Đại hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XI diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/11/2010 tại Nhà văn hoá Học sinh - Sinh viên, 37 Trần Bình Trọng, Hà Nội với sự có mặt của 277 hội viên (Chiếm 49.6%, trong tổng số 558 hội viên).
DÒNG VĂN HỌC THỦ ĐÔ CHẢY NHƯ THẾ NÀO?
Đến dự có ông Nguyễn Khả Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội và đại diện nhiều tổ chức, cơ quan, các đơn vị trên địa bàn thủ đô.
Tại buổi khai mạc Đại hội, tham luận của các đại biểu đã đánh giá đúng thực trạng tình hình văn học Thủ đô thời gian qua và đưa ra các phương hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới. “Văn học Thủ đô hoà trong nền văn học của cả nước, vì thế càng tỏ rõ tính quần tụ mà vẫn đặc trưng của nó. Đó là nơi hội tụ mọi sắc màu, thanh điệu, là nơi hoà trộn những kết tinh từ mọi vùng, miền. Sáng tác thời gian qua đã cho thấy đời sống đang vận động của Thủ đô chính là bức tranh điển hình của đất nước, dân tộc” nhà văn Hồ Anh Thái cho biết.
Chặng đường 5 năm qua là điểm nhấn để Hội thể hiện quan niệm văn chương của mình. Nhiều giải thưởng đã được trao cho những tác phẩm xuất sắc của hội viên. Đây là bằng chứng khẳng định nền văn học Hà Nội đã hoà chung được vào dòng chảy của văn học cả nước và thế giới.
Báo cáo của BCH Hội nhà văn Hà Nội khoá XI đã khẳng định: “Dòng văn học thủ đô trong những năm gần đây, cũng khá đậm chất lịch sử và truyền thống. Những bộ tiểu thuyết dày dặn bao quát tinh thần của cả một thời đại, tái hiện từ phong tục tập quán đến con người, xã hội của một thời đã qua. Nhiều tác phẩm đã vượt qua mức độ minh hoạ của lịch sử để có những cách kiến giải mới, vừa đến gần hơn với chân lý, vừa phù hợp với hiện thực, lại vừa thể hiện đúng một tinh thần đương đại… Hiện thực phong phú và ngổn ngang cần những tài năng văn chương tiếp tục khai thác và tái hiện, để sáng tạo ra những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc thủ đô và sự kỳ vọng của công chúng yêu văn học”.
Bên cạnh những ý kiến phát biểu về chuyện nghề, các nhà văn hội viên đã tỏ ra khá hài lòng với những gì BCH khoá XI của Hội đã làm được: Tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, giao lưu với các hội tỉnh bạn; hàng năm phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Bộ VHTT&DL mở trại sáng tác tại Tam Đảo và Đại Lải, làm khá tốt việc giới thiệu thông tin văn học mới cũng như tạo cơ hội cho các nhà văn, nhà thơ gặp gỡ bàn chuyện nghề qua một loạt cuộc hội thảo, tọa đàm về các tác phẩm văn học và xem các phim, kịch dựa theo tác phẩm văn học; nâng cao chất lượng công tác phát triển hội viên mới.
Đặc biệt, Giải thưởng văn học hàng năm của Hội đã thực sự nhận được sự quan tâm của độc giả và báo chí trong cả nước, được đánh giá là một giải thưởng văn học tuy nhỏ về vật chất nhưng có uy tín về chất lượng. Năm 2010, 3 tác giả đạt giải là tập thơ “Cởi gió” của Nguyễn Phan Quế Mai, tiểu thuyết “Nhân gian” của Thuỳ Dương, tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” của Lưu Quang Vũ – giải thành tựu được đánh giá tốt và đã gây được tiếng vang trong dư luận.
Nhiều nhà văn lớn tuổi có nhiều năm sống, viết và trải nghiệm, ngậm ngùi: Bây giờ Hà Nội quá lớn do sát nhập với Hà Tây cũ. Đội ngũ nhà văn đông nhưng những người viết về Hà Nội thì ít. Những người tâm huyết với thủ đô không nhiều. Mong qua đại hội này, các nhà văn có nhiều tác phẩm về Hà Nội thật và hay hơn.
