Tin văn THẦY CHU VĂN AN VÀ THẤT TRẢM SỚ của TNc đã cho biết Tiểu sử Tiều Ẩn, và ‘thất trảm” là trảm những ai? (theo nhà văn Hoàng Quốc Hải). Bài viết dưới đây chỉ là một khúc Vĩ thanh…
Mấy chục năm trước, may mắn tôi có 8 năm dạy học ngay chân núi Phượng Hoàng (trường Cộng Hoà cách đền thờ Chu Văn An bây giờ chừng hai cây số, trường Văn An chỉ cách có một cây số). Ngày ấy, rừng còn rậm, không vào được nơi phế tích. (Cũng như hồn đá được gọi là Thạch Bàn bên Côn Sơn, thơ Nguyễn Trãi nói đến, hồi đó, chúng tôi đã vào Côn Sơn hàng chục lần, gần đây quang rừng, chúng tôi mới được thấy tận mắt). Giờ đây, đền thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng Chí Linh, Hải Dương đã rất hoàng tráng. Đường đi rộng, từ chỗ tôi, bên dòng sông Thương, nếu đi bằng xe máy chưa đầy một giờ là tới.
Xa núi Phượng mấy chục năm, tôi vẫn chịu khó sưu tầm thơ văn về Tiều Ẩn Chu Văn An, có bài thơ chữ Hán nào thấy phần dịch chưa ổn, lẩn thẩn đem dịch lại. Rất mừng, tôi tìm được một số bài thơ hay.
* Bài thơ thứ nhất: HẠ TIỀU ẨN CHU TIÊN SINH BÁI QUỐC TỬ GIÁM TƯ NGHIỆP (Mừng Chu tiên sinh Tiều Ẩn được trao chức Tư nghiệp Quốc tử giám) của Trần Nguyên Đán, trích:
Học hải hồi lan tục tái thuần/ Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân/ Cùng kinh bác sử công phu đại/ Kính lão sùng nho chính hoá tân.
Dịch:
Biển học sóng cao trở lại thuần
Mừng thầy Sơn, Đẩu - một cao nhân
Thông kinh rộng sử, công cao vọi
Kính Lão trọng Nho, ý cách tân…
Tiều Ẩn Chu Văn An (1292- 1370), còn Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi) sinh năm 1325, mất năm 1390. Vậy là hai người gần như cùng thời. Bài thơ này được coi là một trong số những bài thơ sớm nhất về Chu Văn An.
Thật hiếm! Băng Hồ Tướng công họ Trần lại hết lời ca ngợi một người không trong hoàng tộc, mà ca ngợi ngay lúc bình sinh, ví Tiều Ẩn Chu Văn An như Thái sơn, như Bắc đẩu.
* Bài thơ thứ hai: ĐỀ PHƯỢNG HOÀNG SƠN (Đề thơ núi Phượng Hoàng) của Sái Thuận, trích:
Thuỵ thế phượng hoàng hà xứ khứ?/ Đồng hoa lạc tận thước sào cô/ Thanh phong mãn viện trác quân tử/ Lương tứ siêu nhân tùng trượng phu/ Tăng hộ thường quan nhân uý hổ/ Thạch nham đa quật vị tầm chu…
Dịch:
Gió, trúc quân tử lay rừng
Mơn man người, trượng phu tùng vút cao
Cổng chùa sợ cọp rấp rào
Nhiều nơi núi đá bị đào tìm son…
Sái Thuận sinh năm 1441, mất khoảng năm 1500. Nhiều sách ghi, ông là Phó nguyên suý Tao đàn Nhị thập bát tú đời Lê Thánh Tông. Thế kỷ XV, núi Phượng Hoàng còn rừng rậm, còn hổ. Thời đó, có nhiều người đào son để bán, dùng nhuộm hoặc làm “phấn” viết. Bài thơ tỏ ý tiếc Chu Văn An như chim phượng đã bay đi.
* Bài thơ thứ ba: TIỀU ẨN CỔ BÍCH (Tường cổ nhà Tiều Ẩn) của Nguyễn Du?
