Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIVI VÀ NGƯỜI TIVI

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 8 tháng 9 năm 2010 2:11 PM

Do công việc của một nhà báo, lại có hơn mười năm ở vào một vị trí có điều kiện để gặp gỡ nhiều nhân vật thuộc hạng  “cây đa cây đề” của Đài Truyền hình Việt Nam, quen biết nhiều phóng viên gạo cội của Đài lẫn những phóng viên mới toanh, chưa có tên tuổi, nên tôi có được một số hiểu biết về Đài Truyền hình Việt Nam và người của Đài.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đài, tôi được xem một chương trình giao lưu giữa các phóng viên, biên tập viên tên tuổi của Đài với khán giả truyền hình, được thấy trên màn ảnh nhỏ nhiều khuôn mặt quen thuộc, trong đó có những người đã mất. Khỏi nói về những thành tựu của Đài Truyền hình Việt Nam đã đạt được trong 40 năm qua mà trong chương trình kể trên đã tóm lược khá đầy đủ qua các phim phóng sự từng thời kỳ phát triển của Đài.
Với góc nhìn của một nhà báo, bạn đồng nghiệp của nhiều anh, nhiều chị phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền hình, tôi chỉ xin ghi lại một vài kỷ niệm và cảm nhận của mình về “Ti vi và người của Ti vi” trong bài viết này, có thể có người đồng tình và chia sẻ, song tôi tin cũng có người không tán thành với những điều tôi viết ra dưới đây.
Trước hết nói về ti vi.
Theo tôi, việc phát kiến ra ti vi, một phương tiện nghe nhìn hiện đại có lẽ là một trong những phát kiến nên được xem là vĩ đại của loài người, không kém gì sự phát minh ra máy hơi nước đưa loài người bước chân vào thời đại công nghiệp, làm biến đổi hẳn cuộc sống xã hội. Có thể còn nhiều phát minh vĩ đại hơn trong thời đại văn minh hiện nay, mà nhiều người gọi là thời đại hậu công nghiệp, như phát minh ra máy tính và mạng thông tin toàn cầu internet chẳng hạn, nhưng tôi vẫn cứ thấy việc phát minh ra ti vi, đi cùng với nó là nền công nghiệp giải trí nghe nhìn quả thật là vĩ đại.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi lên 10 tuổi được nhìn thấy chiếc loa phát thanh “phát ra tiếng người” tôi cứ tò mò, thắc mắc rồi đi quanh đi quẩn, nhòm nhòm ngó ngó quanh chiếc loa đó để xem người ngồi ở đâu mà nói tiếng rõ thế, lại còn hát hay thế! Mười lăm năm sau, khi lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc ti vi Nép – tuyn, màn hình đen trắng, của Hung-ga-ri, được xem chương trình phát thử nghiệm của Đài Truyền hình Việt Nam mà hình ảnh có lúc “nhảy lên nhảy xuống” tôi không còn cảm giác tò mò, thắc mắc như xưa, không đi quanh chiếc ti vi để tìm xem cái cô đang nói trên ti vi kia có trốn ở trong chiếc ti vi đó không, như ngày 10 tuổi cứ nghĩ thế khi nghe tiếng phát thanh viên qua chiếc loa phát thanh lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy. Nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn cái cảm giác “phục lăn phục lóc” người nào mà tài giỏi đến thế, chế ra được cái đài, cái ti vi làm cho cuộc sống của biết bao con người văn minh hơn, đẹp hơn, vui hơn…
Năm 1980 gia đình tôi chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội, trong số tài sản gọi là có giá trị mang ra có một chiếc ti vi cũ, đen trắng, của Mỹ. Cả khu tập thể của Thông tấn xã Việt Nam ở ngõ Mai Hương, Hà Nội năm ấy chỉ có vài gia đình có ti vi, phần lớn cũng là ti vi đen trắng cũ kỹ từ miền Nam mang ra. Căn nhà cấp 4, rộng 18 m2 của vợ chồng tôi tối nào cũng đông bạn bè đến chơi, chủ yếu là để “xem nhờ ti vi”. Năm 1980 ấy cũng là năm có Đại hội thể thao quốc tế Ô-lem-pic ở Mát-xcơ-va, cái ti vi cũ kỹ, đôi khi “tậm tịt” càng trở nên quý giá và nhà tôi lại càng đông bạn bè đến chơi và xem ti vi hơn. Chẳng đủ ghế cho bạn bè ngồi, nhiều người ngồi bệt xuống đất và ngồi cả lên chiếc giường đôi ọp oẹp của bốn vợ chồng con cái chúng tôi, đến nỗi chiếc giường bị sập, tất cả đổ nhào xuống đất. Kể lại chuyện này mà thấy vui, thấy quý cái ngày còn nghèo cả vật chất và tinh thần nhưng luôn ấm lòng bạn bè biết mấy ấy!
