Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ NGUYỄN LƯƠNG NGỌC - CUỘC CÁCH TÂN THI CA CÒN DANG DỞ

Dương Kiều Minh
Thứ tư ngày 24 tháng 11 năm 2010 1:08 PM
 
Đã mười mấy năm trôi qua, kể từ khi nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bất ngờ gặp hiểm nạn năm 1997, mấy năm sau rồi mất. Anh để lại một cuộc cách tân thơ ca đầy hứa hẹn và triển vọng của một sức bật mãnh liệt và vạm vỡ.
Việc nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bạo liệt trong công cuộc cách tân thơ ca - từ công việc sáng tác đến những cuộc tranh thuyết đầy bão lửa với những đồng nghiệp cũng được nhiều người biết đến, dù ít hay nhiều đều không thể làm ngơ. Rồi cuộc xuyên Việt - cuộc đi bộ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà văn Hoà Vang, không chỉ giới văn nghệ sĩ mà cả nhiều tầng lớp khác trong cả nước quan tâm khá nồng nhiệt.
Tôi được nghe vọng lại khá nhiều luồng thông tin từ nhiều phía, bình luận về anh trong lúc anh còn sống. Dù sao mặc lòng, ngay cả lúc ấy và cả bây giờ trong tôi không phôi pha hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc - một nhà thơ, một nhà lý luận và một người bạn.
Nguyễn Lương Ngọc sinh năm Mậu Tuất (1958) tại Sơn Tây, nguyên quán ở Tòng Bạt, Ba Vì. Thân phụ anh là kịch gia nổi tiếng Nguyễn Khắc Dực, nhà cách tân sân khấu Việt Nam đầu tiên. Ngay từ thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ XX, Nguyễn Khắc Dực đã truyền phổ tinh thần nghệ thuật sân khấu của B. Brếch vào sân khấu của Việt Nam. Đương nhiên, lớp người lớn lên sau những năm 70 của thế kỷ trước, ít người được biết đến cái tên kịch gia Nguyễn Khắc Dực, nguyên nhân là từ những dấu tích bầu không khí văn chương của một giai đoạn thật khó quên, nhưng cũng không dễ nói một chút nào.
Tôi biết và quen Nguyễn Lương Ngọc từ năm 1981. Khi ấy chúng tôi cùng công tác ở Công trường xây dựng thuỷ điện Sông Đà, Hoà Bình. Nguyễn Lương Ngọc là kĩ sư cơ điện mới tốt nghiệp, anh vào Đại học sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ.
Thời gian này Nguyễn Lương Ngọc đang mê đắm một nhà thơ nổi tiếng của Liên Xô (cũ) đó là Maiacôpxki. Đương nhiên, thời kỳ đó khá đông đảo các nhà thơ và người làm thơ nước ta coi Maiacôpxki là thần tượng của riêng mình. Có người tiếp thu được tình thần của thơ Maiacôpxki, nhưng cũng khá nhiều người chỉ tiếp thu được phục trang của ông.
Nguyễn Lương Ngọc không chỉ tiếp thu được tinh thần của nhà thơ Nga đặc biệt này, mà tôi thấy hình như trong cấu trúc tinh thần của con người Nguyễn Lương Ngọc cũng có một cái gì đó hao hao giống Maiacôpxki. Chỉ tiếc rằng anh là người Việt Nam!
Nguyễn Lương Ngọc say sưa làm thơ theo cấu trúc và tinh thần thơ của Maiacôpxki, và thực hiện một số thói quen trong sinh hoạt giao tiếp mang phong cách Maiacôpxki. Sau này, khi in tập thơ "Từ nước", tâp thơ đầu tay của Nguyễn Lương Ngọc và cả những tập thơ tiếp theo, tôi không thấy Nguyễn Lương Ngọc cho in những bài thơ của anh sáng tác thời kỳ này. Không rõ anh cất chúng ở đâu?
