Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁT LẦM - NỖI NIỀM VĂN ĐẮC

Lê Bá Thự
Thứ tư ngày 26 tháng 10 năm 2022 2:05 PM




Tháng 10 năm 2018 Văn Đắc tặng tôi tập thơ Một mình với Cỏ Thi, anh sai con trai mang tập thơ đến tận nhà tặng tôi. Mới rồi, ngày 19 tháng 5 năm 2022, anh thân chinh ra Hà Nội, dến nhà tôi ở phố Hào Nam, tặng tôi tập thơ Cát lầm. Bây giờ thì tôi có thể khẳng định, tôi thật sự có cơ duyên với Văn Đắc, khi tôi là người đầu tiên được Văn Đắc tặng cả hai tập thơ quý giá này.

Trong tập thơ Một mình với Cỏ Thi Văn Đắc chủ yếu viết về làng, về quê Thanh. Tôi đếm có đến 20 bài thơ viết về biển, về làng biển. Chẳng hạn: Nơi sông ra biển, Làng biển, Đi kheo, Bữa cơm người lấn biển, Lời của biển, Về cửa sông, Lời cây buồm, Ra biển, Biển và bờ, Trên cát, Hoa xương rồng biển, Cát, Thiếu nữ hát trước biển, Chuyện làng chài, Về làng, Phố biển, Một lần biển vv…

Tình cảm quê hương của anh bắt nguồn từ Làng Triều, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi từ đó mẹ anh đã đặt anh vào một đầu gánh đưa anh đi tản cư, chạy giặc. Anh khoe với tôi, bài thơ đầu tiên anh sáng tác chính là Bài thơ quê hương, bài thơ anh viết về làng Triều, thắm đẫm hồn quê, tình quê: Hạ buồm xuống/ Kéo trăng lên đỉnh cột/ Neo làng ta vào chân sóng vỗ/ Viết bài thơ cho buổi mai lên. Chỉ bằng mấy câu thơ rút ruột nhà thơ đã khắc họa được bức tranh đẹp, sống động về Làng Triều, một làng quê vùng biển, nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn - Thương làng đỏ xọng gai tre/ Cát bỏng rộp cả mùa hè dưới chân/ Cửa sông lắm lạch nhiều sò/ Áo tơi, nón rách đi mò ốc cua…. Làng Triều là làng biển, cát biển là đất làng, ngủ dậy là đạp chân lên cát, hồn làng ẩn chứa trong cát làng: Cát lặng im dưới chân người/ Vốc lên nghe vẳng tiếng cười làng ta. Hoặc: Làng ta cát nổi cát chìm/ Long lanh như mắt cát nhìn vào ta.


Tháng 10 năm 2018 Văn Đắc tặng tôi tập thơ Một mình với Cỏ Thi, anh sai con trai mang tập thơ đến tận nhà tặng tôi. Mới rồi, ngày 19 tháng 5 năm 2022, anh thân chinh ra Hà Nội, dến nhà tôi ở phố Hào Nam, tặng tôi tập thơ Cát lầm. Bây giờ thì tôi có thể khẳng định, tôi thật sự có cơ duyên với Văn Đắc, khi tôi là người đầu tiên được Văn Đắc tặng cả hai tập thơ quý giá này.

Trong tập thơ Một mình với Cỏ Thi Văn Đắc chủ yếu viết về làng, về quê Thanh. Tôi đếm có đến 20 bài thơ viết về biển, về làng biển. Chẳng hạn: Nơi sông ra biển, Làng biển, Đi kheo, Bữa cơm người lấn biển, Lời của biển, Về cửa sông, Lời cây buồm, Ra biển, Biển và bờ, Trên cát, Hoa xương rồng biển, Cát, Thiếu nữ hát trước biển, Chuyện làng chài, Về làng, Phố biển, Một lần biển vv…

Tình cảm quê hương của anh bắt nguồn từ Làng Triều, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi từ đó mẹ anh đã đặt anh vào một đầu gánh đưa anh đi tản cư, chạy giặc. Anh khoe với tôi, bài thơ đầu tiên anh sáng tác chính là Bài thơ quê hương, bài thơ anh viết về làng Triều, thắm đẫm hồn quê, tình quê: Hạ buồm xuống/ Kéo trăng lên đỉnh cột/ Neo làng ta vào chân sóng vỗ/ Viết bài thơ cho buổi mai lên. Chỉ bằng mấy câu thơ rút ruột nhà thơ đã khắc họa được bức tranh đẹp, sống động về Làng Triều, một làng quê vùng biển, nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn - Thương làng đỏ xọng gai tre/ Cát bỏng rộp cả mùa hè dưới chân/ Cửa sông lắm lạch nhiều sò/ Áo tơi, nón rách đi mò ốc cua…. Làng Triều là làng biển, cát biển là đất làng, ngủ dậy là đạp chân lên cát, hồn làng ẩn chứa trong cát làng: Cát lặng im dưới chân người/ Vốc lên nghe vẳng tiếng cười làng ta. Hoặc: Làng ta cát nổi cát chìm/ Long lanh như mắt cát nhìn vào ta.