Chiếc ti vi bé nhỏ như thế mà cũng đã lấy biết bao nước mắt mọi người, trong đó có cả nước mắt của tôi. Tôi đã nhiều lần khóc khi xem ti-vi như bao người và dịp 30-4-2005 đã từng khóc tại trường quay S.9 trong buổi ghi hình “Nhà báo -chiến sĩ” kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi kể lại sự hy sinh của đồng chí, đồng nghiệp của mình trong chiến tranh chống Mỹ trước hàng trăm khán giả, trong đó có nhiều khán giả cũng đầm đìa nước mắt cùng tôi. Tôi cũng đã từng hò reo đến khản cả tiếng trước màn ảnh nhỏ khi xem các trận đấu bóng đá quốc tế có đội tuyển Việt Nam tham gia và giành chiến thắng. Nghĩa là chiếc ti vi bé nhỏ đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống bộn bề công việc và cũng không thiếu nỗi buồn và niềm vui suốt mấy chục năm qua. Đối với tôi, chiếc ti vi không chỉ là một sản phẩm vật chất vô tri vô giác, mỗi ngày được sản xuất một đẹp hơn, sang trọng hơn mà nó thực sự là một người bạn, người bạn “không biết ăn, nhưng biết nói”, hàng ngày hiển hiện trong cuộc sống của tôi.
Còn về người của ti vi thì sao?
Người của ti vi gồm những nhà báo, nhà kỹ thuật, nghệ sĩ…làm nghề ở Đài truyền hình. Còn người của ti vi tôi muốn nói ở đây chỉ thu hẹp trong phạm vi là các phóng viên, biên tập viên của nhà Đài. Đối với tôi, họ đều là những người đáng quý, nhiều người trong số họ thật sự tài giỏi, từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên mà tôi quen biết. Tôi đã có bài viết về nhà báo Phạm Khắc Lãm, từng làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời điểm đầy khó khăn, sóng gió. Tôi từng có những chuyến đi công tác cùng nhiều nhà báo tên tuổi của Đài, trong đó có nhà báo đã quá cố Trường Phước, một phóng viên, biên tập viên tài giỏi của Đài mà tôi mới thấy lại hình ảnh của anh trong một phim phóng sự nhân kỷ niệm 40 ngày thành lập Đài vừa qua. Nghĩa là, trong con mắt tôi bao giờ cũng có sự quý trọng những người tài đức đã mang lại nhiều thành quả đáng tự hào của Đài Truyền hình Việt Nam suốt 40 năm qua, nhất là trong những năm đổi mới gần đây.
