Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẢM NGHĨ ĐỌC THƠ DƯƠNG THUẤN CỦA MỘT NGƯỜI XA QUÊ HƯƠNG

Diệu Hường
Thứ bẩy ngày 11 tháng 9 năm 2010 5:36 AM

    (Đọc Tuyển tập thơ Dương Thuấn - NXB Hội Nhà văn 2010)
 

          Tôi được gặp và được làm quen với nhà thơ Dương Thuấn tại Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài vào Tháng Một đầu năm nay (2010). Trong hội thảo chuyên đề về Thơ Ca, tôi được đọc tham luận của anh và biết anh là người dân tộc Tày. Tôi từ Thụy Điển về dự nên gặp anh dường như khách cùng đến tình cờ một bến, thấy anh với giọng nói đậm chất địa phương, ấm áp ngân nga, tôi nghĩ đây là cơ hội trò chuyện với những người mới quen về gặp nhau ở Hà thành. Sau này tôi mới biết anh nói tiếng Kinh ”giỏi” hơn cả người Kinh và thơ anh sáng ngời trong ngôn ngữ Việt.
        Đọc thơ anh, mặc dù đã làm quen với nhiều giọng thơ khác nhau của nhiều nơi trên thế giới, nhưng lần đầu được cảm thụ một giọng thơ mới, phong cách rất riêng, chân thực, trong sáng, làm người xa đất nước lâu ngày như tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống nơi đây quê hương mình sao mà giản dị, đáng yêu, gần gũi với thiên nhiên vô cùng, những điều tôi mong ước bấy nay như được thổ diện qua thơ anh.
      Số lượng sáng tác của Dương Thuấn tập hợp lại thành Bộ Tuyển tập thơ dày vài nghìn trang. Anh viết về quê hương, thơ cho thiếu nhi, thơ tình... Cảm hứng thi sĩ trong anh luôn bao la, ăm ắp, qua các chặng đường thời gian. Đọc những bài đánh giá phê bình về phong cách thơ của anh tôi biết mình dẫu có khen ngợi thơ anh thế nào đi nữa cũng là thừa, điều lý thú nhất cho một độc giả như tôi là ngôn ngữ, hình tượng, ý tứ thơ của anh  thấm đẫm, sâu sắc mà không cần sự khoa trương, phức tạp của thủ thuật ngôn từ. Sự phong phú, đa dạng, gần gũi của thơ anh thể hiện anh là một nhân tài có nhân cách lớn, rất đáng kính trọng. 
          Thơ viết về quê hương của anh với cảm xúc tràn trề bất tận, anh phải yêu quê hương khôn cùng, yêu cả thiên nhiên trời đất, núi non, làng bản, yêu gió, yêu mây, yêu cả từng con trâu, con ngựa, mỗi loài cỏ cây, hoa lá, cá tôm... Những gì gần gũi giản dị nhất của người dân tộc thiểu số vùng cao đi vào thơ thành những bức vẽ sinh động, có âm vang rộn rã. Có lần tôi nghe anh nói về quê hương anh có hồ Ba Bể tuyệt diệu lắm, phải được ngủ ở trong rừng nơi đó mới thấy được cái hấp dẫn hút hồn của một vùng rừng núi hoang sơ. Tôi lắng nghe và tưởng tượng ra cảnh núi non trùng điệp, thiên nhiên lộng lẫy mượt mà, núi non đẹp như một bức tranh mê đắm. Trong bài Buổi sớm Bản Hon của anh:
 Trên khóm mai tiếng gà rừng thôi gáy
Người dắt trâu lộc cộc bước ra chuồng
Tiếng cố́i giã lên mặt sông rộn rịp
Mịt mù trôi đi dòng nước khói sương
             Thơ thiếu nhi có lẽ là bao giờ cũng khó viết hơn cả, đặt mình trong ngôn ngữ, tâm lí của trẻ thơ viết ra những bài thơ ngắn, hồn nhiên, khi đọc người lớn cũng muốn trở lại làm trẻ thơ, giá như ai có con cũng làm thơ và tặng thơ cho con hay như anh đã viết! Thơ anh chắc chắn sẽ khích lệ con đường lựa chọn nghệ thuật thơ ca cho lớp trẻ. Thơ của Dương Thuấn khơi dậy bản thể thuần khiết nhất trong mỗi con người chúng ta, bài Năm mới đến trường anh viết:
Tạm biệt nhà sàn nở xoè bốn mái
Tạm biệt cầu treo bắc qua dòng suối
Tạm biệt đường mòn đi vòng ngoắt ngoéo...
