Sáng 23/11/2010 Đại hội Hội Nhà Văn Hà Nội chính thức khai mạc. Gần 300 hội viên mà hầu hết là các cụ văn nhân, đa phần tuổi ngoại lục tuần, chỉnh tề, trang trọng. Lần này xem ra đại hội có rất ít quan khách tới dự, chẳng biết tại sao? Thực ra thì đại hội thành công hay không dĩ nhiên là không phụ thuộc vào các vị khách mời. Có chăng chỉ là để cho đại hội … thêm phần long trọng! Tuy nhiên các quan khách sẽ đóng góp gì cho đại hội lại là chuyện khác. Có lẽ vì quá bận nhiều việc quốc gia đại sự nên không có một vị “đầu lỉnh” nào của thành phố sắp xếp được thì giờ tới dự. Hay phải chăng văn chương không phải là cái gì hệ trọng hay thiết thực đối với thành phố nên đến cũng được mà không đến cũng chẳng sao? Suốt 5 năm mà một Hội có khoảng gần 600 hội viên chỉ được thành phố “ưu ái” cấp cho khoản kinh phí ngót nghét 800 triệu đồng để tổ chức tất tần tật mọi hoạt động. Vậy thì nói khuyến khích văn học nghệ thuật có lẽ chỉ là đãi bôi mà thôi.
Người viết bài này chỉ xin kể một chuyện mắt thấy mà chắc cả đại hội ai cũng thấy. Đó là chuyện về một vị khách mời thuộc diện quan trọng nhất. Trong đại hội lần thứ 11 của Hội Nhà Văn Hà Nội lần này thành phố cũng chỉ cử một vị phó ban của một ban chuyên về quản lý VHNT đến dự và lên diễn đàn huấn thị cho các nhà văn. Thực ra thì các nhà văn cũng đâu quan tâm đến chức tước ông này bà nọ. Cái chính là người này thực sự đóng góp được gì với tư cách là đại diện cho lãnh đạo thành phố? Ấy vậy mà vị quan chức này khi xuất hiện đã thể hiện có phần … phản cảm. Tôi không muốn nói đến các lời giáo huấn của vị quan này mà chỉ nói đến một chi tiết rất nhỏ. (Xin đừng coi thường các chi tiết tưởng là nhỏ này). Khi bước lên bục diễn thuyết vị quan chức này nói rất hùng hồn, tay phải luôn chém gió nhưng tay trái thì hầu như luôn … đút trong túi quần!
Kể từ khi chậm rãi bước lên diễn đàn, cái tay ông này đã nằm trong túi. Mà trời đâu có rét! Tôi cứ tưởng ông vô ý, chỉ nhỡ theo thói quen. Nhưng khi đứng sau bục diễn giã, khi đã nói năng hùng hồn, khi tay phải luôn vung vẫy thì tay trái của ông vẫn nằm yên trong túi. Hay là tay ông bị làm sao? Không phải, vì thỉnh thoảng ông cũng rút tay ra nhưng rồi lại đút ngay tay vào. À, thì ra đó là cách để thể hiện “khí phách” của một nhân vật quan trọng! Nghe đâu ông từng là quan đầu lĩnh của một huyện ngoại thành. Có thể thói quen của một vị quan “phụ mẫu chi dân” đã ăn sâu nên khó mà sửa đổi!
Người viết bài này không phải là kẻ chuyên bới lông tìm vết. Tôi muốn kể lại việc này chỉ vì một ý nghĩ là một ông quan chuyên trách về văn hóa mà lại … thiếu văn hóa vậy thì liệu văn hóa Thủ đô có còn xứng với mãnh đất nghìn năm văn hiến?
Dương Ca