Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thế Mạc – một thi sĩ ẩn dật bên thành Sơn đã đi xa 1 năm

Phùng Hoàng Anh
Thứ năm ngày 23 tháng 12 năm 2010 3:16 AM
       Lúc sinh thời nhà thơ Thế Mạc và nhà thơ Bế Kiến Quốc rất quí nhau,nhưng khi nhà thơ Bế Kiến Quốc mất,thi sĩ Thế Mạc không đến viếng được: " ông đành nhỏ nước mắt vì không thể trực tiếp khóc cho Quốc vài câu.Ông đành bảo nhà văn Hà Nguyên Huyến,công tác ở Báo Văn nghệ cùng với nhà thơ Đỗ Bạch Mai – là phu nhân của nhà thơ Bế Kiến Quốc ,nói với Đỗ Bạch Mai là tôi đang bị kém về tuần hoàn não và đang bị liệt nửa người bên trái,không đi được,và ông nhẩm đọc những câu thơ " của nhà thơ Bế Kiến Quốc viết :

Buồn chẳng ích gì
Tiếc thương cũng muộn
Hoa tặng chẳng kịp mang khi người còn sống
Hoa tặng mà làm chi
Lời tốt chẳng nói ra khi người còn đang sống
.

        Vâng ! Đúng như ông đã viết về những kỉ niệm " Ngày đầu gặp nhà thơ Bế Kiến Quốc ở xứ Đoài " in trên tạp chí Tản Viên Sơn khi nhà thơ họ Bế qua đời.Hôm nay ,nhân ngày giỗ đầu ông,tôi lại đứng trước di ảnh của ông tại căn phòng tầng hai,ngôi nhà số 7 ở phố Đốc Ngữ ,thị xã Sơn Tây,TP Hà Nội,lại thắp nén hương thơm để tưởng nhớ một năm ông đã đi xa.
Tôi sinh năm 1976,ông sinh năm 1934,quê ông ở xã Cần Kiệm ,huyện Thạch Thất,còn quê tôi ở thôn Phương Khê,xã Phú Phương ,huyện Ba Vì.Nhưng tôi với ông cùng cư ngụ ở thị xã Sơn Tây nhỏ bé này.Từ nhà tôi ra nhà ông khoảng 10 cây số.Tôi được biết ông lần đầu tiên trên chương trình Văn nghệ của Đài PT – TH Hà Tây,lần đó họ quay chân dung ông.Tôi vốn học văn nên rất hâm mộ các nhà thơ ,nhà văn.Tôi cũng tập tành viết báo,in trên tờ báo Đảng của tỉnh Hà Tây ở các mục văn hoá văn nghệ,nhờ vậy mà tôi biết nhà thơ,nhà báo Nguyễn Khải Hưng,quê ở làng Đông Sàng,xã Đường Lâm ,thị xã Sơn Tây.Tôi thường xuyên ra thăm ông và trò chuyện thơ văn,vì quí tôi nên ông thường cho tôi đi cùng thăm các bạn văn ở Sơn Tây như nhà văn Hà Nguyên Huyến,nhà văn Đỗ Doãn Quát,nhà thơ Đinh Cự Châu,nhà thơ Chu Linh Quang,nhà thơ Quốc Toản,nhà phê bình Đỗ Tiến Bảng,trong đó người có công đầu trong việc khơi nguồn mạch thơ văn ở vùng Sơn Tây ,xứ Đoài là nhà giáo,nhà thơ Thế Mạc.
Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Thế Mạc,hôm ấy nhằm ngày sinh nhật nhà thơ Thế Mạc vào ngày 01.01.2004,chúng tôi gồm nhà thơ Đinh Cự Châu,Nguyễn Khải Hưng...và tôi chuẩn bị một bó hoa và món quà nhỏ đến để chúc mừng ông bước sang tuổi 70,và cũng năm này ông đón tin vui được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
         Năm 1960 ông đoạt giải thưởng về Thơ của Báo Văn Nghệ,nhưng năm 1959,25 tuổi ông bắt đầu làm thơ viết văn,26 tuổi được giải thưởng,sự nghiệp văn thơ,thành quả có được sớm hay muộn tuỳ độc giả bình giá.Mãi cho tới năm 1994 ông in tập thơ đầu tiên với tựa đề rất gọn Hồ - NXB Văn học 1994 với 42 bài thơ được chọn in,dày 56 trang ,in 500 cuốn,với phần bìa 1 và phụ bản của Lê Thiết Cương,bìa sau tranh chân dung của nhà thơ Thế Mạc do nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc vẽ,tập thơ này được trao giải B của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1996.Một chặng đường bền bỉ sáng tác,26 tuổi được giải thưởng của Báo Văn Nghệ,60 tuổi in tập thơ đầu tiên.Kể cũng muộn!Sau bốn năm ông cho ra đời tập thứ hai với tựa đề Nguồn – NXB Hội nhà văn 1998,với 41 bài thơ được chọn in,phần trình bày bìa của Kiều Phán,số lượng in 500 cuốn,khổ 13 x19cm,dày 71 trang.Đây là hai tập thơ được giới phê bình đương thời đánh giá cao,gây được tiếng vang trong phong trào thơ ca Hà Tây đương đại nói chung và cả nước nói riêng.Giới nghiên cứu phê bình đã viết về hai tập thơ này có nhà văn ,nhà thơ,nhà lý luận phê bình : Ngô Quân Miện,Nguyễn Trác,Đỗ Lai Thuý,Khuất Quang Thuỵ,Nguyễn Quang Thiều,Dương Kiều Minh,Đỗ Tiến Bảng,Quách Tám...
       Đến năm 2003,ông cho ra đời tuyển tập Thế Mạc – NXB Hội nhà văn 2003,in số lượng 1000 cuốn ,khổ 13 x19 với 447 trang,đó là những cuốn sách tôi được ông kí tặng,tổng số trang đã in là 574 trang,một đời viết văn như vậy,in như vậy như thế là nhiều hay ít tuỳ độc giả bình giá,nhưng cứ nhìn vào những giải thưởng mà ông có được thật đáng nể:
Giải thưởng báo Văn nghệ 1960.
Giải thưởng báo Độc lập 1961.
 Giải thưởng Việt Bắc 1963.
Giải thưởng Thiếu nhi 1964.
 Giải thưởng Thầy giáo và Nhà trường lần 1 và lần 2 do Bộ Giáo Dục tổ chức.
Giải thưởng Thiếu nhi Hà Tây lần 1 và lần 2.
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Trãi lần 1 và lần 2.
Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1994.
Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật 1994....
          Ông là người cùng thời và là bạn với các nhà thơ,nhà văn Nguyễn Hà,Băng Sơn,Vân Long...Mỗi người đều chọn cho mình một đề tài riêng,Băng Sơn cả đời viết về Hà Nội thì Thế Mạc cả đời viết về xứ Đoài.Đọc thơ,truyện,kịch,tản văn,tiểu luận phê bình của Thế Mạc ta thấy  rất rõ điều đó.Nào là Trường ca Núi Tổ ( Ba Vì ),Múa rối : Phùng Hưng đánh hổ,đồi hổ gầm.Kịch thơ :Dưới chân núi Ba Vì.Tiếng đàn trên đỉnh núi.Nguyễn Trãi ở Đông Quan...Văn xuôi : Truyện Ao Vua,truyện Đồng Mô.Tản văn : Nét quê in chung với nhà văn Hà Nguyên Huyến – NXB Thanh Niên 2005, 1000 cuốn ,khổ 13 x 19 , dày 240 trang ( trong đó có 22 bài tản văn của Thế Mạc với 132 trang in,còn lại 94 trang in của Hà Nguyên Huyến với 14 bài tản văn ). Những sáng tác của ông chủ yếu nói tới đất ,người,sản vật,phong tục của người xứ Đoài.Cũng giống như cố nhà văn Sơn Nam ,người ta thường gọi ông là " ông già Nam Bộ ",bởi đọc văn ông người ta dễ nhận ra tên đất ,tên người,những phong tục tập quán được cô đọng lại trên những trang viết của các ông.Thật tuyệt vời nếu nhà văn ,nhà thơ,nhạc sĩ,hoạ sỹ nào cũng viết về vùng đất của mình sống như vậy thì nhân loại sẽ có thêm nhiều tri thức về nhiều vùng văn hoá khác nhau.