Nhà thơ Vương Trọng thì cho rằng do ít có điều kiện trao đổi cùng nhau nên ông phải đợi đến kỳ đại hội để được giao lưu cùng các bạn thơ. Nhiều người đến đại hội lần này chỉ để thoả mãn nhu cầu gặp gỡ đông đủ bạn bè sau suốt 5 năm “văn kỳ thanh” chờ đợi, hỏi nhau xem có gì mới.
Nhà văn Đức Ánh đã viết sẵn lời đề tặng từ nhà, để đỡ mất thời gian ông chỉ việc hỏi tên và “điền vào chỗ trống” nhân vật được tặng sách.
Nhiều nhà văn, nhà thơ rất lãng mạn “mai phục” sẵn ở cửa ra vào, dúi vào bất kỳ tay ai những bài thơ/ tập thơ/ tiểu thuyết… với lời “đe doạ” dễ thương: “Đọc đi nhé, mới đấy, có gì thì thông tin”. Chợt bật cười khi chợt nhớ đến mấy câu tếu thi: “Xổ ra một đống thơ tình/ Nửa thành giấy góa, nửa rình tặng nhau”. “Rình” tặng nhau, là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong buổi chiều bầu cử đầy gió và sóng hồ Thiền Quang Hà Nội.
Nhà văn Lê Xuân Khoa đã tâm sự: “Hay dở dài ngắn gì thì cũng phải viết, in được thì in, không in được thì để đấy. Nghiệp văn chương là thế, văn ôn võ luyện, chỉ gác bút dăm tháng, một năm là đầu óc trống rỗng, chẳng biết viết cái gì, chẳng có gì để mà viết. Vẫn biết trên thế giới, nước nào cũng vậy, nền văn học nó như một nhịp cầu không thể thiếu của cái cầu dài nối thế giới bên ngoài để chuyển tải bản chất, tính cách và chủ nghĩa nhân văn của dân tộc”.
Các hội viên cũng bày tỏ mong muốn hội có được cơ chế hoạt động cho phép tạo được nguồn kinh phí để phục vụ công tác tốt hơn và mở rộng giao lưu quốc tế. Hầu hết các hội viên của Hội nhà văn Hà Nội đều bày tỏ mong muốn sau đại hội lần này, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tạo được cú hích giúp cho văn học thủ đô phát triển. Website văn học đại diện cho Hội Nhà văn Hà Nội là cần thiết vì nó liên quan nhiều đến quyền lợi của nhà văn.
HÒM PHIẾU KỂ CHUYỆN
Một nội dung được chờ đợi trong phiên làm việc đầu tiên đó là lập danh sách đề cử và ứng BCH Hội nhà văn Hà Nội khoá XI. Đại hội đã thống nhất bầu BCH mới gồm 11 người. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên xin ý kiến đại hội, để số phiếu tập trung, chỉ nên giới thiệu nhân sự gấp đôi số lượng BCH mới sẽ lựa chọn. Đại hội ồn ào và bắt đầu “nóng”, nhiều cánh tay giơ lên đòi Mic.
“Nổ” phát súng đầu tiên, nhà văn Nguyễn Đức Trọng đề cử một lúc có… 6 người, ông nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng BCH cần những người trẻ và đề cử Trần Hoàng Thiên Kim. Rất nhiều nhà văn đề cử một lúc 4,5 người. Lo bị “chốt” con số, nhiều người “xông” lên khu vực bàn Đoàn chủ tịch, mượn tạm Mic và liên tục đề cử. Cuối cùng đã có 37 người được đề cử, không có ai tự ứng cử.
