Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HIỆU ỨNG TIN ĐỒN

Vũ Quốc Túy
Thứ năm ngày 25 tháng 11 năm 2010 5:35 AM
 
    Trong  “Quốc sách” có chuyện kể rằng:  Ở đất Phi có ông tên là Tăng Sâm  Nơi này có kẻ trùng tên với ông ta giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo với mẹ Tăng Sâm rằng “Tăng Sâm giết người!” Bà mẹ nói “Chẳng khi nào con ta lại giết người” Rồi bà lại điềm nhiên dệt cửi. Một lúc, lại có người đến bảo “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc nữa lại có người đến bảo “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
      Lời bình :Tin đồn, theo Từ điển tiếng Việt là tin được truyền miệng cho nhau một cách không chính thức, không rõ nguồn gốc và không có sự đảm bảo về tính chính xác. Nhà văn  Đan Mạch An-đéc-xen (1805-1875) có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng chị gà mái ở đầu làng bị rụng một chiếc lông mà cái tin đó loan đến cuối làng là chị ta đã nhổ trụi sạch lông để làm dáng với mấy anh gà trống! Có những điều rất vô lý,  khó tin, nhưng nghe một vài người nói còn nghi hoặc chứ đi đến đâu, gặp ai cũng thấy nói thì người vững tâm đến mấy cũng phải nao núng. Đấy chính là hiệu ứng của tin đồn. Ngày nay, với phương tiện truyền thông hiện đại, tin đồn được lan truyền rất nhanh và gây không ít hậu quả nghiêm trọng.
   Đã từng có tin tức rêu rao trên truyền thông đại chúng rằng ăn bưởi bị ung thư, bệnh dịch tả do ăn mắm tôm, đã xuất hiện trứng gà giả trên thị trường v.v… làm cho mấy nhà sản xuất và kinh doanh điêu đứng. Phải chăng đấy là tin tức chọc thối nhằm “hạ thủ” đối tượng cạnh tranh trên thương trường? Mặc dù thông tin sau đó được cải chính thì khoảng thời gian từ lúc loan tin đến khi cải chính, xin lỗi cũng đủ làm cho doanh nghiệp và nông dân phá sản. Người tung tin có danh tính hẳn hoi mà chẳng ai bị xử phạt và bồi thường thiệt hại cả. Thế nên tiếp sau mới rộ lên chuyện ma ở sông Tô Lịch. Giữa năm 2010 này, người ta lại kháo chuyện nhà ngoại cảm nọ, nhà tiên tri kia khẳng định đến ngày ấy ngày nọ sập cầu này, cầu kia v.v Ở thời đại bùng nổ thông tin đòi hỏi người ta phải bình tĩnh trước mọi thông tin đa chiều. Thông tin phải được kiểm chứng, xác định sự thật trước khi đặt niềm tin vào nó, bất kể  thông tin ấy có nguồn từ đâu .
Cái khôn ngoan của người tuyên truyền quảng cáo là cứ lặp đi lặp lại thông tin nhiều lần và cuối cùng, ít nhiều cũng “nhồi sọ” được đối tượng.
Vũ Quốc Túy