôi nhớ tới câu nói rất có ý nghĩa của GS. Ngô Bảo Châu - tác giả của Huy chương Fields năm vừa rồi mà có nhà văn đã xem như là “bổ đề cơ bản” giúp trở thành một con người chân chính: “Đi theo lề là việc của đàn cừu, không phải của con người tự do!”. Rồi anh diễn giải tiếp:  “Thưa, câu nói nổi tiếng “lề phải, lề trái” không phải của chúng tôi mà là của ông  Bộ trưởng Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp sinh năm 1951, khi ông thề sẽ đưa tất cả những người viết báo viết văn (kể cả viết tùy bút phê bình) phải đi bên lề phải tuốt luốt…”. Tôi cũng chỉ xin hỏi lại anh: câu nói của vị quan chức ngành văn hóa kia phát biểu ở đâu? Nếu có xuất xứ rõ ràng thì tại sao trong bài viết của anh không cho trong ngoặc kép kèm theo chú dẫn? Như vậy có thể bảo là anh đã vi phạm những quy tắc tối thiểu về chính tả. Vậy thì anh lấy đâu ra chỗ dựa để phủ nhận lời quy kết của tôi nhỉ? Không, cứ theo một văn bản thông thường thì đó phải được hiểu là lời của chính anh. Thêm nữa, tôi có quyền hoài nghi rằng, chắc gì Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp là người đầu tiên dùng cách nói này. Chỉ xin đưa ra một dẫn chứng: Từ lâu rồi, cư dân mạng có ai không biết tên miền Lề bên trái của trang web mà chủ nhân là một nhà văn nọ.
Thiết nghĩ, tôi giải thích như vậy là đã quá rõ. Xin học một nhà phản biện khác từng một thời tranh luận quyết liệt với anh về vấn đề “lề phải, lề trái” để kết thúc bài trả lời có lẽ hơi dài của mình: Tôi bận lắm, bao nhiêu công việc hệ trọng khác đang chờ, tạm biệt anh!
Thân kính!
Bạn văn của anh
Phạm Quang Trung