Nhà văn Hồ Anh Thái, xin rút vì đã hơn 10 năm trong BCH, trong đó 2 nhiệm kỳ liên tiếp là Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. Nhà văn Trần Nhương xin rút vì “Tôi năm nay đã thất thập, xin nhường công việc cho những người trẻ hơn gánh vác” và đề nghị Nhà văn Hồ Anh Thái tiếp tục ở trong danh sách bầu BCH khoá mới, cho dù không ở cương vị chủ tịch Hội. Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, xin rút khỏi danh sách được đề cử vì tập trung vào công việc kinh doanh. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đi công tác nước ngoài và trước đó đã xin rút qua “điện thoại” với nhà văn Phạm Xuân Nguyên (Nếu được đề cử)…
Đại hội cũng nhất trí, những người vắng mặt tại Hội trường sẽ không đưa vào danh sách bầu BCH, vì “Mình muốn nhưng người ta không muốn thì sao”. Như vậy:
13 người rút khỏi danh sách bầu (Tự nguyện hoặc vắng mặt):
1. Trần Nhương, 2. Hồ Anh Thái, 3. Đỗ Bạch Mai, 4. Lê Minh Khuê, 5. Trần Chiến, 6. Nguyễn Thị Thu Huệ, 7. Lại Hồng Khánh, 8. Nguyễn Hoà Bình, 9. Lê Thành Nghị, 10. Vũ Từ Trang, 11. Trần Gia Thái, 12. Đoàn Mạnh Phương, 13. Đoàn Tử Huyến.
24 nhà văn nhà thơ có tên trong danh sách bầu cử:
1. Nguyên An, 2. Y Ban, 3. Nguyễn Việt Chiến, 4. Nguyễn Sĩ Đại, 5. Trần Dũng, 6. Nguyễn Hiếu, 7. Vũ Xuân Hoát, 8. Trần Hoàng Thiên Kim, 9. Đoàn Lam Luyến, 10. Nguyễn Thị Mai, 11. Dương Kiều Minh, 12. Bùi Việt Mỹ, 13. Phạm Xuân Nguyên, 14.Nguyễn Thành Phong, 15. Trần Quang Quý, 16. Nguyễn Trung Sơn, 17. Bùi Hoàng Tám, 18. Nguyễn Thị Minh Thái, 19. Lê Trung Tiết, 20. Quốc Toản, 21. Trần Thị Trường, 22. Giáng Vân, 23. Lê Trọng Văn, 24. Bằng Việt
17h chiều 22/11/2010 các nhà văn nghỉ giải lao để Ban thư ký đánh máy danh sách những người được đề cử và làm phiếu bầu. Sau 3 tiếng bị “nhốt” trong Hội trường để nghe tham luận và các ý kiến phát biểu, nhà văn nào cũng đói. Vài lát bánh ngọt, hoa quả, thịt xiên nướng… bày trên bàn chỉ 10 phút đã hết sạch. Có khá nhiều người đã gọi taxi hoặc đi bộ ra quán bên cạnh để nạp thêm năng lượng.
Do số lượng hội viên đông, sáp nhập giữa Hà Tây và Hà Nội (558 hội viên), vì vậy Đại hội đã thống nhất bầu BCH mới gồm 11 người. 17 giờ 30, việc bầu cử được xúc tiến.
Các nhà văn phát biểu rất hăng, nhưng đến lúc bỏ phiếu thì lại diễn ra tình trạng bỏ phiếu thay, có người cầm cả nắm phiếu, đứng khá lâu cố nhét những lá phiếu “đóng dấu đỏ” một cách tin cậy vào miệng hòm phiếu. Người bỏ phiếu cuối cùng vào Hòm phiếu là nhà văn Bảo Ninh.
Ban Kiểm phiếu được Đại hội biểu quyết gồm 25 hội viên, do nhà văn Trần Hữu Tòng làm Trưởng ban, Nguyễn Thị Minh Thông làm Phó ban.
Danh sách Ban Kiểm phiếu như sau:
1. Trần Hữu Tòng làm Trưởng ban, 2. Nguyễn Thị Minh Thông làm phó ban, 3. Lê Xuân Khoa, 4. Tôn Phương Lan, 5. Nguyễn Thế Hùng, 6. Phạm Phong Điệp, 7. Phạm Duy Nghĩa, 8. Đinh Ngọc Quang, 9. Đoàn Bổng, 10. Hoàng Việt Hằng, 11. Nguyễn Thị Anh Thư, 12. Phạm Thanh Quy, 13. Nguyễn Thị Thu Hoà, 14. Trần Thị Nương, 15. Nguyễn Hữu Sơn, 16. Phi Tuyết Ba, 17. Phạm Đông Hưng, 18. Trần Đăng Thao, 19. Nguyễn Quang Tần, 20. Trương Ngọc Lan, 21. Lê Thanh Nga, 22. Nguyễn Hoà Bình, 23. Hoàng Kim Dung, 24. Nguyễn Đức Quang, 25. Phan Quế.
