Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẰNG CẤP VÀ...KHÔNG BẰNG CẤP

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 28 tháng 11 năm 2010 5:36 AM
 
Dương Đức Quảng
 
Tối nay đọc một bài viết của một vị Phó Giáo sư Tiến sĩ giới thiệu một tác phẩm văn chương mà tôi thấy ngứa ngáy chân tay muốn viết vài dòng về chuyện bằng cấp và …không bằng cấp.
Trước hết phải nói ngay rằng tôi là người rất quý trọng những người thực tài dù người ấy có bằng cấp hay không. Còn những người đã thực tài mà lại có bằng cấp cao, như giáo sư tiến sĩ Ngô Bảo Châu, người mới nhận được giải thưởng toán học danh giá Fields chẳng hạn, thì lại càng đáng kính trọng và nể phục bội phần.
Nhưng ở đời lại có chuyện không phải ai có bằng cấp cao đều giỏi và ai không có bằng cấp thì đều là người kém hiểu biết. Ở đây không có chuyện bằng giả đối với những người thực tài, bởi vì người thực tài thì chẳng bao giờ cần đến bằng giả, và kể cả bằng thật nhiều khi họ cũng chẳng quan tâm. Trái lại có khá nhiều người có bằng thật đấy nhưng trong đầu lại toàn kiến thức giả. Chẳng biết câu chuyện truyền miệng từ những ngày các nước xã hội chủ nghĩa còn tồn tại về con bò giắt qua biên giới cũng có thể trở thành phó tiến sĩ là câu chuyện tếu đến mức độ nào, nhưng quả thật có những người Việt Nam được “rước” qua biên giới một thời gian, chẳng biết học hành thế nào, chỉ thấy đi buôn, “đánh quả” quanh năm suốt tháng mà khi về nước vẫn có bằng phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ )“xịn” hẳn hoi.
Tôi biết có khá nhìều vị tiến sĩ về nước không một ngày dùng đến kiến thức chuyên môn đã học, đã thi (còn thật đến đâu lại là khác) để lấy bằng ở nước ngoài, nhưng bao giờ cũng trương ra học vị tiến sĩ của mình trong các bài viết chẳng liên quan gì đến sở học của mình cả. Cứ như vị ấy là tiến sĩ đa ngành, ngành nào cũng đạt đến độ có học vị tiến sĩ cả! Chả trách trên mạng internet hiện nay đang lưu truyền cả một danh sách các giáo sư, tiến sĩ rởm hoặc giáo sư, tiến sĩ loại đa-zi-năng, cái gì cũng biết.
Ở ta, sau một thời gian dài lấy thành phần giai cấp công nhân, cố nông, bần nông làm tiêu chí hàng đầu để bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ, lại đến một thời lấy bằng cấp để xem xét đưa người vào các vị trí quan trọng. Vì thế có nhiệm kỳ Chính phủ đưa một lúc sáu, bảy vị có bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, nhiều người đang dạy ở các trường đại học, về làm Bộ trưởng. Nhưng quả thật nhiệm kỳ Chính phủ đó cũng không có hoạt động gì thật nổi bật, mang tính đột phá, đưa đất nước phát triển. Trái lại, có nhiệm kỳ Chính phủ không có thật nhiều Bộ trưởng là giáo sư, tiến sĩ nhưng lại làm được khá nhiều việc gây ấn tượng mạnh mẽ trong dân chúng, như nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chẳng hạn. Riêng đối với vị cố Thủ tướng này, tôi nghĩ không thể lấy tiêu chuẩn bằng cấp để đánh giá về sự hiểu biết và kiến thức của ông. Ở đây không phải đơn thuần là kiến thức về một ngành khoa học cụ thể nào đó mà là kiến thức tổng hợp về thực tiễn xã hội đòi hỏi những người lãnh đạo phải biết nắm bắt và xử lý nhanh chóng, chính xác những vấn đề đang đặt ra với cuộc sống của người dân và với vận mệnh của đất nước. Nếu soi vào bằng cấp thì theo tiểu sử và chính lời kể của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông chẳng có bằng cấp gì, văn hoá mới chỉ tự học hết lớp ba, lớp bốn trường làng, nghĩa là mới hết bậc tiểu học mà thôi. Nhưng với vốn kiến thức xã hội và thực tiễn mà ông không ngừng học hỏi và bồi đắp trên trường đời, trong cuộc đấu tranh cách mạng suốt ấy chục năm thì không phải ai cứ có bằng cấp là có được. Tầm hiểu biết của ông về nhiều vấn đề đến độ nhiều vị giáo sư, tiến sĩ thực tài cũng phải vị nể. Chuyện làm đường dây điện cao thế 500kilovon Bắc – Nam gắn với tên tuổi ông là một ví dụ. Trong khi không ít nhà khoa học tên tuổi, có cả một số vị giáo sư, tiến sĩ phản đối việc làm đường dây này, cho là phiêu lưu, mạo hiểm, nhất là lại làm trong một thời gian ngắn so với nhiều nước trong khu vực có trình độ kinh tế, khoa học phát triển hơn ta, thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiên quyết chỉ đạo thực hiện vì ông tin vào sự hiểu biết của mình và vào sự thành công của công trình này. Thực tiễn từ hơn chục năm qua, kể từ khi công trình đường dây điện cao thế 500 kilovon Bắc – Nam hoàn thành và đi vào vận hành rất có hiệu quả cho thấy niềm tin, sự hiểu biết và tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người không có bằng cấp nào, đáng trân trọng biết bao!