Nguyễn Lương Ngọc từ bé đã theo học hội hoạ, nhưng rồi anh không tiếp tục con đường đó, có lẽ anh tự cho mình không đủ tư chất để theo hội hoạ chăng? Suốt thời gian chúng tôi quen biết nhau từ 1981 đến khi anh mất, tôi thấy Nguyễn Lương Ngọc cùng với niềm đam mê sáng tạo thơ ca, không khi nào anh không quan tâm đến hội hoạ. Các triển lãm tranh từ nhỏ đến lớn ở Thủ đô Hà Nội của người trong nước hoặc nước ngoài, anh không bỏ qua một triển lãm nào. Nguyễn Lương Ngọc là người luôn luôn cập nhật những thông tin, tri thức về hai lĩnh vực: văn học và mỹ thuật. Kiến thức của anh về mỹ thuật sắc sảo và tinh tường không kém về văn học. Cho đến lúc này, những ý kiến thẩm định của Nguyễn Lương Ngọc về thơ và mỹ thuật, tôi thấy chưa có điều gì sai. Không những thế, anh là người có con mắt tinh tường sớm phát hiện những tài năng hội hoạ khi còn chưa ai để ý tới.
Khi Nguyễn Lương Ngọc gặp hiểm nạn, lúc gia đình đã đưa về chữa trị ở Sơn Tây, tôi có ghé thăm anh, anh được đặt trên một chiếc xe đẩy và cơ thể coi như đã tàn phế. Anh vẫn nhận ra tôi, cười một cách khó khăn làm ám hiệu hướng lên bức tường, người thân trong gia đình không ai hiểu anh định nói gì, tôi nhận ra treo trên tường là một bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Quân tặng Nguyễn Lương Ngọc, ý Nguyễn Lương Ngọc muốn nói với tôi về bức tranh này. Tôi nói với mọi người trong nhà về điều đó, Nguyễn Lương Ngọc nhìn tôi và cười rất mãn nguyện. Khi anh còn khoẻ, tôi biết anh rất phục Nguyễn Quân trong lý luận hội hoạ và công cuộc cách tân hội hoạ, nhất là việc đề cao giới hoạ sĩ trẻ.
Nguyễn Lương Ngọc không bao giờ dời mối quan tâm đến nghệ thuật thơ ca và hội hoạ. Ngay cả lúc cơ thể đã tàn phế hoàn toàn, sự sống hiếm hoi còn ở trong cơ thể, anh đã dồn những năng lượng cuối cùng cho nghệ thuật. Tôi cho rằng, có lẽ nhờ ở năng lượng nghệ thuật còn tiềm ẩn sẵn trong anh, nên đã giúp nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc hiện diện thêm một số năm trong ánh sáng của cõi dương gian.
Năm 1997, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đột ngột gặp hiểm nạn. Khi đó anh bước vào tuổi 40, có việc thì mới bắt đầu, có việc đang dang dở thì đột ngột bị chặn đứng bởi bàn tay nghiệt ngã của số phận. Như tôi được biết, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc không phải là người buông thả, anh sống rất nghiêm túc, so với cách sống của tôi thì cách sống của anh có phần nghiêm khắc hơn rất nhiều. Từ việc tự hạn chế mình cho đến việc yêu cầu với những người xung quanh cũng vậy. Anh phản đối dữ dội những cách sống buông thả, hời hợt, tuỳ tiện và không thực tài, thực học, tức những gì thuộc về những giá trị giả, và anh ứng xử với thái độ nghiêm khắc đến cực đoan.
Tôi nhớ, sau cuộc xuyên Việt kỳ vĩ anh có ghé thăm tôi, khi đó tôi đã chuyển từ Hoà Bình về thị xã Hà Đông. Anh béo trắng, khôi ngô và vạm vỡ . Tôi hỏi chuyện anh về cuộc đi xuyên Việt, và việc tuyên truyền quảng bá cuộc xuyên Việt của các báo chí ở Trung ương và ở các tỉnh, thành anh đi qua. Nguyễn L¬ương Ngọc chỉ cười trừ, nói một câu gì đó xuê xoa rồi chuyển sang chuyện văn chương. Tôi nói với anh, nếu cuộc xuyên Việt ấy mà ghi chép được tất cả những gì thấy được trên đường, sau này tập hợp xuất bản thì rất quý. Anh có vẻ tán thành ý kiến này, và thực tế anh đã làm việc đó. Không rõ những cuốn sổ tay nhà thơ Nguyễn L¬ương Ngọc ghi chép trong chuyến đi xuyên Việt của anh, gia đình hoặc bạn bè có còn giữ được không?