Ban Kiểm phiếu được chia làm 8 tổ, mỗi tổ 3 người để thực hiện công tác kiểm phiếu. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ làm việc khẩn trương và khoa học, 19h30 cùng ngày, Biên bản kiểm phiếu đã được thông qua Ban kiểm phiếu.
Kết quả:
Số phiếu phát ra: 277
Số phiếu thu về: 272
Số phiếu hợp lệ: 238
Số phiếu không hợp lệ: 34
Như vậy có 5 người nhận phiếu và không nộp lại cho Ban kiểm phiếu. Tính cả số phiếu không hợp lệ, thì có tổng số 39 phiếu “hỏng”, một con số đáng giật mình, khi trước đó các nhà văn thủ đô, đều được BTC phát một tờ Quy chế bầu cử Ban Chấp hành khoá XI, nhiệm kỳ 2010 – 2015 (Trong tập tài liệu Đại hội lần thứ XI).
Họ tên
Số phiếu
Tỷ lệ %
1. Phạm Xuân Nguyên
188/238
78.9
2. Bùi Việt Mỹ
177/238
74.3
3. Bằng Việt
161/238
67.6
4. Nguyễn Việt Chiến
143/238
60.0
5. Dương Kiều Minh
132/238
55.4
6. Nguyễn Sĩ Đại
130/238
54.6
7. Nguyễn Thị Mai
119/238
50
8. Lê Trung Tiết
119/238
50
9. Y Ban
118/238
49.5
10. Đoàn Lam Luyến
111/238
46.6
11. Trần Quang Quý
101/238
42.4
12. Nguyễn Thị Minh Thái
92/238
38.6
13. Nguyên An
91/238
38.2
14. Nguyễn Trung Sơn
90/238
37.8
15.Nguyễn Thành Phong
87/238
36.5
16. Trần Thị Trường
86/238
36.1
17. Nguyễn Hiếu
74/238
31.0
18. Trần Hoàng Thiên Kim
69/238
28.9
19. Giáng Vân
69/238
28.9
20. Nguyễn Trọng Văn
60/238
25.2
21. Vũ Xuân Hoát
58/238
24.3
22. Bùi Hoàng Tám
58/238
24.3
23. Trần Dũng
52/238
21.8
24. Quốc Toản
52/238
21.8
Kết quả bầu cử BCH Đại hội XI Hội Nhà văn Hà Nội
Như vậy, chỉ có 6 nhà văn đạt số phiếu quá bán. Theo Điểm 8, Quy chế bầu cử BCH khoá XI, chỉ có 6 người trúng cử.
AI ĐÃ RÚT ĐI 50% “CÔNG LỰC” HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI?
Thực hiện Quyết định số 17 QĐ/HLVHNT ngày 6 tháng 10 năm 2008 của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội về việc chuyển toàn thể Hội viên 7 chi hội chuyên ngành Hội VHNT Hà Tây (cũ) về sinh hoạt tại các hội chuyên ngành Hội LHVHNT Hà Nội hợp nhất, đã đón nhận 53 hội viên chi hội Văn học Hà Tây (cũ) về sinh hoạt tại Hội nhà văn Hà Nội.
Hiện nay, Hội nhà văn Hà Nội với 558 hội viên, trong đó có 221 hội viên là hội nhà văn Việt Nam, số hội viên nữ là 100, số hội viên được kết nạp trong 5 năm qua là 105. Số hội viên bị khai trừ là 1 (Trần Khải Thanh Thuỷ). Số hội viên đã mất trong thời gian 2006 - 2010 là 45 người (Với nhiều tên tuổi khả kính như nhà văn Lê Bầu, Hoàng Cầm, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Bùi Vợi, Quan Huy Ích, Ngô Quân Miện, Xuân Sách, Hoàng Công Khanh, Băng Sơn, Xuân Thiều, Vũ Bão, Hoàng Công Khanh…).