Riêng tôi, được chứng kiến một sự việc xảy ra từ năm 1996, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xét duyệt Dự án xây dựng Sân vận động Quốc gia chuẩn bị cho kỳ Đại hội Thể thao các nước Đông Nam Á (SEAGAME) lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2003 lại càng thấy ở ông kiến thức và tầm nhìn mà không phải vị giáo sư, tiến sĩ nào cũng có được. Lần ấy, quy hoạch xây dựng Sân vận động Quốc gia 40.000 chỗ ngồi ở khu vực Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, để kịp khai mạc SEAGAME vào năm 2003 được thành phố và các bộ ngành có liên quan xem xét nhiều lần, đồng thuận trình lên Thủ tướng phê duyệt. Sau khi nghe lãnh đạo Hà Nội và các bộ, ngành báo cáo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt ra hai câu hỏi, yêu cầu mọi người trả lời:
- Nếu xây dựng sân vận động Quốc gia tại Xuân Đỉnh với quy mô 40.000 chỗ ngồi thì sẽ có bao nhiêu chiếc ô tô và xe máy đến đây và sẽ đi bằng đường nào? Hiện khu vực này mới có đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Quốc Việt là tương đối rộng, còn đường Lạc Long Quân thì rất hẹp, liệu với thực trạng đường xá như thế có chịu đựng nổi số lượng ô tô xe máy đổ dồn về đây mà không gây ra tắc nghẽn giao thông mỗi khi có trận đá bóng tại sân vận động này?
Những người có mặt trong phòng họp, trong đó có không ít nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ các ngành kinh tế, giao thông, xây dựng, văn hoá… đều không thể trả lời cụ thể hai câu hỏi trên của Thủ tướng. Cuối cùng Thủ tướng kết luận: Không thể xây dựng Sân vận động Quốc gia tại Xuân Đỉnh mà phải làm lại quy hoạch, chuyển Sân vận động về Mỹ Đình: “Các anh cứ tìm địa điểm dọc trục đường Láng – Hoà Lạc, cách Hà Nội trên 10 km để làm Sân vận động Quốc gia tôi sẽ quyết”. Sau này, khi đã xây dựng xong Sân vận động, ở vào nơi rộng rãi, thoáng đãng như thế, đường đi lối lại thuận tiện như thế mà sau đêm có trận bóng đá Việt Nam - Thái Lan nhiều đoạn đường từ Mỹ Đình vào thành phố vẫn bị tắc nghẽn vì hàng vạn người với đủ loại ô tô, xe máy, tay vẫy cờ miệng hét vang “Việt Nam!Việt Nam” đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Tôi nghĩ nếu xây Sân vận động Quốc gia ở Xuân Đỉnh thì không biết hôm ấy còn tắc nghẽn đến đâu!
Chuyện về “những người không có bằng cấp” nhưng lại có sự hiểu biết và đi liền với nó là tầm nhìn xa trông rộng của họ về nhiều vấn đề trong cuộc sống, trên thế giới này không hiếm. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới tuy không có học vị giáo sư, tiến sĩ nhưng là những người có kiến thức và tầm nhìn chiến lược mà không phải ai có bằng cấp cũng làm được, như đưa ra những quyết sách làm thay đổi hẳn cuộc sống xã hội. Cũng tương tự như thế, nhiều người không phải là giáo sư, tiến sĩ, nhưng lại là những nhà phát minh khoa học và đưa ra những công trình nghiên cứu, những sản phẩm trí tuệ tuyệt vời, như Bill Gates chẳng hạn, chỉ là một chàng sinh viên học dở dang đại học nhưng đã cùng với nhiều người khác, viết nên chương trình Altair BASIC cho máy Altair (một máy tính thuộc thế hệ trước) và là ông chủ của hãng máy tính khổng lồ Microsoft giầu có nhất nhì thế giới hoặc một người mù đã phát minh ra loại keo trong suốt dùng chế tạo kính xe ô tô, khi kính bị vớ vẫn không bắn ra ngoài để bảo vệ đôi mắt của người lái xe. Ở ta, từng có hai ông ông dân “Hai lúa” ở Tây Ninh chẳng có bằng cấp gì nhưng đã chế tạo được máy bay trực thăng, hay một số ông "Hai lúa" khác đã chế ra máy diệt rầy, máy hút sâu ở cây chè, máy đào khoai tây, máy phun nước bán tự động…và ông Hai Lũy đã làm được việc kỳ diệu là di chuyển nguyên vẹn được những toà nhà nặng hàng ngàn tấn rời khỏi vị trí cũ hàng chục mét để lấy đất mở đường hoặc làm công trình mới. Trong khi đó, quả thật không có nhiều tên tuổi các vị giáo sư, tiến sĩ có những phát minh, sáng chế mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội, như mấy ông nông dân “Hai lúa” nói trên.
Không ai là không coi trọng bằng cấp, nhưng quả thật những người có tài nhưng không có bằng cấp vẫn xứng đáng được trân trọng và đánh giá cao. Bằng cấp thì ở xã hội nào cũng đều danh giá. Chỉ có điều sự danh giá ấy phải là danh giá thật, danh giá của những người có bằng cấp và có tài, thực tài, chứ không phải của những người ..."có bằng mà chẳng nên cơm cháo gì" còn khá phổ biến hiện nay!