Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN VĂN LỢI NHẨN NHA MÙA MÀNG

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ năm ngày 23 tháng 12 năm 2010 3:28 AM

(Đọc tập thơ “Bàn tay châu thổ ” của Trần Văn Lợi,
NXB Hội nhà văn – 2010)
 
Từ năm 2000 tới nay Trần Văn Lợi sinh thành đều đặn 3 tập thơ: Miền gió cát – 2000; Lật mùa – 2005 và lần này Bàn tay châu thổ. Đọc liền mạch 33 bài thơ trong tập Bàn tay châu thổ mỗi bài một dáng vẻ, ngữ điệu, góc cạnh khác nhau. Viết về những kỷ niệm về những người nông dân, về kỷ niệm tuổi thơ, về tình yêu và nhất là về mẹ… Có thể nói bài nào cũng mang đầy kỷ niệm tình quê vùng châu thổ. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả “trích yếu” đề từ cho cả tập gói vào hai dòng lục bát: Góp gom vốn liếng đời mình/ Nhớ thương mắc nợ, nghĩa tình nặng vay… đầy trách nhiệm có trước có sau đến vậy!
Là một nhà giáo, còn rất trẻ, dáng trầm lặng giàu cảm xúc; thơ anh đúng như tư chất anh ngoài đời: Hiền lành, đôn hậu. Và có lẽ với tình cảm ấy khó ai có thể “kéo” anh rứt khỏi cái làng quê, nơi có những con người sản sinh “bát cơm gạo mới” ra được. Anh đã tự nguyện hóa thân “buộc” mình cùng với người làng, nhẩn nha gieo nhặt những dòng tục ngữ dân ca như những người nông dân chân lấm tay bùn chắt chiu mùa vụ quê anh: Thôi ta về với ruộng đồng/ Lại gieo tục ngữ lại trồng dân ca/Thỏa thuê cùng với cỏ hoa/ Thong dong rau mắm nhẩn nha mùa màng/ Tiếng chào mở lối dọn làng/ Bát cơm gạo mới thơm sang láng giềng (Thôi ta về ruộng đồng). Ở với ruộng đồng có lẽ đúng hơn chăng? Vì ngoài những năm tháng đi bộ đội rồi theo học trường Sư phạm, anh đã đi đâu xa mấy mà về với ruộng đồng.
Thông cảm nỗi nhọc nhằn của nông dân người làm ra hạt thóc xưa nay có nhiều cách thể hiện khác nhau. Trong tục ngữ dân ca: Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Giẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Trần Đăng Khoa: Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy. Với Trần Văn Lợi cũng chỉ vài dòng lục bát thôi: Lúa vàng chẳng phải cỏ đâu/ Bàn tay cắt nhẹ kẻo nhàu lòng rơm! (Nghìn năm cây lúa). Nhàu … mà đau biết mấy thân lúa mảnh mai. Cây lúa ngàn đời với nông dân sản sinh hạt gạo bảo tồn cuộc sống, bao giờ cũng mới mẻ tươi nguyên …: Cũ như cây lúa nghìn đời/ Mới như cây lúa mãi nuôi tình làng …( Nghìn năm cây lúa).
Gói trong hạt thóc củ khoai, còn có “Chân trời”  tuổi thơ với chim chóc, cỏ hoa, những chiếc thuyền bẹ chuối, tiếng dế kêu, ánh trăng ngà lay động: Ta đi để lại chân trời cũ/ Tuổi ấu thơ chim chóc với cỏ hoa/ Thuyền bẹ chuối căng buồm về kỉ niệm/ Tiếng dế kêu lay động ánh trăng ngà (Chân trời cũ).
Và bao nhiêu kỉ niệm đã nén vào “đồng dao” mà chỉ gọi lên đã ngồn ngộn tâm hồn, gợi về một thời nhung nhớ: Tuổi thơ trồng nụ trồng hoa/ Gói đất làm bánh, lá đa làm tiền/ Góc sân loẹt quẹt chắt chuyền/ Tóc tơ lách giậu láng giềng chạy sang/ Mệt nhoài cái bống cái bang/ Con kiến kiện củ khoai lang xì xào/ Lá sung têm miếng ổi đào/ Cái vè lá lốt nghêu ngao tang tình/ Em cười …răng sún thêm xinh/ Nu na nu nống dập dình dân ca/ Giận hờn bánh đúc bánh đa/ Xúm xa xúm xít cỏ hoa ruộng đồng/ Tóc em thắt bóng cầu vồng/ Mong mẹ về chợ gánh gồng cơn mưa/ Áo quần quét đất te tua/ Lê la bòng bưởi, chanh chua tháng ngày/ Hồn nhiên rồng rắn lên mây/ Dung dăng dung dẻ… thơ ngây về trời …. Chỉ đọc thôi bấy nhiêu kỉ niệm về cái thời  “răng sún” thiết nghĩ còn phải nói thêm gì, câu thơ đã dẫn dắt ta vào một vùng mơ mẩn …
Nói về mẹ Trần Văn Lợi đã sản sinh ra những dòng thơ sâu sắc, trộn lẫn với tình yêu. Tôi xin được nhắc lại một lần nữa những câu thơ ấy: Tóc em thắt bóng cầu vồng/ Mong mẹ về chợ gánh gồng cơn mưa. Mà da diết nhớ, và Mẹ lần hồi nhặt lá khô/ Liêu siêu tóc bạc, dáng xô lệch chiều. Mà đứt ruột thương ! Đến náo động đất trời trong “mùa thu lá rụng”! Hai cặp lục bát xuất thần đầy chất nhân văn đã góp phần nâng tập thơ lên, chứa đựng thi tứ đắng ngọt tình người …
Viết về tình yêu xưa nay mỗi người một cách! A-ra-gông thì ôm đàn mà hát “ Dưới trời đôi lứa trong xanh”, Huy Cận thì gối đầu cho người tình dưới bờ thùy dương trái sầu rơi rụng, Tế Hanh thì “ … dắt tay em cùng qua đường cho khỏi ngã”. Quả tình tôi không dám so sánh với những bậc tiền nhân, nhưng hễ khi nào chạm tới, nghĩ đến tình yêu thì lập tức trái tim mình thao thức nhớ về những hồn áng thơ trên. Đọc “Khúc ru” của Trần Văn Lợi trong mơ: Khúc này tình vọng thiết tha/ Anh ngồi ru những năm xa tháng gần. Trong trái tim mình khi tình yêu đã rung lên ca hát thì mọi ưu tư đều bỏ lại, quên hết những “bể dâu tháng ngày” chỉ còn chỗ cho “tình yêu mãi đong đầy trong ta”, cho “sông trôi hết nhọc nhằn” cho “vườn hoa trái ngọt lành sinh sôi …” và cuối cùng chỉ dành để trái tim yêu thương cất cánh …
Khép lại tập “Bàn tay châu thổ” cũng giống như anh khép một vòng quay của Thái dương hệ:
 Bước chân lên chạm giao thừa
  Bài thơ đào đỏ cũng vừa nở hoa
  Đất trời Nguyên đán lòng ta
  Nhìn ra gặp những nõn nà mùa xuân … (Dáng xuân)
 Nhưng đã xong đâu, chúng ta cùng bước sang một chu kỳ mới. Trần Văn lợi vẫn còn đầy những “nhớ thương, mắc nợ …” đấy chứ. Mong anh cứ việc “nhẩn nha mùa màng” …
Hà Nội thu  -  2010
PNK