Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỊ LẠC, CỤ LÝ (...) CHƯA TỚI ĐƯỢC THĂNG LONG

Phạm Gia Văn
Thứ sáu ngày 10 tháng 9 năm 2010 10:12 PM
 
Làm một bộ phim cúng cụ (cách gọi dân trong ngành về thể loại phim kỷ niệm các ngày lễ lớn) thiết nghĩ cũng giống như xây một công trình đền đài lưu niệm. Nếu trình độ và điều kiện thiếu thì phải đi thuê (thợ) và nhân công có tay nghề cao hơn ở nước ngoài... thì cũng là chuyện thường tình. Miễn sao đạt được mục tiêu cuối cùng do người đặt hàng yêu cầu là mọi chuyện ổn thoả. Với phim về Lý Công Uẩn để phục vụ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long cũng thế! Khi ta chưa có trường quay cũng như dây truyền công nghệ để làm một phim lịch sử tầm cỡ như thế! Phải đi thuê trường quay, thuê đạo cụ, phục trang... và cả đạo diễn hiện trường (để thực hiện những tiêu chí cho đạo diễn chính đặt hàng) thì cũng chả có vần đề gì phải băn khoăn cả.
Cách đây mấy tháng tôi có tình cờ được xem phần trả lời phỏng vấn của hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng (cố vấn văn hóa của bộ phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long) với Tạp chí Hồn Việt-số 36! Thấy có đoạn như thế này “... trang phục của vua Đinh và vua Lê, họa sỹ Đoàn Thị Tình không vẽ hình rồng nhưng thợ may bảo thiết kế vương phục không thể không có rồng, nếu ta không đồng ý như vậy thì họ không may. Các nhà làm phim nói, họ có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ (trường hợp sáng tạo các mẫu mới không theo truyền thống nữa là chuyện khác). Kết quả, ta thiết kế một đằng nhưng thợ may Trung Quốc vẫn may theo ý họ”. 
 
Ảnh: Phan Hòa (áo vàng) trong vai Hoàng hậu Dương Vân Nga - Nguồn:VnExpress.net

Chỉ đọc mấy dòng như thế tôi đã thấy lạnh hết sống lưng. Vì trước đó mấy hôm trên Tuần Việt Nam Nét có đăng “Giấc mơ hùng vĩ cuả người Trung Quốc” do Tác giả Lưu Minh Phúc (Chuẩn tướng-Giảng viên Đại học Quốc phòng Giải phóng quân Trung Quốc-BBC) nêu ra thì thấy tham vọng bá quyền về văn hóa của người Trung Hoa khá công khai, xin trích: “Trung Quốc thế kỷ XXI phải trở thành TQ vương đạo … Giấc mơ TQ không chỉ là giấc mơ kinh tế, giấc mơ quân sự mà gồm cả giấc mơ văn hoá, với quan điểm: Quốc gia hạng nhất xuất khẩu văn hoá và giá trị; quốc gia hạng hai xuất khẩu công nghệ và quy tắc, quốc gia hạng ba xuất khẩu sản phẩm và sức lao động.” (Trích nguồn:
http://www.tuanvietnam.net/2010-04-05-phai-dieu-hau-tq-nen-xay-dung-quan-su-manh-nhat-the-gioi-).
 

Như vậy rõ ràng đứng đằng sau mấy đám thợ may vô danh tiểu tốt kia phải là những nhà chiến lược văn hóa đầy uy quyền thì họ (thợ may) mới “có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ”. Đó có lẽ là nguyên nhân chính đưa đến kết quả phim về cụ Lý Công Uẩn sắp trình chiếu lại “tràn ngập không khí Trung Hoa” hay “yếu tố Trung Hoa rõ quá” như những người có trách nhiệm trong hội đồng duyệt phim quốc gia đánh giá. (*)
Với con số 200 tỷ của người VN (chưa bàn đến của nhà nước hay tư nhân) đã bỏ ra để làm bộ phim cũng không phải nhỏ (so với nước mình). Nhưng cái mất lớn hơn là đánh mất “cơ hội” ngàn năm một thuở như thế này. Ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm về “chuyện đã rồi” đó?
Có lẽ trăm dâu sẽ đổ đầu tằm, cái anh “tay ngang” có cái tên lạ hoắc Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành kia sẽ nhận “cái rắm của con” thay cho những người có chức có quyền bên trên (ngấm ngầm tiếp tay cho người TQ) để sửa chữa “khuyết điểm” (lược bớt các yếu tố Trung Hoa) được tý nào hay tý ấy... cho qua cái dịp đại lễ ầm ĩ này đi... rồi mọi chuyện sẽ đâu lại đóng đấy! Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”... sẽ vẫn cứ lặp đi lặp lại và mãi mãi trường tồn ở cái xứ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này thôi... 
 
Ảnh: Phạm Tiến Lộc trong vai Lý Công Uẩn. (Ảnh: HH-VNE)

Bị lạc đường mà cụ Lý (bộ phim về Lý Công Uẩn) không đến được Thăng Long vào dịp này thì hy vọng 1000 Năm sau nữa ( dịp kỷ niệm 2000 Năm...), chả nhẽ cụ vẫn cứ lạc đường mãi như vậy hay sao?
Gocomay (
http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=4659)
----------
(*) Bài đăng trên báo Người Lao Động ngày 10/9/2010 (PHIM LÝ CÔNG UẨN - ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG Phim Việt sao lai Trung Hoa? -
http://nld.com.vn/20100909115420104P0C1020/phim-viet-sao-lai-trung-hoa.htm)