Hội nhà văn Hà Nội là Hội đông nhất nước, hơn rất nhiều so với thành phố Hồ Chí Minh. Việc tìm ra nhiều nhân tố trẻ, khoẻ gánh vác công việc của Hội là hết sức cần thiết. Nhưng do công tác chuẩn bị nhân sự và tổ chức cập rập, nên những người có ích cho Hội, lại chưa được kết nối đến gốc rễ (nếu vào BCH càng có nhiều điều kiện để giúp đỡ hội viên phát huy) như Đoàn Mạnh Phương – Giám đốc Văn hoá Trí tuệ Việt, Đại tá Nguyễn Thụ - Phó Giám đốc Nxb Công an nhân dân…
Chiều 22/11/2010, có 277/558 nhà văn (49.6%) có mặt để nhận phiếu bầu cử, Đại hội đã nhất trí thông qua con số BCH là 11 người. Như vậy, chưa đến 50% Hội viên có mặt để dự đại hội, Đại hội này liệu có phù hợp và đại diện được cho toàn thể 100% hội viên Hội nhà văn thủ đô? Cách thức và phương phương pháp gửi giấy mời như thế nào, liệu có đến được tay Hội viên?
Ông Nguyễn Khả Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại Đại hội cho biết: Chiều thứ 6 (19/11) mới nhận được giấy mời. Trong khi đó, sáng thứ hai đầu tuần (22/11) là bắt đầu đại hội. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu sáng thứ hai gửi bản phương hướng và báo cáo một số vấn đề có liên quan đến Đại hội, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Trong phiên họp sáng (23- 11), Đại hội nhất trí “vỗ tay” giữ nguyên con số 6 người trong BCH. Vì lý do ngại bầu lại, nếu bầu lại phải làm việc thêm cả buổi chiều. Nhà văn đáng yêu là ở chỗ đấy. Rất mạnh mẽ, hùng tâm tráng khí, búa lớn đao to, nhưng đọc xong tham luận của mình là ai cũng muốn về, không muốn nghe ý kiến của số đông các hội viên khác.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói vui là chuyện gì đưa ra Đại hội cũng thấy vỗ tay. “Đại hội vỗ tay” là mỹ từ được dành riêng cho Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội có 40% người là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nên chuyện vỗ tay không có gì quá lạ.
6 nhà văn đặt số phiếu “quá bán” là: Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, Dương Kiều Minh, Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Sĩ Đại.
10h30 phút sáng 23/11/2010, BCH Hội nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XI đã ra mắt:
1. Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch
2. Dương Kiều Minh – Phó Chủ tịch
3. Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch
4. Bằng Việt
5. Bùi Việt Mỹ
6. Nguyễn Việt Chiến
BCH mới không có nữ, trong khi đó số hội viên nữ là 100 người, ai sẽ là người quan tâm đến đời sống tinh thần cho các nhà văn nữ thủ đô?
Hai nhà văn Lê Trung Tiết, Nguyễn Trung Sơn – Uỷ viên BCH Hội nhà văn Hà Nội khoá X (Bổ sung khi sáp nhập năm 2008) đã không trúng cử.
Đáng tiếc nhất là trường hợp của Nguyễn Thị Mai và Lê Trung Tiết khi mỗi người đều có 119/238 phiếu (Đúng tròn 50%), đã không được đưa ra xin ý kiến Đại hội. Vì nếu đưa ra, Đại hội sẽ “vỗ tay” thông qua, vì số lượng BCH 6 người/558 hội viên là quá ít (Trước đó Đại hội đã biểu quyết BCH 11 người). Chưa bàn đến công việc chuyên môn, chỉ riêng chuyện hiếu, hỉ và việc BCH chỉ có 6 người, liệu có trường sức để gánh vác một Hội Nhà văn Hà Nội mở rộng vơi hơn 500 hội viên, khi nhìn vào 1 nhà lý luận phê bình và 5 nhà thơ trong độ tuổi “tri thiên mệnh” của Ban Chấp hành mới?
Bài, ảnh: LÃNG TỬ ĐẠT MA