Xuống núi ngày mai vào năm học mới
Bè bạn mừng vui bên đường đang đợi
Náo nức tiếng cười, bận toàn áo mới
Tạm biệt bản làng, tạm biệt núi Hoa...
          Thơ Tình Dương Thuấn giống như những bản tình ca bất tuyệt, anh là một con chim sơn ca có giọng hót trong veo cất lên lảnh lót và vang xa nhất giữa núi rừng. Qua các tập thơ đã đọc, tôi thấy được sự nghiệp sáng tác của anh là một dòng chảy không ngừng, bất tận. Hẳn người nghệ sĩ tài hoa này có một tình yêu vô biên với Cái Đẹp, với tình cảm con người, trữ tình hơn tất cả và đề tài muôn thuở là tình yêu. Cảm hứng của anh để lại trong những bài thơ tự sự không ngừng chảy, dường như cũng là khát vọng chung, tâm tư ẩn náu của muôn người. Nếu ai cũng tài tâm sự như anh với người mình yêu mộc mạc thế này –  trong bài Kể chuyện quê anh.
Em chưa biết quê anh
Có sông Năng men quanh núi biếc
Có hồ Ba Bể nước chảy ngược ra sông
Có Bản Hon nhà sàn bốn mái đẹp như tranh...
Em cũng chưa biết người quê anh
Mỗi lần họ muốn đo ruộng nương rộng hẹp
Không đo bằng mét vuông, cũng không phải bằng sào...
Mà đo bằng bao nhiêu ống đựng hạt giống để tra
Mảnh đất rộng bằng ba ống, bảy ống, vài chục ống...
                                                           * 
                                                        *     *
       Khi đọc thơ Dương Thuấn, tôi thấy hiện lên những bức tranh dân gian, điểm nhấn là làng bản vùng cao, gần gũi thiết tha đối với những người xa xứ như chúng tôi, mà mỗi bận về thăm quê hương chỉ kịp chạy về qua các thành phố lớn. Từ cỏ cây, hoa trái, thảm thực vật muôn sắc màu, làn khói sớm, tiếng suối reo, tiếng kêu của muông thú, hương vị mùi thịt nướng, tiếng hò săn bắn, đến phong tục, tập quán, huyền thoại, truyền thuyết được thể hiện trong thơ anh đều hết sức tự nhiên, hấp dẫn. Nhà thơ Dương Thuấn còn hơn cả họa sĩ, anh tô vẽ được thiên nhiên hùng vĩ đẹp hơn tạo hóa kiến tạo, sông núi ngân vang cùng với nếp sống giản dị, thuần mạc của người dân bản cao.
    Anh là người con của quê hương Bắc Kạn, bà con quê hương anh thực sự tự hào về anh đã làm phục hưng ngôn ngữ Tày và văn học Tày. Trước đây, có không ít người đã nói rằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số sẽ bị mất đi khi mà mọi vấn đề hiện nay đều bị quốc tế hóa, nhưng anh đã chứng minh ngược lại, bằng cách qua tác phẩm văn học của mình đem đến cho ngôn ngữ Tày sức sống mới, bất tử, vượt qua mọi thời gian. Bộ tuyển tập sáng tác bằng song ngữ đồ sộ của anh không chỉ là trường hợp hiếm có đối với văn học trong nước mà cả văn học thế giới cũng rất hiếm.
     Được trò chuyện với nhà thơ Dương Thuấn về thơ ca, sách báo, giảng dạy, truyền nghề cho lớp trẻ, tôi cảm kích về niềm hăng say nghề nghiệp, yêu mến và sự ưu ái của anh dành cho thế hệ tương lai, tầm nhìn về giáo dục, truyền bá tri thức, tôn cao thêm văn hoá của quê hương mình, anh quả là người giàu tâm hồn nghệ sĩ với đầy đủ trách nhiệm xã hội.
     Việc ra mắt bộ ba Tuyển tập Dương Thuấn vào mùa thu 2010, là bằng chứng của lao động đạt đỉnh cao sáng tạo, là sản phẩm nghệ thuật quý báu mà anh dành cho độc giả trong nước và hải ngoại.
    Tôi may mắn đã được đọc thơ của nhà thơ Dương Thuấn, cảm ơn anh đã kéo sát chúng tôi về với quê hương Việt Nam, ngôn ngữ, ký ức tuổi thơ và cội nguồn. 
Stockholm 9-2010
D.H.M