Đã lâu, tôi nghe Chí Linh có 8 bài thơ về 8 di tích, nhưng chưa biết những bài thơ ấy ở đâu? May sao, các đây hơn một năm, nhà văn Đặng Văn Sinh, đang sống và viết tại thị trấn Bến Tắm, thị xã Chí Linh có gửi qua email cho tôi 8 bài thơ ấy. Đặng Văn Sinh quê gốc Nam Sách, cố hương bên cạnh Trạng nguyên cổ đường, thờ Mạc Đĩnh Chi, nơi còn tấm bia khắc Chí Linh bát cổ. Tôi cũng từng được nhìn tận mắt tấm bia ấy. Lại may nữa, ông Hoàng Bao- Phó TBT Thường trực Tạp chí Khoa học Công nghệ Bắc Ninh biết tôi đang quan tâm núi Phượng Hoàng, đã cho tôi mượn cuốn sách do người anh ruột là Hoàng Giáp tặng, cuốn Di sản Hán Nôm Côn Sơn- Kiếp Bạc- Phượng Sơn (Hoàng Giáp, Nguyễn Khắc Minh biên soạn). Đó là một cuốn sách quý, khổ 16 X 24. Chùm thơ Chí Linh bát cổ có in cả chữ Hán. Đối chiếu, đã có một bản tin cậy. Phần chú thích chùm thơ có mấy chữ “Thanh Hiên cẩn chí “, vào năm 1802. Thanh Hiên chính là Nguyễn Du (1765- 1820), Nguyễn Du có tập thơ Thanh Hiên thi tập. Cẩn chí là ghi chép cẩn thận, chưa dám khẳng định trường hợp này, Nguyễn Du ghi chép bằng thơ hay Nguyễn Du ghi chép thơ của người khác. Theo phán đoán, thì đây chính là bài thơ Nguyễn Du ghi bằng thơ.
Phượng Hoàng sơn thượng tịch thôn khư/ Tiều Ẩn tiên sinh cổ bích dư/ Phiến thạch quang mang minh nguyệt phủ/ Bán tường phiêu diểu bạch vân lư/ Phương tông tự tích bi vô tác/ Thắng cảnh vu kim tận bất như/ Lẫm liệt anh phong thiên cổ tại/ Trùng san dung bộ phỏng u cư.
Dịch thơ:
Trên núi Phượng Hoàng thôn vắng thưa
Tiên sinh Tiều Ẩn chốn tiêu sơ
Đá nhô, lưỡi búa- trăng ngời chiếu
Tường lửng, lư hương- mây trắng lùa
Bia mất, tích thơm đâu dấu cũ
Núi còn, cảnh thắng khác ngày xưa
Anh linh lẫm liệt còn muôn thuở
Lần bước núi non hỏi ẩn cư (Duy Phi dịch).
Vậy, Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã đến nghiênh mình trước Tiều Ẩn?
* Bài thơ thứ tư: Vịnh Chu An của Thánh Quát.
Kính tiết thanh tu khí phách đương/ Dục tương chích thủ vãn đồi dương/ Lôi đình bất toả cô trung phẫn/ Quỷ mị do kinh thất trảm chương/ Hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch/ Cao phong do đối thuỷ sơn trường/ Lâm toàn cựu ẩn kim hà tại/ Văn Miếu duy dư tính tự hương.
Dịch thơ:
Tiết cứng lòng trong khí phách hùng
Một tay muốn kéo lại vừng hồng
Cô trung sấm sét không chồn chí
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hạo khí
Nước non còn mãi nếp cao phong
Suối rừng nơi ẩn nay đâu tá?
Văn Miếu còn tên, hương khói nồng (Vũ Mộng Hùng dịch)
Cao Bá Quát (1809- 1854) người Phú Thị, nay thuộc Hà Nội, từng làm Hàng tẩu bộ Lễ triều Nguyễn, sớm nổi tiếng về thơ phú, được người đương thời tôn là Thánh Quát.
Còn nhiều thơ về Chu Văn An, song đây có lẽ là một trong số những bài thơ cổ hay nhất, trong đó có câu thơ hay nhất về Tiều Ẩn Chu Văn An: Cô trung sấm sét không chồn chí (Lôi đình bất toả cô trung phẫn)…
Núi Phượng 11/ 2010