Có thể khẳng định, hầu như toàn bộ sáng tác của Văn Đắc, dù là thơ, dù là trường ca, dù là ký đều nặng tình quê hương; hồn cốt xứ Thanh, hồn làng hiện lên trong từng câu, từng chữ, kể cả trong thơ tình. Văn Đắc là nhà thơ luôn luôn thủy chung với quê hương mình, luôn luôn “bám trụ” quê hương, có thể nói Văn Đắc “Thanh Hóa đến từng mi li mét”. Đến nỗi anh còn có hẳn một tập thơ với tiêu đề nghe như một lời tuyên bố: “Tôi nói, tôi người Thanh Hóa”.

Tôi háo hức đọc liền một mạch tập thơ Cát lầm, đọc xong tôi ngồi suy ngẫm hồi lâu và rút ra kết luận: Cát lầm chính là nỗi niềm của Văn Đắc với quê hương, với bạn bè, với con cái, với thi ca, với đời và với chính mình. Cái “nỗi niềm” của nhà thơ ở tuổi 80 giờ đây sâu lắng hơn, đằm thắm hơn, cho thấy Văn Đắc quả là một nhà thơ uyên thâm, giàu trải nghiệm, không ngừng dịch chuyển, nhưng bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào anh luôn luôn vẫn là mình, vẫn đậm bản sắc xứ Thanh, khẳng định lời anh nói: Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên.

Làng Triều, nơi Văn Đắc sinh ra và lớn lên, là làng biển. Đã là làng biển thì đương nhiên tọa lạc trên cát: Làng ta/ Leo đeo bên mép nước cửa sông/ Biển là sân chơi mạo hiểm/ Nhà trên cát/ Hàng năm, hàng đời thay đổi/ Thay đổi mãi mà không chịu mới...( Làng ta).Thay đổi mà không chịu mới ư? Đây chính là nỗi niềm của Văn Đắc. Nỗi niềm của nhà thơ còn thẳm sâu hơn thế trong bài Làng con gái: Có nàng bỏ chồng theo trai/ Kéo nhau về làm rể/ Có nàng luống tuổi không lấy chồng, có con/ Rủ nhau ra cồn cát/ Túm tụm thành làng con gái/ Cồn cát đẻ ra cồn cát/ Nhà ấp mái đẻ ra mái thấp mái cao...Những cồn cát, nơi chất chồng hàng tỷ tỷ hạt cát vô tri vô giác lại là nơi làm điểm tựa cho số phận những con người.

Làng biển đã đổi thay, con hồ từng bao đời gắn bó với người làng biển bây giờ chẳng còn nữa: Nơi ấy mọc lên một đô thị chạm trời/ Con hồ chết cho phố mở sòng bạ... thuốc lắc.../ Khoác tay xe ôm, taxi, cần cẩu... sống và say và ngủ... (Nơi ấy). Cảnh làng nhộn nhịp, xô bồ, thậm chí thác loạn, sau khi con hồ bị giết chết chẳng phải là nỗi mừng mà là nỗi buồn của dân làng, là nỗi niềm, là trăn trở của nhà thơ.

Văn Đắc kể: Tôi có thằng bạn cùng làng/ Hồi nhỏ hai đứa thường rủ nhau quyét lá phi lao, đào cát, đắp cát thành núi non, nhà cửa/ Lớn lên mỗi đứa một nơi, xa nhau biền biệt/ Bỗng một hôm nó đánh xe mời tôi đến thăm nhà mới/ Ôi, ngôi nhà giống như từ trời rơi xuống trảng cát/ ngúng nguẩy lạ lùng/ Ngôi nhà thả mái nghe tôi đọc thơ trong tiếng đàn ghita của ban...(Nơi ấy). Nỗi niềm của Văn Đắc bữa đó khiến nhà thơ đêm về nằm mơ: Đêm về/ Tôi có một giấc mơ đi trong tiếng đàn như ma ám, đi trên mái nhà cao tầng như đi trên cát. Miên man âm điệu làng tôi tôi... (Nơi ấy). Rốt cuộc, kiểu gì thì Văn Đắc cũng trở về với cát, trở lại với làng xưa. Tại sao lại như vậy, đọc mấy câu thơ dưới đây ta khắc rõ: Thời nhỏ cởi trần/ Chạy trên cát/ Ta lẫn vào với cát/ Bây giờ tóc trắng/ Ngồi trên cát/ Ta lẫn vào với cát/ Mấy bông hoa dừa nước/ Nhìn ta cười tít mắt... (Cát lầm). Văn Đắc đã vẽ bức tranh anh lẫn vào với cát từ hồi nhỏ cởi trần, và cả bây giờ khi tóc trắng. Nhà thơ và cát, cát và nhà thơ lẫn vào nhau, hòa quện với nhau, tựa trong cơn cát lầm. Bức tranh nhà thơ với cát, cùng cát đáng yêu và sống động làm sao. Bức tranh đáng yêu và ngoạn mục này chỉ có ở làng biển mà thôi. Cát và làng, làng và cát, cát làng mình vẫn còn đó, vẫn bất di bất dịch, cho dù làng đã hóa phố: Làng ta hóa phố nằm mơ/ Thật mình mà ngỡ như chưa thật mình/ Đường quê khúc gập khúc ghềnh/ Vốc lên vẫn cát làng mình trắng tinh... (Cát lầm). Đoạn kết của bài thơ Cát lầm chính là nỗi niềm của nhà thơ, là nỗi buồn của kẻ mất làng, dẫu cát làng vẫn còn nguyên vị:

Biết bao nhiêu người lạc vào phố chợ

Tìm không ra làng mắt buồn ngơ ngác

Hai tay đào cát, cát chảy ròng ròng

Vội vàng chạy trong nhớ mong

Câu thơ cũng vội long đong với người

Cát lầm bóng lấp lóa tôi…

(Cát lầm)

Như tôi đã nói ở trên, Cát lầm chính là nỗi niềm của Văn Đắc với quê hương, với làng, với biển, với cát, với đời và với chính mình. Nhưng không phải chỉ có như vậy, tôi nhận ra, trong Cát lầm Văn Đắc còn trải lòng mình đối với Hà Nội. Năm bài thơ anh viết về thủ đô cho thấy điều này: Miên man bờ bãi sông Hồng, Hoa dại trắng trong mơ, Sương mù Hà Nội, Mưa chiều Hà Nội, Hồ Tây. Nỗi lòng Văn Đắc khi chia tay Hà Nội như thế này đây: Thế là ngày mai xa Hà Nội/ Hà Nội cho ta một nét Hồ Tây/ Một nét mắt cười, một bàn tay vẫy/ Trắng đêm Hà Nội gọi sang ngày/ Ở lại nhé, nửa trời quê ngăn ngắt/ Thiếu nữ quên thì ta nhớ một mình/ Bao nhiêu sóng Tây Hồ không ngủ được/ Mây kinh thành từ đó hóa mi cong…

Bài thơ Miên man bờ bãi sông Hồng, Văn Đắc làm tặng hai con, con trai và con dâu Nguyễn Thanh Hải - Vũ Thị Minh Phương, cho ta thấy nhà thơ mãn nguyện khi ông đứng trên tầng cao chung cư Intracom, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, tọa lạc bên tả ngạn sông Hồng, cạnh chân cầu Nhật Tân, ngắm con cầu bây giờ thành nơi ngoạn cảnh của ông.

Tại sao tôi nói Văn Đắc mãn nguyện?

Nguyễn Thanh Hải, con trai của Văn Đắc, là kiến trúc sư xây dựng, hiện đang làm ăn sinh sống tại Hà Nội. Để đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ mình, vợ chồng Nguyễn Thanh Hải đã quyết định mua tặng bố mẹ căn hộ tại chung cư Intracom nói trên, để ông bà có ơi ăn ở đàng hoàng mỗi khi ra Hà Nội với con cháu, để ông bà dưỡng già. Văn Đắc thực sự cảm động, thậm chí bất ngờ, trước nghĩa cử ắp đầy lòng hiếu thảo của các con, điều khiến ông mãn nguyện, mãn nguyện đến độ ông viết: Cười trên mấy chục tầng lầu/ Ném vào thăm thẳm bể dâu đời người/ Thật rồi con ngỡ trò chơi/ Từ cửa bể đến cung trời như không! Miên man bờ bãi sông Hồng/ Con cầu mãi đứng, con đường mãi trôi/ Đông Anh ơi! Tây Hồ ơi!/ Ngả nghiêng dốc chén rượu mời về đâu (Miên man bờ bãi sông Hồng).

Một hôm, ra Hà Nội với con cháu, vợ chồng Văn Đắc mời vợ chồng tôi đến thăm nhà mới. Tôi mang chai rượu cỏ Ba Lan (còn gọi là rượu bò rừng Ba Lan, có người gọi là rượu bò tót Ba Lan) đến tặng bạn tôi, uống mừng nhà mới. Tôi cụng ly rượu cỏ, chúc mừng, Văn Đắc dắt tay tôi, hai thằng cùng nhau ra ban công nhà mới ngoạn cảnh con cầu mãi đứng, con đường mãi trôi. Tôi nhận ra, đôi mắt bạn tôi sáng bừng mãn nguyện.


Hà Nội, tháng 9 năm 2022.