Sau khi Nguyễn L¬ương Ngọc đã mất, mỗi lần qua Sơn Tây tôi có tâm sự với một số bạn bè đi cùng, rằng thị xã Sơn Tây thật quá chật so với chiều kích khát vọng nghệ thuật và tính cách con người Nguyễn L¬ương Ngọc.
*
Cuộc cách tân thi ca còn bề bộn dang dở của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc là điều làm tôi quan tâm hơn cả.
Trong vòng một năm từ cuối năm 1990 đến cuối 1991, nhà thơ trẻ Nguyễn L¬ương Ngọc cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: Từ nước và Ngày sinh lại. Sau chuyến đi xuyên Việt anh tiếp tục xuất bản tập thơ Lời trong lời, tập thơ này đã hiện rõ độ chín và sức vóc trong tìm tòi cách tân thơ của Nguyễn Lương Ngọc.
Phải nhận rằng, hai tập thơ đầu Từ nước và Ngày sinh lại, tìm tòi sáng tạo thơ ca của Nguyễn Lương Ngọc vẫn còn rất manh nha, chưa gây được nhiều ấn tượng và thuyết phục đối với giới văn chương. Nhưng cũng ở hai tập thơ này đã hiện rõ hình hài và bản lĩnh của một sự cách tân, một sự khát khao đổi khác trong sáng tạo thi ca. Đến tập thơ Lời trong lời, đã là sự khẳng định một phong cách thơ cách tân Nguyễn L¬ương Ngọc. Sức sáng tạo thi ca của Nguyễn L¬ương Ngọc đã chảy tràn trong tập này. Khi tập thơ Lời trong lời ra đời, rất nhiều người phản đối nó; nhưng riêng tôi, tôi đã cảm nhận sâu sắc sự nâng cao rõ rệt mang tính quyết định của con đường sáng tạo cách tân thơ  Nguyễn L¬ương Ngọc. Trước sau tôi luôn bảo vệ ý kiến của mình về tập thơ này, và đặc biệt là sự đóng góp nhất định của nhà thơ Nguyễn L¬ương Ngọc đối với thơ Việt Nam hiện đại là không thể chối bỏ. Tiếc rằng, khi anh mất, nhiều bạn bè công tác tại Hà Nội có điều kiện và đang nắm giữ những vị trí ở các diễn đàn báo chí, văn chương đã viết về anh, nhưng chỉ đi sâu xoay quanh những câu chuyện về sinh hoạt của anh trong mối quan hệ với bạn bè văn chương, mà không thấy ai dành tâm sức nhấn mạnh vị trí sáng tạo cách tân thơ của Nguyễn Lương Ngọc trong tình hình thơ ca đương đại, nhất là vai trò của anh trong lớp các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975.
Ngay sau đây, tôi xin chép ba bài thơ của Nguyễn L¬ương Ngọc in trong tập Ngày sinh lại, xuất bản năm 1991, ba bài thơ này có lẽ sẽ đánh thức một điều gì chăng.
"Trong mơ đau thắt ngực/ Hình xưa lững thững về/ Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người/ Em tôi thì trắng/ Tôi xanh da trời/ Hai anh em hiện hình của nắng/ Và mây lành trời ơi/ Như hồn trong mộng/ Hai anh em trôi/ Móc bay lất phất/ Như như, lạnh người/.
Bao giờ trở lại/ Bao giờ bắt đầu/ Mơ, mơ/ Chân đâu/ Mình đâu/ Buồn tiên cảm hát chân cầu lưu thuỷ" (Tiên cảm).
