Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THĂM NHÀ LƯU NIỆM CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (1907-1986)

Trần Xuân An
Thứ ba ngày 23 tháng 11 năm 2010 10:20 PM

Trần Xuân An
 

KHÓA BẢO NGUYỄN HỮU ĐỒNG (1860-1920)

 

theo ra Tân Sở cần vương

Ông cam chọn lại quê hương, đất này

kiệu vua triền đông, dốc tây

nỗi niềm kẻ ở đêm ngày ngóng trông

 

quan Tường, Côn Đảo, cứng lòng

đày Pa-pơ-ét, đày không ngày về (1)

quan Thuyết, sơn phòng Hương Khê

lại băng trăm núi ngàn khe sang Tàu!

 

vua Hàm Nghi, gửi rừng sâu

Quảng Bình hoang rậm, biết đâu mà tìm!

chí Cần vương đành lặng im

nón tơi cày cuốc với sim mua buồn

 

luyện gươm cho bút khỏi suông

nhưng trường thi Huế cũng tuồng Đầm Tây!

làm dân, thuế cướp trắng tay

cùng dân vùng dậy bao vây tỉnh đường

 

ba năm tù sáng mười phương

vua Duy Tân cũng dầm sương thăm thầm

súng gươm cất giấu bao hầm

chờ ngày quật khởi, lại nhầm thời cơ!

 

chín năm tù, tóc trắng phơ

lại về dạy học, lặng chờ một mai

tuổi già ngắn, vận suy dài

huyệt sâu chôn lấp tâm tài ngàn năm

 

Cam Thành khuya một đêm rằm

tấc lòng còn đỏ hương trầm tỏa thiêng

và sân trường bóng cây nghiêng

nâng bao ngực áo khung viền tên Ông (2).

 

TXA.

00:30 – 02:23, 22-11 HB10

 

(1) Papeete thuộc quần đảo Tahiti, giữa Thái Bình Dương, gần Trung Nam châu Mỹ, nơi Nguyễn Văn Tường bị lưu đày biệt xứ và vô thời hạn, sau khi đã bị đày ra Côn Đảo. Ông mất vào ngày 30-7-1886 tại đó. Di thể được Tôn Thất Đính đưa về quê nhà.

 

(2) Trường PTCS. Khóa Bảo, tại Cam Lộ.

 

THĂM NHÀ LƯU NIỆM
CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (1907-1986)

 

chiều đưa về với Bích La

bóng tre chỉ lối tìm qua bên này

Hậu Kiên, thời mở cõi đây (1)

bốn trăm năm, vút đỉnh mây sáng bừng

 

đề đốc uất buồn kiếm cung

xót xa, thợ mộc trần lưng ruộng vườn

sinh Người, khởi phận rất thường

gã thư kí nguỵ bên đường sắt Tây (2)

 

ngậm hờn nước mất, đắng cay

lao vào cách mạng. Tù đày, xiềng gông

ngấm đau khổ nhục, bền lòng

thắng Tây. Mỹ xé núi sông. Sao đành!

 

tắt chiến tranh bằng chiến tranh

xua đói nghèo, tóc trắng nhanh, vẫn nghèo

Tàu kia mặt nạ rơi vèo! (3)

suối sông bờ cõi: trong veo – đục mờ!

 

ba năm chạm trán hư vô (4)

Người nghe đất biển Liên Xô rạn dần

con đường cứu nước trọn phần

dở dang, rẽ lối cứu dân, vắng Người!

 

trưa Nhà Lưu niệm nắng tươi

chiều về hoa lá vẫn ngời hoàng hôn

dấu chân thơ dại mãi còn

và còn muôn thuở nước non giọng Người.

 

TXA.

19: – 21:40, 21-11 HB10

 

(1) Ông được sinh ra tại nguyên quán: Bích La Đông, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng thời tuổi nhỏ, sống tại làng Hậu Kiên, kề đó. Hiện nay, Nhà Lưu niệm được xây dựng tại Hậu Kiên.

 

(2) Ông có thời làm thư kí tại ga xe lửa Đà Nẵng, dưới thời Pháp xâm lược, thống trị, cũng như chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có thời là lính thợ của thực dân Pháp (tôi viết câu thơ này trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc). Tuy nhiên, ông sớm tham gia cách mạng (1930), trải qua hai lần tù tại Côn Đảo, 1931-1936 và 1940-1945…

 

(3) Xem: Bộ Ngoại giao Nước CHXHCN. Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua”, Nxb. Sự Thật, 10-1979.

 

(4) Ông bắt đầu ngã bệnh vào năm 1982.