QĐND - Thượng tá, nhà thơ Nguyễn Anh Nông quê Quảng Xương-Thanh Hóa hiện nay công tác tại Điện ảnh Quân đội nhân dân, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Anh đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân I , Học viện Chính trị, từng công tác ở vùng biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và nhiều địa bàn trong cả nước. Gần 30 năm gắn bó với quân đội, Nguyễn Anh Nông đã xuất bản 6 tập sách, trong đó có 5 tập thơ và 1 trường ca viết về Trường Sơn.
|
Nhà thơ Nguyễn Anh Nông |
Nguyễn Anh Nông tâm sự:
- Tôi nhập ngũ vào giữa những ngày chiến tranh biên giới khá khốc liệt. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi tình nguyện ra mặt trận, chiến đấu trong đội hình Binh đoàn 26, Quân khu 1. Hơn 7 năm đóng quân tại biên giới Cao Bằng, giữa khó khăn, gian khổ, giữa cái giá lạnh, cái căng thẳng của một người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió… tôi đã viết hàng trăm bài thơ thấm đẫm tình yêu, khát vọng của người lính đối với quê hương...
- Bạn đọc và đồng nghiệp của anh cho rằng: Thơ của Nguyễn Anh Nông tiềm ẩn nhiều suy nghĩ, trăn trở thẳm sâu của cõi người?
- Tôi thường viết về những gì sâu lắng, trầm tư, trăn trở… của con người, dù trong chiến tranh hay ở giữa thời bình. Giữa cái có, cái không, cái còn, cái mất, cái thiện và cái ác... cũng đã làm tôi xúc động: Này chim bồ câu trắng/ Em sinh ra thế giới đã hỗn tạp/ Bao âm sắc/ Buồn vui thiện ác giằng xé mỗi tế bào/ Dưới nét bút danh họa/ Một lần ta nhìn thấy bóng em/ Chim câu trong nanh vuốt dữ dằn của con mèo mặt hổ/ Thế giới sục sôi vạc dầu chiến tranh... Chỉ cần một tác động nhỏ chạm tới Miền Người, tôi cũng rung động: Suốt ngày bạn gõ kẻng/ Âm ỉ quả bom câm/ Bom câm còn có tiếng /Mà bạn tôi âm thầm... (Bên quả bom câm) trong bài “Nhát chổi trong chiều”, tôi đã khắc họa hình ảnh một người vợ lính chờ chồng trong chiến tranh: Bao năm dượng ấy đi xa/ Chiều chiều o quét lá vàng trước ngõ/ Từ nhát chổi lia ngang tới tấp gió/ Những nhát chổi trong chiều nào có bớt cô liêu...
- Nghĩa là phía sau gian khổ, trái tim người lính vẫn ăm ắp tình yêu, thưa anh?
- Dù đã đi qua mọi miền của đất nước, tình cảm đối với con người, đối với quê hương luôn da diết, thức gọi trong lòng: Ở quê nhà bão lụt/ Mẹ cha già cả rồi/ Vợ con mong đỏ mắt/ Mình xa tít mù khơi/ Dẫu yến tiệc quê người/ Vẫn không sao ngon miệng/ Ngửa mặt lên nhìn trời/ Ngẩn ngơ chòm mây liệng... Thấu hiểu sự hy sinh lớn lao của người vợ cũng chính là hiểu thấu nỗi quê: Vợ ta vốn cô thôn nữ/ Thương chồng con ít ai bằng/ Lam làm sớm hôm tất bật/ Quên hết mặt trời mặt trăng... (Nhà ta).
- Anh vừa là nhà thơ, lại là nhà báo, biên kịch phim… điều đó có mâu thuẫn gì không?
- Là nhà báo, được đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều, điều đó đã bổ sung vốn sống của người cầm bút. Chính trong sự ngổn ngang, xô bồ của cuộc sống đã giúp tôi lựa chọn những chất liệu để tạo cảm hứng, tạo hình tượng cho thơ và lựa chọn các giải pháp, các chi tiết thể hiện trong kịch bản phim. Hiện nay ngoài các kịch bản dựng thành các phim tài liệu, như: “Sao vuông mắt lưới”; “Điểm tựa Ka Lăng”; “Đông Bắc - Nỗi niềm người lính” v.v… tôi đã cùng nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền dựng kịch bản “Mười ba bến nước” (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Sương Nguyệt Minh). Tác phẩm đã giành được 5 giải thưởng quan trọng nhất của thể loại phim truyện vi-đê-ô tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2009.
- Có thể nói “Trường ca Trường Sơn” cũng là một tác phẩm anh đã dành nhiều tâm huyết nhất?
- Đây là trường ca mà tôi không chỉ nói về chiến tranh một thời đã qua mà còn viết về một Trường Sơn tiềm ẩn quá khứ, hiện tại và tương lai. Nơi đây, con người đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp cả về mũi nhọn kinh tế và bề dày văn hóa... Thông qua hình tượng thơ: “Người cha dặn con” chính là lời của thế hệ ông, cha nhắn gửi thế hệ trẻ. Con người cần phải biết nhìn thẳng vào sự thật: Kìa/ Các con/ đàn chim ríu ran/ Đang ngời ngợi bay qua mắt cha/ Tới miền kiêu hãnh/ Nơi các con đón đợi/ Những Trường Sơn kỳ vĩ tươi non/ Vượt đau buồn/ Vượt tỵ hiềm đố kỵ/ Vượt nhỏ nhen, ích kỷ...
- Trường ca “Gửi Bin Ghết và Trời xanh” sắp xuất bản của anh nghe nói có nhiều thông điệp mới?
- Bằng nhạy cảm của người cầm bút, với giọng thơ trào lộng, tôi đã viết trường ca này bằng cả gan ruột của mình. Đó chính là cuộc đối thoại văn hóa của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam với một người Mỹ, một nền văn hóa Mỹ. Cuộc đối thoại chính luận này đã để lại những dấu ấn, những nét khắc về văn hóa và nền văn minh của các tộc người...
- Sắp tới, anh có dự định gì trong sáng tác?
- Tôi sẽ tiếp tục hoàn thành tập thơ mới với một phong cách thể nghiệm mới, trong đó có hơn 60 bài đã được nhiều dịch giả dịch ra 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc.
- Xin chia vui cùng anh và chúc anh có nhiều thành công mới trong sáng tác về tình yêu và người lính!
Trần Thị Nương (thực hiện)