     Riêng tôi có may mắn được gặp nhà thơ Thế Mạc là bởi cả ông và tôi đều xuất thân là nhà giáo,ông thì đã quá thành công trên sự nghiệp sáng tác và bồi dưỡng nhiều thế hệ học trò trưởng thành trong lĩnh vực giáo dục và văn học nghệ thuật.Rất tiếc tôi không được học ông,bởi tôi học cấp 3 ở trường Quảng Oai ,còn ông thì dạy học ở trường cấp 3 Tùng Thiện và Sơn Tây.Những học trò của ông nay đã thành danh phải kể tới TS Ca trù Nguyễn Xuân Diện,hai anh em nhà báo ,nhà thơ ,nhà văn Đỗ Doãn Hoàng,Đỗ Doãn Phương,nhà thơ Chu Hồng Tiến ,Bế Kim Loan...Những người chịu ảnh hưởng từ ông ít nhiều để trưởng thành trong nghiệp văn có nhà văn Đỗ Doãn Quát,nhà văn Hà Nguyên Huyến,nhà thơ Nguyễn Khải Hưng,nhà thơ Đinh Cự Châu,nhà thơ Chu Linh Quang,nhà phê bình Đỗ Tiến Bảng,nhà thơ Quốc Toản...Cái nôi ấy được khởi nguồn từ Câu Lạc Bộ Văn học Nghệ thuật Sông Tích – Sơn Tây.Sau này họ đều trở thành những Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây trước đây,và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội sau này.Có người trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như nhà văn Đỗ Doãn Quát,nhà văn Hà Nguyên Huyến...
         Trong những bài viết về chân dung nhà thơ ,nhà văn Thế Mạc của nhà thơ Quốc Toản,nhà văn Hà Nguyên Huyến,nhà phê bình Đỗ Tiến Bảng,nhà thơ Nguyễn Khải Hưng...nhà báo Đỗ Doãn Phương và TS Nguyễn Xuân Diện đều thấy rõ tình cảm của người viết dành cho nhà thơ.Nhà thơ Thế Mạc thật hạnh phúc !Tôi thấy nhiều anh em văn nghệ sĩ gọi nhà thơ Thế Mạc là Thầy nhưng họ không học ông ngày nào như Nguyễn Bá Cự,Nguyễn Khắc Kình...
Thành quả có được của một đời người như vậy cũng là quá đủ.Về đời sống tinh thần như vậy thật hạnh phúc ,được đồng nghiệp cầm bút nể trọng,các thế hệ học trò kính nhớ!
Nhà văn Hà Nguyên Huyến đã âm thầm làm nhiều việc để tỏ lòng thành kính đối với người thầy của mình.Anh tâm sự với tôi: - Mình sẽ tổ chức một buổi ghi hình nhà thơ Thế Mạc tại nhà riêng! Hôm anh em ở chương trình CLB Thơ của Đài Truyền hình Việt Nam – VTV 1 lên Sơn Tây để ghi hình,phỏng vấn về Thơ Thế Mạc,tôi cùng nhà văn Hà Nguyên Huyến đi từ Đường Lâm xuống gặp gỡ anh em.Qua thị xã,tôi và nhà văn Hà Nguyên Huyến có tạt vào  quán Phở C,có tiếng ở Sơn Tây để điểm tâm!Sau đó qua phố Đốc Ngữ tới số 7,vào nhà riêng của nhà thơ Thế Mạc đã thấy e kíp làm phim có mặt ở đó,tôi còn nhớ có Biên tập viên Khang Anh,Xuân Anh...Hôm ấy,những bạn văn có mặt tại nhà riêng của nhà thơ Thế Mạc gồm nhà thơ Nguyễn Khải Hưng ,Đinh Cự