Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CUỘC HỘI THẢO

Dậu Tốt
Thứ ba ngày 7 tháng 9 năm 2010 11:22 PM

 
  Trong hội thảo bàn tròn về tăng trưởng kinh tế, mỗi đại biểu đưa ra một kết luận của riêng mình.
    Ông giao thông cho rằng họ tăng trưởng vượt bậc nhờ vốn đi vay làm dự án. Nhờ có dự án mới có cái mà  rút ruột. Những con đường, những chiếc cầu vừa mới làm xong đã lún sụt, nứt toác, đầy ổ gà ổ voi. Thế là lại có điều kiện kiếm thêm nhiều tiền trong việc sửa chữa. Vậy nên, hỏng càng nhanh càng tốt, công nhân mới có công ăn việc làm không bị thất nghiệp và bộ mặt hạ tầng luôn được đổi mới.
  Ông xây dựng cho rằng kinh tế ta  tăng trưởng đến chóng mặt mới có thừa tiền xây dựng những ngôi nhà cao tầng không cần phép tắc để rồi lại… cắt ngọn, phá dỡ đi như trò chơi con trẻ. Những dự án sân gôn, dự án treo… đã nuôi các sếp giàu nứt đố đổ vách, nâng các quý vị ấy lên tầm  cao người hùng thời đại về ăn…đất. Còn nông dân thì không cần ruộng vẫn cứ sống nhăn răng, xem các đại gia đánh gôn cũng đủ sướng mắt!
   Ông chăn nuôi cho rằng nhờ thức ăn có nhiều hoóc-môn tăng trưởng, tăng trọng gây bệnh ung thư giúp ngành này không những bội thu tiền bạc mà còn góp phần … giảm  gia tăng dân số . Do làm ăn phát tài mà có thừa tiền để nhập ốc bươu vàng, hải ly và rùa tai đỏ về để làm thay đổi  “cải tạo” làm phong phú môi trường sinh thái
  Ông giáo dục cho rằng do tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào giáo dục được nâng cao  mà các học trò trình độ lớp dưới lên ngồi lớp trên rất nhiều, tỷ lệ thi đỗ năm sau cao hơn năm trước. Đất nước có nhiều nhân tài đến mức lắm người không học cũng trở thành cử nhân, tiến sĩ, giỏi hơn cả giáo sư Ngô Bảo Châu. Các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, liên két  tùm lum, chất lượng đào tạo ra sao không cần biết. Học sinh giỏi đến mức mỗi kì thi đỗ tới hàng vài chục trường đại học  Cứ cái đà này, tương lai, có thể mỗi xã, thôn , mỗi bản sẽ có một trường đại học to vật vã, đào tạo khoảng 6 tháng một khóa!
Nhiều công ty quốc doanh  thì cho rằng nhờ tăng trưởng nên làm ăn phát tài đến mức muốn vay nợ bao nhiêu vốn cũng được, thua lỗ nặng vẫn được duy trì hoạt  động, lặp lại mô hình  của  Liên Xô ngày xưa là CCCP (Các Chú Cứ Phá)
    Ông văn hoá nói rằng, đi đôi với phát triển cực mạnh của nền kinh tế, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc chính là văn hoá … phong bì! Do đó, văn hoá ứng xử trong quản lý, phổ biến nhất, tuyệt vời nhất, tiến bộ nhất hiện nay vẫn là…“mất bò rồi mới lo làm chuồng”!                                        Còn nhiều ông muốn phát biểu ý kiến nhưng thời gian có hạn nên chủ tọa đành phải xì- tốp và kết luận là tất cả các ý kiến trên đều phiến diện và có phần quá sơ lược. Nếu  để cho mọi người thống kê hết thì e hội thảo kéo dài đến…vô tận! 
DẬU TÔT