Song phải nói có hai điều tôi không thể “ngợi ca” khi nói đến “người của ti-vi”. Một nhà báo truyền hình nửa đùa nửa thật nói với tôi rằng: Đài Truyền hình Việt Nam nằm trên đất Giảng Võ nên quanh năm ngày tháng lúc nào cũng có đấu võ! Ngẫm lại điều này quả có phần đúng. Tôi biết trong nhiều năm nay, dưới thời nhiều Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đã diễn ra nhiều cuộc “đấu võ” đã khiến nhiều người sứt đầu mẻ trán, có người phải vào khám, có người phải rũ áo ra đi, đôi lúc ở Đài sôi lên như trong chảo lửa. Mới đây nhất, chuyện Phó Tổng Giám đốc Trần Đăng Tuấn xin “từ quan để làm dân” mà nhiều báo giấy, báo mạng và các trang Web và blog cá nhân đã đưa tin như là một sự kiện, một hiện tượng nổi bật; hay như đài BBC  và nhiều blog cá nhân đưa tin về vụ Văn phòng luật sư Vì dân của luật sư Trần Đình Triển (người nhận bào chữa miễn phí cho hai bị can nữ trong vụ án mua bán dâm ở Hà Giang có dính líu tới ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch tỉnh) có văn bản gửi đến nhiều cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước phản ánh đơn của một người tố cáo ông Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có tiêu cực, là lại thêm một bằng chứng nữa về các sự việc có liên quan ít nhiều đến sự “đấu võ” ở đất Giảng Võ này. Chả biết mọi người ra sao, riêng tôi tự thấy mình nhát, sợ khói lửa và tiếng binh đao nên không muốn xem các cuộc đấu võ ấy!
Điều thứ hai không thể không nói tới “người của ti-vi” ấy là bệnh “tinh vi của ti –vi” mà tôi và có thể nhiều người đã từng gặp. Không phải là phổ biến, nhưng trong làng báo có không ít chuyện nhà báo này, nhà báo nọ ngộ nhận báo chí, mà cụ thể là mình – nhà báo, hiện thân của một thứ quyền lực, quyền lực thứ tư, chẳng kém gì quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, thậm chí có khi còn hơn. Tôi đã từng chứng kiến một chuyện vui nhưng không phải không có ý nghĩa nào đó khi nói đến câu chuyện quyền lực này. Một lần đi công tác cùng mấy nhà báo, trong một cuộc họp khi giới thiệu thành phần tham dự, ông A là Chủ tịch tỉnh, bà B là Vụ trưởng của Bộ C…, đến lượt nhà báo Y ở báo N, anh bạn nhà báo này cười cười tự giới thiệu mình “tương đương lãnh đạo”! Có thể đó chỉ là một lời diễu cợt cái sự giới thiệu chuộng chức tước kia, nhưng việc tự giới thiệu này của anh nhà báo ấy xa xôi cũng nói lên một điều, đó là “nhà báo tương đương lãnh đạo”, nghĩa là nhà báo “cái gì cũng biết”, cũng đầy quyền lực, đâu có kém cạnh ai!
Thế phóng viên “nhà Đài ti-vi” thì sao? Tôi đã từng gặp một vài “phóng viên ti-vi rất tinh vi”, được mời đến đưa tin một buổi lễ hoặc một sự kiện nào đấy của một ngành, một địa phương thì thường đến chậm, vì biết chắc rằng “chưa có phóng viên truyền hình thì chưa thể bắt đầu được”!. Đó là chưa kể có loại phóng viên lúc nào cũng coi mình nhất, các báo, các đài bạn “không là cái đinh rỉ gì”. Rồi còn loại nhà báo 4 v, nghĩa là “phóng viên vòi vĩnh”, chưa làm đã vòi phong bì, hẹn làm việc rồi không đến, phỏng vấn, hẹn phát sóng rồi không phát mà cũng chẳng cần nói lại cho “khổ chủ” một câu… Những phóng viên này đã khiến cho một số người phát sợ và cái câu mà nhiều người truyền miệng: “Ở trên rừng sợ hổ về thành phố sợ báo” không phải chỉ là một câu nói đùa vui, vô thưởng vô phạt đâu! Đó là chưa kể có phóng viên đi với lãnh đạo về, câu cửa miệng nói với bạn bè, đồng nghiệp, kể cả lúc trà dư tửu hậu, đều một điều anh X hai điều anh Y..., nghe mà cứ thấy tóc dựng sau gáy!
 
Vài điều tản mạn về “Ti vi và người của Ti vi” với tấm lòng yêu mến nhà Đài của một người bạn đồng nghiệp và một khán giả trung thành của màn ảnh nhỏ nhân ngày lễ trọng 40 năm thành lập Đài.