Châu,nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Đình Tuệ,hoạ sỹ Kiều Phán,nhà phê bình Đỗ Tiến Bảng,nhà văn Hà Nguyên Huyến và tôi.Sau khi làm chương trình xong,nhà văn Hà Nguyên Huyến mời e kíp làm phim ra quán Lẩu B – Quý nổi tiếng tại phố Quang Trung,đây là quán ăn mà  rất nhiều văn nghệ sỹ đã dừng chân để thưởng thức.Cũng tại quán này,cách đó không lâu,tôi cùng nhà thơ Tô Thi Vân,nhà văn Hà Nguyên Huyến ,nhà thơ Quốc Toản sau khi vào thăm nhà thơ Thế Mạc,mấy anh em kéo nhau ra đây nhậu.Lần ấy,nhà báo nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra,ông đi xe về bến xe Sơn Tây,sau đó nhà thơ Quốc Toản ra đón,rồi cả mấy anh em kéo nhau đi ngồi nhâm nhi cà phê cho tới khi cái lạnh của mùa Đông thấm vào da thịt mấy anh em mới tạm dừng hàn huyên để về nhà.Cũng vẫn là tình nghĩa thầy trò,nhà văn Hà Nguyên Huyến đã tập hợp những bài tản văn của Thế Mạc đã in rải rác trên các báo,rồi xin giấy phép ,rồi xuất bản để lưu lại chút kỉ niệm tình thầy trò.
      Thường thường,tôi rỗi lúc nào là vù xe ra thăm ông,không đi thấy nhớ!Mỗi lần gặp,ngồi nói chuyện hàng tiếng đồng hồ với ông tại gác hai,số 7 – Đốc Ngữ,nơi nhà thơ cư ngụ.Cứ thấy tôi ra ,là anh con trai cả của ông pha một ấm trà mạn,đặt một bao thuốc Vi na và một chiếc bật lửa vào chiếc đĩa con,mang tới bàn ông thường tiếp khách.Ông thường hỏi tôi hồi này có gặp Hà Nguyên Huyến không,bởi nhà văn Hà Nguyên Huyến thường bận đi công tác xa,rồi ông hỏi thăm về nhà văn Băng Sơn,vì ông biết tôi hay thông tin qua lại với nhà văn Băng Sơn,rồi ông hỏi thăm tôi có biết Nguyễn Xuân Diện không – ông này trẻ nhưng giỏi lắm! Có triển vọng trong nghiên cứu khoa học,ông còn lấy ra cho tôi những tập tài liệu mà TS Nguyễn Xuân Diện viết và đọc tham luận tại cuộc Hội thảo Sơn Tinh và Vùng văn hoá cổ,Nguyễn Bá Lân – Cuộc đời và sự nghiệp.Lúc ấy tôi chưa biết anh Nguyễn Xuân Diện,bởi anh Diện là học trò của nhà thơ.Mãi sau này tôi mới gặp anh tại nhà riêng của nhà văn Đỗ Doãn Quát tại Mông Phụ - Đường Lâm,nhân chuyến về quê.
 Từ năm 2005 trở đi, ông ít viết,bởi tay run,tuổi già.Đầu năm 2007,ông bảo tôi,cậu giúp mình tập hợp lại những bài viết,in trên các tạp chí lại thành một cuốn.Hội nhà văn Việt Nam họ hỗ trợ kinh phí in ấn.Tôi lục tìm trong các số tạp chí Tản Viên Sơn,cứ có bài nào của Thế Mạc là đánh máy hết,tập hợp được hơn 100 trang A4,in ra gửi ông.Ông xem lại,rồi sửa,rồi in ra,đóng thành quyển.Ông bảo tôi: - Cậu giúp mình mang nộp cho nhà thơ Đặng Hiển!Ông ấy chuyển tới Hội Nhà văn Việt Nam để họ duyệt kinh phí hỗ trợ.
