Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN XUÂN DIỆN PHỎNG VẤN CHUYÊN GIA VỀ ĐỊA CHẤT VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC BÔ XÍT TÂY NGUYÊN

Nguyễn Xuân Diện
Thứ hai ngày 1 tháng 11 năm 2010 6:24 AM

16h50 ngày 31 tháng 10 năm 2010.

Nguyễn Xuân Diện - Blog có cuộc phỏng vấn đối với Ông Tạ Việt Dũng- nguyên Vụ phó Vụ Khoa học Kỹ thuật Địa chất, Tổng Cục Mỏ Địa chất Việt Nam. Ông Dũng phụ trách công việc tìm kiếm, thăm dò khoáng sản từ năm 1981 đến 1995.
Ông là người phụ trách công việc tìm kiếm mỏ Đồng và Vàng tại mỏ Sin Quyền, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ 1961 - 1975. Từ năm 1975 đến 1980, ông là Phó Liên đoàn Địa chất III Tây Bắc.

PV diễn ra tại nhà riêng của Ông Tạ Việt Dũng (75 tuổi) ở khu Tập thể Vật lý địa chất, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
 
NXD: Xin chào Ông Tạ Việt Dũng. Xin chân thành cảm ơn Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện chiều nay, về một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Đó là vấn đề các dự án khai thác Bô xít Tây Nguyên.
 
Trước hết xin ông cho biết, bauxite là chất gì và nó dùng để làm gì? Và trữ lượng của nó ở VN nói chung, Tây Nguyên nói riêng ra sao?
 
TVD: Bauxite là một loại quặng chứa Nhôm và nó là loại quặng chủ yếu để luyện Nhôm. Quặng để thu hồi Nhôm chính là bauxite.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam được các chuyên gia trong phe XHCN đánh giá là nơi có tiềm năng trữ lượng bô-xít rất lớn, do diện tích đá bazan phân bố rộng ở Tây Nguyên.
Trên thế giới, kiểu mỏ như Tây Nguyên thì các nhà khoa học đánh giá có 3 vùng có trữ lượng Bô xít lớn là: Úc, Bra-xin và Tây Nguyên của Việt Nam.
Ngoài ra Hungary cũng có loại quặng này nhưng trữ lượng ít hơn, nhưng họ có truyền thống và có đội ngũ chuyên gia về công nghệ Nhôm (địa chất, thăm dò, khai thác, tuyển - luyện) rất giỏi có thể nói là đứng đầu phe XHCN lúc ấy. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên về sự cố vừa rồi xảy ra ở Hungary.
NXD: Thưa Ông, việc phát hiện ra trữ lượng Bô xít ở Tây Nguyên là từ bao giờ? Và đã có những cuộc thăm dò như thế nào trước đây ạ?
TVD: Trước năm 1963, các nhà địa chất Pháp đã nghiên cứu đá bazan ở Tây Nguyên. Từ năm 1964 đến năm 1974 người Pháp đã xác nhận có bô xít ở cao nguyên M-Nông. Năm 1974 chuyên gia J.P Borange (Viện Địa chất Luân Đôn) đã nghiên cứu và đánh giá bô xít có triển vọng ở M-Nông và Di Linh.
Sau năm 1975, các nhà địa chất ở VN đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá về quặng bô xít ở Tây Nguyên. Và vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước thì Liên Đoàn Địa chất 6 đã tiến hành công tác tìm kiếm và thăm dò, đánh giá trữ lượng bô xít ở toàn bộ Tây Nguyên. Công tác thăm dò và nghiên cứu phẩm chất quặng thì được chuyên gia Liên Xô giúp đỡ. Khi thấy trữ lượng quặng tốt như vậy thì các tập thể chuyên gia lập luận chứng kinh tế khai thác của khối SEB đến làm việc ở Tây Nguyên.
NXD: Thưa ông, nhận định của các chuyên gia khối SEB là như thế nào?
Kết luận chung của các chuyên gia khối SEB chưa đánh giá được hiệu quả cuối cùng, tức là khai thác có hiệu quả hay không. Hiệu quả ở đây là hiệu quả tổng hợp:
1. Về kinh tế: giá thành một tấn kim loại Nhôm. Trong đó chi phí trong công trường và ngoài công trường như: Xây dựng Thủy điện để lấy điện cho luyện kim - vì luyện kim rất tốn điện; Xây dựng hồ chứa nước cho tuyển rửa - vì lượng nước cho tuyển quặng là rất lớn; Chi phí cho việc xây dựng một hệ thống đường sắt để vận chuyển kim loại Nhôm thành phẩm là rất lớn.
2. Chi phí cho việc hoàn thổ để trả lại cho môi trường như ban đầu chưa tính được phương án tối ưu.
3. So sánh hiệu quả việc khai thác bô xít với lợi ích trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, điều và cây ăn quả).
Tại thời điểm đó, các chuyên gia khối SEB cứ nghĩ bùn đỏ sẽ để lại để sau này có thể thu hồi thêm các kim loại ở trong đó nữa.
Khi đó chưa ai hình dung nổi bùn đỏ (chất thải sau tuyển quặng) sẽ diễn biến như thế nào! Thảm họa bùn đỏ do các nguyên nhân khách quan - như: tai biến địa chất (động đất, đứt gãy, sụt lún địa tầng), biến đổi khí hậu (lũ lụt) - và nguyên nhân do con người là không thể lường trước được. Lúc đó (và đến cả bây giờ nữa) chưa hình dung được hiểm họa khi bùn đỏ tràn ra, đối với vùng thấp, đối với hệ thống sông ngòi đặc biệt là đối với các cụm dân cư dày đặc ở vùng hạ lưu.
NXD: Vậy trong tình hình phát triển kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta hiện nay thì có nên tiếp tục dự án khai thác bô xít Tây Nguyên hay không?
TVD: Trong tình hình hiện nay là chưa nên khai thác bô xít Tây Nguyên, vì:
1. Đội ngũ chuyên gia khai thác và tuyển - luyện quặng bô xít của Việt Nam chưa hình thành. Vì khai thác, tuyển luyện bô xít Việt Nam chưa từng làm.
2. Các nghiên cứu, thí nghiệm và xử lý những vấn đề có liên quan đến quá trình tuyển luyện bô xít hiện nay chưa có.
3. Các nhà tổ chức và quản lý chu trình từ thăm dò, khai thác, tuyển - luyện bô xít của ta chưa có.
4. Hiệu quả giữa khai thác bô xít so với hiệu quả phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp thì khai thác bô xít là chưa thể sánh được.
Vì thế, chúng ta hãy coi trữ lượng bô xít Tây Nguyên giàu có là của để dành cho con cháu đời sau.
Một quốc gia có tài nguyên giàu có là PHÚC của tổ tiên để lại. Nếu không làm chủ được về tổ chức, quản lý, khoa học kỹ thuật khai thác và tuyển luyện và bảo vệ môi trường thì khác nào chuyển PHÚC thành HỌA. Tai họa khôn lường!
NXD: Xin cảm ơn Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện hôm nay! Kính chúc Ông luôn dồi dào sức khỏe!

18h03, ngày 31.10.2010.
Nguyễn Xuân Diện phỏng vấn và post bài tại nhà riêng Ông Tạ Việt Dũng.