Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HƠI BUỒN !

Lê Khả Sỹ
Thứ tư ngày 24 tháng 11 năm 2010 1:10 PM

Sau khi phát lên mạng, sẽ in ra gửi đến ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội
Thử so sánh “khập khiểng” chút chơi: Đại hội Nhà văn Việt Nam, tháng 8-2010 vừa rồi với Đại hội Nhà văn Hà Nội hôm nay. Không biết tôi có giống như bọn trẻ con thích sự yêu thương của người lớn, hay đó là cái máu tự trọng tự tôn của người Việt còn dây rớt lại trong tôi khi cảm thấy vui bởi sự hiện diện của ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư Trung ương đảng CSVN tại đại hội VIII hội Nhà văn Việt Nam và ớn buồn khi không thấy vị nào là phó Bí thư Thành uỷ hoặc phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đến với đại hội lần thứ XI hội  Nhà văn Hà Nội !
Sau khi nghe ban Chấp hành nhiệm kỳ 2005-2010 báo cáo tài chính, nhiều ý kiến đại biểu phàn nàn về kinh phí được Thành phố cấp quá ít, chứng tỏ chưa có sự quan tâm đúng mức đối với hoạt động văn học Thủ đô. Điều đó đã đành, nhưng đáng phàn nàn hơn là gần năm trăm năm chục con người cầm bút sáng tác hết mình phục vụ cho Hà Nội và đóng góp vào nền văn học nước nhà, mà hôm nay mở Đại hội là một ngày vui, lại không nhìn thấy mặt mũi một vị quan to nào của Thành phố đến dự để xem các nhà thơ nhà văn viết lách ra sao, khó khăn thế nào cho “hòa mình với quần chúng” ! Chỉ cử một vị phó ban và một vị trưởng phòng của ban Tuyên giáo Thành uỷ đến “uý lạo”.
Thành phố Hà Nội hiện đứng đầu bảng cả nước (và có lẽ cả khu vực) về số lượng chức sắc phó, mà không xăn xiu trích ra được một vị phó dù là hạng kém nhất để đến với những người cầm bút cho ra có quan tâm, biết tôn trọng lẫn nhau và khỏi mang tiếng “dị ứng” với văn chương chữ nghĩa ! Chẳng lẽ họ bận rộn hơn Trung ương đảng ? Chẳng lẽ Trung ương đảng CSVN lại dại hơn Thành uỷ Hà Nội, chẳng lẽ ông Trương Tấn Sang lại vô công rỗi nghề, la cà hơn họ ?
Vẫn biết, những đứa con đủ cha đủ mẹ, được thương yêu  nuông chiều chưa hẳn đã thành người ; ngược lại, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, bị xã hội hắt hủi chưa hẳn đã lụi tàn và có khi còn sung sức vươn lên, đứng thẳng. Việc có mặt hay không có mặt các vị lãnh đạo Hà Nội thì Đại hội Nhà văn Hà Nội vẫn diễn ra tốt đẹp, bút lực của các nhà thơ nhà văn vẫn sung sức, tấm lòng người cầm bút đối với sự nghiệp văn học Thủ đô và công cuộc đổi mới của Hà Nội vẫn không suy suyễn. Có điều, tình đời nghĩa thế dành cho mỗi cách ứng xử chắc chắn sẽ khác nhau, bởi con người hơn con vật là yêu ghét rõ ràng !
Thương ta, ta cũng thương chơi
Không thương ta cũng có người thương ta !
Nhưng nói đi, phải có điều nói lại. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, ban Chấp hành hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ qua, đã biết hướng nội, hướng ngoại nhưng chưa biết hướng thượng, điều đó quan trọng lắm. Đến như các đại gia nước ngoài cũng phải thừa nhận thành công trong hoạt động kinh doanh là nhờ 45-50% hướng thượng. Ở ta, việc đó cũng không là chuyện lạ. Hơn thế, với chế độ bao cấp càng phải biết hướng thượng ! Cứ vênh vênh cái mặt lên như bánh đa nướng sém, cứ “phát huy truyền thống tự kiêu” của người cầm bút, cho ta là thông minh, cao thượng thì chẳng những các quan lãnh đạo, mà các phó thường dân rồi cũng lánh xa dần. Cái thời đại văn chương thơ phú như nấm tháng ba ; “nhà thơ” “nhà văn”, “nhà lý luận phê bình”… như rươi tháng chín, khéo rồi “ninh chữ với khôi hài”, “xào thơ với nhạo báng” mà ngắm trăng nhắm rượu không chừng (!)
Ông phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ cho biết: Đến chiều thứ sáu  (19-11-2020) các vị lãnh đạo mới nhận được giấy mời dự Đại hội, trước đó không hề nhận được một báo cáo nào về kế hoạch tiến hành Đại hội nhiệm kỳ của hội Nhà văn Hà Nội, nên không có điều kiện tham gia ý kiến gì về mọi phương diện cần thiết cho Đại hội - kể cả vấn đề nhân sự nhiệm kỳ mới. Và, một đại biểu cho biết, giấy mời cũng thiếu phần trang trọng theo quy định về văn bản hiện hành. Những cái đó chính là “chỗ hở” nếu không muốn nói là hớ hênh của các nhà văn + nhà thơ + nhà “chính trị một mùa” của ban Chấp hành hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ qua. Thật đáng tiếc !
Như câu nói dân gian: Chuyện đã rồi, nồi đã vỡ, nêu lên nhiều càng thảm hại. Chỉ mong nhiệm kỳ 2010-2015, nửa thập kỷ tới sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp, để khỏi phiền trên, tủi dưới, để ngòi bút thanh thoát, cho ra lò những tác phẩm hay. Nhưng đừng có những giải thưởng không đâu vào đâu, ú a ú ớ,  thành giai thoại khôi hài cho hậu thế !
Chiều 23-11-2010
Lê Khả Sỹ
01656538236