          Vậy mà lúc ông còn sống vì nhiều lí do,tập tiểu luận phê bình chưa kịp in được,ông nói với tôi : In xong tặng mỗi anh em một tập cho nó quý!Bởi đa số đây là những bài viết giới thiệu của ông về những tập thơ của bạn bè như: Đinh Cự Châu,Nguyễn Khải Hưng,Quốc Toản,Bế Kim Loan,Nguyễn Bá Cự,Nguyễn Văn Trang,Thanh Ứng ,Đặng Hiển ,Lê Trung Tiết...
Tôi gặp ông lần cuối cùng,hôm ấy là ngày 19 tháng 12 năm 2009,sau khi đưa Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện từ Đường Lâm xuống bến xe Sơn Tây,tiễn anh lên xe xong,tôi vào thăm ông .Lúc ấy là 13 giờ 30,tôi nhẹ nhàng bước lên gác hai,đẩy cửa bước vào.Tôi thấy ông đang ngủ,tôi bước xuống ra về.Đây là lần cuối cùng tôi được gặp ông nhưng không được cùng ông tâm sự nữa ,bởi ông đang ngủ.Không ngờ sau lần gặp ấy,tôi mãi mãi không còn được gặp ông nữa! Bởi sau hôm ấy ,thân mẫu của tôi mắc bệnh ung thư phổi phải nhập viện và điều trị tại Bệnh Viện K  - Hà Nội,tôi không qua lại ông thăm vì phải đi đi lại lại từ Sơn Tây về Hà Nội chăm sóc thân mẫu.
      Những ngày cuối năm dương lịch 2009,mấy anh em tôi cùng Nguyễn Xuân Diện còn điện thoại hỏi thăm nhau,nghỉ lễ có về quê không...Lúc ấy là 20 giờ ngày 31.12.2009,nhưng chưa đầy tiếng sau thì anh điện lại và báo tin cho tôi: - Hoàng Anh ơi! Thầy Thế Mạc mất rồi!Mất chiều nay.Mai an táng! Được tin dữ, tôi báo tin cho nhà văn Băng Sơn : Nhà thơ Thế Mạc mất chiều nay!Nhà văn Băng Sơn nói : - Mình yếu qua không về viếng Bác Mạc được,Hoàng Anh cho mình gửi lời chia buồn tới gia đình nhà thơ Thế Mạc nhé.
          Hôm sau an táng nhà thơ Thế Mạc xong,nhà phê bình Đỗ Tiến Bảng điện báo cho tôi hay tin.Đám táng được tổ chức chu đáo!Ngay sau khi nhà thơ Thế Mạc mất,các anh Quốc Toản ,Hà Nguyên Huyến,cùng ông Đỗ Tiến Bảng đã có một cuộc hội ý nhanh,phân công tổ chức thành lập Ban Lễ tang do nhà thơ Quốc Toản chủ trì,viết điếu văn do nhà văn Hà Nguyên Huyến đảm nhận,nhà phê bình Đỗ Tiến Bảng lo đón tiếp khách văn xa gần.Công việc chu tất,đến hôm nay tròn một năm.Tôi cố quên đi cái đau lớn trong gia đình, đó là sự ra đi của Mẹ tôi vào sáng 30 Tết năm Canh Dần,để viết về sự ra đi của nhà thơ Thế Mạc cũng ra đi vào ngày cuối cùng của năm dương lịch 2009, chiều 31 tháng 12 năm 2009,hôm sau là ngày sinh nhật ông ,vậy mà ông không ở thêm vài tiếng đồng hồ nữa để dự lần sinh nhật thứ 76 của đời người.Ông sống lặng lẽ bên thành Sơn như một vị hương sư,ẩn sĩ..ẩn dật,và ông ra đi cũng rất lặng lẽ.
  Nhà thơ Thế Mạc ơi! Chắc giờ này cả ông và nhà văn Băng Sơn và cả mẹ tôi nữa đều đã có mặt ở thế giới bên kia.Còn Di cảo của ông đã được in thành sách và tặng bạn bè nhân ngày giỗ đầu ông năm nay,bạn bè,người thân của ông đã tề tựu đông đủ để tưởng nhớ ông.Chúc ông thanh thản ở thế giới bên kia!

Phùng Hoàng Anh
 Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội
 Số nhà 28, tổ 40, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây ,TP Hà Nội