"Cuộc sống lạnh lẽo sao/ Cuộc chết ấm áp sao/ Em mỉm cười từ đâu/ Đá Bay-on chao chát/ Đăm đăm nhìn từ đâu/ Sương Tây Hồ ngột ngạt/ Yêu không thể giải thích/ Chen chúc hoa lên tịch mịch/ Yêu không thể giải thoát/ A... a... a... A... a... a/ Người là người, ta là ta/ Ta là người, người là ta/ A... a... a... A... a... a" (Lời hát).
"Này, đàn giang trắng/ Khoảnh khắc/ Từ đất rạch lên trời/ Từ trời buông xuống đất/ Các vị đến cùng chúng ta/ Các vị rời bỏ chúng ta.
Em đang nói về tương lai ư/ Đàn giang bay mải miết/ Chẳng lẽ anh ngắt lời em.
Em đang nói về tương lai à/ Trên cao, đám mây vàng sững sờ" (Đàn giang).
Mọi người có thể không tin lời tôi, nhưng hãy đọc chậm rãi những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, ở đó, diệu lý của thơ ca và của sự sống không nằm trong giới hạn văn tự của câu thơ.
Nhiều người và bạn bè văn chương hay nhắc đến bài thơ Gọi hạc của Nguyễn L¬ương Ngọc - đúng, đấy là bài thơ hay và độc đáo của Nguyễn Lương Ngọc. Nhưng thực tế công cuộc sáng tạo cách tân thi ca của Nguyễn L¬ương Ngọc không dừng lại ở bài thơ này. Anh nghiền ngẫm ôm ấp xây dựng cho mình một sự nghiệp cách tân thơ ca vô cùng lớn. Anh đã thực thi bước đầu cuộc cách tân một cách có hệ thống mà anh đã hoạch định nó. Điều này bước đầu được hiện thực ở tập Lời trong lời. Tôi tin, nếu không gặp hiểm nạn sớm như vậy, đến giờ chắc anh đã công bố được tương đối công trình sáng tạo cách tân thơ của mình. Thật đáng tiếc, hiểm nạn và cái chết đã cuốn phăng một tài năng thi ca.
Trong lứa các nhà thơ được xếp là xuất hiện sau năm 1975, không thể vắng mặt nhà thơ Nguyễn L¬ương Ngọc. Đây là một khuôn mặt thơ vạm vỡ, độc đáo, không gì thay thế được.
Bài thơ Gọi hạc của Nguyễn L¬ương Ngọc được nhiều người nhắc tới, tôi xin chép lại bài thơ này:
"Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khiếu vàng
Con khiếu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ
Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn/ con hạc trắng
Hạc trắng!
Hạc trắng!
Những con đã sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra"
                                                       (Gọi hạc)
Nguyễn L¬ương Ngọc và tôi quen biết nhau, khi chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi, cùng sống bên dòng sông Đà đêm đêm nước gào thét dữ dội, và nắng bụi công trường có làm phôi pha tuổi thanh xuân của chúng tôi sớm hơn bình thường. Nay nhà thơ Nguyễn L¬ương Ngọc đã trở thành người thiên cổ. Còn tôi thì cảm thấy già nua quá sớm, tôi đã nhận thấy rõ sự bất lực của mình trước thơ ca và trước đời sống, quãng thời gian còn lại chỉ còn biết thả trượt theo đường ray của số phận.
Không rõ vì nguyên cớ gì, đầu xuân này tôi lại nhớ da diết về Nguyễn L¬ương Ngọc. Có lẽ là do cuộc gặp gỡ hoạ sĩ Lê Thiết Cương, thổi bùng lên trong tôi hình ảnh nhà thơ Nguyễn L¬ương Ngọc. Tôi nghĩ, có lẽ đó cũng là cái duyên hoặc một dấu hiệu của sự già nua chăng.
Ôi, cái thân của người ta - được cha mẹ tác thành, rồi trưởng dưỡng, rồi cuốn vào vòng sinh - lão - bệnh - tử, rồi ôm ấp ước vọng băng qua sự bầm dập của cuộc đời, rồi về đất, và rồi mãi mãi thiên thu...
Ôi, "Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra"!
D.K.M